Đến lúc thay áo mới cho du lịch

Du khách quốc tế đến Việt Nam năm 2017 đạt gần 13 triệu. Ảnh:Bảo Hân.
Du khách quốc tế đến Việt Nam năm 2017 đạt gần 13 triệu. Ảnh:Bảo Hân.
TP - Các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế và du lịch đánh giá du lịch Việt Nam phát triển chưa xứng tiềm năng, đề xuất nhiều giải pháp tại hội thảo “Những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu ngành Du lịch”, ngày 22/12.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhận xét: mặc dù du lịch Việt Nam đạt được một số thành tựu, nhưng còn nhiều vấn đề cần khắc phục, nhất là để đạt được 12% đóng góp cho GDP vào năm 2030 như Chính phủ giao nhiệm vụ. Việc thực hiện cơ cấu lại ngành là một trong tám nhiệm vụ trọng tâm Chính phủ đề ra trong Chương trình Hành động thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch là kinh tế mũi nhọn.

Lãnh đạo ngành du lịch nhắc tới sáu vấn đề đặt ra trong tái cấu trúc ngành: Cơ cấu lại nguồn lực, vốn đầu tư phát triển du lịch; điều chỉnh phát triển sản phẩm du lịch; định hướng thị trường du lịch; cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch; cơ cấu lại nguồn nhân lực du lịch; cơ cấu lại về tổ chức, quản lý ngành du lịch.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng phải đẩy mạnh tính sáng tạo giống như “trồng lúa trên sa mạc”. Nói về sản phẩm du lịch, ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam kể khi đến Mỹ ông bỏ thời gian xem bảo tàng đường sắt, bảo tàng xay xát.

“Chúng ta có một số bảo tàng về chiến tranh nhưng nói chung thiếu sản phẩm du lịch mang tính sáng tạo”, ông Nam nói. Ông cũng nhắc tới việc cần “mở cửa bầu trời” để tăng tính cạnh tranh, mở cơ hội đón khách du lịch quốc tế. Nhắc tới vấn đề quy hoạch Sơn Trà, ông Nam đặt vấn đề cần có bộ tiêu chí để xác định phát triển bền vững chứ không phải chỉ bảo tồn mà không phát triển. Ông cũng đề nghị nên tách ra thành lập Bộ Du lịch để tương xứng với các hoạt động của ngành.

“Đến lúc thay áo mới cho ngành du lịch”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch nói. Ông cho rằng điều quan trọng nhất là tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp, bởi xương sống khỏe mạnh du lịch mới phát triển được.

“Chúng ta có hơn 30 nghìn doanh nghiệp du lịch, nhưng 90% là vừa và nhỏ, thậm chí rất nhỏ nên không tiến xa được bởi vì người kéo lên, người kéo xuống”, ông Bình nói. Doanh nghiệp lớn, rất lớn về du lịch theo lãnh đạo Hiệp hội phải có vai trò chủ đạo để thu hút khách quốc tế, điều mà các doanh nghiệp nhỏ khó làm được.

MỚI - NÓNG