'Đi', với người Việt

'Đi', với người Việt
TP - Quanh chuyện đi, hàng loạt câu hỏi có thể và cần phải được đặt ra: Đi đâu? Đi để làm gì? Đi như thế nào? v.v và v.v… Những câu hỏi tưởng chừng đơn giản, xem ra lại không dễ trả lời.

Từ xa xưa, ông bà cụ kỵ người Việt Nam chúng ta đã nói không ít lần, đã dạy thì đúng hơn, cho con cháu, về cái chuyện gọi là “đi”:

“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.

“Đi cho biết đó biết đây/ Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn” v.v…

Và nếu người viết bài này không nhầm, thì hình như chính K. Marx, cha đẻ của lý thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học, cũng đã công nhận đi như là một trong những nhu cầu cơ bản của mọi con người ở mọi nơi và mọi lúc (bao gồm: ăn, mặc, ở, đi lại, nói năng, và “tái sản xuất ra bản thân đời sống”). Nói như vậy để thấy, từ sự hiểu biết thấm đẫm tính chất chủ nghĩa kinh nghiệm của dân gian cho đến tầng nhận thức triết học trừu tượng và tư biện hóa, thì cái sự đi vẫn luôn được hình dung như một điều gì đó thật quan trọng đối với con người, không thể thiếu trong đời sống của con người. Thế nhưng, quanh chuyện đi, hàng loạt câu hỏi có thể và cần phải được đặt ra: Đi đâu? Đi để làm gì? Đi như thế nào? v.v và v.v… Những câu hỏi tưởng chừng đơn giản, xem ra lại không dễ trả lời, ít nhất là đối với tôi. Tôi không tin mình sẽ tìm ra những đáp án đúng. Nhưng biết đâu đấy, hy vọng rằng “phép thử sai” (chữ quen dùng của triết gia K. Popper) khi tìm hiểu về chuyện đi của người Việt sẽ hé lộ phần nào những phương diện đáng lưu ý trong đời sống và trong ứng xử văn hóa của chính người Việt, xưa cũng như nay.

Hãy trở lại với folklore cái đã. Câu tục ngữ và câu ca dao được dẫn ở ngay đầu bài viết, không cách nào hiểu khác đi được, chính là nói về tính mục đích của việc đi: Đi, là để rời khỏi nơi chốn quen thuộc, và có thể là nơi chốn vốn rất an toàn nữa. Đi, là để tiếp xúc - va chạm - trải nghiệm với những nơi chốn mới, công việc mới, con người mới, không gian văn hóa xã hội mới… những cái mới ấy có thể rất thú vị nhưng cũng có thể tiềm tàng đầy sự bất an, thậm chí nguy hiểm. Dù sao chăng nữa thì vẫn nên đi, vì đó là một trong những phương cách tốt nhất để con người trở thành từng trải hơn, hiểu biết hơn. “Khôn lên”, theo cách nói của “các cụ”. Nhưng người viết cũng xin mạn phép mà rằng: chớ có tin “các cụ” vội! Lối tư duy với đặc trưng mềm và biên độ co giãn cực cao, như nó được biểu hiện rất rõ trong tục ngữ ca dao Việt Nam, luôn giúp “các cụ” biết khôn ngoan một cách lấp lửng và hiếm khi để mình bị rơi vào sự cực đoan. Khuyên người ta đi đấy, nhưng cũng kịp “đe” ngay: “Sảy nhà ra thất nghiệp”, “Ở nhà nhất mẹ nhì con/ Ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta”, “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” v.v và v.v… Nói cách khác, lời khuyên ở đây lại là: đừng dại mà đi, đi có khi chỉ tổ chuốc vạ vào thân! Theo cảm nhận chủ quan của tôi, hình như với cái sự đi của “con cháu”, thì quan niệm sau, lời khuyên sau của “các cụ” mới thực sự đóng vai trò là lực hút trọng tâm.

Không đâu xa, cứ nhìn ngay vào khối lượng thi tập đồ sộ cả Hán lẫn Nôm mà các nhà thơ Việt Nam thời cổ trung đại để lại cho đến nay sẽ thấy ngay: Hầu như ở thi tập nào cũng có những bài, thậm chí rất nhiều bài là đằng khác, mang tâm trạng của kẻ nhớ quê nhớ nhà. Xét cho cùng thì nỗi nhớ quê hương bản quán, nhớ gia đình người thân, nhớ cái nơi chốn thân thuộc ấm áp mà từ đó mình ra đi, đó là một tình cảm nhân tính phổ quát, một thứ “tình cảm tốt”, chắc chắn thế. Và trên thực tế, thơ Việt Nam thời cổ trung đại đã xuất hiện không ít bài thật hay, bằng và với thứ tình cảm này. Nhưng mặt khác, nó cũng chính là một trong những bằng chứng của tâm lý “sợ” đi. Mà nào có đi đâu xa. Trừ vài ba trường hợp các ông quan phải đi sứ Bắc quốc xa tít mù thì không nói, còn lại đại bộ phận chỉ là những sự di chuyển loanh quanh từ tỉnh này tới tỉnh khác, từ làng nọ sang làng kia. Để trấn nhậm, để dạy học, để bốc thuốc, để xem phong thủy, để thăm bạn v.v… Thế mà đã vội nhớ nhà, và nhớ rõ là nhiều! Cái sự nhớ ấy - tôi nhấn mạnh: một biến thể của tâm lý sợ đi - đã trở nên “lạm phát” tới mức mà về sau này, giữa thế kỷ XIX, một nhà Nho ít nhiều có tư tưởng cấp tiến, “nổi loạn”, và cũng là một trong số ít người thời đó đã kịp biết mặt “trời Tây” - Chu Thần Cao Bá Quát - buộc phải lên tiếng chế giễu: “Đầu thôn tạm biệt đã hát câu chén rượu Dương quan, xóm cạnh qua chơi đã ngâm câu tiếng gà điếm cỏ”. Kế đến thời Tây sang, trong văn thơ mới bằng chữ quốc ngữ của người Việt Nam thì tình hình cũng không khác trước là mấy. Quán tính văn hóa vẫn đầy sức mạnh. Rất hiếm văn nghệ sỹ Việt Nam thời ấy - cho dẫu đã được “Tây hóa” ít nhiều - dám đi, thích đi, say đắm với sự đi và có triết lý về sự đi như Nguyễn Tuân hay Hoàng Lập Ngôn. “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/ Nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà”, câu thơ đầy tính chất tự giễu này nói lên quá đủ cho tâm lý sợ đi, hay ít ra là ngại đi ấy, dù thời thế lúc ấy đã có phần rất khác trước.

Theo chủ quan của tôi, trong cái tạm gọi là hằng số tâm lý, người Việt sợ đi biển còn hơn sợ đi rừng. Bằng chứng ư? Không nhiều quốc gia trên thế giới có tới trên ba nghìn hai trăm cây số biển như Việt Nam. Nhưng trong lịch sử dài dằng dặc của đất nước, chưa bao giờ chúng ta là, hoặc được coi là một quốc gia biển đúng nghĩa. Bởi lẽ, trong lịch sử (tôi nhấn mạnh hai chữ “lịch sử”) chưa bao giờ chúng ta xây dựng được những đội thương thuyền mạnh mẽ, đủ sức vượt đại dương để đến những bến lạ bờ xa mà buôn bán với người, và những đội hải thuyền đủ sức đương đầu với quân đội biển của các quốc gia khác. (Những hình ảnh về đội hải thuyền của quân Tây Sơn do nhà nghiên cứu lịch sử Tạ Chí Đại Trường cung cấp cho ta thấy thủy quân Việt Nam thời ấy được trang bị mới sơ sài làm sao). Chưa bao giờ trong lịch sử của chúng ta có mẫu hình nhân vật nhà hàng hải, nhà thám hiểm đại dương táo bạo, gan lỳ và dám xông pha trên biển như Colombus. (Nên nhớ rằng, trong quan điểm của K. Marx, “tên cướp biển phiêu lưu” kiểu như Colombus chính là một trong ba loại nhân vật quan trọng kiến tạo nên chủ nghĩa tư bản - hai nhân vật còn lại là nhà công nghiệp và nhà buôn tiền - tức là làm thay đổi bộ mặt của thế giới. Nói thêm một chút về mẫu hình nhân vật “tên cướp biển phiêu lưu”, đó là kiểu nhân vật nhiều trong một: là nhà hàng hải, nhà thám hiểm, nhà khoa học, nhà buôn, và sẵn sàng là kẻ cướp trên biển nếu có cơ hội!). Về phương diện sáng tạo khoa học công nghệ để làm chủ và khai thác nguồn tài nguyên phong phú vô tận của biển, tôi chắc rằng sự đóng góp của người Việt cũng chẳng có bao nhiêu. Đến như thế, có lẽ phải chăng vì từ trong thâm căn cố đế, chúng ta vốn sợ biển, và sợ đi? Trong khi đó, hãy thử nhìn lại sự phồn thịnh của các thành bang Hy Lạp thời cổ đại, thử nhìn lại sự trỗi dậy mạnh mẽ và đầy “xấc xược” từ thế kỷ XIV - XV của các quốc gia “bé tý” như Hà Lan hay Bồ Đào Nha, chẳng hạn: Được như vậy là vì họ có biển, họ biết tận dụng lợi thế biển. Và quan trọng hơn, họ không sợ đi biển, thậm chí họ sung sướng được đương đầu với những thử thách khốc liệt của đại dương để tìm ra sức mạnh của chính mình.

Ở thời này, thời của toàn cầu hóa, thời phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, cái sự đi của người Việt đã khác nhiều, nhưng vì thế mà cũng nảy ra nhiều điều đáng ngẫm. Hầu như quốc gia nào trên thế giới cũng có người Việt, thậm chí là cộng đồng người Việt. Họ đi với nhiều mục đích: đi công tác, học tập, đi làm ăn sinh sống và lập nghiệp, đi du lịch v.v… Nghĩa là với chúng ta bây giờ, thế giới đã rộng hơn rất nhiều so với thế giới của cha ông ta trước kia. Nhưng có thật là rộng hơn không, từ trong bản chất của nhận thức? Không ít người đã lên tiếng về căn bệnh “ghetto hóa” của nhiều cộng đồng người Việt đang sinh sống ở  nước ngoài: co cụm lại, không hòa nhập nổi với dòng chủ lưu của đời sống xã hội của nước sở tại. Một nghịch lý: họ sống ở Tây như ta, nhưng về ta thì lại sống… như Tây. Với bộ phận cán bộ được cử đi công tác hoặc những người đủ giàu để có thể đi du lịch nước ngoài - thậm chí đi rất nhiều nước - thì sao? Một hiện tượng phổ biến, hoặc đang có cơ trở nên phổ biến: họ đi mà như không/ chưa đi! Bởi lẽ, một trong những mục đích chính của cái sự đi ấy, chỉ là để chụp ảnh và mua sắm, để khoe với kẻ “ở nhà” rằng ta đã đi nước này nước kia mà thôi. Chụp ảnh và mua sắm. Không viện bảo tàng nghệ thuật, không nhà hát, không di tích hoặc phế tích lịch sử - văn hóa. Không là không. Ông quan chức nọ không cần vào thăm cung điện Louvre, chỉ cần đứng ở tiền sảnh, bảo người tháp tùng giơ máy chụp “tách” cho một cái, thế là xong, coi như đã đến Louvre. Bà nhà giàu kia mất gần hết thời gian du lịch để chôn chân trước cửa hàng Louis Vuiton hoặc Hermes, mua cho được vài món đồ trong collection mới nhất mà mấy hãng thời trang danh tiếng này thông báo rằng chỉ có một trăm chiếc. Với bà, điện Pantheon chẳng đáng vào, chẳng qua đó chỉ là nơi quàn xác chết của mấy ông nghệ sỹ dở hơi nào đó từ xửa từ xưa mà thôi. (Tương tự như vậy, Vạn lý trường thành sẽ chỉ là một bức thành bằng đất và đá và dài một cách kỳ quặc, Bàn môn điếm sẽ chỉ là một bãi đất hoang vu và lạnh lẽo v.v…). Đi như thế, rõ ràng là được đến những chỗ mới, được nhìn thấy vô số cái mới, nhưng nói như nhà Phật: “Thị nhi bất kiến” - nhìn nhưng không thấy. Nghĩa là có đi mà như không, kiến văn văn hóa của người đi chẳng nở ra được chút nào, dù là chiều dọc hay bề ngang. Tôi đã nhiều lần tự nghĩ về chuyện này, và chợt nhận ra rằng có lẽ cái lý thuyết tiếp nhận trong nghiên cứu văn học của H.Jauss có thể áp dụng được ở đây: Khi “tầm đón đợi” của người đọc ở mức quá thấp, thì “khoảng cách mỹ học” giữa anh ta và tác phẩm là không thể san lấp được. Hình như ở đây tồn tại một chân lý: Để biết đi, phải biết đứng và biết nhìn cái đã.

Cái sự đi như vừa nói ở trên, chính là như thế. May thay, chẳng phải tất cả người Việt Nam chúng ta đều đi theo cách như thế. 

 
MỚI - NÓNG