Đỏ mắt tìm người viết kịch bản tuồng

Một trích đoạn tuồng do nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn. Ảnh: T.T.
Một trích đoạn tuồng do nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn. Ảnh: T.T.
TP - Đó là thực trạng đang diễn ra tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng). Mỗi lần dựng vở, nhà hát phải chạy đôn chạy đáo tìm nguồn kịch bản nhưng vẫn khó đáp ứng được nhu cầu ngày một đa dạng của khán giả.

Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng cho hay, để dựng vở, nhà hát phải liên hệ đặt hàng với các tác giả ở tỉnh khác. Bởi tại Đà Nẵng giờ đây tìm người viết kịch bản tuồng như “mò kim đáy bể”. Cũng có khi từ các trại sáng tác do Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội Nghệ sĩ sân khấu tổ chức, tác phẩm nào được hội đồng thẩm định nhất trí, nhà hát sẽ đặt vấn đề với tác giả xin dàn dựng vở đó. Thêm một cách nữa là chọn vở tốt, kịch bản tốt ở các thể loại khác đem về chuyển thể.

“May mắn là còn có kho tàng kịch bản cũ nhiều và đặc sắc, nhưng nhu cầu của sân khấu không ngừng đổi mới cho phù hợp với giai đoạn hiện đại, thành thử đòi hỏi phải ra đời những vở mới. Nhất là khán giả, ngày trước họ đi xem tuồng để thưởng thức nghệ thuật biểu diễn của diễn viên, dù một vở diễn đi diễn lại họ vẫn xem để so sánh người diễn đêm trước diễn khác gì đêm sau. Còn giờ khán giả liên tục đòi hỏi cái mới, lạ, đẹp, có tình huống…”, ông nói.

Theo Ông Tuấn, việc viết kịch bản tuồng không đo đếm được thời gian. Bởi mỗi giai đoạn một định hướng riêng, có khi viết một năm xong nhưng cũng có lúc năm mười năm, phải thay đổi cho hợp thời cuộc. Tác giả viết được tuồng ngoài kỹ năng là tác giả sân khấu còn đòi hỏi hiểu biết hình thức biểu diễn, thông thạo các thể loại văn, thơ, chữ Hán, chữ Nôm… Thuận lợi nhất trong viết kịch bản chính là đi vào đề tài lịch sử, tuy nhiên tác giả vừa thiếu lại vừa yếu nên rất khó khăn, đó là chưa kể đề tài này không hấp dẫn được khán giả hiện đại. Còn muốn đáp ứng nhu cầu “mới, lạ, có tình huống…” của người xem, phải khai thác ở mảng dân gian, song đây lại không phải là sở trường của tuồng mà là của sân khấu chèo.

“Trong tình huống cấp bách, nhà hát phải nhờ những diễn viên, nhạc công hành nghề lâu năm có kinh nghiệm viết một số kịch bản không quá dài, sau khi thẩm định tốt sẽ cho dàn dựng”, ông Tuấn nói thêm.

Cần đãi ngộ đặc biệt

Giám đốc Trần Ngọc Tuấn chia sẻ: Người ta không mặn mà với việc viết kịch bản tuồng bởi quá cam go. Phần vì tuồng đòi hỏi cực kỳ cao về sự hiểu biết, năng khiếu nghệ thuật lẫn niềm đam mê, kiên trì. Có khi cả đời người mới viết được một vở, hay thì được dựng, gặp sự cố rủi ro thì bỏ luôn. Mặt khác, thu nhập từ công việc này rất ít ỏi. Thành thử, dù được thành phố gửi thư kêu gọi, động viên sinh viên đi học mảng này, được “bao cấp” toàn bộ nhưng chẳng ai đoái hoài.

Trước tình thế khó khăn này, nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh phải phục hồi lại những tác phẩm cổ điển, tìm các vở dân gian dễ đi vào lòng người phục vụ khán giả. Đồng thời học hỏi, nghiên cứu cách dàn dựng mới để dễ tiếp cận thị trường. Riêng với những người hoạt động trong nhà hát đã từng viết kịch bản, nhà hát khuyến khích và tạo điều kiện cho họ được đi học, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên sâu hơn về lĩnh vực này.

“Đối với nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Đà Nẵng dành nhiều cơ chế khuyến khích mà các tỉnh thành trên cả nước không có được. Điển hình như nghệ sĩ, diễn viên tham gia vai chính, nam 45 tuổi, nữ 40 tuổi trở xuống được Huy chương Vàng sẽ được hỗ trợ 3 triệu/tháng, Huy chương Bạc 1 triệu/tháng. Với mảng viết kịch bản, cũng nên áp dụng tương tự để có thể thu hút nhân tài. Nếu không thì kho tàng kịch bản ngày một nghèo nàn, càng về sau càng khó có thể tìm ra đội ngũ viết kịch bản nữa”, ông Tuấn đề xuất.

MỚI - NÓNG