Đời hát rong ở Sài Thành: Hãy cứ cho đi thật nhiều…

Nhóm Hát rong từ thiện Sài Gòn biểu diễn ở khu vực Trung Sơn (Q.8), số tiền xin được sẽ dùng vào việc hỗ trợ bệnh nhi, người già có hoàn cảnh khó khăn
Nhóm Hát rong từ thiện Sài Gòn biểu diễn ở khu vực Trung Sơn (Q.8), số tiền xin được sẽ dùng vào việc hỗ trợ bệnh nhi, người già có hoàn cảnh khó khăn
TP - Hát rong ở Sài Gòn không chỉ là nghề mưu sinh, kiếm sống đắp đổi qua ngày, mà còn là nơi để những tấm lòng thiện nguyện đến gần với nhau hơn. Hát rong còn là bệ đỡ để nhiều giọng ca vươn ra ánh sáng, chạm đến ước mơ thành sao… 

Mưu sinh

Tầm 20h, hàng quán ở Sài Gòn tấp nập khách. Dừng chân trước một quán nhậu trên đường Trường Sa (Q.3), anh Tùng chỉnh lại dây đàn, ngón tay lướt nhẹ cách điêu luyện dạo đầu một bài hát của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên. Rồi anh cất giọng khàn da diết, vừa hát vừa dạo quanh các bàn ăn mời mua kẹo. Những chiếc kẹo kéo, thanh sing-gum giá 10.000 đồng được khá nhiều thực khách ủng hộ. Đi qua dọc các dãy bàn, bọc kẹo trên tay cũng vơi, Tùng lịch sự cúi chào thực khách, di chuyển sang quán khác.

Tùng vào nghề từ năm 2009, ngót ngét cũng gần chục năm. Nghề hát không chỉ giúp anh mưu sinh, mà còn là nồi cơm của gia đình. Cha mẹ Tùng giá yếu, anh còn 3 đứa em nhỏ. “Làm được bao nhiêu, tôi để dành thang thuốc cho cha mẹ, lo cho các em ăn học đến nơi đến chốn, sau này không phải khổ như mình!” - Tùng cười nhẹ tênh.

Người hành nghề kẹo kéo hát rong ở TPHCM rất nhiều. Nhã Thy (23 tuổi, H. Bình Chánh), theo nghiệp cầm ca từ năm 18 tuổi. Ngày nào cô cũng vượt hàng chục cây số, đến các hàng quán ở Q.1, Q.4… mưu sinh. Để được nhiều khách ủng hộ, Thy không ngại ăn mặc sexy hơn một chút, biết trang điểm phấn son để thu hút ánh nhìn. “Nơi mình phục vụ đa số là quán nhậu nên cũng không tránh khỏi đôi lúc khách say xỉn sàm sỡ, nhưng đã có kinh nghiệm, nhìn khách là em biết người nào mình nên tránh xa” - Thy chia sẻ.

Với các “ca sĩ kẹo kéo”, mỗi ngày họ phải nghe và thuộc nhiều ca khúc, để nếu có khách yêu cầu thì phục vụ. Không phải khách nào cũng cảm thông, chia sẻ với mình. Có lần khách yêu cầu hát ca khúc mà mình không thuộc lời, thế là bị chê bai, xua đuổi... Với nghề này, tối kỵ hát nhép. Đứng gần bàn của khách mà hát nhép bị phát hiện ngay, lúc đó chỉ có nước bỏ quán đi luôn chứ không dám quay lại.

Mỗi đêm, “ca sĩ kẹo kéo” phải hát khoảng 30-40 bài, thu nhập trung bình từ 1 triệu đồng, “ngon” thì được 2-3 triệu mỗi đêm. Như “luật ngầm” ai tới trước hát trước, ai tới sau thì đợi người đến phiên mình. Không có chuyện tranh giành, phân chia địa bàn gì cả. “Dân theo nghề này đa phần đều nghèo khổ. Chỉ cần biết sống, biết điều một chút là sống được thôi” - ca sĩ Ân Baby bộc bạch.

Hãy cho đi thật nhiều

Tối thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, người dân Trung Sơn (Q.8), Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận) đã quá quen thuộc với hình ảnh các chàng trai cô gái áo vàng, tay cầm áp - phích đứng trước quán nhậu hát… xin tiền. Đồng tiền ấy sẽ dùng vào việc đem lại nụ cười cho các bệnh nhi, người nghèo… Đây là công việc mà Nhóm hát rong từ thiện Sài Gòn đã làm được hơn 2 năm qua.

Kể về việc lập nhóm, chị Nguyễn Hồng Ngọc, trưởng nhóm bồi hồi: “Lần đó, tôi gặp một đứa bé mắc bệnh tim rất nặng. Chúng tôi đã cố gắng kêu gọi nhưng đáng tiếc là không nhận được sự giúp đỡ nào. Rồi, bé mất… Quả thật, không tự chủ tài chính thì không thể tự chủ được bất cứ việc gì. Từ đó, tôi quyết tâm phải duy trì một nhóm riêng của mình, với những con người chung đam mê làm thiện nguyện. Trong nhóm nhiều người hát hay nên tụi mình bàn nhau “bán” lời ca, kiếm tiền giúp đỡ những mảnh đời khó khăn”.

Đời hát rong ở Sài Thành: Hãy cứ cho đi thật nhiều… ảnh 1 Cha con ca sĩ Mạnh Thường – Mạnh Nguyên từ hát rong, giờ đã có thể đứng trên 
sân khấu lớn
Thành viên của nhóm đều còn rất trẻ, có sinh viên, giảng viên đại học, nhân viên ngân hàng… nhưng họ không ngại bưng thùng tiền, cầm quyển sổ đến từng bàn nhậu xin quyên góp. Đào Anh Tuân (nghiên cứu viên phòng thí nghiệm Trường ĐH Tự nhiên TPHCM) cho biết đã hành nghề “hát rong” này được hơn 1 năm. “Lúc đầu đi xin cũng ngại lắm chứ, nhưng càng làm lại càng thấy gắn bó với công việc này. Nhìn nụ cười hạnh phúc của các em được nhóm giúp đỡ, mình lại thấy như hạnh phúc của mình vậy” - Tuân chia sẻ.

Hát hay, lại biết chơi ghita, Trương Thị Cẩm Nhung (23 tuổi) muốn cùng nhóm rong ruổi các tuyến đường Sài Thành kiếm tiền làm từ thiện. “Có quán không cho nhóm vào hát, hay có khách cho tiền rồi xua tay biểu đi lẹ lẹ, cũng không ít người nghi hoặc… Nhưng, nhiều người đi ngang thấy nhóm liền vòng xe lại để giúp đỡ. Điều đó khiến tụi mình thấy ấm lòng” - cô gái trẻ vui vẻ nói.

Nhiều đêm “trúng mánh”, Nhóm hát rong từ thiện Sài Gòn quyên góp được khoảng 4 - 5 triệu đồng, nhưng cũng có ngày ít hơn. Toàn bộ thu chi đều được công khai trên fanpage, sau đó sẽ hỗ trợ các bệnh nhi khó khăn ở Sài Gòn. Có khi tiền còn được nhóm dùng tổ chức các chương trình khám chữa bệnh, phát quà cho trẻ em, người dân khó khăn các tỉnh thành.

Hai năm qua, nhóm hát rong đã thăm hỏi, tặng quà cho trên 1.000 trường hợp là bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi và người già không nơi nương tựa, hỗ trợ viện phí cho bệnh nhân nghèo. Nhóm tổ chức các chương trình trao quà, khám chữa bệnh miễn phí cho người dân nghèo ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa như Long An, Bà Rịa- Vũng Tàu, Quảng Bình, Lâm Đồng, Cà Mau…

“Nhiều người nói chúng mình dại, cuối tuần nghỉ ngơi chẳng muốn lại rước khổ vào thân. Có người lại hoài nghi việc thiện nguyện của nhóm, nói mình quyên tiền ăn chặn. Không sao cả! Mỗi người mỗi nghề, đến với nhóm, cất lên lời ca, tiếng hát, chúng mình chỉ có chung một mong ước duy nhất là tìm lại nụ cười hồn nhiên cho các em thơ, là ánh mắt lấp lánh vui của người mẹ nghèo… Đời mà, hãy cứ cho đi thật thật nhiều!” - chị Ngọc trưởng nhóm tâm sự.

Chạm đến “ngôi sao”

Nhắc đến “quái kiệt Bolero Sài Gòn”, dân ghiền Bolero thường nhắc đến ca sĩ Mạnh Thường, năm nay gần 60 tuổi. Hẹn ông trong một quán nước ở Q.Gò Vấp, ông cười hiền: “Ngày xưa hát bươn chải ngoài đường phố, giờ tôi đi… sô, hát nhà hàng, đám tiệc, sinh nhật 5 ngày/tuần. Thỉnh thoảng tôi còn nhận sô đi tỉnh. Cuộc sống bộn bề, vất vả nhưng được cái mình được sống với nghề, được khán giả yêu thương”.

Đời hát rong ở Sài Thành: Hãy cứ cho đi thật nhiều… ảnh 2 “Ca sĩ hát rong” luyện giọng trước khi biểu diễn
Nhà nghèo có tới 9 người con, thời trẻ ông Mạnh Thường làm đủ nghề kiếm sống, từ bán trái cây, sửa xe… rồi con trai Mạnh Nguyên (Quán quân Solo cùng Bolero 2017) rủ kéo loa đi hát. Thế là ông theo con vào nghề “cầm ca” đường phố. Hàng ngày, sân khấu của ông chính là quán cà phê, quán nhậu nhưng có hề chi, ông chinh phục khán giả bằng sự truyền cảm, chất giọng trữ tình, cách phát âm tròn vành rõ chữ chẳng thua kém ca sĩ chuyên nghiệp.

Đi hát, ông thể hiện rõ chất nghệ sĩ từ cách ăn mặc chỉnh chu, quần tây áo sơ-mi, chân mang giày. Ông bảo đó là mình tôn trọng khách và tôn trọng bản thân. Ông không cần ai thương hại mà muốn được nhìn nhận khả năng của mình. “Nhiều khách thương lắm, lâu thấy tôi không đến là lại hỏi thăm. Có khách còn tặng thêm tiền. Tôi vui nhất là có người yêu cầu mình hát thêm và họ lắng nghe mình hát. Tôi yêu quý và biết ơn những khán giả đường phố thương, ủng hộ tôi thời gian qua” - ông bồi hồi. Năm 2017, khi đang say sưa biểu diễn, ông vô tình lọt “mắt xanh” nhà sản xuất chương trình Tình bolero hoan ca và cuộc sống của ông thay đổi từ đó.

Dù đứng trên sân khấu hay hát ngoài đường phố, với ca sĩ Mạnh Thường, đã làm nghề là phải xuất phát từ cái tâm, sự đam mê, nhiệt huyết của mình. “Tôi đã sáng tác được lời ba, bốn bài hát, có nhờ nhạc sĩ phối nhạc lại theo giọng mình. Ước mong của tôi là có đủ tiền để được làm một MV hát nhạc bolero mình sáng tác. Sau đó mở một kênh YouTube cho mình, hát những bản nhạc bolero của chính mình” - ca sĩ Mạnh Thường chia sẻ.

"Mỗi người mỗi nghề, đến với nhóm, cất lên lời ca, tiếng hát, chúng mình chỉ có chung một mong ước duy nhất là tìm lại nụ cười hồn nhiên cho các em thơ, là ánh mắt lấp lánh vui của người mẹ nghèo… Đời mà, hãy cứ cho đi thật thật nhiều!”. 

Chị Nguyễn hồng ngọc, trưởng nhóm hát rong từ thiện Sài Gòn

MỚI - NÓNG
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
TPO - Hiện nay dòng máy bay Airbus A321 Neo có phần linh kiện đang trong thời gian bảo trì bảo dưỡng. Theo yêu cầu của nhà chế tạo, hàng loạt máy bay đã phải triệu hồi, phải dừng các chuyến bay bằng dòng máy bay này. "Các hãng nội địa của chúng ta dùng dòng máy bay này là chính nên dẫn đến việc hạn chế, thiếu hụt máy bay. Đây là một tác nhân cho việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua" - Cục Hàng không thông tin tới lãnh đạo TP. Đà Nẵng. 
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.