Đôi song ca tí hon nhất Việt Nam

Hằng- Hà trên sân khấu.
Hằng- Hà trên sân khấu.
TP - Thanh Hằng - Thanh Hà, hai chị em ruột, hai nữ ca sỹ trở thành kỷ lục gia một cách không mong muốn. Năm 2010, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam-Vietking xác lập họ là “đôi song ca chị em ruột có vóc dáng thấp nhỏ nhất Việt Nam”.

Hằng- Hà chênh nhau chục tuổi, sinh ra trong một gia đình có 5 anh chị em, trong đó có ba cô con gái, Huyền- cô cả, Hằng- cô thứ hai và Hà - cô út không thể phát triển chiều cao. Hằng cao 1,25 m, thấp hơn cô em út 1cm. Theo lời Hằng - Hà: “Các bác sỹ nói hai chị em bị thiếu tuyến yên không phát triển được chiều cao”. Song các cô lại bật mí thêm: “Trên thực tế hai chị em chưa từng được xét nghiệm hay khám để khẳng định như vậy”. Thế là các cô cứ sống với hình dáng trẻ con, đến nay Hằng đã bước sang tuổi 40, Hà đã sang tuổi 30. Cả hai đều đang trong tình trạng “độc thân vui vẻ”, đi biểu diễn khắp nơi, trong nước và trên thế giới.

Có duyên gặp Bụt

Hằng- Hà sinh ra trong gia đình không có ai theo nghệ thuật chuyên nghiệp. Mẹ cô, dì cô đều là những người yêu ca hát, có giọng hát, thường hát cho đội văn nghệ của xã- xóm. Bản thân hai cô khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã được chọn tham gia những cuộc thi hát của thiếu niên, nhi đồng ở cấp huyện, cấp tỉnh. Tên thật hai cô: Nguyễn Thị Hằng- Nguyễn Thị Hà. Nghệ danh Thanh Hằng- Thanh Hà được khán giả đặt cho từ quê, khi các cô tham gia chương trình biểu diễn văn nghệ phục vụ bà con.

  Sinh ra và lớn lên ở xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội, giấc mơ của hai cô không bay qua lũy tre làng. Chẳng bao giờ các cô dám mơ mình trở thành ca sỹ. Mọi sự đến với Hằng- Hà thật tình cờ, khiến các cô chỉ có thể giải thích bằng tâm linh: “Chắc được tổ nghiệp thương nên chúng tôi được đi hát, được làm ca sỹ đứng trên sân khấu lớn”. Các cô nhớ lại: “Một lần hai chị em vào Bà Rịa - Vũng Tàu thăm dì và thăm em trai. Chơi một thời gian gần hết tiền, hai chị em tính ở lại xin việc gì đó làm”. Ban đầu Hằng- Hà xin học may, học được hơn một tuần mà chỉ quanh quẩn mãi với việc gỡ chỉ, khiến hai cô chán nên xin nghỉ, rồi lại “nịnh” dì, nhờ dì xin cho làm nhân viên phục vụ ở quán cà phê. Thế nhưng các cô  thất bại trong lần xin việc này, bởi một lí do hết sức giản đơn, quản lí nhà hàng trông thấy vóc dáng nhỏ bé của hai cô đã từ chối không nhận vì sợ người đời dị nghị “bóc lột sức lao động của trẻ em”: “Lúc đó trong đầu chúng tôi chỉ nghĩ ai thuê làm gì cũng được, kể cả lau nhà, rửa chén, phụ quán cơm, mỗi tháng chúng tôi chỉ cần kiếm được một triệu đồng đã là vui rồi…”. Nhưng ai dám nhận các nàng tí hon?

Chưa tìm được việc làm, một buổi tối mấy dì cháu rủ nhau đi uống cafe ở một khu du lịch sinh thái chuyên tổ chức tiệc cưới, hội nghị, sự kiện và cho phép “thượng đế” có thể trổ tài ca sỹ. Hai cô xin đăng ký hát một bài, không ngờ được khán giả cổ vũ nhiệt tình khiến các cô gây được chú ý. Vị lãnh đạo khu du lịch sinh thái sau đó hỏi các cô, có muốn hát ở đây không? Đương nhiên, hai cô gái thất nghiệp quá mừng vui, không để tuột mất cơ hội. Rồi các cô vừa đi  hát, vừa âm thầm học thêm vi tính. Qua mối quan hệ quen biết, Hằng-Hà tìm được ân nhân. Vị ân nhân này đã nhận ra năng khiếu âm nhạc của hai cô nên hết sức giúp đỡ. Từ đó, các cô lên Sài Gòn lập nghiệp. Nhờ ân nhân, các cô không chỉ có chỗ ăn, chỗ ở, có công việc làm thêm mà còn được đi học thêm thanh nhạc và có những mối quan hệ mới để các cô có thể đi hát kiếm tiền, tự lo cho bản thân. Các cô luôn nói về ân nhân của mình với tất cả lòng biết ơn: “Chúng tôi thường gọi vị ân nhân ấy là “Bác Bụt của Hằng- Hà”. Khi đề nghị tiết lộ tên vị ân nhân, các cô không ngại ngần: “Đó chính là nhà văn, nhà sưu tập Hàn Tấn Quang, chủ biên tạp chí Kiến thức Ngày nay”. 

Nhưng duyên gặp “Bụt” của Hằng- Hà chưa dừng ở đó. Sau một thời gian hát ở  Sài Gòn, từ nhà hàng tiệc cưới tới các quán cà phê, thậm chí được lên truyền hình, hai ca sỹ tí hon bắt đầu được nhiều người biết đến. Một ngày nghệ sỹ tạp kỹ Thành Lễ, anh trai kết nghĩa của nữ danh ca hải ngoại Như Quỳnh về Việt Nam. Anh tới tìm gặp Thanh Hằng- Thanh Hà, sau một hồi nói chuyện, Thành Lễ thấy hai cô gái có gì đó rất đặc biệt nên hứa sẽ bảo lãnh hai cô qua Mỹ diễn cho nhóm “Ngọc Trong Tim” (đây là ngôi nhà dành cho người khuyết tật, do Thành Lễ và Như Quỳnh đồng sáng lập): “Lúc đó chúng tôi chỉ nghe vậy chứ không tin lắm chuyện được sang Mỹ diễn. Ngay cả lúc nghe “Ngọc Trong Tim” bảo làm giấy tờ, chúng tôi cũng vẫn làm, vẫn nộp những giấy tờ cần thiết nhưng vẫn chưa tin”. Thế mà rồi điều tưởng như không thể lại một lần nữa trở thành hiện thực. Nhờ “Ngọc Trong Tim” hai ca sỹ tí hon có nhiều cơ hội đem tiếng hát truyền cảm hứng cho những cuộc đời kém may mắn khắp nước Mỹ và trở thành người em thân quí của Thành Lễ- Như Quỳnh: “Như Quỳnh rất thương nhóm “Ngọc Trong Tim”, thương các bạn khuyết tật. Mỗi lần nhóm có cơ hội đi diễn chung chị ấy thường hay kể chuyện nghề, chuyện vui. Những khi không đi diễn chị hay rủ đi ăn, đi chơi cùng chị và gia đình”.

Chân ngắn “phiền” nhưng vui

Hiện tại dòng nhạc quê hương đang hưng thịnh. Thế mạnh của Hằng- Hà là hát nhạc quê hương nên cát-xê của hai người cũng đủ trang trải cuộc sống nơi phồn hoa, “có dư thì để dành và giúp cho gia đình được chút ít”, các cô chia sẻ. Ngoài thời gian đi hát, các cô còn tranh thủ học trang điểm, làm tóc, photoshop… Khi chúng tôi hỏi, cuộc sống của các cô gái “chân ngắn” khó khăn ra sao? Hai cô tâm sự: “Với môt người bình thường thì cuộc sống ở một thành phố lớn như Sài Gòn đã vất vả, huống chi chúng tôi tí hon, thì vất vả hơn nhiều, thiệt thòi đủ thứ, không thể tự đi xe, không thể tự mang vác được gì nhiều, không thể lấy đồ trên cao”. Ở Sài Gòn, hai cô không có người ruột thịt sống cùng, nên phải tự làm hết mọi thứ. Mỗi khi đi nước ngoài lưu diễn, các cô không dám ra đường một mình, vì bị lầm tưởng là trẻ nhỏ. Khi đi diễn ở casino, hai cô phải mang theo hộ chiếu để sẵn sàng trình nhân viên an ninh, vì họ có thể hỏi thăm bất kể lúc nào. 

Nhưng “chân ngắn” cũng mang lại cho các cô nhiều lợi thế: Trẻ lâu và được cưng chiều. “Mỗi khi ra đường hai chúng tôi thường được mọi người để ý và khen dễ thương. Cũng có người thắc mắc, tại sao hai chúng tôi có thân hình tí hon vậy? Thì lúc đó chúng tôi cười giỡn và nói “để con về hỏi nhà sản xuất đã”. Nói chung, mọi người nhìn chúng tôi với ánh mắt khâm phục và khen là có nghị lực, chứ không nhạo báng bao giờ”, các cô kể. Bây giờ, mỗi khi sang Mỹ, vừa kéo va li qua cổng hải quan, hai cô đã được các nhân viên gửi lời chào thân thiện: “Welcome back to America”. Chỉ cần một nụ cười của ai đó trong cuộc đời này, đã làm hai cô ca sỹ tí hon cảm thấy ấm áp. Hai cô gái thường ăn mặc giống nhau, trông đáng yêu như hai chị em sinh đôi. Ai cũng nghĩ chắc hai cô  có nhiều chàng trai theo đuổi song Hằng- Hà tiết lộ: “Tới giờ chưa có chàng trai nào tỏ tình. Hiện tại mơ ước lớn nhất của chúng tôi là có được sức khỏe tốt, gia đình được bình an, được đi hát, được khán giả thương yêu”.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.