Đưa chọi trâu, cướp phết vào khuôn khổ thế nào?

Phú Thọ đang tìm giải pháp cho Hội Phết Hiền Quan​. Ảnh: Nguyên Khánh.
Phú Thọ đang tìm giải pháp cho Hội Phết Hiền Quan​. Ảnh: Nguyên Khánh.
TP - Nhà quản lý và tổ chức lễ hội nóng bậc nhất nước như chọi trâu, cướp phết, khai ấn đền Trần được mời tham gia góp ý kiến triển khai loạt lễ hội nóng 2018 sáng 2/2 tại Bộ VHTTDL.

Giảm bạo lực, tranh cướp

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đề nghị các nhà quản lý, chính quyền địa phương và BTC lễ hội “đi thẳng vào vấn đề nổi cộm và đề xuất giải pháp”. Ông Nguyễn Vũ Phan, quyền Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Tuyên Quang thắc mắc: lễ hội chọi trâu Tuyên Quang được cấp phép hẳn hoi, vì vậy không biết tạm dừng và thu hồi thế nào. Ông Phan đòi hỏi Bộ phải phân loại lễ hội, có văn bản rõ ràng bởi hàng trăm con trâu tập hợp rồi và “ăn tết xong là người ta chọi không ngăn được”.

Chọi trâu không hiếm ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Yên Bái không ngoại lệ. Đầu năm ngoái Bộ VHTTDL có văn bản yêu cầu tạm dừng, Yên Bái kịp thời bỏ tục treo đầu trâu. “Sở VHTTDL quyết liệt, gặp gỡ thủ đền Đông Cuông nhờ uy tín để vận động cộng đồng, vì vậy trong lễ hội tại đây cũng không thực hiện tục treo trâu”, bà Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái nói.

Sau sự cố trâu chọi húc chết chủ trâu, Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, Hải Phòng Trưởng BTC lễ hội xin rút kinh nghiệm. Hải Phòng đang hoàn thiện đề án lễ hội chọi trâu theo hướng trở về với nghi lễ lâu nay vốn bị xem nhẹ.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị Đồ Sơn sớm hoàn thành đề án trình Bộ trong tháng 3, nhấn mạnh chắc chắn phải “điều chỉnh quy mô, hình thức tổ chức sao cho nâng cao giá trị di sản văn hoá phi vật thể, hạn chế các hoạt động phản cảm, bạo lực, tranh cướp”.

Còn lúng túng

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội rất tự tin vì chọn được phương án tất lộc ở Hội Gióng đền Sóc, thay cho cướp lộc sứt đầu mẻ trán nhiều năm nay. Trưởng Phòng Quản lý Văn hoá của Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ lại tỏ ra lúng túng, chưa tìm được lối thoát cho màn tranh cướp ở Hội Phết Hiền Quan. Xưa Hội chia theo giáp, sau này bỏ đi dẫn đến tranh cướp lộn xộn. Phú Thọ đề nghị Bộ sớm công nhận di sản văn hoá phi vật thể để có cơ sở phục dựng nhiều hoạt động dân gian nhằm phân tán sự tập trung của màn cướp phết. Tuy nhiên, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho rằng không nên ngồi chờ tới khi được công nhận, Phú Thọ nghiên cứu phương án theo tinh thần hạn chế tranh cướp phản cảm.

Đại diện nhiều địa phương và BTC lễ hội chùa Hương, Côn Sơn - Kiếp bạc, Hội Lim, Bà Chúa Kho, lễ kỷ niệm đền vua Quang Trung (Nghệ An)… cam kết chấn chỉnh loạt vấn đề gây bức xúc dư luận: Chùa Hương quy hoạch hàng quán, sẵn sàng cho lễ hội 2018. Không để Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh tổ chức khai bút, khai ấn và phát ấn. Đền Quang Trung không phát thẻ cho du khách. Ban quản lý đền Bà Chúa Kho vận động người dân hạn chế đốt mã.

Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL cho rằng nên hạn chế việc hành chính hóa lễ hội, tăng cường vận động tuyên truyền, nhất là dựa vào các thủ nhang, thủ từ. Thanh tra Bộ ví von: “Nếu khai ấn đền Trần thời nay mà diễn ra vào thời vua Trần còn sống là bị chém đầu rồi. Làm gì có chuyện khai ấn xong cầm tập lớn tập bé, rồi thấy quả táo trên ban thờ thì giật xuống”!

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.