Đừng kiếm thiền sư

Tác giả Bùi Long ôm đàn trong đám tang thi sĩ Trần Vàng Sao. Ảnh: Trần Tuấn.
Tác giả Bùi Long ôm đàn trong đám tang thi sĩ Trần Vàng Sao. Ảnh: Trần Tuấn.
TP - “Thiền sư ở đâu”. Một cái tựa không cần dấu chấm hỏi. Hỏi mà không hỏi. Hỏi cũng đâu để làm gì. Bốn chữ đã như một con đường. Nhưng không phải con đường đi tìm. Mà chỉ xác quyết một tâm thế, bản ngã của người viết cuốn sách này.

Nằm trên chuyến tàu lửa rời Huế tôi đọc “Thiền sư ở đâu” của Bùi Long (NXB Thuận Hóa, tháng 2/2018) còn thơm mùi mực tác giả ký tặng. Tàu leo Hải Vân. Ô, là chỗ này đây chăng, nơi gặp nhau từ mấy mươi năm trước của hai du tăng trẻ trên chuyến xe đò mà Bùi Long kể trong sách?

Một trong hai người ấy, tôi đã may gặp mới đêm hôm trước ở Huế, bên hiên trà tháng giêng trăng sáng nhìn xuống dòng Hương. Người mà Bùi Long gọi là “Thiền sư thợ mộc”.

Đừng kiếm thiền sư ảnh 1 Bìa sách. Ảnh: Trần Tuấn.

Ngót 30 năm trước, nơi chùa Từ Vân ở Huế có hai tăng sinh tuổi mới thiếu niên. Cả hai giống nhau ở chỗ đều được thầy trụ trì cho miễn hành trì công phu sáng. Bởi một người là “con ma ngủ”, ngủ cả giữa lúc hành trì công phu, và “nếu có thức dậy, tôi cũng ngủ trong tâm suốt thời công phu ấy”. Còn người kia lại hành trì thiền định miên mật, mỗi đêm chỉ ngủ có 1-2 tiếng. Tình bạn giữa một kẻ thức, và một người chuyên ngủ dưới mái chùa tuổi hoa niên, kéo dài đến sau này. Sau này, một người học xong đại học, trả lại y bát cho chùa, ra đời làm báo. Còn người kia quay về với mẹ nơi ngôi nhà bên dòng Hương, mở xưởng mộc mỹ nghệ, chạm khắc những bài kinh câu kệ. Kẻ làm báo chính là Bùi Long. Còn thiền sư thợ mộc là Hải Tuệ - Đoàn Hữu Trung, tên quen gọi là Hữu. 

Chơi với đồng nghiệp, cũng là đồng môn Bùi Long (tên đầy đủ là Bùi Ngọc Long) - đại diện báo Thanh Niên tại Huế từ hơn 20 năm trước, tôi vẫn tự hỏi, sao anh chàng này không viết gì về 10 tu tập, công phu nơi cửa thiền, từ tuổi hoa niên? Sao đa phần những bài báo của Long vẫn cứ nhiều chất thông tấn, mà ít chịu bay bổng mơ hồ của kẻ đã thấm chữ nghĩa, kinh kệ nơi cửa thiền? Nhưng đến khi cầm trên tay và đọc “Thiền sư ở đâu”, tôi mới nhận ra mình đã nhầm. Thấy mình vẫn còn chưa chứng ngộ.

“Trong lúc toàn thể tăng chúng đảnh lễ 100 lạy, tôi chỉ lạy có một lạy cho tất cả chư Phật, chư vị Bồ tát và chư vị Tổ sư… Tôi nằm trong tư thế đảnh lễ và ngủ một giấc dài…”. Đó là Long tự kể về mình. Còn Hữu thời ở chùa thì nổi tiếng nhác tắm, chỉ với cái khăn lau mặt rồi khắp người. Lau đi lau lại. Nghe bạn gọi mình là “Đại Tởm thiền sư”, Hữu bảo “lau cho vui thôi, chơ nhơ nhớp là ở trong tâm, mần răng lau được!”. “Tôi tự nhận đó cũng là câu bạn nói khích mình, vì có lẽ tâm tôi còn bẩn lắm, bởi có khi nào thôi dứt được dục vọng đâu. Dù đã dùi mài kinh kệ 10 năm mà ngủ vẫn ngủ, mê vẫn mê. Thi phú vẫn đều. Thấy gái vẫn thèm!”.

“Thiền sư thợ mộc” Hải Tuệ - Đoàn Hữu Trung khi mới ngoài tuổi đôi mươi đã được tham gia dịch Đại Tạng kinh. Và hiện nổi danh là “phong thủy sư Hải Tuệ”. Còn Bùi Long, có là thiền sư không?   

Bùi Long đã đem tới cho chúng ta những câu chữ, câu chuyện và suy tư đầy mê hoặc trong tập sách mỏng chỉ nhỉnh hơn 100 trang này. Quan trọng hơn, những trang sách đã kích hoạt người đọc, khiến mỗi người tự nhìn lại mình. Xem mình có phải là một “thiền sư”?

Như tôi, lúc này qua cửa sổ con tàu nhìn ra bời bời lá hoa trắng phủ tràn Hải Vân được Hòa thượng Thích Đại Sán từ hơn 300 năm trước gọi tên là hoa “ngãi” ấy, nay gấp trang sách lại, như vẫn văng vẳng: “Hồng bì! Hồng bì! Mi lại ra hoa đó à?” của đại lão Hoà thượng Thích Chánh Trí gần trăm tuổi mắt đã không còn tỏ.

Ờ, tới mùa thì hoa khai! Dù người không còn nhãn lực nhưng vẫn nhìn thấy. Như tôi vẫn thấy “Nụ hoa vẫn trôi/ trên cái cuống đã cắm ngập vào bóng tối”. Không hẳn bóng tối nhưng đời quá lắm nỗi u minh. Nhá nhem của những gương mặt, bóng người. Vấn đề là mình có chịu nhìn/nhìn ra mình không?

Trong cái tựa sách, theo tôi ít chất “thiền” nhất chính là hai chữ “thiền sư”. Thiền sư ư? Như cố nhà báo, thi sĩ Thái Ngọc San, không chỉ Bùi Long mà ngay chính tôi từ mấy mươi năm trước đã coi ông là bậc thượng thừa về tâm về đạo. Như họa sĩ Đặng Mậu Triết (Dama. Try). Và đặc biệt thi sĩ Trần Vàng Sao người vừa tạ thế mà từ lâu tôi đã gọi là “Vỹ Dạ Đạt Ma”…

Xứ Huế tôi nghĩ mỗi người đều có một công án riêng mình, mà câu trả lời đôi khi như chiếc chìa khóa đã bị ném xuống dòng Hương giang. Như Long có người anh ruột là Bùi Ngọc Vinh ăn ớt vô đối. Được lên báo chí, vào “Chuyện lạ Việt Nam” trên VTV3, lên cả truyền hình nước ngoài.

“Dị nhân” ấy, có được gọi là thiền sư không? “Thiền sư ăn ớt”. 

MỚI - NÓNG