Gia đình bé mọn - Nhân vật đồng hành cùng đất nước

Gia đình bé mọn - Nhân vật đồng hành cùng đất nước
TP - Là cựu binh của cuộc chiến với Việt Nam, W. Karlin nhiều lần trở lại trong vai trò hòa giải, cầu nối. Ông là người am hiểu văn học VN và đã tham gia dịch, hiệu đính nhiều tác phẩm văn học VN chuyển ngữ tiếng Anh xuất bản ở Mỹ.
Gia đình bé mọn - Nhân vật đồng hành cùng đất nước ảnh 1
Nhà văn Wayne Karlin (phải) và nhà văn Hồ Anh Thái

Sau đây là lời giới thiệu tiểu thuyết “An insignificant family” (Gia đình bé mọn) của Dạ Ngân, được ông viết cho lần xuất bản bản đầu tiên bằng tiếng Anh in ở Mỹ (sách do Rosemary Nguyen dịch).

Đây cũng có thể coi như một nhận định đáng tham khảo về văn chương, về xã hội Việt Nam, dưới con mắt một học giả nước ngoài.

Tiểu thuyết Gia đình bé mọn, cuốn sách lần theo cuộc đời của Lê Thị Mỹ Tiệp, người đàn bà từng có thời con gái là nữ “Việt cộng” góp phần vào cuộc chiến tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và một xã hội lý tưởng, đến tuổi trưởng thành, lại đấu tranh cho giải phóng con người và tình yêu cá nhân.

Hành trình của Tiệp và hành trình của cái “gia đình bé mọn” của nàng trùng hợp với hành trình của đất nước nàng từ đoạn chót của cuộc chiến Việt – Mỹ đến thế kỷ 21, từ ngày đầu cuộc giải phóng và tái thống nhất đất nước đến sự vỡ mộng và suy thoái do những chính sách không đúng lạc hậu và cuối cùng là đến tận thời Đổi Mới.

Dạ Ngân đã sáng tạo ra một cá nhân hiện thực đầy đặn, một sự đối lập hoàn toàn với những bản dập khuôn thường gặp trong chiến tranh và sau chiến tranh và trước thời kỳ đổi mới, đầy rẫy trong văn học Việt Nam. Đó là một nhà văn.

Tiệp, luôn là một nhà cách mạng và luôn là một độc giả, từ chối nhìn thế giới qua cái lăng kính của truyền thống. Chẳng hạn, mặc dầu bản thân nàng cũng từng chiến đấu chống lại những người bên kia chiến tuyến, nàng vẫn ngưỡng mộ lòng chung thủy và tính cách mạnh mẽ của người vợ và con gái của một cựu đại tá Nam Việt Nam không còn nhà ở và nghèo đói đến tận cùng hơn cả những con người máy và đạo đức giả cùng cơ quan.

Bằng cách này hay những cách khác, cuốn tiểu thuyết dựng lên hai hoàn cảnh xã hội – nơi lằn chia cắt đất nước vẫn còn giữ lại một thời gian sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975 – và sự mạnh mẽ của tính cách nhân vật Tiệp.

Khi gặp Tuyên lần đầu tiên, người đàn ông sau này thành chồng Tiệp, anh cũng là một chiến sĩ Mặt Trận, và mối quan hệ của họ tiến triển theo cách – phải chăng là do chiến tranh mỗi ngày càng ác liệt mà có:

“Nàng rụt sâu xuống hơn trong cái công sự với người thanh niên có thể chết cùng với mình bởi một quả pháo chụp pháo đào hay pháo trộn gì đó.

Dàn đồng ca của súng đạn, đô la và giàu có chừng như bất tận, không mệt mỏi, như chúng muốn băm vằm cái ngã ba và cái cây trâm bầu trên đầu họ ra. (...)

Nàng cười sằng sặc rồi nàng mếu máo khóc, bỗng nàng nín bặt vì nghe thấy có hai bàn tay đang áp vào, hàng nút áo bung ra tự bao giờ, hai trái ngực nàng đang săn lên run rẩy bởi đôi bàn tay ngốn ngấu trong thứ nước màu sữa đục, lạ quá, cảm giác được mơn trớn mà cũng được dày vò nâng lên hạ xuống trong mặt nước có mùi âm phủ...

Ở chỗ này Dạ Ngân trở thành một trong số ít nhà văn hiện đại Việt Nam phơi bày một cách trực tiếp sợi tóc mong manh giữa cái chết và tình dục phát lộ ra trong thời chiến và cũng có ý ám chỉ sự mù lòa đầy quyến rũ của bản thân chiến tranh.

Người tình đậm đà, đầy dũng cảm chiến trận trở thành tay quan liêu tự mãn, và một người cha người chồng bàng quan trong những năm hòa bình sau chiến thắng, “mẫn cán, cần cù và hoàn toàn đáng thương hại”.

Chủ nghĩa lý tưởng nồng nhiệt xã thân cho đại nghĩa và sự gần kề cái chết từng xô đẩy họ làm tình với nhau lần đầu trong nỗi kích động mạnh mẽ đã không sống sót nổi trước áp lực của cuộc sống trong hòa bình...

Trong khi nhiều nhà văn Việt Nam, từ Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều và nhà thơ thế kỷ 18 Hồ Xuân Hương đã đi trước khi dùng tình dục để thăm dò tính cách và tập tục xã hội (và ngược lại), chuyện mô tả tình dục của Tiệp một cách trực tiếp là hiếm hoi, ít nhất cũng trong những tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch ra tiếng Anh mà chúng ta có dịp đọc.

Tiệp đã không thỏa mãn với Tuyên và cô ấy đi tìm một tình yêu lý tưởng, xúc động và đầy cảm hứng hơn, tự buộc vào những chuyện tệ hại, thậm chí lâm vào một hoặc nhiều thách thức còn tồi tệ hơn khi muốn làm lành với chồng. Cái vũ trụ nhỏ của một gia đình “bé mọn”, dễ nhận ra đó là ánh xạ của cuộc đấu tranh của chính đất nước.

Cũng trong phần này, Gia đình bé mọn tràn ngập mô tả sinh động những pha nhỏ nhặt chuyện tham nhũng, đạo đức giả và ăn trên ngồi trốc, sự nghèo đói tột cùng và cảnh xếp hàng vô tận để có chút hàng hóa và thực phẩm sau chiến tranh.

Tiệp đấu tranh để được sống với người mình yêu, vật lộn để xác định rõ tình yêu của mình cũng như khuôn dạng con người nàng cần phải có trong đời, thì nước Việt Nam của nàng cũng phải đấu tranh để khẳng định bản thân mình và tương lai mà nó muốn đạt tới như thế. Tiệp phạm sai lầm, học hỏi để lớn lên, biến đổi như thế nào thì đất nước của nàng cũng vậy.

Wayne Karlin sinh năm 1945 tại New York trong một gia đình Ba Lan gốc Do Thái sang Mỹ lánh nạn phát xít.

Ông là tác giả của nhiều tiểu thuyết như “Những đội quân biến mất”, “Đường cắt”, “Cho chúng ta”,” Vai phụ” ...

Năm 2003 tiểu thuyết lịch sử “Xứ sở ao ước” (The Wished-for Country) của ông đoạt giải thưởng 20.000 USD của Hội đồng Nghệ thuật Quốc gia Mỹ. Ông hiện là giáo sư văn học Đại học Maryland.

Nguyễn Quang Thân
Lược dịch

MỚI - NÓNG