Giám khảo Việt bỏ show vì ngồi... nhầm chỗ

Hồ Quỳnh Hương bỏ show vì nhiều lý do, chứ không phải vì “chiếc ghế”. Ảnh: T.L.
Hồ Quỳnh Hương bỏ show vì nhiều lý do, chứ không phải vì “chiếc ghế”. Ảnh: T.L.
Tin ca sĩ Hồ Quỳnh Hương bỏ làm giám khảo giữa chừng vì không hài lòng với nhà sản xuất khiến nhiều nghệ sĩ bình luận trái chiều. Có thể, Hồ Quỳnh Hương có lý do của mình mà không nói ra. Song, nói gì thì nói, một khi cuộc chơi không vui, thì tại sao nghệ sĩ phải ráng “ngồi chịu trận”?

101 lý do “nhầm chỗ” hay “bẫy PR”

Theo ban tổ chức chương trình “Bạn là ngôi sao”, giám khảo Hồ Quỳnh Hương đã quyết định rút khỏi vai trò này vì không hài lòng khi thấy Hari Won - giám khảo khách mời, lại được ngồi vào chiếc ghế chính giữa trong ban giám khảo.

Dù là ai đi nữa, khi đã làm giám khảo đến show thứ 7 cũng đều chứng tỏ họ có gắn bó với thí sinh cũng như cuộc thi, và việc “bỏ ngang” là bất đắc dĩ. Như trường hợp Hồ Quỳnh Hương, cô là một giám khảo tâm huyết với nghề, muốn bỏ công sức dạy dỗ các gương mặt mới, không lý do gì vì chiếc ghế hay vì “kèn cựa” với một ca sĩ đàn em như Hari Won mà bỏ cuộc giữa chừng.

Song không hiểu sao, BTC lại tung tin “do nữ ca sĩ gốc Quảng Ninh cảm thấy tức giận khi thấy Hari Won - giám khảo khách mời trong liveshow 8, lại ngồi vào ghế chính giữa của ban giám khảo chương trình, hai bên là nhạc sĩ Dương Khắc Linh và đạo diễn Nguyễn Quang Dũng”.Trước đó, Hồ Quỳnh Hương và Dương Khắc Linh là hai giám khảo xuyên suốt trong chương trình và Hương thường ngồi ở ghế bên phải của sân khấu. Thế cho nên đó không phải là lý do chính để nữ ca sĩ nổi tiếng này thanh lý ngang hợp đồng như vậy.

Liên lạc với ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, đại diện truyền thông của cô xác nhận nữ ca sĩ đã rút khỏi vai trò giám khảo trong hai đêm thi cuối cùng của “Bạn là ngôi sao”. Sau khi cuộc thi kết thúc, bên Hồ Quỳnh Hương sẽ chính thức lên tiếng chứ không muốn tạo cớ để có scandal hay để ai đó có cơ hội PR chương trình của mình.

Như vậy, bất đồng trên ghế giám khảo là có thật, nhưng không phải như phía nhà sản xuất “tố” giám khảo. Về mối quan hệ với Hari Won, quản lý Hồ Quỳnh Hương cho biết, cả hai từng song ca trong chương trình này, cùng ngồi chung “ghế nóng” nên không hề có chuyện hiềm khích như nhà sản xuất nói.

Đây không phải lần đầu nhà sản xuất lên tiếng nhằm làm cho chương trình nổi tiếng hơn. Nhiều khi, biết không mời được cặp đôi giám khảo vốn nổi tiếng “hiềm khích” với nhau, họ vẫn đánh tiếng và khi một trong hai người không đồng ý, liền tung tin “ác” nhằm để truyền thông khai thác mối hiềm khích “có người này thì không có người kia”, kết quả là nghệ sĩ tung hê trên mặt báo còn khán giả biết đến chương trình nhiều hơn.

Thông thường, các giám khảo và thí sinh sẽ tố các chương trình truyền hình thực tế và các nhà sản xuất kiểu “tạo dựng kết quả”, “không công bằng”..., chứ ít khi nhà sản xuất tố giám khảo - người cầm trịch chương trình của mình.

Có nhiều lý do khiến giám khảo phải bỏ cuộc chơi - khi thì vì trốn nợ như Siu Black, lúc vì lý do sức khỏe và thị phi như nhạc sĩ Quốc Bảo... Nhạc sĩ Trần Tiến đưa lối nói hài hước, hơi đời thường chút lên truyền hình khi làm giám khảo cũng bị dư luận săm soi, chán ngán nên bỏ ngang đi lưu diễn ở Châu Âu. Còn nhà thơ Đỗ Trung Quân chỉ vì một phút nói thật mà bị dư luận phản ứng đủ kiểu… Đến như Đàm Vĩnh Hưng “kinh nghiệm đầy mình” ngồi ghế nóng các gameshow hot nhất cũng có lúc tuyên bố sẽ nghỉ làm giám khảo 3 năm trên trang cá nhân vì quá mệt mỏi với những thị phi.

Xóa nhòa thứ bậc và những thang giá trị

Khi bước vào cuộc chơi truyền hình thực tế, nhiều người biết trước mình sẽ rơi vào lưới thị phi, hoặc những chuyện không đâu xảy ra ngoài ý muốn. Chính vì thế, một số nghệ sĩ ý thức, tránh khỏi vòng “kim cô” làm giáo khảo truyền hình.

Ở đấy không còn thứ bậc cao thấp, trẻ hay già, tài năng hay lắm chiêu. Nhiều khi học trò chấm điểm cho thầy giáo, con nít chấm cho người lớn, ca sĩ trẻ, diễn viên hài chấm cho nghệ sĩ lão làng hay các người mẫu, hoa hậu chấm thi ca sĩ… Dường như mọi thang bậc đều đảo lộn. Chỉ cần cái tên đang nổi, đang dính scandal thì thể nào cũng được chạy show liên tục, ngồi làm giám khảo bất cứ cuộc thi nào.

Chính vì thế mà gương mặt nào thu hút người xem thì người đó chiếm thế thượng tôn. Câu chuyện buồn giữa nghệ sĩ Trung Dân và ca sĩ Hương Giang mà cái kết là nhà sản xuất chọn Hương Giang ở lại cho thấy “già rồi nên tìm chỗ khác chơi”, đừng ngồi cùng lớp trẻ mà bị “qua mặt”, xúc phạm. Hoặc nếu tham gia thì chọn show kỹ, đừng rơi vào những tay chụp giật, tên tuổi để đến một hôm nào đó bị “giật đùng đùng” trên các tít báo khiến nghệ sĩ bị sốc, đứng ngồi không yên.

Có một thời, nghệ sĩ Thành Lộc ngồi ghế giám khảo một số cuộc thi, nhưng vì chán ngán trước nhiều thứ mà anh lặng lẽ trở về sân khấu. Là bởi có quá nhiều sự bất đồng trong quan điểm, cách đánh giá, nhìn nhận của giám khảo trong chương trình. Chính điều này làm cho NSƯT Thành Lộc nghiệm ra rằng mặt trái của gameshow đã tạo cho con người ta sự giả dối một cách trơn tru, tự nhiên đến trơn tuột không còn cảm xúc e ngại, ăn năn. Tương tự, nghệ sĩ Hữu Châu, Xuân Hương đều “cạch mặt” gameshow.

Nói gì thì nói, cuộc chơi truyền hình thực tế vốn nhiều chiêu trò, nhiều thị phi, ai có cái đầu lạnh thì mới trụ được trên ghế giám khảo. Có đôi khi chọn một chỗ không đúng tầm cũng bị làm khổ, nên tốt nhất, cứ đường ai nấy đi.

Theo Theo Người Lao Động
MỚI - NÓNG