Văn nghệ trong nỗ lực thoát khỏi ao làng - Bài 2:

Giới sưu tập, bảo tàng tranh thua ngay trên sân nhà

Làng Cựu - Đỗ Phấn (Sơn dầu/ 65x75cm/ 2012/ Sưu tập cá nhân ở Ý).
Làng Cựu - Đỗ Phấn (Sơn dầu/ 65x75cm/ 2012/ Sưu tập cá nhân ở Ý).
TP - Họa sỹ Lương Xuân Đoàn - Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định: Mở cánh cửa nghệ thuật ra thế giới đầu tiên chính là hội họa, không phải văn chương. Sau một giai đoạn tưng bừng ngay sau đổi mới, hội họa Việt Nam vấp phải nạn tranh giả, tranh nhái. Ngoài ra còn hàng loạt vấn đề xuất phát từ tư duy quản lý.

Theo họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhu cầu đổi mới của hội họa Việt đã bắt đầu từ rất sớm với tín hiệu là bức sơn dầu “Tan ca mời chị em ra họp thi thợ giỏi”, của cố họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung, sáng tác năm 76. Đến năm 80, thế hệ đầu tiên của đổi mới xuất hiện. Bấy giờ, nhiều  khuynh hướng trong hội họa Việt cùng tồn tại và nó không ngại ngần công khai ảnh hưởng của nghệ thuật phương Tây hiện đại. Nhiều họa sỹ trong đó có Lương Xuân Đoàn khẳng định: Mở cánh cửa nghệ thuật ra thế giới đầu tiên chính là hội họa, chứ không phải văn chương. Bởi văn chương bị rào cản là ngôn ngữ. “Về cuộc cách mạng thị giác, hội họa bao giờ cũng đứng hàng đầu”, họa sỹ Lương Xuân Đoàn khẳng định. Thập niên 80 được coi là thập niên vàng của mỹ thuật Việt Nam đương đại. 

Có điểm riêng của hội họa là Hội Mỹ thuật Việt Nam ít giữ vai trò trong việc đưa tác phẩm của hội viên hội mình “vượt biên”. Mọi giao lưu kết nối với bên ngoài qua con đường cá nhân là chủ yếu. Trong thời buổi toàn cầu hóa, việc có thông tin về các họa sỹ đương đại Việt Nam là câu chuyện dễ dàng.

“Chảy máu” những tác phẩm giá trị?

Khác với văn chương, khách hàng chủ yếu của nhiều họa sỹ Việt là khách nước ngoài. Trong không khí đổi mới, khi các họa sỹ đang khao khát được có người yêu thích tranh của mình thì giới sưu tập, bảo tàng mỹ thuật Việt đã để mất những tác phẩm có giá trị: “Bảo tàng đương đại Singapore có bộ sưu tập dày dặn của mỹ thuật thời kỳ đổi mới ở Việt Nam, bao gồm nhiều tác giả, cả thế hệ thứ 1 của đối mới, thế hệ thứ 2 của đổi mới. Tương tự vậy, Bảo tàng nghệ thuật quốc gia Malaysia cũng nắm giữ không ít tác phẩm có giá trị”. Tranh “xuất ngoại”  theo con đường gallery hoặc khách mua gặp trực tiếp tác giả, tức là những con đường tư nhân, phi chính thống. Lí do nào khiến bảo tàng mỹ thuật Việt bị chậm chân trong một số cuộc giành tác phẩm quí? Liệu giá tranh có phải  rào cản của bảo tàng mỹ thuật Việt trong cuộc cạnh tranh? “Đã đành đồng tiền nhà nước thì so với giá trị bức họa tương xứng thế nào được. Nhưng nhiều người nghĩ vào bảo tàng là vinh dự nên giá cả không quan trọng”, theo Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Giới sưu tập, bảo tàng tranh thua ngay trên sân nhà ảnh 1 Họa sỹ Phạm Luận - người bán được nhiều tranh cho nước ngoài nhưng ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chỉ có một bức tranh bột màu. Ảnh: H.D.

Chúng tôi đến gặp họa sỹ Phạm Luận, một “đại gia” đúng nghĩa trong giới hội họa, người có tranh “xuất ngoại” nhiều và đều đặn ở Việt Nam. Họa sỹ Phạm Luận cho biết: “Lần đầu là năm 1994, khi tôi có triển lãm ở Ngô Quyền (Hà Nội). Khi đó, người của gallery Lã Vọng ở Hồng Kông có tới Việt Nam, họ tình cờ ghé qua triển lãm của tôi. Họ đồng cảm với tranh của tôi nên đã mua. Cuối năm 1994, tôi được họ mời sang Hồng Kông, đó là chuyến xuất ngoại đầu tiên của tôi và cũng là lứa họa sỹ đầu tiên của Việt Nam tới được Hồng Kông. Rồi tôi tiếp tục vẽ. Ngài đại sứ đầu tiên của Singapore tại Việt Nam, đồng thời cũng là một nhà sưu tập yêu thích Việt Nam, hội họa phong cảnh Việt Nam, thích tranh của tôi nên mua nhiều lắm. Từ những năm 1990 đến tận bây giờ vẫn mua, ngài có cả bộ sưu tập gần 200 bức của tôi”. Họa sỹ Phạm Luận rất có duyên với Singapore, nhiều quan chức ngoại giao của nước này có tranh của anh… Tranh của họa sỹ người Hà Nội này cũng có vinh dự được người của hoàng gia Anh lựa chọn. Vậy, họa sỹ có tranh “xuất ngoại” vào tuyền nơi “đài các” ấy có bao nhiêu tranh ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam? Phạm Luận cười: “Chỉ có một bức bột màu”.

Khi đề cập đến vấn đề giá cả, Phạm Luận gạt ngay: “Cứ hỏi Cục trưởng Cục Mỹ thuật xem 4 bức của tôi ở tòa nhà Quốc hội được bao nhiêu tiền?”. Anh kể rằng, đã có lần bảo tàng của ta cũng cho người đến chọn hai bức của anh, đó là hai bức anh cũng cực kỳ tâm đắc. Họa sỹ hăm hở làm khung tranh, chỉ chờ ngày “gả” con. Mà rồi thế nào đó, người ta lại thay đổi ý định, hai “đứa con” lỡ dịp vào bảo tàng Việt. Thế là đành ngậm ngùi cho chúng sang tây. Được biết, sắp tới Phạm Luận sẽ tham gia một triển lãm ở Singapore nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Singapore.

Chuyện giới sưu tập, bảo tàng của Việt Nam không giữ được những tác phẩm hội họa giá trị, chưa chắc đã do họa sỹ ham lời. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhìn nhận: “Mình chậm vì mình cần thời gian để khẳng định tác giả, trong khi cái cần làm là ngay khi họa sỹ xuất hiện ông đã phải cả quyết đây là những người cần lưu giữ tác phẩm”. Một ý kiến khác nữa: Chúng ta chậm trễ vì chúng ta cần cả hội đồng để xét tác phẩm. Chín người, mười ý, trong lúc đó tác phẩm đã mau chóng bay xa.

Giới sưu tập, bảo tàng tranh thua ngay trên sân nhà ảnh 2 Họa sỹ Lương Xuân Đoàn: Ai dám nói đấu giá ngất ngưởng thì khẳng định giá trị thật của tác phẩm, cũng như của danh họa? Nguồn ảnh Internet.

Nỗi buồn “tranh Việt hồi hương”

Có lẽ chưa ai quên cuộc hồi hương của 17 bức tranh Việt: “17 bức “rởm” luôn. Tôi vào xem rồi chạy ra ngay, “rởm” đến mức không thể đứng lâu để nhìn, cái mẫn cảm của thị giác nhanh vô cùng. Nhưng để chứng minh chúng là “hàng giả”, lúc đó phải đòi hỏi cả công nghệ khoa học hình sự vào cuộc, không hề đơn giản, ông nghệ sỹ của mình có đủ tiền theo kiện không?”, họa sỹ Lương Xuân Đoàn chia sẻ. Anh nói thêm: “Vấn đề tranh rởm đã bị phát hiện ngay từ thập kỷ 90, tranh rởm của Việt Nam đã ra nước ngoài, với những triển lãm ở Hồng Kông và một số nước khu vực, khi in thành sách chúng tôi phát hiện ra, người ta xin lỗi và bảo, nếu công bố chuyện này thì gallery của họ sập tiệm. Luật pháp các nước ngoài nghiêm ngặt còn ở ta thì…” Lương Xuân Đoàn thở dài.

Tranh giả, tranh chép ngày càng nhiều. Họa sỹ biết nhưng nhiều khi cũng… mặc kệ. Chuyện này chúng tôi sẽ trở lại hầu quý bạn đọc sau. Chỉ thấy rõ ràng, trong một môi trường mỹ thuật thiếu lành mạnh như hiện nay, chúng ta khó kiểm soát được chất lượng tranh “xuất ngoại”. Chúng tôi hỏi vị Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật: “Tranh nào của Việt Nam được đấu giá cao nhất?”. Ông thành thật: “Cũng khó. Vì biết đâu có những tranh giả đấu giá thành công thì sao, thực hư lẫn lộn. Ai dám nói đấu giá ngất ngưởng đã khẳng định giá trị thật của tác phẩm và của danh họa? Theo thông tin bên ngoài, tạm cho là đúng thì qua sàn đấu giá nước ngoài, “Thôn nữ Bắc Kỳ” của cố họa sỹ Nam Sơn, có giá gần 6 tỷ tiền Việt. Song tôi nhắc lại, bức tranh trị giá mấy trăm ngàn euro, thực hư tranh thật hay tranh chép, cũng không ai dám chắc”. Chưa biết đến bao giờ, môi trường hội họa ở ta mới trở nên trong sạch, lành mạnh. Bây giờ sự hoài nghi có mặt ở khắp mọi nơi. Làm thế nào để mua được tranh thật? Người trong giới đưa ra gợi ý: Gặp trực tiếp họa sỹ hoặc mua tại các triển lãm của các tác giả đó. Nhưng họa sỹ Lương Xuân Đoàn lại đặt câu hỏi: “Dắt đến gặp họa sỹ, có chắc ôm được độc bản không? Có đến 5,6 bản thì bản nào là bản đầu tiên”… Cứ thế này, bảo sao tranh Việt đương đại khi ra nước ngoài không bị dìm giá?

Ủng hộ bằng cấp phép

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm có chiến lược gì để họa sỹ, nhất là họa sỹ trẻ tiếp cận với thị trường thế giới? Cục trưởng Vi Kiến Thành đáp: “Mỹ thuật không phải lĩnh vực hoạt động theo kiểu tập thể, như hãng phim, công ty, nhà hát... Từng họa sĩ đều hoạt động độc lập. Kinh phí nhà nước hết sức eo hẹp nên Cục không thể nào lo hết cho anh em được, anh em phải xã hội hóa, chủ động thôi. Về chủ trương, Cục luôn luôn ủng hộ tạo điều kiện cho anh em, anh em phải chủ động quan hệ, có đơn vị nào bên kia mời thì anh em cứ đi, Cục sẽ cấp phép”.

Họa sỹ Đào Hải Phong bày tỏ quan điểm: “Tôi nghĩ, riêng khoản này Cục trưởng nói  đúng đấy. Tôi cũng chưa được hưởng bổng lộc gì của Cục hay Hội. Nhưng nếu người quản lí mà nói như thế thì đúng về lí thuyết, tôi hoan nghênh. Thực ra nền mỹ thuật Việt Nam giống như là một bà mẹ ốm đói. Trong khi đó, bao kẻ đòi bú thì lấy đâu ra sữa?

Nghệ sỹ của mình cũng không phải kém cỏi. Nhưng hội cũng không thể nào mua tranh của các họa sỹ được vì kinh phí thấp mà có đến hàng ngàn hội viên. Chỉ có cái dở là một nước nhỏ như thế, nghèo như thế lại lắm họa sỹ đến thế. Tôi thấy ở Mỹ cũng không lắm họa sỹ như ở ta”.

MỚI - NÓNG