Giọng ca 'Tình đất đỏ miền Đông' Lê Hành một thời ra sao?

Giọng ca 'Tình đất đỏ miền Đông' Lê Hành một thời ra sao?
TPO - Nói đến Lê Hành, những người yêu nhạc ở thập kỷ 80 thế kỳ trước đều có thể nhớ đến một gương mặt khá điển trai đĩnh đạc với giọng ca trầm ấm, thường xuyên xuất hiện trên sóng phát thanh hay truyền hình.

Giọng ca Lê Hành được khán giả biết tới lần đầu tiên khi anh tham gia cuộc thi “Tiếng hát những người lao động trẻ TPHCM” năm 1976 do HTV tổ chức. Với ca khúc Tình đất đỏ miền Đông, Lê Hành đã đoạt giải Nhất và sau đó, gần như ca khúc này đã được “mặc định” cho anh.

Ngoài giải thưởng này, Lê Hành còn đạt khá nhiều thành tích trong các cuộc thi khác như: Giải nhất Hội diễn đơn ca mùa xuân năm 1977 do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, HCV Liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn quốc khu vực VI (Năm 1978), HCV tiết mục đơn ca Mẹ ơi hãy yên lòng (Năm 1979), HCV giọng ca hay toàn quốc với ca khúc Một đời người, một rừng cây (Năm 1984)…

Hành trang này đã giúp cho Lê Hành bước vào con đường ca hát và cùng với những ca sỹ khác như Cẩm Vân, Trung Tử Lưu, Ngọc Bích, Mỹ Lan, Thu Cúc, chị em Nhã Phương Bảo Yến.... Lê Hành đã trở thành một trong những ca sỹ góp phần tạo lên diện mạo cho dòng nhạc trẻ Việt Nam ngày đó.

Giọng ca 'Tình đất đỏ miền Đông' Lê Hành một thời ra sao? ảnh 1Ca sỹ Lê Hành

Tuy nhiên khác với nhiều ca sỹ có tiếng đã chọn con đường đi hát chuyên nghiệp thì Lê Hành lại coi đi hát như một công việc tay trái, việc chính của Lê Hành vẫn là nghề bác sỹ. Đã từ lâu người ta còn biết tới một bác sỹ Lê Hành nổi tiếng trong lĩnh vực thẩm mỹ. Là bác sỹ Trưởng khoa Tai- Mũi- Họng, bên cạnh công tác chuyên môn tại bệnh viện Chợ Rẫy, Lê Hành còn tự học thêm để năm 1996, ông đã có Bằng phó tiến sỹ Y học về Tai- Mũi- Họng và Phẫu thuật đầu cổ. Năm 2011 ông được phong Phó Giáo sư bộ môn phẫu thuật đầu cổ- tạo hình thẩm mỹ mặt và vi phẫu. Cũng chính Lê Hành là người khởi xướng cho dự án đào tạo Bác sỹ chuyên khoa cấp 1, cấp 2 về phẫu thuật thẩm mỹ và thành lập bộ môn Tạo hình thẩm mỹ cho các trường đại học Y khoa tại TPHCM.

Theo Lê Hành, việc thành lập bộ môn là niềm mơ ước của những người làm chuyên ngành phẫu thuật - thẩm mỹ vì đây là lần đầu tiên mà chuyên ngành này được giảng dạy chính quy trong trường đại học tại Việt Nam với một chương trình được thiết kế khá đầy đủ về thẩm mỹ nội khoa song song với chương trình phẫu thuật tạo hình. Bên cạnh đó, Lê Hành cũng đã thành lập trung tâm mang tên ông và hoạt động trong cả lĩnh vực nghiên cứu cũng như thực hành về phẫu thuật thẩm mỹ suốt hơn 40 năm qua. 

Giọng ca 'Tình đất đỏ miền Đông' Lê Hành một thời ra sao? ảnh 2và Bác sỹ Lê Hành 

Khi được hỏi về 2 ngành nghề ca hát và phẫu thuật thẩm mỹ của Lê Hành là có liên quan gì đến nhau không thì Lê Hành cho biết cả 2 đều giống nhau ở chỗ đều làm đẹp cho đời, và cả 2 nghề này đều không có tuổi. Khác biệt duy nhất là ca hát thì làm đẹp cho tâm hồn còn phẫu thuật thẩm mỹ làm đẹp cho gương mặt.

Lê Hành cho rằng “Ý nghĩa nghệ thuật của ngành y, đặc biệt là phẫu thuật thẩm mỹ không khác là mấy so với ca hát. Một ca mổ cho kết quả đẹp, ít chảy máu, đạt yêu cầu thẩm mỹ cao có thể gọi là nghệ thuật. Trong khi đó, ca hát cũng là nghệ thuật. Nó tạo cho mình sự cạnh tranh, thúc đẩy hoàn thiện công việc. Bên cạnh đó, khi hòa mình vào lời ca tiếng hát, tôi có thể trút bỏ những ưu tư phiền muộn trong tâm trí”.

 Lê Hành với ca khúc để đời "Tình đất đỏ miền Đông" 

Giờ đây dù đã nhận quyết định về hưu nhưng Lê Hành vẫn không chịu nghỉ ngơi, ông tham gia Hội phẫu thuật thẩm mỹ TPHCM với vai trò chủ tịch, tham gia làm cố vấn, đào tạo đội ngũ bác sỹ phẫu thuật cũng như tiếp tục nghiên cứu, tham gia nhiều hội thảo chuyên sâu về thẩm mỹ.

Còn đi hát, Lê Hành không còn thường xuyên nữa và ông chỉ tham gia trong các chương trình từ thiện. Nhưng với Lê Hành, được hát vẫn là điều quan trọng: “Những lúc không làm việc, chúng tôi tìm đến thể thao để giải trí, âm nhạc để giải trí và chúng tôi tìm đến đây để được hát, được giải tỏa áp lực và quan trọng hơn là để giúp cho những bệnh nhân của mình”- Lê Hành nói thế.  

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.