'Hết rừng già hết thuốc người Dao'

TS Bàn Tuấn Năng (thứ sáu từ trái sang) trong lễ ra mắt Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa người Dao tỉnh Bắc Kạn Ảnh: Lan Hương
TS Bàn Tuấn Năng (thứ sáu từ trái sang) trong lễ ra mắt Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa người Dao tỉnh Bắc Kạn Ảnh: Lan Hương
TP - Là người Dao, có hơn 20 năm nghiên cứu bảo tồn văn hóa vùng cao, vào một ngày gần đây TS Bàn Tuấn Năng nảy ra ý tưởng “dùng tri thức bản địa để cõng thuốc người Dao về miền xuôi”. Bán thuốc người Dao không phải là mục tiêu duy nhất, ông tham vọng lập dự án giúp đồng bào gây trồng những cây thuốc có nguy cơ tuyệt chủng.

Trong cuộc phỏng vấn TS Bàn Tuấn Năng cách đây không lâu, nhà Việt Nam học, GS Philip Taylor (người Úc) nhận xét “Người Dao giỏi nghề thuốc mà không coi đó là một nghề kiếm sống”. Tiến sĩ Năng lúc đó mới giật mình thầm nghĩ “ừ nhỉ, mình lăn lộn mải mê với sưu tầm truyện cổ tích, phục dựng lễ hội khắp miền Tây Bắc mà bỏ qua một đặc sản văn hóa của chính dân tộc mình - kinh nghiệm hái thuốc chữa bệnh”.

'Hết rừng già hết thuốc người Dao' ảnh 1 Người Dao không bao giờ hái thuốc nhổ cả gốc
Kho báu trong rừng già
Theo TS Năng, bất cứ người Dao lớn tuổi nào cũng biết về thuốc, tìm thuốc theo bản năng. Đàn ông Dao hầu như đều biết cúng và nghề thầy cúng đồng nghĩa với thầy thuốc. Người Dao, vốn tiếp nhận Đạo giáo (tu tiên, luyện đan, tìm thuốc trường sinh bất tử và cúng bói phù phép)  ngay từ buổi đầu, khi chưa phân chia thành hai hệ phái, nên đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong việc hái và chế biến các bài thuốc quý từ rừng già. 

Khách du lịch lên vùng cao khá hiếu kỳ với dịch vụ tắm lá thuốc người Dao, thang thuốc này cũng xuất phát từ thang thuốc tắm (ngâm) dùng cho sản phụ và trẻ sơ sinh giúp thông huyết mạch. Tuy nhiên ít ai biết bài thuốc gốc bí truyền có 12 vị chứ không phải 5 vị như đang bán đầy thị trường. Bảy vị thuốc biệt dược còn lại gần như đã tuyệt chủng. Vị biệt dược quan trọng nhất giúp co dạ con êm nhẹ  khó kiếm vô cùng. Vị này là tầm gửi lá đỏ, nằm ở đỉnh chạc ba cây nghiến cổ thụ.

Cách tắm thuốc cũng không nhiều người du lịch biết. Trước khi tắm phải gội đầu trước bằng nước thuốc. Nhiều du khách nhảy ùm vào tắm nhưng để đầu khô “sau đó kêu nhức đầu là phải thôi”.

Từng có một vài lần theo bà con đi hái thuốc, ông Năng mới ngấm nỗi gian nan nguy hiểm. Trong một thang thuốc có vị mọc ở đỉnh đồi, vị ở khe suối và vị tầm gửi ngọn cây đại thụ. Người hái phải kiếm cây mai (vầu, tre...) đặt cạnh cây lớn, dùng lạt buộc hai thân cây từng nấc một làm bậc thang leo lên. Có nơi dùng búa đóng  đinh móc vào thân cây làm bậc bám lên dần dần. Vất vả thế nhưng họ chỉ lấy số cành đủ dùng, không tích trữ  “người Dao luôn để lại gốc để cây mọc tiếp, không tận diệt”. Mặc dù có thói quen này nhưng hầu hết biệt dược toàn là tầm gửi trên cây cổ thụ, rừng già mất dần, cây thuốc quí cũng hiếm dần theo. Người hái chỉ lấy được đủ vị thuốc quí khi họ sinh sống ở rừng già như Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn); Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (Na Rì, Bắc Kạn); Vườn Quốc gia Phia Oắc Phia Đén (Nguyên Bình , Cao Bằng)...

Năm Bàn Tuấn Năng 17 tuổi, nghỉ hè về quê (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) đi chăn trâu để ý thấy bà nội  hái một loại lá cho thím lót dưới chiếu nằm. Bằng cách tự suy luận, Năng hiểu ra đây là lá để phụ nữ “điều hoà kinh nguyệt” sau khi có thai được vài ngày. Quan hệ tiền hôn nhân của người Dao khá cởi mở. Khi cô gái biết mình có thai ngoài mong muốn, cô ấy (hoặc mẹ, chị cô ấy) sẽ đi tìm loại lá đó, để dưới chiếu nằm một đêm lập tức có tác dụng. Có rất nhiều loại thuốc chỉ phụ nữ biết và truyền cho nhau. Nhận thấy cháu trai có năng khiếu, bà nội muốn truyền nghề thuốc nhưng anh lại chọn đại học sư phạm ngành văn.

Trong gia đình thầy cúng, người chồng cúng, vợ hoặc con thầy đi rừng hái thuốc. Tỷ lệ phụ nữ biết hái thuốc cao hơn nam giới. Gia đình có 10 con thì bố mẹ chỉ truyền nghề thuốc cho một đứa duy nhất. Người Dao thủng thẳng, không quyết liệt lấy “hái thuốc” làm nghề thu nhập chính. Giữa cúng và hái thuốc họ thích cúng hơn. 

Bản đồ “thầy thuốc vệ tinh”
Mở trang “Thuốc quí người Dao”, TS Năng không sợ cạnh tranh mà tự tin bởi ba lý do: Có hành trang văn hoá tri thức của người Dao; Có “bản đồ vệ tinh” những nhóm thầy thuốc tinh nhuệ; Có mục tiêu lớn là viết sách nghiên cứu “Thuốc quí người Dao” và gây trồng bền vững thuốc biệt dược. Tôi từng chứng kiến nhiều bạn bè, người thân mắc bệnh gan, thấp khớp chạy vào tim, rò xương... Tây y bó tay mà dùng thuốc người Dao lại khỏi. Thế mà cộng đồng chỉ biết đến mỗi “thuốc tắm”, TS Năng chia sẻ.

Chọn lọc vùng gần rừng già để có thuốc chuẩn vị,  TS Năng đã lập bản đồ gồm những thầy thuốc có từng thế mạnh chữa bệnh riêng: Bắc Sơn (Lạng Sơn) chữa xương khớp, Nguyên Bình (Cao Bằng) chữa run chân tay, tiểu đường, suy thận. Na Rì (Bắc Kạn) chữa gan; Bạch Thông (Bắc Kạn) chữa thần kinh tọa, gai đôi cột sống, thoát vị đĩa đệm…

Trang Fanpage “Thuốc quí người Dao” với nhiều bài viết về văn hoá, kỹ năng hái thuốc  của người Dao, ngay sau một tuần ra mắt đã có 2.500 người theo dõi, số lượng tăng dần trong các tuần tiếp theo. Ngoài việc tìm thuốc hay, bạn đọc tò mò về tập tục, quan niệm chữa bệnh, tri thức của dân tộc 6.000 năm tuổi đằng sau mỗi lá thuốc. Đông y của người Trung Quốc lấy thận làm gốc thì người Dao coi gan làm gốc để giải quyết nhiều loại bệnh. Nếu gan không thải độc thì thận phải lọc nhiều thứ độc, dẫn đến suy gan, suy thận, suy đa tạng.

Qui trình vận chuyển thuốc vẫn theo kiểu “âm lịch”. Ông Năng nhận từng đơn thuốc, gọi điện đặt thầy. Hái được thuốc, thầy cúng xin thần thuốc phù hộ người bệnh rồi gửi qua nhân viên đưa thư vượt rừng chặng 13-17 km ra bến xe huyện. Từ huyện chuyển qua xe buýt về Hà Nội. Tại đây ông Năng tự tay đưa đến người bệnh. “Không thuê shipper vì người bệnh cần gặp tôi để nói chuyện chứ không phải shipper”. Tiền thuốc trả trước thầy 2/3, đợi người bệnh phản hồi tốt mới trả nốt 1/3.

Ở Việt Nam chỉ có 6 tiến sĩ người Dao thì gia đình TS Bàn Tuấn Năng đã chiếm ba người (bố và em gái ông đều là tiến sĩ). “Tôi là niềm tự hào của cộng đồng người Dao và cộng đồng thầy thuốc đồng hương. Tôi tin rằng, việc tôi dùng tri thức văn hóa giúp họ tăng thu nhập trong nghề hái thuốc sẽ khiến họ tiết lộ tên của những cây thuốc hiếm cần bảo tồn và nhân rộng. Khi đó nghề thuốc có thể trở thành thu nhập chính của đồng bào tôi”.

'Hết rừng già hết thuốc người Dao' ảnh 2 Truyền nghề gieo cấy thuốc trong vườn nhà

Ở Việt Nam chỉ có 6 tiến sĩ người Dao thì gia đình TS Bàn Tuấn Năng đã chiếm ba người (bố và em gái ông đều là tiến sĩ). “Tôi là niềm tự hào của cộng đồng người Dao và cộng đồng thầy thuốc đồng hương. Tôi tin rằng, việc tôi dùng tri thức văn hóa giúp họ tăng thu nhập trong nghề hái thuốc sẽ khiến họ tiết lộ tên của những cây thuốc hiếm cần bảo tồn và nhân rộng. Khi đó nghề thuốc có thể trở thành thu nhập chính của đồng bào tôi”.

Gia đình có 10 con thì bố mẹ chỉ truyền nghề thuốc cho một đứa duy nhất. Người Dao thủng thẳng, không quyết liệt lấy “hái thuốc” làm nghề thu nhập chính. Giữa cúng và hái thuốc họ thích cúng hơn.

MỚI - NÓNG