Hoạ sĩ Thế Sơn lên tiếng về bức phù điêu gây tranh cãi ở Phùng Hưng

Tác phẩm "Tuần lễ thời trang Phố cổ" gây tranh cãi. Ảnh: Mạnh Thắng
Tác phẩm "Tuần lễ thời trang Phố cổ" gây tranh cãi. Ảnh: Mạnh Thắng
TPO - Ngay sau khi phố bích hoạ Phùng Hưng khai trương, nhiều người thắc mắc về bức phù điêu gợi đến mục đích quảng cáo thương mại. Hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn, giám tuyển dự án bích hoạ này trả lời Tiền Phong xung quanh tranh cãi này.

Phù điêu gợi một số thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới xuất hiện bên cạnh bức tranh Hàng Trống gây tranh cãi, anh có thể nói gì về điều này?

Tác phẩm “Tuần lễ thời trang phố cố” của tác giả trẻ Xuân Lam. Tôi có thể nói ngay, đây là tác phẩm cảnh báo về giá trị di sản truyền thống bị nhạt nhoà.

Bức tranh vốn là tranh Hàng Trống, di sản truyền thống trước 1945 H nằm ngay trong phố cổ Hàng Trống, bây giờ nhiều người chỉ mang máng. Không mấy ai biết rõ bức tranh đó là di sản tranh Hàng Trống, nhưng lại nhận ra ngay thương hiệu thời trang nổi tiếng kia bởi chúng ta nằm cạnh lò sản xuất hàng “fake” lớn nhất thế giới, biểu tượng thời trang này cũng là biểu trưng toàn cầu hoá.

Hoạ sĩ Thế Sơn lên tiếng về bức phù điêu gây tranh cãi ở Phùng Hưng ảnh 1 Chi tiết thời trang hàng hiệu xuất hiện trong tranh Hàng Trống tại phố bích hoạ Phùng Hưng. Ảnh: Mạnh Thắng
Tại sao nghệ sĩ lại chọn cách thể hiện dễ gây tranh cãi như thế?

Tác phẩm nghệ thuật đương đại không phải là sự mô phỏng, sao chép. Nếu một số bức trong phố Phùng Hưng chỉ là ảnh phóng to, đơn giản dễ hiểu thì một số khác gợi mở hơn. Với tư cách giám tuyển, tôi yêu cầu các nghệ sĩ đưa ra tác phẩm có yếu tố sáng tạo, phải là những câu chuyện mà người ta xem xong và đặt câu hỏi. Nghệ thuật đương đại đòi hỏi có tương tác về mặt tư duy. Nếu nghệ sĩ chỉ vẽ lại hoặc mô phỏng bức ảnh cũ thì không phải nghệ thuật đương đại.

"Người ta dễ dàng nhận ra biểu tượng thương hiệu thời trang, nhưng mơ hồ về tác phẩm tranh Hàng Trống"-Nguyễn Thế Sơn.


Xem ra anh đạt được ý đồ, bởi người xem tranh cãi rất nhiều về chi tiết lạ này?

Đúng. Tác phẩm đặt cho người xem rất nhiều thắc mắc, chứ không đơn giản là tranh tuyên truyền cổ động. Người Việt Nam chưa có thói quan xem tác phẩm, đọc giải thích bên cạnh. Những lời giải thích này không nặng mô tả tác phẩm, nó gợi mở cho người xem cảm nhận tác phẩm. Rõ ràng ở đây người xem sẽ nhận ra lời cảnh báo: Chúng ta đang bị toàn cầu hoá cuốn đi, coi nhẹ giá trị truyền thống.

Tác giả Xuân Lam vốn yêu di sản truyền thống, từng có dự án vẽ lại tranh Đông Hồ. Để thực hiện tác phẩm này, bạn ấy rất khó khăn vào bảo tàng chụp lại bức ảnh về tranh Hàng Trống, bạn ấy muốn khuyến khích giới trẻ quan tâm tới giá trị truyền thống: Người ta dễ dàng nhận ra biểu tượng thương hiệu thời trang, nhưng mơ hồ về tác phẩm tranh Hàng Trống.

MỚI - NÓNG