Hội Minh Thề: Gần 500 năm vẫn nguyên giá trị

Một phần nghi thức uống máu, thề không tham nhũng tại hội Minh Thề.
Một phần nghi thức uống máu, thề không tham nhũng tại hội Minh Thề.
TP - Ra đời cách đây gần 5 thế kỷ với lời thề trung thực, không lấy của công dùng vào việc tư… nhưng theo lãnh đạo thành phố Hải Phòng, hội thề “không tham nhũng” vẫn giữ nguyên giá trị thời sự, thời đại.

Của công dùng vào việc công

 Sáng 1/3 tức 14 tháng giêng âm lịch, người dân thôn Hòa Liễu xã Thuận Thiên (Kiến Thụy, Hải Phòng) tập trung tại ngôi chùa của làng để tham dự lễ hội Minh Thề - hội thề không tham nhũng. Năm nay, người dân địa phương rất vui khi lễ hội của làng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trước ban thờ Thành hoàng, một “vòng tròn thiêng” được vẽ sẵn, đợi vị chủ tế cắm dao vào chính giữa để thể hiện sự quyết tâm thực hiện đúng như lời thề. Bên cạnh đó là đôi câu đối được treo trang trọng: “Hòa Liễu thiêu thu lưu di tích - Minh Thề huyết ẩm hội mùa xuân”. Cùng với đó, cột đá Minh Thề cao hơn 3m - tượng trưng cho lời thề như dao chém đá vẫn đứng vững sau thăng trầm của gần 5 thế kỷ và dù lễ hội từng bị dừng từ năm 1945 do ảnh hưởng của chiến tranh, mới được khôi phục năm 2002.

Ngược dòng thời gian, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép, từ thời Lý, Trần đã có tục lệ vua quan hằng năm tập trung tại đền Đồng Cổ, uống máu thề rằng: “Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái lời thề thần linh giết chết”. Đến thời nhà Mạc, lời thề trong sạch, không tư lợi mới được người dân, chức dịch cấp thôn cất lên. Đánh giá những năm trị vì của Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung), các sử gia triều Lê Trung Hưng - kẻ thù của nhà Mạc cũng phải viết: “Ngoài đường không ai nhặt của rơi, cổng ngoài không phải đóng”.

Theo Ban tổ chức, hội Minh Thề được bắt đầu từ năm 1563 khi Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (vợ vua Mạc Thái Tổ) xây cất chùa làng Hòa Liễu, mua ruộng công điền cúng vào chùa và cho người dân canh tác. Bà đã khởi xướng lễ hội Minh Thề nhằm dăn dạy người dân phải lấy của công dùng vào việc công, tu sửa chùa chiền, giúp đỡ người nghèo khó…

Tại buổi lễ, bà Phạm Thị Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy phát biểu: “Hội Minh Thề góp phần giáo dục, định hướng nhân cách sống, phẩm chất trung thực, chí công vô tư, kẻ làm quan không được tham ô, tham nhũng… làm cho con người tin tưởng vào lẽ công bằng và pháp luật”. Bà Vinh cũng cho rằng, lời thề của lễ hội không bị “đóng băng” mà có thể thay đổi, tiếp thu những cái mới, tiến bộ qua từng thời kỳ.

 Giá trị thời sự

Đây là quan điểm đánh giá lễ hội Minh Thề của ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng. Theo ông Nam, lễ hội đã có từ lâu nhưng vẫn giữ nguyên giá trị thời sự, thời đại của nó nhất là khi cả nước đang đẩy mạnh quyết tâm phòng chống tham nhũng. Ông Nam cũng dẫn lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”.

Sau khi bà Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trao quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho lễ hội, những trai tráng làng Hòa Liễu cùng đánh dàn trống lớn, chính thức khai mạc lễ hội Minh Thề năm 2018. Mở đầu, các trai làng cầm gươm dẫn đường, đưa bồi tế, giúp việc và đại diện nhân dân tập trung trước ban thờ thành hoàng làng. Trong tiếng trống uy nghiêm, trầm mặc, vị chủ tế cầm dao “vạch trời chỉ đất” trước khi cắm mạnh mũi dao vào tâm vòng tròn thiêng.

Tiếp đó, ông Nguyễn Văn Cường - một thường dân của làng Hòa Liễu tiếp tục năm thứ 10 đọc lời thề trung thực: “Dĩ công vi công nguyện chư thần ủng hộ. Nhược hữu tham tâm, dĩ công vi tư nguyện chư thần đả tử...”. Ông Cường lần lượt đọc lời thề cho trưởng, phó thôn và người dân trong thôn từ 18 tuổi trở lên, ai vi phạm pháp luật xin thần linh “đả tử”. Sau mỗi câu của ông, những người tham gia tế lễ cùng hô vang: “Y như lời thề!”.

Kết thúc phần lễ, gà trống bị buộc bằng dây đỏ, đựng trên mâm đồng được một trai làng đội ra sân đền. Vị chủ tế cắt tiết gà hòa cùng rượu rồi phát cho mọi người. Trưởng thôn cùng đại diện người làng Hòa Liễu kính cẩn nhận rượu, giơ lên cao trước nhân dân, lãnh đạo các bộ ngành và TP Hải Phòng đang ngồi phía dưới theo dõi, rồi cạn chén.

“Lấy của công làm vào việc công thì được thần linh ủng hộ. Nhược bằng nếu có lòng tham, lấy của công về làm của tư, nguyện cầu các vị thần linh đả tử. Y như lời thề… Từ trên cụ già, dưới đến tuổi 18 ở dân thôn, trong làng vườn tược buồng cau, trái chuối, ngoài đồng lúa má hoa màu. Mọi người đều công minh chính trực, không tham lam vơ vét. Người nào mà trộm cắp của nhau xin thần linh đả tử… Người nào chứa chấp của gian tà, bao che kẻ trộm cắp, thần linh sẽ điều tra xét hỏi, công tư rõ ràng, lấy quyền hành chính trực chiếu theo luật thể mà trị tội…”.

 Một phần lời thề trong lễ hội làng Hòa Liễu

MỚI - NÓNG