Hóng “Diên Hy Công Lược” phần 2?

Cảnh trong phim “Diên Hy Công Lược”
Cảnh trong phim “Diên Hy Công Lược”
TP - “Diên Hy Công Lược” đã hết nhưng khán giả vẫn chưa đã cơn thèm. Lại rạo rực khi nhà làm phim hứa hẹn… còn nữa.

Không chỉ tạo cơn địa chấn ở Trung Quốc, tới Việt Nam bộ phim truyền hình cổ trang theo đề tài cung đấu này cũng hô mưa gọi gió, khiến cả một số ngôi sao giải trí ở ta đứng ngồi không yên. “Diên Hy Công Lược” đã hết nhưng khán giả vẫn chưa đã cơn thèm. Lại rạo rực khi nhà làm phim hứa hẹn… còn nữa.

Hoành tráng và tỉ mẩn… đến thế là cùng

Một bộ phim được đầu tư quy ra tiền Việt lên tới ngàn tỷ đồng nhưng không đổ vào cát xê của diễn viên. Dàn diễn viên cũng không quá đình đám, đáng kể nhất là  Xa Thi Mạn, trong vai Nhàn phi, sau này trở thành kế hoàng hậu, là thế lực đối đầu âm thầm nhưng nguy hiểm nhất trong trận chiến hậu cung của Ngụy Anh Lạc. Nhân vật chính Ngụy Anh Lạc được giao cho Ngô Cẩn Ngôn vốn dĩ là một diễn viên múa ba lê, không sắc nước hương trời. Ban đầu không ít người đã tranh luận về nhan sắc của Ngô Cẩn Ngôn. Sau do quá yêu quí vai diễn của cô mà khán giả nhất định xếp cô vào dòng xinh lạ. Thế cũng hay.

Thay vào đó tài chính được đầu tư đích đáng cho chi phí sản xuất. Nghe nói, kinh phí đầu tư 300 triệu Nhân dân tệ (khoảng hơn 1000 tỷ đồng) thì 250 triệu Nhân dân tệ đã được đổ vào chi phí sản xuất. Những tiết lộ về hậu trường chế tác trang phục hay hậu trường bối cảnh của “Diên Hy Công Lược” đủ khiến  khán giả ta tròn mắt. Nếu không nói bối cảnh “fake” được phục dựng tại phim trường Hoành Điếm thì người xem cứ ngỡ mình lạc vào Tử Cấm Thành thật. Thứ cần hoành tráng thì hoàng tráng ra trò nhưng thứ đáng tỉ mẩn cũng lại tỉ mẩn ra trò. Trang phục trong phim nhận được mưa lời khen từ những người làm chuyên môn lẫn khán giả bình thường. Rất nhiều người phát hiện chúng giống với trang phục đời nhà Thanh đang trưng bày ở bảo tàng Cố cung. Mãn nhãn là ưu điểm đầu tiên khi xem “Diên Hy Công Lược”.

Dốc hết vốn liếng?

Được nhận xét là ít “hại não” hơn nếu so với những phim thuộc đề tài cung đấu khác song “Diên Hy Công Lược” vẫn kích thích nhờ kịch tính nối tiếp nhau, khiến người xem lúc hồi hộp, lúc rơi nước mắt. Khi phim đi đến những tập cuối cùng không ít người hâm mộ đoán già đoán non “Diên Hy Công Lược” sẽ có cái kết đẫm máu. Thế rồi, trái với dự đoán, “Diên Hy Công Lược” chọn cách kết thúc có hậu, thiện thắng ác, chính thắng tà, Ngụy Anh Lạc, một cung nữ có vị trí thấp kém nhưng có tấm lòng lương thiện, đấu tranh cho lẽ phải, cho sự bình đẳng, với tài năng, bản lĩnh, mưu mô cuối cùng đã chiếm trọn lòng tin của hoàng đế Càn Long, trở thành Lệnh Hoàng phi cai quản hậu cung. Còn đối thủ nặng ký của cô, kế hoàng hậu bị tống vào lãnh cung.  Một kết thúc có màu “cổ tích” đương nhiên khiến phần đa khán giả vui mừng phấn khởi.

 Tuy nhiên, một bộ phận nhỏ khán giả khái tính không đánh giá quá cao “Diên Hy Công Lược”. Nhân vật chính được xây dựng một cách sống động, phóng khoáng tuy vậy có phần phi hiện thực. Một đánh giá từ khán giả: “Ngụy Anh Lạc như siêu nhân bất tử, từ cung nữ bé mọn đến quyền lực như quí phi mà đụng vô Anh Lạc là văng vô tường liền. Quá ảo. Đến cả Thuần phi cũng dễ dàng bị Anh Lạc chửi là súc vật mà không dám làm gì. Bắt đầu từ tập 21 thì nhân vật chính ảo tung chảo”. Điển hình của “ảo” diễn ra ở tập 27, Ngụy Anh Lạc hô mưa gọi sét, dẫn đến cái chết Dụ Thái Phi. Khán giả bình luận rôm rả nhưng vẫn cho qua “chiêu trò” kém thuyết phục này của những nhà làm phim. Có thể lí giải sự cho qua này của khán giả như diễn giải của nhân vật Phó Hằng trong phim về tình cảm của vua dành cho Ngụy Anh Lạc: Thích bị mê hoặc.  Hay như nhân vật Cao Quí Phi, cái chết cận kề, vết thương loang lổ máu, vẫn múa một bài cho vua xem, chẳng khác những nhân vật trong các vở cải lương của ta, trước khi lìa đời thế nào cũng phải ca một bài nức nở.

Bên cạnh những màn phi hiện thực, những chiêu câu khách thời thượng cũng được tận dụng tối đa trong “Diên Hy Công Lược” vừa thấp thoáng tình yêu đồng tính nữ lại đan xen những mối tình lắt léo, Phú Sát Phó Hằng đúng nghĩa là một “hot boy” trong phim, được nhiều nữ nhân xinh đẹp si mê, đến cả Thuần phi danh phận cao quí cũng thầm yêu trộm nhớ chàng. Trong khi đó chàng chỉ một lòng một dạ hướng về Ngụy Anh Lạc, ngay cả sau này nàng đã trở thành sủng phi của Càn Long, làm hình thành nên mối tình tay ba Càn Long- Anh Lạc- Phó Hằng… Khi “Diên Hy Công Lược” đi đến quá nửa đường, đã có lúc gây nhàm chán, thậm chí gây cảm giác lố với những những màn yêu chiều hoặc chọc giận giữa vua và Ngụy Anh Lạc. Phim kéo dài nhiều tập, với quá nhiều nhân vật, khiến đôi lúc những nhà làm phim cũng tỏ ra lúng túng trong xử lí nhân vật. Để hóa giải mối tình tay ba, Phó Hằng được dành cho kết cục tử trận nơi sa trường, cực kỳ dễ đoán trước, không gây bất ngờ…

Vì thành công mỹ mãn nên “Diên Hy Công Lược”  chưa thể dừng tại đây. Nhà sản xuất đã tuyên bố sẽ tiếp tục “đãi khán giả” hai phần nữa. Nhưng có lẽ “thượng đế” cũng không nên hi vọng nhiều. Giống như tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió” dừng lại thì thèm, viết tiếp thì dở. Dù quái chiêu đến mấy thì sau gần trăm tập phim, vốn liếng của những nhà làm phim có lẽ cũng đã cạn nhiều.

MỚI - NÓNG