Julianne Moore: Tôi giống chuột đục tường

Diễn xuất tinh tế, giàu cảm xúc của Julianne Moore trong “Still Alice” được đánh giá cao.
Diễn xuất tinh tế, giàu cảm xúc của Julianne Moore trong “Still Alice” được đánh giá cao.
TP - Sau 5 lần được đề cử mới chạm tượng vàng Oscar ở tuổi 54, Julianne Moore nói thêm về vai bệnh nhân Alzheimer giúp mình bước lên đỉnh vinh quang.

Năm lần đề cử và chị tìm được chiến thắng. Chị nghĩ gì về chiến thắng này?

Tôi không biết nữa, ý tôi là tôi tin rằng mình làm việc hết mình. Tôi thích những câu chuyện về thân phận con người, con người có thực với mối quan hệ gia đình, những gia đình thực tế. Bộ phim này có tất cả những điều đó. Tôi nghĩ sự nghiệp của mình luôn phát muộn. Mãi 29 tuổi mới nhận được vai đầu tiên trong điện ảnh, ở cái tuổi mà không phải tràn trề năng lượng nữa. Tôi thấy mình giống con chuột miệt mài đục thủng bức tường (cười).

Lúc nhận giải chị nhắc anh chồng trẻ hơn, chồng chị ủng hộ vợ thế nào?

Chồng tôi là người tuyệt vời, luôn bên cạnh vợ. Đây là lần đầu tôi chia sẻ trước đông người về chồng mình. Khi cùng tôi đến xem bản dựng phim Still Alice (Alice vẫn sống), anh ấy khóc, bảo tôi thế nào cũng được Oscar. Thề có Chúa, tôi không thể tin… Nhưng đó là cách anh ấy ủng hộ tôi từ rất sớm.

Đóng vai bệnh nhân Alzheimer, chị có phải mất nhiều thời gian chuẩn bị?

Tất cả diễn ra rất nhanh, vì đây là phim kinh phí thấp và thời gian quay chỉ bốn tuần. Trước khi quay, tôi liên hệ với Hội Alzheimer, người đứng đầu cho tôi tiếp xúc với nhiều phụ nữ khắp nước Mỹ khởi phát bệnh Alzheimer khi còn trẻ. Tôi nói chuyện với họ về trải nghiệm, cảm xúc của họ. Tôi đến Bệnh viện Mount Sinai tại New York gặp giáo sư Mary Sano, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu Alzheimer, rồi gặp gỡ những người chăm sóc bệnh nhân và thăm cơ sở chăm sóc dài hạn-nơi nhiều bệnh nhân trải qua phần cuối đời. Tất cả những thứ bạn thấy trên phim, mọi hành vi, cảm xúc đều là những thứ tôi thấy họ làm hoặc họ kể với tôi.

Chị có trí nhớ tốt chứ?

Ở tuổi này tôi cảm thấy trí nhớ ngày một kém đi. Khi trẻ, người ta không chú ý và nghĩ rằng quá bình thường khi biết chìa khóa mình để đâu, hay dễ dàng nhắc lại một cuộc gặp... Nhưng bạn biết đấy, bệnh Alzheimer không chỉ là chứng mất trí nhớ mà hơn hết là bệnh về hệ thần kinh. Bạn cảm thấy hoàn toàn lạc lối và bất lực. Đó là điều cực kỳ khó khăn.

Dù kín lịch làm việc, nhưng chị xem ra vẫn có cả thời gian xuất bản sách?

Vâng, tôi viết ba cuốn trong sêri Freckleface Strawberry dành cho thiếu nhi. Tôi cũng viết Mẹ tôi là một người ngoại quốc, nhưng không phải với tôi, về sự khó khăn khi trưởng thành với một người mẹ là người nước ngoài. Tôi cũng muốn tưởng nhớ bà mẹ người Ai-len. Bà mất đi khiến tôi vô cùng đau đớn, tôi yêu và khâm phục mẹ. Bà đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời của tôi, thật khó khăn khi nói vĩnh biệt người mình yêu mến. Dù sao đi nữa, viết lách cũng cần thiết cho nghề diễn viên. Tôi cần có cảm giác tự do hơn.

Người ta thường nói về sự khó khăn diễn viên ngày một gần tuổi già, ít có vai tốt. Chị thì sao?

Cũng như bao người, với tôi già đi quả không phải điều tốt gì. Nhưng tôi thử không nghĩ quá nhiều về điều đó. Tôi từ chối áp lực của cả Hollywood đối với người có tuổi. Dường như ở Mỹ già đi là sự mất mát, nhưng ở châu Âu thì không như thế. Bù lại tôi nhận được nhiều tình yêu thương từ gia đình, đó mới là điều quan trọng.

Theo Theo Gala, Firstluxemag
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.