Khai mạc triển lãm “Nét khắc từ truyền thống đến hiện đại”

Khai mạc triển lãm “Nét khắc từ truyền thống đến hiện đại”
TPO - Tối 21/3, triển lãm “Nét khắc từ truyền thống đến hiện đại” đã được khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học). Triển lãm kéo dài đến hết ngày 27/3/2016.

Đến với buổi khai mạc triển lãm, họa sĩ Trần Nguyên Đán đã chia sẻ những điều tâm niệm, tâm đắc nhất của ông: “Tôi chọn đồ họa vì nó hợp với tôi. Tôi thấy trên mảnh đất này, tôi có thể phát huy sở trường của mình và chủ động theo đuổi để gặt hái thành công, đi xa hơn. Tranh khắc, bản thân nó chỉ là một phương tiện để truyền tải ý tưởng, quan niệm và thẩm mỹ của mình”.

Tại triển lãm trưng bày hơn 100 tác phẩm, chủ yếu là tranh khắc gỗ và mộc bản của họa sĩ Trần Nguyên Đán nằm trong bộ sưu tập của nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa – Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội. Từ đầu năm đến nay, đây là triển lãm thứ 2 do Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội đứng ra tổ chức, sau triển lãm “Nét xuân 2016 – Di sản văn hóa tranh dân gian Việt Nam”.

Tới triển lãm, công chúng sẽ được chiêm ngưỡng nhiều bức tranh khắc, mộc bản được họa sĩ Trần Nguyên Đáng sáng tác từ năm 1970 – 2015 phủ rộng theo nhiều chuyên đề như: Hà Nội, Hội An, Huế, Dân tộc miền núi… 

Ngay từ khi vào nghề, Trần Nguyên Đán đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng trong giới như: “Chăm học chăm làm”, “Con trâu là đầu cơ nghiệp”… Bản thân các tác phẩm tranh khắc, mộc bản đồ sộ đó cũng được coi là bộ sưu tập của chính họa sĩ được giữ gìn cẩn thận qua năm tháng. Mỗi bức tranh đều gắn với một giai đoạn thăng trầm của lịch sử đất nước cũng như cuộc sống cá nhân của nghệ sĩ.

Việc mang bộ sưu tập “độc” và quý của mình ra trưng bày không chỉ để du khách, người hâm mộ có cơ hội chiêm ngưỡng những tác phẩm tranh khắc gỗ mang giá trị nghệ thuật cao, giàu giá trị, tính nhân văn mà Nguyễn Thị Thu Hòa còn nhằm khơi gợi niềm đam mê để ngày càng có thêm nhiều nhà sưu tập đi theo từng họa sĩ và hình thành những bộ sưu tập trọn đời.

Khai mạc triển lãm “Nét khắc từ truyền thống đến hiện đại” ảnh 1

Bởi trong bối cảnh ngày nay, nhiều họa sĩ không muốn hoặc không có điều kiện để giữ lại những tác phẩm làm nên dấu ấn, thương hiệu và phong cách của mình. Việc những nhà sưu tập theo đuổi những bộ sưu tập theo các chuyên đề hay sưu tập trọn đời đều nhằm mục đích chung tay gìn giữ di sản hội họa.

Kể từ khi nghỉ hưu (năm 2003) đến nay, đây là lần đầu tiên Trần Nguyên Đán xuất hiện trước công chúng và giới mỹ thuật qua triển lãm “Nét khắc từ truyền thống đến hiện đại”. Triển lãm lần này cũng nhằm đánh dấu một quãng đời sáng tác của ông, cũng như sự nghiệp hội họa ở tuổi 75 của mình.

Dưới con mắt làm nghề, tranh khắc gỗ của họa sĩ Trần Nguyên Đán đã đạt đến mức độ hoàn hảo. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hòa: “Tranh của Trần Nguyên Đán là tiếp nối hoàn hảo giữa truyền thống tranh khắc gỗ dân gian Việt Nam qua Đông Hồ và Hàng Trống với khắc gỗ hiện đại. Tranh của ông rất “duyên dáng” và đậm đà tinh thần dân tộc. “Duyên dáng” ở chỗ nó có tính nhịp điệu, tạo hình nhân vật rất dân tộc về mảng miếng, đường nét, màu sắc”.

Ông Đức Hòa cũng nói thêm: “Vào thời điểm này, ông Đán là “cây đa cây đề” trong làng tranh khắc gỗ hiện đại Việt Nam. Có một điều rất khó làm nhưng Trần Nguyên Đán làm được và thành công. Các nhân vật của ông trông rất hồn nhiên, tươi vui, một đặc điểm thường thấy trong tranh Hàng Trống, Đông Hồ ngày xưa. Đó cũng chính là “hồn dân tộc” trong những bức tranh hiện đại của Trần Nguyên Đán”.

Khai mạc triển lãm “Nét khắc từ truyền thống đến hiện đại” ảnh 2

Còn dưới con mắt của những khán giả bình thường, không có mấy chuyên môn về hội họa, càng ngắm tranh của Trần Nguyên Đán, càng vỡ ra nhiều điều. Để rồi càng xem càng thấy hay, cứ mê mải đắm chìm, suy tư trong dòng cảm xúc của chính mình như quá trình tìm về, khám phá tầng sâu văn hóa dân gian, cội nguồn dân tộc.

Lê Bích (phóng viên ảnh tự do), người từng rất nhiều lần lang thang ở các làng nghề Việt, làng nghề truyền thống chia sẻ: “Là người hoài cổ nên tôi rất thích tranh của ông Trần Nguyên Đán. Những người nghệ sĩ hiện đại làm đồ họa giờ không dùng phương pháp khắc gỗ hay làm mộc bản nữa. Và nghệ sĩ lấy cảm hứng từ truyền thống như ông Đáng còn rất ít. Những sự kiện đời thường đi vào tranh của ông theo cách tự nhiên, gần gũi. Ngay đến bố cục tranh cũng dàn trải một cách ngẫu nhiên và rất dân gian”.

Không chỉ có những nhà nghiên cứu, họa sĩ, người hiểu dân gian, yêu dân gian mới yêu tranh của Trần Nguyên Đán, mà thế hệ trẻ cũng tỏ ra hào hứng khi được tìm hiểu truyền thống dân gian Việt Nam qua một người nghệ sĩ dân gian. Bạn Lê Hương Thảo (sinh viên khoa Đồ họa truyền thống, trường Mỹ thuật Việt Nam) tâm sự: “Hôm nay đến xem triển lãm này tôi rất thích. Tôi cảm nhận được nét duyên dáng của quê hương Việt Nam trong tranh của họa sĩ Trần Nguyên Đán, những nét khắc gỗ của họa sĩ rất đẹp”.   

Còn với sinh viên năm cuối Học viện Báo chí – Tuyên truyền như bạn Nguyễn Thanh Hương, triển lãm tranh khắc gỗ Trần Nguyên Đán lại gợi lên những suy nghĩ không mấy thuộc… về nghệ thuật. Bạn Hương chia sẻ: “Các bức tranh ở đây rất đặc biệt, nó thể hiện được nhiều nét sinh hoạt, văn hóa, đời sống của con người Việt Nam cả xưa và nay. Với tư cách một người trẻ, tôi cảm thấy học hỏi được ở họa sĩ Trần Nguyên Đán một niềm đam mê với công việc và sức làm việc không biết mệt mỏi của ông”.

Với mỗi người xem triển lãm, tranh của họa sĩ Trần Nguyên Đán đều để lại những dư âm khác nhau. Nhưng điểm chung nhất là sự thán phục và hâm mộ người họa sĩ già vẫn miệt mài như chú ong thợ và bền bỉ như kiến tha mồi. Ở tuổi hưu, ông vẫn say mê sáng tác nghệ thuật và tiếp tục cho ra đời những tác phẩm tranh khắc có giá trị. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.