Khi hai mẹ con nghệ sĩ “đối thoại thường ngày”

Nghệ sĩ Vũ Kim Thư bên các tác phẩm sắp đặt của mình. Ảnh: Diệp Anh
Nghệ sĩ Vũ Kim Thư bên các tác phẩm sắp đặt của mình. Ảnh: Diệp Anh
TP - Hai mẹ con theo đuổi hai mảng nghệ thuật khác biệt, hai phong cách, hai cá tính… đã cùng làm một triển lãm, thủ thỉ cùng nhau những chuyện giản dị của phố, của đường… Một triển lãm của họa sỹ tranh lụa Lê Kim Mỹ và nghệ sĩ sắp đặt Vũ Kim Thư.

Triển lãm “Đối thoại thường ngày” trưng bày 27 bức tranh lụa và 3 tác phẩm sắp đặt bằng chất liệu giấy. Người xem có thể bắt gặp hình ảnh một chị bán hàng dưới cột điện, mấy đứa trẻ con ngồi chơi đầu ngõ, vài cái lọ cũ rích chỏng chơ dưới gầm bàn, mấy con gà, con vịt, chuyện phố, chuyện chợ, chuyện lớn chuyện nhỏ hàng ngày... Tất cả hiện lên sống động qua nét vẽ của họa sĩ Lê Kim Mỹ cùng những chiếc đèn lồng độc đáo của nghệ sĩ Vũ Kim Thư. Đó là những điều bình dị, quen thuộc nhất mà họ thấy, họ nhớ và cảm nhận được từ trong tâm thức về một Hà Nội của riêng mình.

Vũ Kim Thư mang đến triển lãm chùm tác phẩm sắp đặt bao gồm ba tác phẩm tương tác với không gian của sảnh triển lãm L’Espace: hai tác phẩm ở hai cửa sổ chính và tác phẩm thứ ba sắp đặt tại chính giữa sảnh. Sinh ra và lớn lên từ phố, các tác phẩm của Vũ Kim Thư luôn hiện hữu ít nhiều các không gian phố. Thế giới mà cô thể hiện vừa xa xôi lại vừa gần gũi, trừu tượng nhưng cũng rất thân thuộc. Thế giới ấy bao gồm phong cảnh, thiên nhiên, kiến trúc và những nét vẽ tạo thành hiệu ứng một thành phố ba chiều… “Bằng một nét nhỏ, tôi bắt đầu tạo ra thành phố của mình, rồi từ nét nhỏ ấy, thành phố ấy cứ lớn dần, lớn dần…”, Vũ Kim Thư chia sẻ.

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật từ năm 1999 và hoàn thành chương trình sau Đại học tại Viện nghệ thuật Chicago (bang Illinois - Mỹ) năm 2003, hoạ sĩ Vũ Kim Thư đã thực hiện hàng chục triển lãm cá nhân cùng rất nhiều dự án nghệ thuật tại nhiều nước. Bắt đầu từ năm 2013, Vũ Kim Thư nhanh chóng nhận thấy những nét tương đồng giữa giấy washi Nhật Bản, giấy dó Việt Nam và giấy xuyến chỉ Đài Loan. Thư đã sử dụng những loại giấy cổ truyền này trong điêu khắc, kết hợp với sắp đặt ánh sáng để tạo nên những không gian nghệ thuật lung linh, kỳ ảo. “Giấy washi của Nhật có độ trong, giúp phản chiếu ánh đèn, giấy dó của Việt Nam có tạp chất tạo nên những sợi xơ khiến lớp vỏ đèn lồng thêm độc đáo. Giấy xuyến chỉ của Đài Loan khi viết mực nho lên sẽ có độ nhoè của nét, giúp tôi thể hiện vỏ đèn lồng đẹp hơn”.

Có mặt tại triển lãm, nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh (Chủ tịch Hội đồng ngành Điêu khắc - Hội Mỹ thuật Việt Nam) đứng rất lâu trước tác phẩm của Kim Thư. “Nói đến sắp đặt hình khối, người ta thường nghĩ đến chất liệu nặng như đá, đồng, hay gỗ, nhưng ở đây lại là những hình khối nhẹ, đến nỗi ta có thể thọc tay vào, hoặc nếu không cẩn trọng có thể vỡ được. Kết hợp với những hình ảnh gần gũi, giản dị của mực nho càng giữ chân người xem, càng xem càng bị lôi cuốn”, ông nhận xét.

Họa sỹ Lê Kim Mỹ dành cả cuộc đời gắn bó với tranh lụa. Những cảnh vật, con người trong tranh của bà, dù là một cành cây khẳng khiu buổi sáng, một khuôn mặt người mờ đi trong sương sớm, hay những chiếc thúng, mủng nơi góc nhà… đều dịu dàng trong từng nét vẽ. Như chính tác giả từng tâm sự “phải quý trọng từng chi tiết, luôn luôn yêu thích và chăm chú, dẫu là một chú chim nhỏ hay là một nhân vật vĩ đại”.

“Tranh của hoạ sĩ Lê Kim Mỹ rất lạ, thường khi vẽ lụa người ta hay bồi vào giấy, nhưng bà lại để nguyên, điều đó thách thức nghệ sĩ trong lúc vẽ phải cẩn trọng, nắn nót từng nét nhưng bù lại tranh đạt độ trong tối đa. Từ lối vẽ đến đề tài bà lựa chọn đều rất nhẹ nhàng, thanh bình, dễ gây thiện cảm với người xem”, NSND Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chia sẻ tại buổi khai mạc triển lãm.

Những chiếc đèn lồng, những tác phẩm sắp đặt của Vũ Kim Thư soi chiếu những bức tranh lụa của Lê Kim Mỹ, đồng điệu trong một triển lãm, kể chung một câu chuyện đời thường của phố. “Tôi yêu Hà Nội, đó là điều cốt yếu cho tôi cảm hứng, ý tưởng để tạo tác nghệ thuật. Mẹ tôi vẽ Hà Nội từ những điều có thực, còn tôi tạo nên phố của mình từ trí nhớ. Hà Nội bắt đầu từ một chấm nhỏ, rồi Hà Nội nở ra trong tưởng tượng và trọn vẹn khi tôi hoàn tất tác phẩm của mình”, Vũ Kim Thư nói về mối liên kết giữa mình và mẹ, “Tôi và mẹ thường có chung lộ trình đi xe máy lên phố cổ, ăn bún ở phố này, ăn phở ở phố khác, ăn quà vặt và đi chơi. Trong hành trình đó, tôi thấy mẹ quan sát Hà Nội như thế nào. Với tôi, triển lãm này là cái nhìn Hà Nội của mẹ. Đây là trải nghiệm vô cùng đặc biệt”.

Triển lãm “Đối thoại thường ngày” kéo dài đến ngày 30/4/2019 tại Trung tâm Văn hóa Pháp L'Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).