Khi hoa hậu Mỹ là người Hồi giáo

Khi hoa hậu Mỹ là người Hồi giáo
Chưa đầy 24 giờ sau khi giành vương miện người đẹp nhất nước Mỹ, cô gái gốc Libăng Rima Fakih đã liên tiếp hứng chịu những làn sóng chỉ trích dữ dội từ giới cánh hữu cực đoan.

Tân hoa hậu Mỹ Rima Fakih xúc động trong giây phút vinh quang - Ảnh: Reuters

Khi Rima Fakih, 24 tuổi, xuất hiện trên sân khấu chung kết cuộc thi Hoa hậu Mỹ tại Las Vegas đêm 16-5 trong bộ bikini nhỏ xíu màu cam, cả hội trường đã nín thở. Suýt chút nữa bị loại khi gần như té ngã do giẫm phải váy trong màn trình diễn váy dạ hội, nhưng với vẻ đẹp huyền bí và sự thông minh, Fakih đã chinh phục được cả ban giám khảo lẫn khán giả cuộc thi Hoa hậu Mỹ 2010.

“Là Hồi giáo cực đoan”?!

Ngay sau khi Fakih đoạt vương miện, giới cánh hữu cực đoan ở Mỹ đã phản đối ầm ĩ trên mạng Internet. Debbie Schlussel, một blogger bảo thủ nổi tiếng trên cộng đồng mạng ở Mỹ, cáo buộc

Fakih là một kẻ Hồi giáo cực đoan bởi họ của cô trùng với họ của một số quan chức Hezbollah, phong trào Hồi giáo Shiite cực đoan ở Libăng.

Trang web ủng hộ Israel có tên Lực lượng phòng vệ Internet Do Thái mô tả ngày 16-5 là “một ngày đen tối đối với nước Mỹ”.

Daniel Pipes, một tác giả theo đường lối bảo thủ nổi tiếng và là cựu cố vấn của cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani, đặt câu hỏi về hiện tượng các người đẹp gốc Hồi giáo liên tục đoạt giải tại các cuộc thi hoa hậu quốc tế, và nghi ngờ cuộc thi Hoa hậu Mỹ do tỉ phú Donald Trump nắm bản quyền cũng ngả theo xu hướng này.

Chưa hết, từ ngày 17-5, trên mạng Internet xuất hiện hàng loạt bức ảnh chụp cảnh Fakih ăn mặc khá thoáng, nhảy nhót trong cuộc thi múa cột do Đài truyền thanh Detroit (WKQI) tổ chức năm 2007. Kéo theo đó là hàng loạt bình luận tục tĩu và những lời chỉ trích Fakih không xứng đáng với danh hiệu hoa hậu Mỹ.

Tuy nhiên, nhà tổ chức sự kiện WKQI khẳng định cuộc thi trên chỉ dành cho phụ nữ và chẳng hề mang ý nghĩa dung tục gì. Báo Detroit News khẳng định trang phục Fakih mặc trong cuộc thi đó còn kín đáo hơn nhiều so với những bộ trang phục hấp dẫn và hở hang mà các người đẹp tham gia cuộc thi Hoa hậu Mỹ đã trưng diện.

“Những bức ảnh đó không hề phản ánh tính cách của Fakih” - WKQI khẳng định.

Biểu tượng của sự đa dạng

 
Khi hoa hậu Mỹ là người Hồi giáo ảnh 1

Ủy ban Chống phân biệt đối xử Mỹ - Ả Rập (ADC) tiết lộ bản thân Fakih và gia đình cô đã chuẩn bị đối đầu với những phản ứng tiêu cực của dư luận ngay từ khi cô đoạt giải Hoa hậu Michigan tháng 12-2009.

“Chúng tôi đã nhắc nhở gia đình Fakih rằng họ sẽ phải chấp nhận vấn đề này và sẽ có nhiều người bày tỏ sự thù hằn - ông Abed Ayoub, giám đốc luật của ADC, cho biết - Cô ấy đã tỏ ra rất mạnh mẽ và kiên định”.

Ngược lại với giới cực hữu, phần lớn công chúng Mỹ, đặc biệt là cộng đồng gốc Ả Rập đón nhận Fakih một cách nồng nhiệt.

“Cô ấy đã theo đuổi một giấc mơ, đó là giấc mơ Mỹ. Tôi không hiểu sao có những người bới lông tìm vết để hủy hoại niềm hạnh phúc ấy” - ông Imad Hamad, giám đốc ADC, bức xúc. ADC ca ngợi chiến thắng của Fakih là biểu hiện của sự đa dạng về văn hóa và chủng tộc ở Mỹ, và chứng tỏ rằng nước Mỹ trao cơ hội cho mọi công dân của mình.

Các tổ chức Ả Rập khác tại Mỹ đều lên tiếng ca ngợi chiến thắng của Fakih. Trên mạng Internet, người Mỹ gốc Ả Rập tỏ ra phấn khích. “Khi những phân biệt đối xử còn tồn tại, đặc biệt là sau vụ 11-9, đó là một cách tuyệt vời để phá bỏ mọi rào cản” - cô Dewnya Bakri-Bazzi, 22 tuổi, một sinh viên luật gốc Hồi giáo ở Michigan, viết trên Facebook.

Ở Dearborn, Michigan, nơi gia đình Fakih đang sinh sống, cô trở thành niềm tự hào không chỉ của cộng đồng gốc Ả Rập mà cả những người dân Mỹ chính gốc tại đây. “Chúng tôi tự hào vì cô ấy” - ông Ghassan Khaled, chủ cửa hàng Royal Grill Restaurant, nói. Còn nhà thiết kế thời trang danh tiếng Beulah Cooley khẳng định Fakih xứng đáng giành chiến thắng bởi cô là người đẹp tỏa sáng nhất trong đêm chung kết.

Theo Tuổi Trẻ
MỚI - NÓNG