Khoa Jazz tuyển sinh nhạc nhẹ

TS. Nguyễn Tiến Mạnh (đứng) trong buổi gặp gỡ báo giới kỷ niệm 5 năm thành lập khoa Nhạc Jazz. Ảnh: Bin Leo
TS. Nguyễn Tiến Mạnh (đứng) trong buổi gặp gỡ báo giới kỷ niệm 5 năm thành lập khoa Nhạc Jazz. Ảnh: Bin Leo
TP - Khoa Nhạc Jazz mừng tuổi lên 5 bằng đêm nhạc 30/11 tại Phòng Hòa nhạc Lớn, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Nhân dịp này, Trưởng khoa, TS Nguyễn Tiến Mạnh tiết lộ kế hoạch thành lập chuyên ngành Thanh nhạc - cơ hội cho các tài năng trẻ đam mê jazz và nhạc nhẹ được đào tạo bài bản. Hiện giáo trình bộ môn đang trình Bộ VHTT&DL cùng Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Ông có thể cho biết sự khác biệt giữa đào tạo thanh nhạc chuyên về jazz so với opera?

Thanh nhạc jazz xuất phát điểm cũng lấy kỹ thuật từ thanh nhạc cổ điển. Đây là xu hướng toàn thế giới rồi. Nói cách khác khi học jazz, ca sĩ phải có kỹ thuật về “nhạc cụ” gần như hoàn hảo, sau đấy mới có thể học về ngẫu hứng. Một trong những đặc điểm lớn nhất của jazz là tính ngẫu hứng tức thì, cùng một bản nhạc mỗi lần chơi một khác, nhưng vẫn tuân thủ cấu trúc vòng hòa thanh và thang âm, rất khoa học.

Chuyên ngành này có tuyển những người chưa biết gì về âm nhạc và có nhất thiết phải tốt nghiệp phổ thông?

Thí sinh dưới 18 tuổi vẫn thi vào được, với điều kiện phải vỡ giọng rồi. Có rất nhiều phong cách jazz: swing, cool, bebop, rock, fusion… Mỗi giọng hát lại phù hợp một phong cách, phải định hướng cho các cháu. Ngoài chất giọng, phần thi năng khiếu rất quan trọng. Thí sinh cũng cần có trình độ ngoại ngữ, vì bên cạnh ca khúc tiếng Việt, chương trình giảng dạy có nhiều tác phẩm bằng tiếng Anh.

Để hát được jazz ngoài việc đọc nốt nhạc còn phải biết dịch giọng, biết nhìn thang âm, hòa thanh, hiểu cấu trúc tác phẩm và ngẫu hứng là điều đương nhiên. Vì thế ca sĩ hát jazz cũng cần đào tạo 7 năm trung cấp như nhạc cụ, tiếp đó là 4 năm ĐH. Tôi không dám nhận xét một số nghệ sĩ đang tự nhận mình hát jazz… Thôi cứ để xã hội phát triển trước, rồi mình điều chỉnh dần dần.

Thách thức lớn nhất của khoa trong việc mở chuyên ngành đặc biệt này?

Một trong cái khó khăn nhất là hoàn thiện đội ngũ giảng viên. Chúng tôi đang cử một số đi học ở nước ngoài, đồng thời sẽ mời những giảng viên kỳ cựu như NSƯT Hà Thủy về giảng dạy. May mắn chúng tôi có sự ủng hộ hợp tác to lớn từ Học viện Hàn lâm Âm nhạc Malmo thuộc ĐH Lund, Thụy Điển. Cùng với thanh nhạc, sắp tới chúng tôi mở rộng sang cả trombone, trompet, flute, violon…

Thực tế jazz chưa phải dòng nhạc tính thị trường cao, ông có lo ngành thanh nhạc mở ra sẽ thiếu học sinh?

Nhạc jazz hiện tại nhu cầu xã hội rất cao, học jazz cũng là cách rất tốt để nắm vững các dòng nhạc mà chúng ta gọi là “nhạc nhẹ”. Sinh viên của chúng tôi tốt nghiệp hoặc đang học trung cấp có thể biểu diễn pop-rock tốt rồi. Khoa jazz mới 5 năm thành lập nhưng tổng số sinh viên đã gần 200 các cấp. Các thầy gần như “chạy” hết công suất. Không sợ không có người học mà chỉ sợ không đủ giảng viên.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.