Không màng thần tượng, chỉ là… Đen Vâu

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
TP - Trong khi người ta đua nhau sang chảnh thì hắn công khai một “xuất xứ” giật mình: 7 năm làm công nhân vệ sinh trên biển Hạ Long, không học đại học… Nói về dư luận với nhạc của mình, hắn cũng thật như đếm: Có người thích, có người không, có người nói nhạc Đen Vâu phóng túng, vô trách nhiệm.

Tên khai sinh của hắn khá đẹp: Nguyễn Đức Cường. Thế mà hắn phủ lên trên cái tên đẹp đẽ ấy biệt danh: Đen Vâu. Các cụ dạy: “Đẹp đẽ khoe ra”, hắn làm ngược lại. Có lẽ hắn chẳng cần “change life” (đổi đời) bằng vỏ ngoài đẹp đẽ, na ná nhau đang được nhiều người trẻ hướng đến.

Hỏi hắn vì sao không chịu học đại học,  hắn khai: “Trước đây, do tôi học lệch quá nhiều, chỉ học tốt các môn xã hội nên thi đại học không đậu. Sau đó vì gia đình cũng khó khăn nên tôi quyết định đi làm một thời gian để có thu nhập, thế rồi làm một mạch mấy năm trời… quên luôn chuyện đi học”. Đương nhiên, hắn tiếc vì đã không trải qua môi trường đại học nhưng chỉ là “chút tiếc nuối” thôi: “Vì không được bổ sung kiến thức, không được trải qua những ngày sinh hoạt cộng đồng thanh niên”.

“Nắng ươm màu đời”

Chính vì không học đại học, không có bằng cấp nên hắn mới  trở thành công nhân vệ sinh trên biển Hạ Long. Ai tưởng tượng được Đen Vâu sở hữu lượng fan khủng trong giới undergound từng có thời vợt rác trên biển, mà một khoảng thời gian không ngắn, khoảng 7 năm, từ năm 2009 tới năm 2016. Cũng phải phân vân rất nhiều, hắn mới đi đến quyết định chia tay công việc mang lại nguồn thu ít ỏi nhưng ổn định này.  Không ôn nghèo kể khổ, cũng không tìm cách lấp liếm quá khứ, hắn coi vợt rác trên biển như một trải nghiệm thú vị: “Nhờ nó tôi học được nhiều thứ, ví dụ cách xem dòng nước, thủy triều, cách buộc dây cố định tàu, cách lái tàu (tàu nhỏ thôi à), cách trú ẩn chống bão, khám phá cuộc sống dân chài, suy nghĩ về ý thức của khách du lịch khi tới thành phố biển....”.  Chính những lăn lộn trong đời sống cần lao đã giúp sáng tác của Đen Vâu khỏe khoắn, dồi dào hơi thở của cuộc sống, không bị ngột ngạt, quẩn quanh trong thế giới tình yêu, như ca khúc thời nay gặp phải. Thí dụ, sau bế tắc trong việc kinh doanh, hắn giải thoát tinh thần bằng cách theo một đứa em lên Hà Giang bằng xe máy. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn tù mù, vất vả khiến hắn nhìn lại mình: Nhận ra những khó khăn của mình đang phải đương đầu không thấm tháp gì so với cuộc đời này. Nghị lực lại được thắp lên. Vẻ đẹp quyến rũ của thiên nhiên thu vào đôi mắt giúp tâm hồn hắn phóng khoáng. Đó là một trong những lí do khiến “Ngày lang thang” ra đời: “Không có đường nào khó/Chỉ có chân ngại lối xa/Cuối con đường dần ló mặt trời lên/Xua màn tối qua/Nắng ươm ta màu đời/Mai ta mọc thành cây cao/Và khi gió ru ca cội nguồn/Ôi mình hôm qua đây sao?”.  Bản hit đình đám “Đưa nhau đi trốn”  giúp Đen Vâu trở thành hiện tượng trong giới yêu rap song với riêng Đen Vâu thì “Ngày lang thang” mới đích thực đánh dấu cột mốc trong sự nghiệp của hắn.

Không màng thần tượng, chỉ là… Đen Vâu ảnh 1 Ảnh từ fanpage Đen Vâu.

Thử một lần là trẻ không ngoan

Đen Vâu sinh năm 1989,  trong một gia đình không dính dáng đến hoạt động nghệ thuật: “Gia đình tôi từ ông bà đều làm nông, chẳng ai làm nghệ thuật. Tôi tự học rap từ việc nghe và đọc theo những bài rap trên mạng. Sau đó tập tành viết câu rồi thu âm những câu chữ của chính mình”. Từ những năm học cấp 3, khoảng năm 2003-2004, hắn bắt đầu biết đến nhạc rap và ngay lập tức bị cuốn hút  từ những bản nhạc nghe đầu tiên: “Bởi vì nó như một thứ gì đó đồng điệu với tâm hồn mình. Rap khiến người ta dốc bỏ được những tâm tư mà những âm nhạc khác không có được”. Có người thắc mắc vì sao hắn là người Bắc, sinh sống ở Hạ Long lại có thể đọc rap với giọng miền Nam không chút gượng gạo. Hắn đã bật mí nhiều lần: Cha mẹ hắn là người Bắc, vì công cuộc mưu sinh nên vào Nam, gặp nhau, lấy nhau và sinh ra hắn ở miền Nam, mãi tới gần hết cấp 2, hắn mới theo gia đình trở ra Bắc, sống ở Hạ Long.  Chính sự lang thang từ miền đất này qua miền đất khác cùng những vất vả trong công cuộc mưu sinh, đã góp phần tạo ra một Đen Vâu với những sáng tác tự do, phóng khoáng, đúng tinh thần rap. Có người đánh giá, sáng tác của Đen Vâu “Độc- Lạ- Dị”. Cũng có người nhận xét, nhạc của hắn phóng túng và vô trách nhiệm. Nhận xét là quyền người ta, Đen Vâu không có ý kiến. Mà chính hắn cũng từng viết: “Đời nói mình vô trách nhiệm, có vẻ không oan/ Ừ thì một lần mình là trẻ không ngoan”.

Nhạc của hắn có vẻ “không ngoan” khi cố gắng phá bỏ những khuôn khổ khiến tâm hồn con người ta trở nên chật hẹp, song có lẽ không ai không nhận ra chút gì đó phá phách của chính mình trong đó.  Bạn đã bao giờ ao ước một ngày “không veston không cà vạt”, có ai đó “ôm mình thật chặt từ sau xe”  làm một hành trình từ Lũng Cú, “bao la triền núi lặng ngồi”, xuống Cà Mau, “để biết lòng nhau mặn mòi”?  Đen Vâu “độc, lạ, dị” ở chỗ, dám nói điều người trẻ nghĩ mà ngại ngần không dám thú nhận: “Em ơi, đi trốn với anh/Mình đi đến nơi có biển bạc núi xanh/Chạy con xe anh chở em tròng trành/Mình phóng tầm mắt ngắm chân trời mới toanh/Mình ngủ một giấc mà không cần báo thức/Giờ này mọi khi anh đang trong ca trực/Em thì đang lo ngày mai giảng đường/Ôi những thứ chán chường không tẹo nào háo hức/Mình rời thành phố chật chội náo nức/Nơi mà cả việc thở cũng làm ta lao lực”.

Tuy có vẻ bụi phủi, được lòng dân “phượt” trong sáng tác song nếu để ý bạn sẽ nhận thấy phần lời của Đen Vâu đôi khi khá bay bổng. Hắn thấy tiếng Việt giàu và đẹp, đồng thời khẳng định: Rap là cuộc chơi của câu chữ. Để tham gia cuộc chơi của câu chữ, Đen rèn luyện thường xuyên, cách hay nhất theo Đen chính là đọc sách. Hắn mê đọc sách từ hồi học cấp 2 và thích nhiều tác giả. Hắn vừa yêu thích Nguyễn Nhật Ánh với những áng văn dễ thương, chiếm cảm tình của học trò Việt, song cũng lại mê người sinh ra “Mật mã Da Vinci” gây tranh cãi, nhà văn Mỹ Dan Brown. Nhưng có mâu thuẫn thế,  mới là Đen Vâu!

Tử tế là…

Hắn từng tham gia hàng loạt những đêm nhạc “Tử Tế”: “Tử tế ở đây là sự hết mình với âm nhạc, làm nhạc vì mình thích chứ không vì toan tính gì”, Đen nói. Còn trong cuộc sống, sự tử tế theo hắn không có gì cao siêu chỉ là: “Sống đơn giản, làm tốt phần việc của mình và không tổn hại đến người khác”. Đen Vâu tôn trọng cái tôi của mình và của người khác. Hỏi Đen Vâu nghĩ thế nào  khi nhiều người dùng rap để nói xấu người nọ, người kia, hắn đáp: “Cái này cũng tùy tính cách mỗi người trong việc họ thích sử dụng rap như thế nào. Nhạc rap là công cụ rất tốt để thỏa mãn cái tôi nên không thiếu những bài tác giả thể hiện cái tôi mạnh mẽ qua những câu từ mạnh mẽ. Đây cũng là điểm đặc biệt của nhạc rap, tốt hay xấu tôi xin không có ý kiến”.

Đen Vâu từng tâm sự: “Nếu nổi tiếng mà vui thì dại gì không nổi tiếng, nổi tiếng mà bị chửi rủa, lôi ba mẹ gia đình vào chửi thì nổi tiếng để làm gì”. Và hắn đã nổi tiếng theo cách thứ nhất, cuộc sống hắn cũng vì thế mà sang trang:  “Thu nhập tốt hơn khiến tôi làm được nhiều thứ với âm nhạc hơn”. Nhưng hay ở chỗ, hăn không làm sự nổi tiếng bó buộc tự do: “Tôi không thấy mất tự do, vì mất đi hay không là do bản thân mình thôi”. Một kẻ viết rằng: “Muốn đưa em đi trốn đến tận cùng trái đất/Anh chẳng cần biết là ngày nắng đẹp rạng ngời/Hay gió về, bão táp mưa rơi/Ngày mình đi với nhau ấy là ngày đẹp trời/Thì theo anh đi trốn em ơi”, lại thú nhận hắn chưa tìm được người cùng “đi trốn”. Có tin được không? Trong khi có vẻ như hắn rất ưa sự thật thà: “Đi xe máy thì nói là đi xe máy, làm công nhân thì nói mình làm công nhân, đừng bao giờ nói khác sự thật”.

“Nhạc rap là công cụ rất tốt để thỏa mãn cái tôi nên không thiếu những bài tác giả thể hiện cái tôi mạnh mẽ qua những câu từ mạnh mẽ. Đây cũng là điểm đặc biệt của nhạc rap, tốt hay xấu tôi xin không có ý kiến”. 

 Rapper Đen Vâu

Chỉ cần không bị coi thường

Vào tháng 11 năm ngoái, Đen Vâu trình làng MV “Ta cứ đi cùng nhau”. Hắn đưa lên fanpage với lời “quảng cáo” ngắn: “MV của  iem (em) đây các bác. Hợp tai hợp mắt thì share (chia sẻ) hộ iem. Chả biết nói gì nữa, xem rồi khen rồi chê đi các bác”. Và ngay lập tức hắn nhận được 59,6 ngàn lượt thích, trên 2 ngàn lượt chia sẻ, bình luận thì đủ kiểu, hài nhất là những lời trách cứ đáng yêu: “MV yêu đương gì không dám ôm hay nắm tay. Chán Vâu (kèm biểu tượng mặt cười rơi lệ)”; “Đen gì mà MV trong sáng quá”… Đến cả cái nắm tay còn “khan”, thế mà bạn trẻ vẫn tới tấp vào xem, cũng là “ca” hiếm. Thỉnh thoảng chẳng thấy Đen có gì mới, “cư dân” lại vào giục: “Ông trách nhiệm với pà kon tí đi. Dạo này chả có bài nào”; “Nhanh lên anh ơi, mòn hết dép rồi”… Được “pà kon” hi vọng và chờ đợi thế nhưng Vâu không muốn nhận mình là “idol” (thần tượng), cũng không muốn ai gọi mình là “idol”: “Đừng gọi anh là idol, đừng gọi anh là idol/Dù anh được vài người biết, và nhạc anh đôi khi viral (tạm hiểu: lan tỏa)/ Những bài nhạc em thích, nghe rồi thì cũng sẽ có lúc chán/ Băng ở hai đầu cực, hàng vạn năm rồi cũng có lúc tan (…)/ Anh làm nhạc không phải để cho ai vui cả/Không phải gà đẻ trứng để cho ai nuôi thả/Không phải là thần tượng để cho ai noi gương/Anh chỉ là người hát rap, anh chỉ cần không bị coi thường/ Anh không muốn bị đánh bóng, như cách họ đánh giày da…”

MỚI - NÓNG
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
TPO - Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng cơ chế về thuế hiện nay đang gây khó khăn trong việc hồi hương cổ vật. Theo đó, nhiều chuyên gia đề xuất miễn thuế hoàn toàn để mở rộng con đường hồi hương cổ vật. Đây là thông tin được đưa ra tọa đàm góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức ngày 28/3.