Kray Sức níu giữ 'Pa Kô độc lạ'

Kray Sức dạy đàn cho trẻ em trong thôn A Vương (Tà Rụt)
Kray Sức dạy đàn cho trẻ em trong thôn A Vương (Tà Rụt)
TP - Bán bò lấy tiền đổ xăng đi sưu tầm văn hoá truyền thống Pa Kô. Ăn cơm nhà dựng cây nêu lễ hội làng. Sự thiếu thốn vật chất chưa bao giờ ảnh hưởng đến tính lạc quan, lòng nhiệt tình của nghệ sĩ người Tà Rụt (Đackrong, Quảng Trị) này.


Năm 2016 gặp Kray Sức sau phần biểu diễn đàn hát múa ấn tượng của nhóm nông dân Pa Kô trong Festival “Tôi tin tôi có thể”, không khó để nhận ra ông chính là linh hồn của ban nhạc, của thôn bản nơi anh sống. So với hai năm trước, giờ đây lòng nhiệt huyết của ông không vơi tẹo nào khi nói về những vốn quí văn hoá độc đáo sắp biến mất của dân tộc mình.

BA TRIỆU ĐỂ LÀM TOUR TRIỂN LÃM
Mới đây, một nhóm nghệ sĩ trẻ Hà Nội đăng trên trang cá nhân của mình lời kêu gọi quyên góp 3 triệu đồng ủnghộ nghệ nhân Kray Sức để “chú làm triển lãm”. Hỏi Kray Sức “sao chỉ cần ít vậy?”. Ông giải thích một tràng công đoạn để tiêu hết con số 3 triệu, người nghe không thể không nghĩ đến những dự án tương tự nếu ở thành phố có lẽ sẽ được vẽ thành 3 tỷ hoặc hơn nữa.

Câu chuyện “sưu tầm và bảo tồn” văn hóa, ngôn ngữ Pa Kô đã khiến Kray Sức nhiều năm băn khoăn trăn trở. Có rất nhiều bài báo, công trình nghiên cứu văn hóa Pa Kô nhưng việc trao truyền văn hóa truyền thống bản địa cho thế hệ mai sau thì chưa thấy, Kray Sức giãi bày. Tiếng Pa Kô vẫn bị “nghiễm nhiên” lẫn lộn giống với tiếng Vân Kiều , Tà Ôi. Người trẻ hầu hết dùng nhiều từ tiếng phổ thông khi trò chuyện. Hơn mười năm trở lại đây, từ hồi còn là nông dân có năng khiếu văn nghệ, Kray Sức đã tự đi sang Lào, đến các huyện khác trong tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế để tìm người Pa Kô biết nói ngôn ngữ gốc của dân tộc mình, sưu tầm lời dân ca cổ. Đã nhiều lần nhờ người viết hộ đề án Bảo tồn văn hoá truyền thống và ngôn ngữ Pa Kô gửi lên phòng, sở văn hóa huyện tỉnh nhưng “không ai trả lời”. Do không biết qui cách viết nên ông đã nhờ một phóng viên báo huyện làm hộ một đề án đóng quyển tỉ mỉ dày cộp, anh vui vẻ kể: “cậu ấy tốt không đòi hỏi gì, tôi chỉ mời mấy chai bia”.

Nghệ sĩ làng ấp ủ ý tưởng truyền dạy cách đọc và viết theo ngôn ngữ của đồng bào Pa Kô thông qua ảnh. Trong lần tham gia dự án “Tôi tin tôi có thể”, Nhóm Tiên phong vì tiếng nói người dân tộc thiểu số, Kray Sức cùng ba thành viên đồng nhóm được ISEE (Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội) hỗ trợ một phần kinh phí nhỏ để thực hiện triển lãm ảnh minh họa cho 4 ngôn ngữ trong đề án dài hơi về bảo tồn tiếng Pa Kô. Triển lãm thuộc chuỗi sự kiện của Festival “Tôi tin tôi có thể 2018- Nghe từ xanh trong” diễn ra tháng sáu vừa qua. Để có được công trình này Kray Sức đã chọn 70 trong 300 bức ảnh anh tự chụp về thiên nhiên, cây cỏ, động vật, con người vùng rừng núi Quảng Trị -Thừa Thiên Huế. Một số hình ảnh như con hổ, nai, đại bàng... không tự chụp được thì ông sưu tầm qua mạng. Mỗi bức ảnh phóng to dán lên miếng xốp bọt biển, đóng khung tre. Mỗi hình trong ảnh (ví dụ như Cây chuối, Nhà sàn, Người phụ nữ hút tẩu...) đều được chú thích bằng bốn thứ tiếng Pa Kô, Vân Kiều, Tà Ôi và tiếng phổ thông. Dưới mỗi bức ảnh để một tờ giấy A4 và bút dạ để người xem có thể chỉnh lại chú thích. Có khá nhiều tên gọi được chỉnh sửa. Người Pa Kô sống ở vùng giáp ranh người Tà Ôi gọi “Cây chuối” theo tiếng của người Tà Ôi. Và ngược lại. Việc tranh cãi ngôn ngữ do di trú khá phức tạp nhưng “việc của chúng tôi chính là sưu tầm, truy tìm cho ra từ gốc của Pa Kô gọi sự vật cụ thể đó”.

Sau nhiều năm lang thang , Kray Sức đã có trong tay bản đồ những người cao tuổi am hiểu nhất văn hóa và ngôn ngữ Pa Kô, Vân Kiều và Tà Ôi tại các địa phương lân cận.
Đợt cuối năm nay , ông đang xin giấy phép và đã quyên góp xong khoản 3 triệu đồng để mang triển lãm đi các thôn xã của ba dân tộc nói trên. “Tôi chỉ có mong muốn đơn giản là lớp trẻ biết được tên gọi chính xác một số sự vật bằng tiếng Pa Kô. Họ cần biết đâu là từ mượn từ Vân Kiều, Tà Ôi”.

Kray Sức níu giữ 'Pa Kô độc lạ' ảnh 1 Tranh: Nguyễn Văn Hổ
CỨ ĐI LÀM NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA
Ở Tà Rụt (huyện Đakrông, Quảng Trị) nơi có đa số người Pa Kô sinh sống hầu như không còn nhà sàn, già làng chỉ đóng khố dịp lễ hội, thanh niên nam nữ chỉ thích mặc quần bò chun bó. Những tập tục kết nối cộng đồng gần như giản lược. Già làng không còn uy. Tâm lý người trẻ khi ra khỏi làng họ không muốn người khác biết họ là người dân tộc. Kray Sức kể: “Có lần tôi ngồi quán cà phê phố huyện Đakrông thấy một cậu người đồng hương nói chuyện ăn mặc như người Kinh, tôi hỏi cậu bằng tiếng Pa Kô cậu trả lời bằng tiếng phổ thông. Đợi lúc quán vắng, tôi hỏi chuyện riêng cậu tâm sự rằng “người dân tộc hay bị coi thường nên tốt nhất không để lộ gốc gác”.

Thời chiến tranh những bài hát dân ca, nhạc cụ truyền thống gần như biến mất, tới đầu thập kỷ 90 mới có chính sách bảo tồn di sản. Tuy nhiên trước năm 2004, mọi lễ hội, bài hát điệu nhạc cổ truyền đều do văn công tỉnh trình diễn, tái hiện. Kray Sức lúc đó được biết đến như một nghệ sĩ nông dân biết đàn và dạy bà con trong thôn hát múa. Cán bộ phòng Văn hóa huyện tìm đến ông nhờ dàn dựng Lễ hội mừng lúa mới nhân dịp tỉnh Quảng trị đăng cai Festival “Nhịp cầu xuyên Á”. Cán bộ huyện đề nghị Kray Sức viết kịch bản, đề án dự toán gửi ban tổ chức , nghệ sĩ làng ớ ra “kịch bản là gì chứ?”. Sau đó anh cứ viết bừa, những công việc định làm lẫn lộn cả ý nghĩ cá nhân lan man như truyện ngắn. Lần đầu tiên một lễ hội truyền thống do chính người dân địa phương tái hiện và thành công.

Từ đó nghệ sĩ thôn A Vương, Tà Rụt liên tục được mời tham gia làm sự kiện văn hóa thôn, xã, góp mặt trong hơn 10 lễ hội cồng chiêng tỉnh Quảng Trị.

Kỷ niệm khiến anh xúc động nhất là lần tổ chức giúp ba thôn láng giềng Lễ hội Ariêu Ping (2013). Theo tục lệ, tại lễ hội truyền thống mang nét văn hóa tâm linh lớn nhất của đồng bào Pa Kô này sẽ có những đoàn “khách không mời (Âryoóc)” từ các thôn khác đến vui chơi và bình phẩm. Nếu chủ nhà đối xử tốt, mời rượu, hội vui họ sẽ nhảy múa và hát ngợi ca. Ngược lại, nếu họ không bằng lòng họ sẽ chọc ngoáy phá đám. Họ đi đông, từ 600-1000 người. Các Âryoóc là “đặc sản” riêng có trong cộng đồng Pa Kô. Họ cũng là thế lực ám ảnh các lễ hội. Vì sợ những khách không mời làm hỏng lễ hội nên Kray Sức mời trước mỗi thôn quanh vùng 50 Âryoóc. Khoảng 250 người xếp thành đám rước nhảy múa đàn hát. Các Âryoóc tự phát đang rầm rập kéo đến thấy đám đông thực sự vui kia bèn nhập hội, hai bên đàn hát ngẫu hứng tạo không khí tuyệt vời. Cuối hội được phóng viên báo tỉnh mời lên sân khấu phỏng vấn, Kray Sức mắt đẫm lệ vì hạnh phúc “tôi không ngờ được bà con “nhà người ta” ủng hộ đến thế”.

Kray Sức níu giữ 'Pa Kô độc lạ' ảnh 2 Nghệ nhân người Pa kô -Kray Sức

Thích làm người lạc lõng
Hồi Kray Sức mới sinh, bố anh đi bộ đội, hai mẹ con phải bồng bế vào rừng chạy giặc. Bố về phép thấy hai mẹ con sống biệt lập cô quạnh, ông làm một cái đàn Ta lư cho vợ gảy. Lên năm tuổi cậu con trai tập đàn và bộc lộ năng khiếu. Năm 18 tuổi, Kray Sức đã nổi tiếng hát sim tán gái hay. Chưa bao giờ học nhạc lý, anh vẫn đàn hát truyền nghề làm nhạc cụ cho các thế hệ trẻ trong làng. Sau này được vào công tác phòng văn hóa xã Tà Rụt, anh say sưa với công việc tìm kiếm sưu tầm các làn điệu dân ca cổ về dựng hoạt cảnh kịch hát. Điều đặc biệt khiến khán giả yêu thích tiết mục của nhóm Kray Sức bởi vì họ là những nông dân làm rẫy thôn A Vương (Tà Rụt). Ca sĩ Hồ Thị Hòa chia sẻ, mọi người tập đàn hát múa vì yêu thích và không nhận khoản bồi dưỡng nào. Được ra Hà Nội biểu diễn, giao lưu là hạnh phúc và hãnh diện lắm rồi. 

Hỏi Kray Sức “không có lương anh lấy tiền đâu để đi sưu tầm”. Anh cười tươi khoe năm kia được phong Nghệ nhân ưu tú, nhà nước tặng 10,5 triệu. Mang về đưa vợ 3 triệu, hơn 7 triệu khao đồng nghiệp xã, huyện hết nhẵn. Giờ mỗi tháng lương nghệ nhân được 800 nghìn. Gia đình anh lấy trồng trọt chăn nuôi làm thu nhập chính.Trước đó không có tiền anh phải bán bò cất dành để đổ xăng đi các xã. Ngày lễ xã giao làm cây nêu nhưng không có kinh phí thì anh em ăn cơm nhà rồi tự đi chặt cây mà làm. Lần được thưởng công oách nhất là một con bò vật tế mổ ra làm cơm cho 250 người tham gia hội. 

Đa số người trong thôn đều nghĩ cách buôn bán làm giàu cho nhanh, thấy Kray Sức mê mải thuyết phục giữ gìn văn hóa gốc, họ nhìn anh như“ kẻ lạc lõng, nghèo rớt”. Mặc kệ những thái độ, nghệ nhân làng vẫn say sưa với mục tiêu và kỳ vọng tìm được hậu duệ có tâm huyết như mình.

MỚI - NÓNG