Người Tiền Phong một thuở, một thời

Kỳ 4: Người trận mạc

Phóng viên Mạnh Việt (ngoài cùng bên trái)
Phóng viên Mạnh Việt (ngoài cùng bên trái)
TP - Người tôi gặp đầu tiên khi về nhận việc ở Tiền Phong là phóng viên ảnh Phạm Yên. Ấn tượng là khi Phạm cười mặt không hiểu sao cứ như mếu? Mãi lâu tôi mới quen cái tật ấy của Phạm. Phạm Yên hỏi tôi đã viết báo bao giờ chưa? Có bài nào đem theo đây không. Tôi nói chưa. Lại cười. Hình như cái mếu ấy lây sang tôi khi ấy.

Lão nói nghe thấy khó tin rằng, lão là sinh viên năm thứ ba khoa Toán Sư phạm vào lính chả phải bom đạn trận mạc gì mà toàn đi đá bóng. Sư bộ rút lên vào đội bóng. Nhưng sau mới biết Phạm Yên cũng là tay trận mạc qua câu chuyện với nhà văn Cao Tiến Lê. Cao Tiến Lê gặp Phạm Yên ở Công trường 5 mặt trận Long An. Lính sư 5 thuộc Quân đoàn 4 của Phạm Yên từng trụ ở mặt trận ác liệt này.

Cuối năm 1977. PolPot gây hấn ở biên giới Tây Nam, trên chiếc FIAT màu trắng của Ban đại diện  Tiền Phong ở phía Nam, Tổng biên tập  Đinh Văn Nam ngồi ghế trên, băng sau có Hoàng Sơn, Ngọc Báu, Phạm Yên khư khư ôm cây AK. Lái xe Linh. Tất cả phới thẳng ra vùng chiến sự. Bên dòng Mê Kông nơi xảy ra trận chiến gây hấn, tất cả bị ách lại. Sư trưởng sư 341 Đoàn Sông Lam cảm ơn nhiệt tình của những người làm báo. Sau khi đưa thầy trò đi chụp ảnh lấy tài liệu ông sư trưởng hối thúc tất cả quay trở lại Sài Gòn vì quá nguy hiểm. Năm 1978, Phạm Yên còn quay lại nơi chiến sự đó mấy lần.

Sau thời điểm tháng 2 năm 1979, tôi suýt chết ở mặt trận Hoàng Liên Sơn khi theo bộ đội vào Bát Xát, Lao Cai để viết về tấm gương hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Bá Lại đoàn địa chất 305. Phạm Yên khi đó đang bám theo Tiểu đoàn 2 bộ đội địa phương ở chiến trường Cao Lộc (Lạng Sơn); Nguyễn Văn Minh (sau này là Phó Tổng Biên tập, đã mất) đi mặt trận Đông Bắc, Pò Hèn, Thán Phún viết về Liệt sĩ ngành thương nghiệp Hoàng Thị Hồng Chiêm. Ngọc Tình được cắm ở mặt trận Bình Liêu, Quảng Ninh… Hầu hết PV báo Tiền Phong thời ấy đều theo bộ đội ra trận. May mà lành lặn cả. 

Phòng ảnh có gạo cội Mai Nam, anh Hồng Tâm, anh Mầu Hoàng Thiết và Phạm Yên. Biết thân phận em út, Phạm Yên trực lỳ ở cơ quan gánh vất vả để ứng phó ảnh cho các số báo. Lệ là bài phải có ảnh minh họa. Có bài viết ở Hải Phòng, Phạm Yên phải đi đi về về đến 4 lần ảnh mới đạt tiêu chuẩn. Mát tính, chịu khó, có dạo Phạm Yên cho tôi ở lỳ buồng tối.Được Phạm hướng dẫn ba chớp ba nháng đâm võ vẽ khâu chụp, in tráng ảnh.

Đầu năm 1983, một tay vóc dáng đẹp như tài tử xi nê đến nhận việc ở Tiền Phong.  Tay này từng tốt nghiệp khoa văn ĐHTH Bucaret Rumani. Về nước lại qua Trường báo chí Ban tuyên giáo TƯ. Mà hắn rượu thì thôi rồi. Một tay thư pháp phục tài uống rượu của Bùi Mạnh Việt cùng tính khí phong lưu mã thượng của Việt giữa bữa rượu viết tặng hắn hai câu của Lý Bạch: Cổ kim thành hiền giai tịch mịch/ Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh (Những hiền thánh xưa nay lặng lẽ/ Chỉ anh say tiếng để muôn đời). Thế rồi, lẳng nhẵng bao năm cũng chả nhớ, cái hội bia rượu Tiền Phong đâm có danh có tiếng trong đó có thủ lĩnh Mạnh Việt, Phạm Yên và cả… người viết bài này nữa.

Nhưng rượu thì rượu, việc bài vở cứ chạy phăm phăm. Cũng cần nói thêm, nói lại, cái phóng sự Người Vô Danh nổi tiếng trên báo Tiền Phong cuối những năm 80 về hai ngàn ngày oan trái của Nguyễn Sỹ Lý ở Nghệ An nếu không có những năm tao bảy tiết bươn bả và sự vận động của Bùi Mạnh Việt với Cao Tiến Mùi thì khó ló dạng ra vụ oan khuất tầm thế kỷ ấy. Cũng dạo ấy, phương thức ém quân bí mật của Mạnh Việt, Hồ Thu Hiền, Trung Hiền, Xuân Ba ở một cơ sở ở làng Hạc, Thanh Hóa do ông Đinh Văn Nam điều khiển từ Hà Nội đã góp phần cho trận công kiên thắng lợi vào đại bản doanh mất dân chủ, tham nhũng do Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Hà Trọng Hòa cố thủ.

Kỳ 4: Người trận mạc ảnh 1 Phóng viên Phạm Yên

Vụ phóng viên Tiền Phong Phạm Nguyên Bảng, Mạnh Việt bị kẻ quá khích giam giữ ở Bàn Mạch ( Vĩnh Phúc) mấy ngày liền và cuộc giải cứu ngoạn mục, báo chí thời ấy, năm 1990 từng nói nhiều khỏi nhắc lại.

Nhớ làm sao lái xe Võ Trường Kế ghìm xe ở phà Lạc Quần, Nam Định gần cả một ngày đợt đi chống bão vì không có phà qua sông. Chả có gì ăn, tôi và Mạnh Việt, Hồ Thu Hiền vật vạ ở cái quán thèo đảnh bên dòng sông lũ cuồn cuộn. Chỉ có mấy chai rượu trắng nút lá chuối và mấy hạt lạc rang, lại được những lời vu vơ của người đẹp Thu Hiền đưa đẩy nên cứ thế nốc. Chiều tối qua được phà nhưng Mạnh Việt bất ngờ kêu đau bụng rồi nôn ra máu. Cả bọn tái xanh tái tử đưa Việt vào cấp cứu ở bệnh viện. Thì ra do thực quản Việt xung huyết phù nề nên bật máu. Hú vía!

Thứ cồn của các loại rượu tạp một thời đã khiến lắm anh chuệch choạc trong đó có Việt. Nào nốc gì nhiều lắm đâu mà nhiều bữa méo cả tiếng? Kiểu nát rượu vẫn có triệu chứng vậy. Mấy năm nữa thì hưu nhưng chữ nghĩa gần như rơi rụng, tê liệt cả. Có anh hùng hồn chém gió trong bữa rượu bảo thời Việt đã qua. Việt đã góp đủ bổn phận trách nhiệm của một công dân báo chí! Mà Việt có lẽ cũng nghĩ thế thật? Một sự kiện bất ngờ diễn ra như  ló dạng thay lốt một Mạnh Việt khác. Việt có cháu nội. Tôi lạ lẫm ngó ông hàng xóm tầm bảy rưỡi vu vù xe máy ra chợ rồi về với những thứ túi rau cỏ thịt thà lỉnh kỉnh. Hàng bao năm quen lệ cứ phải tầm trưa trật mới dậy.Hắn có cô vợ quá đảm. Lại hiền thục ngoan thì hắn có chi phải lo. Hoảng cái lần đón Việt ra sân bay trong chuyến đi Nga. Hắn ngủ tít mít quên béng giờ giấc suýt nhỡ chuyến bay.

Nhưng bây giờ mọi sự đã khác.Hai đứa cháu nội nối nhau ra đời gần như có phép mầu thay đổi tâm tính ông nội chúng hắn? Chợ búa cẩn thận cho bà nội, ông nội chúng ghé quán phở Mùi có tiếng ngon trước bệnh viện Đống Đa làm một bát kiêm cốc sữa đậu nành. Mà trước đây lão có khi nào ăn sáng? Rồi y tự thưởng cho mình những giờ mê mải bên bàn cờ tướng ở góc công viên 1-6. Da dẻ đỏ đắn. Giờ phải gọi gã là kháu lão mới phải! 
(Còn nữa)

Nhiều năm là thư ký công đoàn chuyên lo sự ấm áp cho anh em cơ quan nhưng chả hiểu sao Phạm Yên mãi mà không kịp lo cho mình một mái ấm? Cũng từng cưới xin hẳn hoi. Giờ tuổi bảy mươi vẫn một mình cơm niêu nước lọ?

MỚI - NÓNG