Lãng phí đầu tư làng cổ Đường Lâm

Số gia đình thu lợi được từ du lịch ở Đường Lâm còn khiêm tốn. Ảnh: Nguyên Khánh.
Số gia đình thu lợi được từ du lịch ở Đường Lâm còn khiêm tốn. Ảnh: Nguyên Khánh.
TP - Sống khổ trong làng cổ không phải câu chuyện mới ở Đường Lâm, đáng nói là ngân sách nhà nước khi rót 369 tỷ đồng đầu tư mà hiệu quả quá lẹt đẹt.

LÃNG PHÍ BẢO TỒN

Mới đây, trong Hội nghị báo cáo công tác bảo tồn phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm của thị xã Sơn Tây, ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng Ban quản lý (BQL) làng cổ Đường Lâm nêu: Từ năm 2005 đến nay, tiền ngân sách rót về Đường Lâm hơn 369 tỷ đồng, trong đó đầu tư giáo dục 78 tỷ đồng, giao thông 75 tỷ, xã hội hoá kêu gọi trên 35 tỷ. Một phần kinh phí dùng để tu bổ một số di tích và nhà cổ.

Câu chuyện nóng nhất ở Đường Lâm không gì khác ngoài hàng xấp đơn kêu cứu của người dân. Trong 11 thôn của xã Đường Lâm chỉ 5 thôn được công nhận làng cổ. Trong mỗi làng cổ, số ngôi nhà cổ đạt chuẩn không nhiều, tuy nhiên suốt thời gian dài các hộ dân không phải nhà cổ nằm trong khu vực 1 “khóc đứng khóc ngồi” vì không được xây nhà cao tầng. Chủ nhân của nhiều nhà cổ mặt khác ngóng kinh phí hỗ trợ tu bổ.

Không phải ai cũng may mắn như gia đình ông Phan Văn Dũng (thôn Mông Phụ) sở hữu ngôi nhà cổ bảy gian xây dựng từ năm 1854, tuy nhiên ba gian bị đổ từ thời Pháp, nay được rót kinh phí khôi phục lại, tu bổ bốn gian hiện tại. Nhiều hộ như ông Kiều Văn Thắng mong mỏi được tu bổ lại ngôi nhà hơn 200 tuổi tới nay mục nát, mái ngói xiêu vẹo. Thực tiễn tiến độ tu bổ khá chậm, chưa đầy 20 nhà trong hơn 900 nhà được tu bổ.

Những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi xuống cấp cần tu bổ là đương nhiên, tuy vậy bất cập ở chỗ tu bổ xong rồi bỏ hoang hoặc bị phá bỏ. Ngôi nhà cổ của ông Trương Văn Bản từ bảy gian nay còn ba gian, phần phá bỏ của ngôi nhà 300 năm tuổi dành để xây nhà ba tầng khang trang. Ông Bản nói rằng, nếu không làm nhà, sau này nhắm mắt xuôi tay các con chia không đều lại va chạm. Bà Kiều Thị Thảo đồng sở hữu nhà cổ 200 tuổi ở thôn Mông Phụ- thuộc diện tu bổ. Tuy nhiên, ngôi nhà sau khi tu bổ xong thì bỏ hoang, nay bà phá bỏ vì chưa được cấp quyền sử dụng đất.

Kinh phí dành cho tu bổ nhà cổ không nhiều, đã vậy lại không được sử dụng hiệu quả. Hàng trăm triệu đồng dành tu bổ những ngôi nhà cổ này, xong bị phá bỏ không thương tiếc. Tốc độ xét duyệt và đầu tư nâng cấp nhà cổ ở mức rùa bò khiến nhiều người dân sống trong nhà cổ chờ tu bổ lại điệp khúc kêu cứu. Ông Phạm Hùng Sơn khi được hỏi cũng nhận trách nhiệm một phần của những người khảo sát “không sâu sát”.

Ì ẠCH LÀM DU LỊCH

Danh hiệu làng cổ cấp cho Đường Lâm không chỉ với mục đích bảo tồn những mái nhà trăm tuổi, song song đó là phát huy giá trị du lịch. Ông Phạm Hùng Sơn cho biết, năm 2017 Đường Lâm đón 17 nghìn du khách, doanh thu bán vé 1,7 tỷ đồng. Ông Sơn cho rằng người dân được hưởng lợi nhiều hơn từ việc làm dịch vụ homestay, ẩm thực và sản phẩm địa phương. Thực tế chỉ 10% số hộ dân làm du lịch, đáng ra con số này phải là 45% vào năm 2015.

“Dân Đường Lâm tới 70% làm nông nghiệp. Dân tôi không như Hội An trên bến dưới thuyền biết biến sản phẩm du lịch thành lợi ích. Chúng tôi hỗ trợ đưa người dân tới bản Lát, Mai Châu, Bát Tràng, ATK Thái Nguyên để họ học hỏi, nhưng người dân nói chỉ biết làm ruộng. Muốn chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang kinh tế du lịch phải mất hàng thập kỷ”, ông Phạm Hùng Sơn nói. Sản phẩm bán cho du khách ở Đường Lâm không nhiều, đó là tương, chè lam nên nguồn thu khá khiêm tốn.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Cty TransViet cho biết, lượng khách nước ngoài về Đường Lâm không nhỏ, tuy nhiên mang tính mùa vụ nên người dân không thể làm du lịch nửa năm rồi nửa năm chơi. Đường Lâm giống như hòn ngọc quý bị bỏ quên, nếu biết cách khai thác sẽ trở thành Hội An.

MỚI - NÓNG