Lê Minh Sơn: Nghe nhìn bây giờ lắm con buôn nghệ thuật

Lê Minh Sơn: Nghe nhìn bây giờ lắm con buôn nghệ thuật
Thuộc thế hệ nhạc sĩ trẻ có tài, có tiếng, có hình thức và đặc biệt khẩu khí ngoa ngôn, lắm khi chua chát, nhạc sĩ Lê Minh Sơn có nhiều fan hâm mộ điên cuồng nhưng cũng bị không ít người ghét bỏ.

> Quốc Trung: ‘Một là bỏ qua, hai là… bỏ đi!’

Nhiều lần cố tình lỡ miệng trên truyền thông vì tính khí thẳng, thật, anh lập tức bị nhiều người ném đá dữ dội, nhưng dù có cực đoan đến mấy thì âm nhạc và tính khí của chàng nhạc sĩ lãng tử vẫn rất ấn tượng và lôi cuốn, dẫn dụ nhiều người.

Đứng ở góc độ của một nhạc sĩ thuộc thế hệ trẻ anh thấy âm nhạc đang như thế nào: phong phú, đa dạng hay hỗn loạn, à uôm?

Những cái nghe và nhìn bây giờ hoàn toàn là Mỹ đen và được cổ xúy bởi rất nhiều con buôn nghệ thuật. Thế hệ bọn tôi đây này, còn ít người như mình lắm để cố gắng gìn giữ và phát triển âm nhạc. Trên truyền thông đó, cả các nhà quản lý nữa, suốt ngày nhìn vào cô này hở bao nhiêu để cấm trong khi đó âm nhạc tử tế không ai ăn mặc như thế cả.

Chúng ta đang bị hỏng phần nghe, nhìn và đọc một cách khủng khiếp. Có thể gọi là suy đồi. Một số người thích hướng văn hóa Việt Nam theo văn hóa của Mỹ đen là chết. Văn hóa của người phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, thế hệ bố mẹ mình đến gặp nhau hỏi: “Hôm nay bố mẹ em có khỏe không?”. Còn Mỹ đen là gì? “Ồ! hôm nay em đẹp quá! Về nhà anh hay về nhà em?”. Và bây giờ người ta đang hướng âm nhạc, nhạc nhẹ đang phát triển theo hướng đấy.

Chàng nhạc sĩ trẻ tuổi, xem ra anh có vẻ rất bức xúc?

Làm sao những người có lương tâm và tự trọng như bọn tôi chấp nhận được. Dân tình thì vẫn kêu nhưng các con buôn nghệ thuật thì càng ngày túi tiền càng phình ra. Bây giờ những cái thuộc về đại chúng, chúng ta nghe cái gì? Khi trên truyền thông phát những cái điều như vậy và tất cả quy về giải trí hết. Chết tôi rồi. Không có luật pháp.

Băng đĩa làm ra hôm sau internet ập một phát lên hủy diệt toàn bộ những sức sáng tạo và lao động của người nghệ sĩ thì hỏi làm sao mà người nghệ sĩ chân chính họ sống được. Suốt ngày mấy cô ca sĩ, người mẫu, diễn viên thì gần như phải cởi truồng để khoe tất cả các thứ trên truyền thông để đi bán cái gì? Đấy là bi kịch. Còn ai đủ sự cực đoan, còn ai đủ khả năng bám lấy sự cực đoan đấy để làm về sáng tạo khi mà môi trường xung quanh như vậy. Rất là bừa bộn.

Có cần cực đoan quá không khi mà mỗi lứa tuổi, mỗi thành phần trong xã hội có sở thích và lựa chọn khác nhau. Anh thích cái này và tôi thích cái kia. Âm nhạc giống như món ăn, mà ở đó người ta có thể chọn lựa cho mình khẩu vị thích hợp.

Bạn nói thế đúng không sai. Nhưng mà thế này, mình có một ngôi nhà rất đẹp, mình có người bạn rất văn minh, vậy mà ông hàng xóm suốt ngày vứt rác bừa bãi, nhạc karaoke ông bật to thì phá tan toàn bộ không gian, môi trường xung quanh ngôi nhà chứ không phải ở nội tại của chúng ta và những người bạn của chúng ta.

Nghệ thuật cũng vậy thôi, khi mà quá nhiều những thứ rác rưởi và đặc biệt bây giờ người ta chộp giật về tiền bạc, chộp giật về cảm xúc, chộp giật về mối quan hệ, điều đấy rất chua xót. Đương nhiên, nhạc nào có khán giả nấy thì bọn tôi mới sống được chứ, mà không những thế còn sống kiêu hãnh bằng nghề.

Một nỗi buồn với nghề như vậy, anh hướng cho học sinh của anh thế nào? Hẳn anh là một ông thầy vô cùng cầu toàn, kĩ tính và nghiêm khắc?

Tôi là người duy nhất xui học sinh bỏ nghề. Những học sinh học cao đẳng và trung cấp, các em chỉ học 6 tháng thôi, tôi khuyên các em nên bỏ nghề đi…

Xui học sinh bỏ nghề thì anh còn làm thầy giáo làm gì?

Tôi nói với em như thế này: “Em thấy tôi chơi đàn có hay không?”. Bảo: “Thầy chơi đàn rất hay”. Hỏi: “Liệu em có bằng được tôi không hả em?”. Trả lời: “Không thể bằng được”. Tôi bảo: “Vậy tôi còn khổ như thế này thì cậu đi vào con đường này làm gì?”. Bọn trẻ nói: “Nhưng mà em yêu và đam mê”. Tôi khuyên: “Cậu hãy đi làm kinh tế, cậu vẫn mê âm nhạc và chỉ học chơi thôi. Nếu không cậu mất 7 năm, 9 năm hay như tôi mất 16 năm, đi học ra để làm gì dở ông, dở thằng…”.

Bảo học trò của mình như vậy, thế còn con trai anh, anh hướng cháu như thế nào?

Tôi dạy con quan trọng nhất là nó tìm thấy nó trong công việc của nó. Đa phần trẻ em nước ta hoàn toàn là do bố mẹ hướng nghiệp và may mắn nhất của tôi là tôi không rơi vào tình huống ấy. Tôi được làm những cái gì mà tôi thích. Không những thế, tôi sống được bằng công việc của mình. Bây giờ các cháu đi học văn hóa thì buổi chiều các cháu cũng đã mệt lắm rồi. Trẻ con đứa nào chẳng ham chơi. Tối lại ngồi vào đàn 1-2 tiếng. Đấy là sự khổ luyện. Tương lai đất nước 20 năm nữa rồi nó sẽ khác chứ. Sao mà nó như bây giờ.

Công việc của anh có phải thường xuyên sử dụng internet không?

Internet ở Việt Nam theo như những gì mình nhìn thấy thì họ để lãng phí quá nhiều. Họ biến internet thành nơi để chửi bới. Rồi biến internet thành nơi để tán gẫu mà những giờ tán gẫu đấy chỉ xảy ra trong cái giờ mà họ đi làm thôi. Tôi không hiểu cơ quan nhà nước hiện đại hóa máy tính là gì. 

Với tôi, internet là tầm nhìn, nó kéo mọi người lại gần nhau. Tôi làm nhạc tôi có thể gửi cho bạn mình ở bất cứ nơi đâu mà chỉ cho lick chứ hồi xưa là phải thơ tay rồi phát chuyển nhanh những bản nhạc của mình để đến được họ.

Đọc các bình luận (comment) cũng thấy rất thú vị!

 Ồ không, hãy xem các trang mạng và đặc biệt là cứ nhìn những comment chứng tỏ họ không có việc gì để làm cả. Tình trạng thất nghiệp rất nhiều. Viết một comment phải mất ít nhất từ 5-10 phút mà những người như mình thì rất tiết kiệm thời gian. Ví dụ như nhạc của tôi đưa lên mạng thì không ai phản hồi cả mà người ta chỉ có thể chửi thôi.

NS Lê Minh Sơn phiêu trên sàn diễn
NS Lê Minh Sơn phiêu trên sàn diễn.

Sao lại chỉ chửi?! Tôi không nghĩ thế, rất nhiều người thích hoặc rất thích nhạc của anh đấy chứ?

Ví dụ như người yêu nhạc tôi thật sự họ không có thời gian để làm việc đó. Thứ nhất, họ là những người nông dân chân lấm tay bùn họ phải đi cày cuốc. Thứ hai, họ là doanh nghiệp thì họ phải lo lắng cho 4 - 5.000 công nhân khác đi làm chứ. Khán giả của tôi là như thế. 10 năm mình chứng kiến mình biết khán giả của mình là ai. Những người khán giả thế nuôi sống mình chứ. Tôi vẫn làm những show diễn không có tài trợ và khán giả của tôi “nuôi” tôi.

Không có tài trợ nhưng nếu tôi nhớ không nhầm thì năm nào anh cũng làm liveshow. Nhiều như vậy thì liệu anh có lặp lại chính mình?

Năm nào tôi cũng làm liveshow và tôi không làm những cái cũ. Cái cũ rất ít chỉ chiếm ¼ trong đêm diễn thôi. Tôi phải làm xu hướng mới, còn không có xu hướng mới thì tôi không làm. Với những người khác họ có những ý nghĩ kinh lắm, họ viết nhạc là để lại cho đời. Tôi viết là ghi lại cảm xúc cho chính tôi thôi.

Tôi có may mắn là tôi ghi lại được cảm xúc của mình thành tác phẩm âm nhạc để lúc nào đó mình bình tâm mình bật lên nghe lại thì toàn bộ những không gian của mình lại ùa về. Như bây giờ tôi đọc Dế mèn phiêu lưu ký vẫn thấy hay không phải theo thời cuộc bây giờ mà toàn bộ không gian tuổi thơ của mình 10 - 12 tuổi lại ùa về.

“Có mới nới cũ” đích thị là anh?

Tôi thích nhưng cái mới, bài hát mới, nhưng người thì phải là người cũ. Tôi rất ngại những người mới. Không bao giờ thích thay đổi người. Thanh niên bây giờ mãi mới thân, mới quen một thời gian xong chia tay nhau. Người chia tay và người bị chia tay đều buồn.

Chứ bạn xem những người sống như mình, con chó, con mèo, cành cây còn yêu thương như thế nữa là con người bằng cảm xúc. Con người ở đất nước nào chẳng như đất nước nào. Nỗi buồn nào chẳng giống nhau, đặc biệt những cảm xúc, những nụ cười, ánh mắt dành cho nhau làm sao có thể chia tay theo kiểu đám đông bây giờ được.

Bây giờ ngồi ở ghế nóng trong chương trình: “Cặp đôi hoàn hào” anh có ngó những chương trình truyền hình thực tế khác không?

Tại sao bây giờ chương trình càng ngày càng chán. Tại sao những người không viết nổi một bài hát tử tế đi chấm một cái bài hát. Rồi những chương trình ông ở ghế ban giám khảo nói thánh nói tướng. 

Nói một câu từ Đồ lên đã sai rồi, hát làng tôi thành làng bên cạnh, phán ca sĩ cứ như đúng rồi. Tự những con người như thế họ giả đối với chính tâm hồn của họ một thời gian và họ bị hoang tưởng. Tôi nghĩ những cái ảo giác đấy rất nhiều.

Anh thẳng thắn quá, không sáo như nhiều nghệ sĩ tôi vẫn gặp…

Tôi thấy may mắn nhất là vẫn giữ được cái sự trung thực của mình. Tâm hồn của tôi vẫn trong veo.

Anh vẫn duy trì thói quen đi câu cá chứ?

Không có thời gian mà đi câu nữa. Tôi tuổi mèo (1975) sát cá quá nên nhiều khi nó kị. Cá to từ 10 cân trở lên như có linh hồn hay sao í.

Những nghệ sĩ như anh dù gì tâm hồn cũng luôn bồng bềnh lãng mạn mây gió. Anh yêu mùa nào trong năm?

Tôi là người sống không có mùa. Tôi chỉ có mùa duy nhất là mùa yêu và mùa không yêu. Ví dụ mình nhìn thấy cái cây kia mình rất là yêu. Niềm vui qua rất mau còn ở lại trong mình chính là nỗi buồn. 

Còn những người thiếu hiểu biết và luôn oán trách với nỗi buồn luôn chạy trốn nỗi buồn, đấy là một điều tăm tối. Biết buồn mới trân trọng niềm vui. Có cái này thì mới có cái kia.

Nói chuyện với anh, nghe nhạc của anh tôi thấy anh có chất “nguyên thủy, hoang dã”. Và hẳn là người hoang dã thì thường rong ruổi trên các chuyến đi…

Hoa bướm chỉ đẹp khi ở trên vườn, trong khóm cây chứ không đẹp khi mang vào lọ cắm. Tôi bị dị ứng với những con chim nhốt trong chuồng. Cả một cành cây mà mình tàn phá nó đi. Có đi nhiều tôi mới biết rằng bất cứ một chuyến đi nào tôi thấy thú vị nhất là hành trình chứ không phải là điểm đến. Tôi thấy lãi nhất đời người chính là những chuyến đi. Có đi mới biết được, có đi mới cảm nhận được.

Các cụ nhà mình khi xưa không ra khỏi lũy tre làng mà có những sáng tác hay thật là hay, còn bây giờ thu nhỏ thế giới trong tầm tay thì não bộ đôi khi lại bó hẹp lại.

Nhiều người nhầm lẫn, âm nhạc dân gian là của người nông dân viết. Không phải đâu đều là của người quái kiệt trong một môi trường xã hội như vậy đều có sự tưởng tượng và thăng hoa tột đỉnh. Bi kịch của các cụ là hồi xưa không có báo chí, không có internet để ghi lại tên tác giả thì quy vào âm nhạc dân gian. Chứ ở đâu chẳng có nhân vật.

Khi nghe âm nhạc dân gian, con người tôi lúc nào cũng xúc động chảy nước mắt và thấy xót xa. Phải tinh khiết lắm mới có thể chắt chiu đến như vậy. Khi mình khai thác âm nhạc dân gian có nghĩa là mình được uống nước tinh khiết nhất từ suối nguồn, còn nếu rời âm nhạc dân gian ra thì đương nhiên nó sẽ giống một cái gì đó…

Theo An Ninh Thế Giới

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG