LHP Tài liệu châu Âu-Việt Nam lần 9: Bớt gai góc?

Không có phim dán nhãn cấm tại LHP tài liệu châu Âu-Việt Nam lần thứ 9.
Không có phim dán nhãn cấm tại LHP tài liệu châu Âu-Việt Nam lần thứ 9.
TP - Kỳ liên hoan năm ngoái ghi dấu ấn với nhiều phim gai góc, nhiều phim dán nhãn cấm. Năm nay lại khá an toàn.

Đến hẹn lại lên, Hiệp hội các Viện Văn hoá và Đại sứ quán các nước châu Âu (EUNIC) phối hợp Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (DSF) tổ chức LHP Tài liệu châu Âu-Việt Nam. Từ khởi đầu chỉ bốn nước châu Âu, nay lên tới 11. Liên hoan diễn ra đồng thời từ 8-17/6 tại Hà Nội và TPHCM.

Việt Nam bớt đem phim cũ trình chiếu, chọn phim sản xuất hai năm gần đây như Giáo sư Tôn Thất Tùng-người thầy tôn kính, Khát vọng người, Lê Bá Đảng- Từ Bích La đến Paris (đạo diễn Đặng Nhật Minh), Tâm tình của gốm, Bí ẩn từ những pho tượng Phật. NSND Nguyễn Như Vũ, Quyền TGĐ Hãng phim DSF nói, bên cạnh giới thiệu phim do hãng sản xuất cũng mời VTV, Điện ảnh Quân đội, phim của các nhà làm phim tài liệu độc lập.

Lần đầu tiên Cộng hòa Czech tham gia và mang tới phim của đạo diễn Việt kiều về cộng đồng người Việt tại Czech. Bố Hải của đạo diễn Duzuan Dương được đề cử Phim sinh viên xuất sắc nhất 2017 tại Giải Sư tử của CH Czech, Phim hay nhất 2017 tại Giải thưởng của các nhà phê bình phim Czech. Phim nói về khoảng cách giữa các thế hệ trong cộng đồng người Việt tại Czech, trong đó những đứa trẻ hòa nhập với xã hội Czech nhưng lại đánh mất sợi dây liên kết tình cảm và văn hóa với chính cha mẹ.

Phim khai mạc là Ingmar Bergman trong con mắt biên đạo múa của Thụy Điển chính là phim kỷ niệm 100 năm sinh đạo diễn huyền thoại người Thụy  Điển. Công chúa Shaw ra mắt của Israel được chọn chiếu bế mạc, xoay quanh ca sĩ Samantha Montgomery nổi tiếng qua mạng.

BTC sắp đặt cuộc đối thoại văn hóa xã hội bằng phim-lựa chọn một phim Việt, một phim châu Âu cùng chủ đề. Nếu mọi năm thiên về góc khuất xã hội, thân phận con người, đồng tính và chuyển giới, năm nay các nước chọn phim khá an toàn: Chân dung huyền thoại như John Cockerill, nhà soạn nhạc Karl Schiske, họa sĩ Lê Bá Đảng, kiến trúc sư lừng danh Bjarke Ingels-Top 100 người có sức ảnh hưởng nhất thế giới của tạp chí Time. Hoặc những câu chuyện bình dị, nhân văn như Lớp học hy vọng, Mái ấm xa mẹ (đạo diễn Pháp làm phim về ông Vũ Tiên nhận nuôi trẻ khó khăn), Vọng phu nơi đầu sóng, Gắn kết, Khát vọng người về những nạn nhân của chiến tranh, Sân khấu của những niềm hy vọng kể chuyện cựu binh tham gia một vở kịch về những gì họ trải qua cuộc chiến.

Tạm biệt Hạ Long không được trình chiếu

BTC cho biết Tạm biệt Hạ Long của đạo diễn gốc Việt Ngô Ngọc Đức không nhận được giấy phép phổ biến phim của Cục Điện ảnh. Phim kể về gia đình ông Nguyễn Văn Cường sống trên nhà thuyền ở Hạ Long chịu sự xáo trộn khi làng chài Tò Bò Nâu bị di chuyển vào đất liền. Viện Goethe lấy làm tiếc vì không thể giới thiệu phim đạt nhiều giải thưởng tại Đức. Đạo diễn Ngô Ngọc Đức cũng lấy làm tiếc về sự cố này: “Tôi mất 5 năm quay phim vì thế không muốn chiếu phim bí mật, hy vọng có dịp phù hợp để trình chiếu”.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.