Lưu Tuyền

Lưu Tuyền: Ðeo mặt nạ vẽ búp bê

Lưu Tuyền tại triển lãm cá nhân lần thứ hai mang tên Hiện thực hoàn hảo tháng 6/2018. Ảnh: N.M.Hà
Lưu Tuyền tại triển lãm cá nhân lần thứ hai mang tên Hiện thực hoàn hảo tháng 6/2018. Ảnh: N.M.Hà
TP - Lưu Tuyền vẽ nhiều thứ nhưng ám ảnh nhất chính là những con búp bê sống với cặp mắt không thể to hơn, trân trối nhìn người xem. Ðặc biệt cái nhìn của chúng bị “nhốt” trong một vỏ bọc trong suốt nhưng cực kỳ bền vững. Ðó chính là epoxy. Vật liệu thường dùng để bọc mũi tàu biển đã được Lưu Tuyền làm chủ, biến thành một thủ pháp nghệ thuật.

Ai bảo họa sĩ là khổ…

Nhiều khả năng Lưu Tuyền là họa sĩ Việt Nam đầu tiên tận dụng triệt để epoxy. Anh không chỉ tráng tranh bằng epoxy, mà còn trộn nó vào màu vẽ và làm điêu khắc. Thoạt nhìn có thể thấy sự giống nhau giữa epoxy với một vật liệu khá phổ biến trong điêu khắc là composit. Nhưng quan sát kỹ sẽ thấy độ trong của epoxy “mềm” hơn, tạo chiều sâu tốt hơn. Về độ bền và đàn hồi, epoxy cũng vượt trội.

Lưu Tuyền: Ðeo mặt nạ vẽ búp bê ảnh 1

Họa sĩ Lưu Tuyền tự chụp khi đang đeo mặt nạ phòng độc để xử lý chất liệu epoxy.

Tuy nhiên khi pha trộn, hợp chất bay hơi không chỉ gây khó thở nếu lỡ hít phải. Một thời gian dài, Tuyền bị sưng, ngứa mắt mà không hiểu tại sao. Nghi tại epoxy, Tuyền mua mặt nạ phòng độc về đeo. Mỗi khi làm việc xong lại nhỏ mắt. Từ đó triệu chứng đau mắt mới hết. “Trong lao động nghệ thuật nghệ sĩ phải chấp nhận rủi ro để có được tác phẩm sau này biết đâu sẽ trở thành quý giá”, Tuyền lý luận. “Không việc gì là không có hy sinh nếu ta làm nó một cách nghiêm túc”.

Từ 2013, Lưu Tuyền bắt đầu thử nghiệm phủ epoxy lên bề mặt tranh tạo nhiều hiệu ứng khác nhau tùy theo độ dầy mỏng, nhẵn hay sần sùi. Có khi anh để bề mặt tranh nứt rồi dát bạc, vàng (kỹ thuật trong sơn mài) vào. Tạo hiệu ứng bên trong chiếc bình bị nứt kia toàn là vàng…

Tranh của Tuyền đem lại hiệu ứng vừa cực thực vừa siêu thực. Anh lập ra một bảng tỷ lệ riêng cho những con búp bê mắt to của mình. Và vẽ chúng với độ chính xác cực cao. Tranh sơn dầu của Tuyền kể cả khi chưa phủ epoxy cũng đã nhẵn bóng giống như một trang tạp chí vậy. Kỹ thuật sơn dầu bóng bắt đầu được Tuyền mày mò cách đây 10 năm. “Thời kỳ đó ai cũng vẽ rất dầy, thiên về nét, bút pháp mạnh. Tôi tự hỏi họ vẽ gồ ghề, tại sao mình không vẽ nhẵn. Theo tôi làm ngược lại đa số cũng là một bản tính của nghệ sĩ”. Về mặt dụng công, rõ ràng là vẽ nhẵn mất thời gian, tỉ mỉ hơn rất nhiều so với kiểu phóng bút đầy ngẫu hứng.

Gia đình, họ hàng và kể cả người quen của Tuyền không ai làm nghệ thuật. Khi đi học CĐ Sư phạm Nghệ thuật Thái Bình, Tuyền không nghĩ mình có thể trở thành họa sĩ. Nhưng đam mê thúc đẩy anh tiến bước. Anh từng làm nhiều công việc từ bàn giấy đến chân tay trước khi bán được tranh. Đó là khi anh ra Hà Nội, học ĐH Mỹ thuật Công nghiệp. “Khi 25 tuổi, họa sĩ gần như chỉ là người học việc, để sống bằng nghề khó”, Tuyền kể. “Cũng có lúc, tôi làm lao động bình thường để trải nghiệm đời sống, để hiện thực phả vào mình thâm nhập vào mình. Để khi mình làm nghệ thuật, nó sẽ bộc lộ ra”.

Tuyền không gọi những bức tranh là đứa con tinh thần mà là những “người tình”. Với anh, công việc chính là sự giải trí. “Tôi tâm đắc với câu nói ‘Nếu bạn làm việc vì đam mê thì cả đời bạn không phải làm việc ngày nào’. Tôi là người như vậy. Mọi người nhìn vào có thể thấy tôi vất vả, chịu bụi bặm, độc hại, khổ… nhưng bản thân tôi thấy rất thích khi mình cầm cái máy mài mài dần dần bức tranh lộ ra từng lớp, hay khi pha epoxy với keo ra một màu hay... Cảm xúc tuyệt vời đó chỉ có trong lao động”.

Ðời búp bê

Những con búp bê của Tuyền có khả năng gợi sự bất an nơi người xem. Người ta không biết đằng sau cặp mắt ngây thơ kia, chúng là thủ phạm hay nạn nhân. Chúng có vẻ rất sống động trong một bộ phim kinh dị nào đó mà bức tranh là một lát cắt.

“Mắt to cho cảm giác nó đang lo lắng chờ đợi”,tácgiảdiễn tả. “Tưthếcủa chúngđều rất tĩnh, dùđứng hay ngồi. Kiểu nhưchúng muốn hỏi ngườiđối diện: “Ông nhìngìtôivàđangđịnh làmgìtôi?”.Cũng giống nhưtâmtrạng của một thếhệnửa muốn pháràocản, muốn làmcáigìđómới, tựdo; nửa sợhãinhìnxung quanh xem cóai nhìnmình, làmgìmình không”. Quá trình dền dứ này diễn ra rất chậm, nhưng dù sao những con búp bê của Tuyền vẫn còn rất trẻ. Chúng ở tuổi vừa mới lớn, bắt đầu biết nhận thức, bản chất của chúng vẫn trong sáng, vẫn đang chờ đợi điều tốt đẹp sẽ đến. Để chúng có thể được bước ra khỏi căn phòng đẹp hoài cổ nhưng ẩn chứa bất an đó, ra với thiên nhiên, với cuộc đời, tự do bay nhảy.

Việc tạo ra loài búp bê “made in Lưu Tuyền” bắt nguồn từ một ám ảnh từ tuổi thơ của tác giả. “Từ nhỏ người ta đã quy định con trai phải chơi gì, con gái chơi gì. Lắm khi con trai rất thích một món đồ của con gái. Không phải do giới tính của mình khác thường mà đơn giản mình thấy nó rất đẹp. Như tôi thấy búp bê đẹp, rất thích nhưng không bao giờ được chạm tới. Phần vì không có tiền, nhưng điều cốt yếu là bố mẹ sẽ nói con trai không được chơi búp bê”.

Lưu Tuyền: Ðeo mặt nạ vẽ búp bê ảnh 2

Tác phẩm sơn dầu và điêu khắc sử dụng chất liệu epoxy của Lưu Tuyền.

Nhân vật kinh dị để lại ấn tượng dai dẳng cho Tuyền là Chucky (một loại ma búp bê nam). Từ phim này, anh nhận ra sợ hãi cũng có tính thẩm mỹ. “Mọi người hay thích cảm giác lãng mạn, cảm giác được yêu, nhưng tôi nhiều khi thấy cảm giác sợ hãi rất đẹp”, Tuyền nói. “Chúng ta đang sống trong một xã hội có nhiều cái để lo. Ví dụ ăn gì cũng sợ, cả trẻ con và người lớn đều có thể bị bắt cóc, hôm nay mình sống thế này mai mình có thể bị tai nạn, bị ung thư chết…”. Theo Tuyền, thiên chức của nghệ sĩ là phải thể hiện tâm lý xã hội mình đang sống chứ mình không ru ngủ đám đông. Anh kỳ vọng nhiều năm sau, qua tranh của anh, người xem có thể cảm nhận được tinh thần của thời đại anh đang sống. “Còn người bây giờ nhìn vào thấy cần phải hướng đến cái tích cực hơn, hướng tới cái đẹp”.

Ngoài phủ epoxy cho tranh búp bê, tranh di sản kiến trúc, cổ vật, Lưu Tuyền còn tạo hình búp bê bằng composit rồi đổ epoxy tạo thành điêu khắc kiểu hổ phách. Không thấy anh hứa hẹn sẽ tiếp tục kể quãng đời sau này của búp bê, Tuyền chỉ hé lộ anh muốn dùng epoxy để tương tác triệt để với khán giả. Anh sẽ cho người xem tha hồ đến tác động vào bức tranh bằng mọi hình thức: Đập, cào, viết lên cho đến sờ, ôm hôn… để cuối cùng lộ ra câu chuyện về xã hội đương đại và tính cách của từng người.

Các sáng tác của Lưu Tuyền là thứ nghệ thuật không chỉ để làm vui một không gian hay trang trí đơn thuần. Những bức tranh, bức tượng này ám ảnh người xem, bắt họ phải xem chậm, ngắm lại nhiều lần trong tĩnh lặng để nghĩ và ngẫm. Bằng cách nghĩ, bằng cái nhìn riêng biệt, với thứ ngôn ngữ, kỹ thuật, chất liệu biểu hiện độc đáo, họa sĩ đã đủ ý thức gửi gắm hết tình yêu của mình cho những đối tượng của cuộc sống xung quanh: Con người, đồ vật và phong cảnh.     

Họa sĩ Lê Huy Tiếp

MỚI - NÓNG