Mang Hội An về nhà

Gốm Thanh Hà hầu như vẫn được làm thủ công như hàng trăm năm trước
Gốm Thanh Hà hầu như vẫn được làm thủ công như hàng trăm năm trước
TP - Với một số du khách hợp gu, chỉ cần la cà trên những con phố Hội An đã đủ hấp dẫn bởi yếu tố “ngạc nhiên bền vững” (chữ của KTS Hoàng Thúc Hào) mà đô thị cổ này có được qua hàng trăm năm hình thành. Nhưng quanh khu phố di sản, vẫn còn những điểm đến vệ tinh hấp dẫn theo kiểu khác sẽ khiến chuyến du Xuân tới vùng đất đặc sắc này càng thêm đáng nhớ.

Nhiều lần đi Hội An, tôi vẫn ấn tượng với mùi nhang trầm thoang thoảng trên từng con phố. Người dân phố Hội mỗi sáng sau khi xông trầm khắp nhà lại sắp một lễ nhỏ trước cửa để cầu may. Và bất cứ lúc nào trong ngày, họ cũng có thể cắm một que hương trước nhà.

Phong tục này làm nên điểm chung giữa ba vùng đất du lịch Á đông nức tiếng là Bali (Indonesia), Bagan (Myanmar) và Hội An. Thế nhưng mãi đến dịp vào Hội An mới đây, tôi mới nghĩ đến việc mua nhang. Và thế là Tết năm nay nhà tôi cứ phảng phất Hội An - một mùi hương vừa u trầm, thanh nhã lại gợi đến không khí nhộn nhịp hội hè.

Nhang tôi mua của một cụ bà tầm tuổi 70 dáng cao, thanh mảnh ngồi ngay vỉa hè đối diện cổng chợ Hội An. Điểm nhận dạng của cụ là cặp môi kẻ chỉ tô son đỏ đậm. Vào chợ có thể mua được rẻ hơn nhưng không cẩn thận vớ phải nhang “nước hoa” Sài Gòn.

Thổ địa phố và nghệ sĩ làng

Nhiều người nói đi chơi Hội An phải có thổ địa dắt đi mới chuẩn. Đúng thật, nếu không có anh bạn sống ở đây thì tôi chỉ biết đường Phan Chu Trinh có nhiều quán cơm gà chứ không thể nào biết còn có quán chay trong hẻm mà tiếc là tôi chỉ mới có dịp thử 3 món: bánh canh, cao lầu và nước đậu lạc. Ngon vậy, thảo nào bạn tôi không chỉ ăn chay vào ngày rằm mùng một.

Nhà hàng còn gây ấn tượng ở chỗ gương mẫu trong việc hạn chế rác nhựa. Họ đựng nước đậu tự làm trong chai thủy tinh riêng. Và nếu khách cần mang đồ ăn đi, đã sẵn có các túi nhựa sinh học phân hủy được.

Người Hội An sống chừng mực, biết đủ là điều tôi nghe nói và cảm nhận được. Chẳng hạn một nhà hàng hải sản ngon và rẻ gần biển An Bàng nhiều lần tôi đã ghé nhưng ngày rằm mùng một thì chịu, vì họ đóng cửa.

Anh bạn hẹn đưa tôi đến làng gốm Thanh Hà bằng xe máy. Đến nơi tôi mới nhớ ra hóa ra mình từng mua một tour đi thuyền thăm làng Thanh Hà và cả Kim Bồng. Ngoài mấy món đồ lưu niệm mua được, ấn tượng rõ nét nhất còn lưu lại trong tôi về tour đó là bữa trưa trên thuyền. Đạm bạc chưa từng thấy, tuy không phải chay nhưng cũng gần như chay vì chẳng có gì để ăn. Tóm lại là có gì để nhớ khi nội dung tour chỉ là cập bến, vào các nhà bán hàng được chỉ định trong thời gian cho phép.

Nhưng nếu bạn tự đi, làng nghề sẽ mở ra những câu chuyện rất khác. Chúng tôi bỏ qua bảo tàng gốm mà đi men theo sông qua một dãy tượng gốm 12 con giáp ngộ nghĩnh, thấy một cây đa bài trí ban thờ Phật dưới gốc. Rồi tiện thể ghé ngôi nhà đang mở rộng cửa cạnh đó. Duyên thay, đó chính là nhà của nghệ nhân Nguyễn Thị Được. Bà năm nay 93, là một trong hai nghệ nhân cao tuổi nhất, nắm trọn nhiều bí quyết làm gốm dân gian. Nét đặc sắc của gốm Thanh Hà là nguyên liệu đất nâu và xử lý hoàn toàn bằng tay. Vì thế để làm những đồ gốm kích thước lớn rất khó. Và bà Được làm được hẳn hũ 7 - tức là cấu thành từ 7 “con đất”.

Trước khi biết đây là nhà bà, tôi đã mua một chụp đèn bằng đất nung tạo hình hoa sen đủ tinh tế cho thấy người làm ra nó có năng khiếu hơn hẳn một thợ thủ công bình thường. Tác giả của nó chính là Lâm, 20 tuổi, chắt của bà Được. Lúc chúng tôi đến Lâm đang cùng vợ đưa phôi vào lò nung hiện đại chạy bằng gas ngay trên sân nhà. Tôi có nói với chị Vân, mẹ của Lâm, cháu nội của bà Được là nên khuyến khích Lâm đi học ĐH để phát triển. Vì khả năng đó mà chỉ dừng lại ở một người thợ khéo thì phí đi.

Ghé một số nhà làm và bán gốm khác thì thấy quả thực đồ gốm của nhà chị Vân có sự khác biệt đáng kể. Trong khi các nhà còn lại chủ yếu sản xuất những sản phẩm lưu niệm cỡ nhỏ cùng chủng loại, chỉ khác về kiểu dáng do tay nặn mỗi nhà khác nhau. Điều đặc biệt ở làng gốm Thanh Hà là bạn có thể mua về những sản phẩm con giống chưa nung còn nguyên màu đất. Có điều đừng để chúng tiếp xúc với nước.

Len lỏi theo những con đường lát gạch đỏ đi khắp làng trò chuyện với người dân và xơi những món quà vặt cũng rất thú vị.

Quay cuồng trong rừng dừa

Cẩm Thanh vài năm trở lại đây trở thành đích ngắm mới cho du khách đến Hội An. Các khách sạn đều chào bán tour sinh thái cho du khách (nước ngoài) trồng lúa, bắt cá, cưỡi trâu… và tham quan rừng dừa nước. Vì không có các nhu cầu trải nghiệm kia, chúng tôi phi xe máy từ Hội An đến thẳng bến thuyền, mất độ hai chục phút. Chuyến thăm rừng dừa khác hoàn toàn với những gì tôi hình dung. Tôi những tưởng mình sẽ được thả trôi trên dòng sông êm ái giữa những tán dừa nước cao lấp ló ánh mặt trời, lắng nghe tiếng chim kêu vượn hót…

Nhưng thực tế vừa đến nơi, tôi đã bị chìm nghỉm trong biển âm thanh từ những dàn loa đại lắp ở các bến thuyền. Vì trước và trong Tết đông khách Hàn nên các chủ thuyền bật toàn nhạc Hàn, cực kỳ sôi động. Để các đoàn khách xếp hàng khỏi sốt ruột, có người không rõ dân địa phương dẫn tour nhảy theo nhạc ngay tại bến thuyền.

Cô lái thuyền và hai khách vừa đủ một chiếc thúng. Chúng tôi men theo lạch nước đã được bê-tông hóa để ra cửa sông. Thời gian tĩnh lặng chẳng được bao lâu. Vì ở những chỗ có tầm nhìn rộng thoáng nhất, người ta lắp đặt những sân khấu nổi - có thể là bục hoặc ngay trên thúng. Diễn viên chính là cựu dân chài Cẩm Thanh. Giờ họ đã trở thành ca sĩ karaoke hát được tiếng Hàn, tiếng Trung và cả tiếng Thái. Vừa hát vừa nhảy rất hăng. Tay cầm mic, tay cầm ngoại tệ do du khách bo tại chỗ. Du khách cũng khoái chí đứng lên nhảy nhót ngay trên thuyền hoặc cầm mic hát.

Một tiết mục khác rất được tán thưởng là của những người đàn ông lắc thúng. Họ đứng trên thúng xoay tít mù, con thuyền xoáy nước thành tia bắn lên đẹp mắt. Trong lúc thuyền xoáy, hai tay họ vung múa mái chèo rõ diệu nghệ. Khách lại tới tấp boa. Lại thấy một lão ngư đứng lặng phắc như con vạc canh cá trên chiếc thuyền thoi. Khi nào thúng kéo tới đông, ông mới từ tốn quăng lưới không phải để bắt cá mà cho khách chụp ảnh.

Hóa ra đó mới là những hoạt động chính của tour rừng dừa chứ thời gian len lỏi trong những cánh rừng chẳng bao lâu. Mà những tán dừa nước cũng không cao vút, rậm rì như tôi tưởng vì chúng vẫn bị thường xuyên tỉa bớt để làm mái nhà. Theo cô lái thuyền thì lá dừa non trông xanh tươi mát mắt hơn dừa già thường bị rám nắng và te tua theo gió. Tóm lại ấn tượng về hoạt động của con người gần như lấn át thiên nhiên.

Đến lượt mình, cô lái cũng cho chiếc thúng của chúng tôi quay mòng mòng đến chóng mặt thì thôi. Cô lấy mỗi khách 100 ngàn, trong đó 30 ngàn cô nói sẽ trả cho ban quản lý. Chính nhà đầu tư bán vé này đã ke bờ và nạo vét để dòng chảy được thông thoáng hơn.

Quanh phố cổ Hội An có những ngôi làng xinh xắn như gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, rau Trà Quế, hay làng chài Cẩm Thanh… Những điểm đến mới lại có tác dụng giữ chân du khách đồng thời gia tăng giá trị cho đô thị cổ độc đáo này.

Mang Hội An về nhà ảnh 1 Hội An thu hút đông du khách nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc vào dịp Tết Nguyên đán             Ảnh: N.M.Hà
MỚI - NÓNG