Mùa điện ảnh ấn tượng

Mùa điện ảnh ấn tượng
TP - Nhiều dư vị đọng lại sau mùa phim ảnh năm qua, mà việc gợi lại thiết tưởng không thừa.

> Skyfall gấp rút chạy đua Oscar 2013
> Bộ phim Anh dữ dội đến LHP Quốc tế Hà Nội
> 'Thiên mệnh anh hùng' đậm chất kiếm hiệp

Phim thư giãn nhất

Không thể khác ngoài Skyfall- phần mới của loạt phim 007.

Vừa vào phim, chàng Daniel Craig ngồi xe máy phi mái nhà, địa hình địa vật hóc hiểm mấy cũng dông tuốt. Tất cả đều cận cảnh. Kinh hoàng. Biến những pha hành động tương tự trong các phim cùng loại trở nên đơn giản.

Các pha thi triển tài năng - toàn oái oăm - liên tiếp nữa: James Bond đu người theo thang máy; cướp súng của đối phương để bắn tan băng rồi cả hai lăn tõm xuống sông quần nhau dưới ấy; bắn tung cánh cửa sắt để nhao vào trong, nhằm thoát hiểm khỏi đoàn tàu đang ầm ầm lao tới trong đường hầm chật hẹp..v..v…

Daniel Craig và bước chạy quen thuộc trong “Skyfall“
Daniel Craig và bước chạy quen thuộc trong “Skyfall“.

Chất hài, ngày càng phớt Ăng Lê. Khi 007 nỗ lực nhảy, bám tàu để tóm một thằng, cặp vợ chồng hành khách già trên sân ga trố mắt, đoán Anh ta mong về nhà quá. Trước khi rút xuống hầm, tự tay phá hủy lâu đài Skyfall, James Bond lẩm bẩm Mình luôn ghét nơi này- câu sẽ không buồn cười nếu không đặt trong bối cảnh tử địa này là nơi anh có ký ức ảm đạm (cha mẹ bị giết) và giờ đương đầu với một địch thủ xứng tầm trong trận cuối cùng.

Hai tiếng rưỡi đồng hồ, tha hồ nhặt chi tiết hài, câu thoại hài. Câu hối hận là thiếu chuyên nghiệp (sếp M nói với Silva- cựu nhân viên giờ thành kẻ thù) cũng hài kiểu Ăng Lê, ai không thấy buồn cười người đó thiệt.

So với Craig, các 007 trước bị hào nhoáng quá. Anh đời hơn, hài hước hơn, giỏi giang thâm trầm hơn và làm người ta thương hơn. Nhìn anh chạy đã thích rồi. Tuy vậy Daniel tập mới này nom sọm hẳn dù dáng vẫn đẹp.

Khi được buồn một nỗi buồn xứng đáng thì đó cũng là thư giãn. Một trong những cảnh ấn tượng nhất chính là đoạn đầu phim. James Bond bị chính đồng sự bắn hạ trong tình thế hiểm nghèo, anh rơi xuống biển trông đẹp một cách bi tráng, và ca khúc Skyfall của Adele vang lên hoàn hảo.

007 vẫn bị mang tiếng là phim bốc phét, xem cho vui. Trước kia nhiều tập có như thế thật. Nhưng xem 007 ngày nay còn để thưởng thức trí tưởng tượng của con người, lòng trung thành, quả cảm của họ. Sự hài hước, cách họ ứng xử với cái chết. Xem ngày nay thế giới vật chất - tinh thần có thể văn minh đến đâu, mạng người cũng mong manh đến đâu còn cái ác thì muôn hình vạn trạng. Xem để đàn ông tăng nam tính còn phụ nữ nể họ hơn (“gái ham tài” không phải là điểm yếu). Xem để thêm nghiêng mình trước nghệ thuật thứ bảy và có khi trong chừng mực nào đó, thấy giá trị hơn cả văn chương.

Phim ám ảnh nhất

Chúng ta cần nói chuyện về Kevin chiếu trong chương trình Toàn cảnh LHPQT Hà Nội, không phải phim dự thi. Được biết ở LHP Cannes năm trước, hàng nghìn người trong phòng chiếu đã không nhúc nhích không vỗ tay lúc đèn bật. Vì họ bị sốc, ám ảnh.

“Chúng ta cần nói chuyện về Kevin”
“Chúng ta cần nói chuyện về Kevin”.

Phim kể chuyện một kẻ giết người hàng loạt đã lớn lên như thế nào trong một gia đình hoàn toàn bình thường, tử tế. Đến tuổi thanh niên, y không nương tay giết bạn học bằng cung tên. Đây là bộ phim Anh rất Mỹ, với tình tiết vụ án và nhân vật chính nhiều nét giống với thảm họa gây ra cái chết của 27 người đa phần là trẻ em Mỹ, chấn động cả thế giới năm qua.

Phim không được kể theo cách thông thường. Lúc đầu, khá khó hiểu với cảnh quá khứ hiện tại đan xen: Mặt tiền ngôi nhà của Eva, một phụ nữ trung niên, loang lổ sơn màu đỏ máu. Làm gì có chiếc xe hơi nào lại trang trí bằng những vệt đỏ lừ tung tóe khắp thân xe, vậy mà bà ta lẳng lặng leo lên xe phóng đi với thái độ nhẫn nhục.

Đang đi bộ, Eva- do Tilda Swinton thủ diễn, bị bà già đi ngược chiều giơ tay tát bốp bốp, nguyền rủa Bao giờ mày rữa nát dưới địa ngục. Khi người đi đường tỏ ra kinh ngạc hỏi Eva có muốn báo 911 không, bà từ chối và cho biết “tôi ổn”…

Té ra, Eva chính là mẹ của tên giết người hàng loạt trẻ tuổi, và những hành động kia (phun sơn đỏ lên tường nhà, lên ô tô, tát...) là sự trút giận của gia đình nạn nhân. Con họ đã bị con bà cướp đi mạng sống khi đang trên ghế nhà trường.

Thế nào là một đứa ác từ bé? Lớn tướng nó vẫn đóng bỉm, ung dung tha cái bỉm bẩn khắp nhà cho mọi người cùng hưởng. Cố tình để chai hóa chất vào khu vực bếp núc, khiến em gái bị mù một mắt.

Một cảnh miêu tả cái ác tài tình nữa: Bị mẹ bắt gặp đang thủ dâm trong phòng, Kevin cười hả hê, mắt long sòng sọc trong khi bà mẹ bối rối cực độ, sập vội cửa.

Nó chỉ là đứa trẻ thôi mà - cha mẹ và những người xung quanh tự nhủ, mỗi khi Kevin gây ra chuyện gì đó. Họ không hề biết mầm tai họa ẩn náu. Đứa trẻ xấu lớn lên sẽ thành người đàn ông xấu.

Một ngày nọ, bưu điện chuyển đến gia đình bà Eva một thùng tướng toàn ổ khóa. Kevin - người có vẻ ngoài khá bình thường duy có ánh mắt thi thoảng lóe những tia nhọn hoắt, giải thích rằng cậu tham gia trò chơi và trúng thưởng những ổ khóa này. Cuối phim, y dùng những thứ đó để ngăn cản bạn học thoát thân! Khóa chặt hết lớp cửa này lớp cửa khác. Giết bạn học xong y bình thản chờ cảnh sát đến lôi đi, môi vẫn nở nụ cười khó hiểu. Trước đó y đã kịp giết bố và em gái mình.

Trong Tử địa Skyfall, bà M sếp của MI6 (Cục tình báo Anh) có đoạn nói về hiểm họa ngày nay, vì sao khó lường, khó đối phó đến nỗi vẫn cần đến điệp viên. Đó là bởi “kẻ thù ở trong bóng tối, dưới dạng các cá nhân” chứ không phải những tổ chức phô trương. “Họ không có trên bản đồ”.

Xem những phim như Chúng ta cần nói chuyện về Kevin thấy điều ta lo sợ hóa ra không thừa. Một đứa trẻ cũng có thể gây hại tàn độc, không hôm nay thì ngày mai. Vì thú tính. Vì trời sinh nó thế. Vì bệnh điên kịch phát. Vì môi trường tiếp tay. Chúng ta phải nói với nhau về điều đó, và hãy cảnh giác, bởi có câu nhân chi sơ tính bản thiện nhưng cũng có câu nhân chi tính ác, kỳ thiện giả ngụy (bản tính con người là ác, điều thiện chỉ là do con người đặt ra, là vẻ bề ngoài).

Xem mà tức

Thiên mệnh anh hùng chiếu ở Trung tâm Chiếu phim Quốc gia hồi tháng 11, không chỉ các thành viên BGK LHPQT Hà Nội “xem mà tức”. Đả nữ Hoa Xuân (diễn viên trẻ MiDu đóng) liên tục làm điệu bộ lý lắc với Nguyên Vũ (cháu nội Nguyễn Trãi- Huỳnh Đông đóng) còn anh này liên tục lóng ngóng chống đỡ, mặt đờ ra, miệng lắp bắp. Khán giả cười rộ từng tràng thích thú! Có vị khó tính cáu kỉnh quay lại nhìn chằm chằm vào đám đông vừa cười, phản ứng: Cười cái quái gì thế !

Huỳnh Đông và MiDu trong bộ phim giả cổ “Thiên mệnh anh hùng”
Huỳnh Đông và MiDu trong bộ phim giả cổ “Thiên mệnh anh hùng”.

Có lời biện bạch cho bộ phim và đạo diễn rằng họ đã rất khôn ngoan khi đặt tên cho phim của mình là võ hiệp kỳ tình (để đỡ bị soi về tính logic cũng như sự hư cấu). Có người khẳng định Thiên mệnh anh hùng là bom tấn mới, mở ra cơ hội mới cho điện ảnh Việt Nam đó là khai thác dòng phim võ hiệp. Thưa rằng hữu dũng mà vô mưu thì cũng chỉ tồn tại không quá ba ngày Tết! (Thiên mệnh anh hùng thuộc dòng phim chiếu Tết). Việc Ban giám khảo LHPQT Hà Nội trao cho phim này cái giải an ủi chỉ cho thấy chủ nhà quả khéo ngoại giao chứ khó lòng an ủi được ai.

Là hậu duệ sót lại của Nguyễn Trãi, tính mạng như sợi chỉ mành trước gió nhưng Nguyên Vũ đi đâu cũng bô bô bộc lộ thân phận. Anh ta, tiền bạc không địa vị không nhưng thích lúc nào là xông ngay được vào nơi thiết triều hoặc chốn tư dinh của các vị hoàng thân quốc thích, tha hồ nghe lỏm, tha hồ thuyết giáo, tha hồ chuốt nhọn đường lê mũi kiếm, tả xung hữu đột. MiDu và Vân Trang thì nom cứ như vừa từ đường hoa Nguyễn Huệ hoặc chợ Bến Thành nhảy vào phim! Nghĩa là mặt mũi, bộ dạng, nói năng không khác gì lúc đi ăn cóc ăn kem, chỉ có áo quần thùng thình xúng xính hơn ngày thường chút chút.

Với Đam mê một trong hai phim được chọn dự thi LHPQT mà Hà Nội là chủ nhà, khán giả sẽ thấy họ bị cái thông điệp về sự đam mê - trả giá, gieo gì gặt nấy của bộ phim thốc vào mặt từ đầu chí cuối. Đạo diễn có úp mở về thông điệp ngầm trong phim của ông, rằng nó chạm tới vấn đề lớn của thời đại. Vấn đề văn nghệ - chính trị chăng? Nếu thế, càng bó tay. Muốn đa nghĩa bí hiểm nhưng không tới. Chỉ là “đánh quả” bí hiểm mà thôi.

Vào rạp để giải trí hoặc học được bài học nhân văn, nhưng vào rạp đôi khi mua lấy bực vào người là như thế. Đây cũng là những “dấu ấn” khó phai qua một mùa phim ảnh 2012.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.