'Mùa hoa cải bên sông' bị vi phạm bản quyền lần thứ N

TP - Mới đây, nhà văn Nguyễn Quang Thiều kể trên trang cá nhân chuyện tác phẩm “Mùa hoa cải bên sông” của ông được chuyển thể thành kịch nói, và được giải quốc tế song tên tác giả văn học không hề được nhắc đến. Giới viết kịch bản sân khấu lại được phen xôn xao bàn tán, bởi trong năm nay, đây có thể coi như vụ vi phạm bản quyền thứ N.

Liên tiếp có tranh chấp bản quyền

Cụ thể, từ truyện ngắn “Mùa hoa cải bên sông” của Nguyễn Quang Thiều, biên kịch Tạ Xuyên đã viết thành vở kịch “Khát vọng”. Sau đó, vở này được NSƯT Hoàng Lâm Tùng - Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng. Vở diễn xoay quanh câu chuyện một gia đình làng chài sinh sống quanh năm trên mặt nước, vì mối hận không được chôn vợ trên đất liền mà ông bố đã quyết định để mối hận đó thành truyền kiếp, bắt các con tuyệt giao với những người trên bờ.

'Mùa hoa cải bên sông' bị vi phạm bản quyền lần thứ N ảnh 1 Poster kịch “Khát vọng” không ghi tên tác giả văn học là Nguyễn Quang Thiều.

Cuộc sống trên con thuyền nhỏ chật hẹp, bí bức đã làm cho những thành viên trong gia đình luôn sống trong cảnh tù túng, khó chịu. Họ khó chịu với những người xung quanh, với chính bản thân mình. Cuộc sống cứ như vậy cho đến khi cô con gái út quyết định phá bỏ lời nguyền truyền kiếp của gia đình để chuyển ngôi mộ của bà mẹ lên bờ và xây dựng hạnh phúc của mình cũng ở trên bờ…

Cuối tháng 11, tại Liên hoan Sân khấu thanh niên La Hồ - Thẩm Quyến (Trung Quốc), “Khát vọng” cùng lúc được sáu giải thưởng lớn. Trước đó, nó cũng từng được Huy chương Bạc Hội diễn sân khấu Thủ đô năm 2016 và được giải B của hội Nghệ sỹ sân khấu năm 2017. Ông Thiều chia sẻ: “Cho dù người ta không nói đến tác giả truyện ngắn nhưng nhiều bạn đọc vẫn nhận ra vở kịch chuyển thể từ truyện ngắn trên của tôi”.

Theo thông tin của nhà văn, nhà biên kịch Xuân Đức: nếu kịch bản sân khấu chuyển thể từ tác phẩm văn học thì phải ghi rõ tên tác giả văn học và phải trả cho bản quyền văn học là 20%. Trong sân khấu, số tiền này không phải ít bởi nhuận bút kịch bản trung bình đều từ 80- 150 triệu.

Việc tên tác giả kịch bản gốc hoặc tác giả văn học đột nhiên biến mất không phải là chuyện mới mẻ trong giới sân khấu. Trước đó, trong giải thưởng thường niên của Hội nghệ sĩ sân khấu năm 2017, người ta đã phải ngừng trao giải cho ba tác phẩm cố tình quên tên tác giả gốc và nhập nhèm giữa việc đồng tác giả.

Hồi tháng 12, vấn đề vi phạm bản quyền cũng đã được đưa ra tranh luận mạnh mẽ khi vợ NSND Huỳnh Nga chia sẻ: gia đình hoàn toàn không hay biết về việc đạo diễn Gia Bảo dàn dựng vở diễn của NSND Huỳnh Nga mang tên “Đời cô Lựu” thành vở cải lương kết hợp bolero sẽ trình diễn tại nhà hát Bến Thành cuối tháng một năm nay. Theo bà, sự việc này khiến gia đình tổn thương, dù nó mang danh là ủng hộ việc làm sống dậy nghệ thuật cải lương.

Hoặc trước đây chương trình game show “Cùng nhau tỏa sáng” cũng từng phải giải quyết tranh chấp bản quyền khi trích đoạn “Phụng Nghi Đình” được dàn dựng cho thí sinh trình diễn đã sử dụng ca từ của tác giả Minh Tơ - Thanh Tòng mà không ghi tên tác giả, cũng không hề xin phép gia đình NSND Thanh Tòng.

'Mùa hoa cải bên sông' bị vi phạm bản quyền lần thứ N ảnh 2 Nghệ sĩ Gia Bảo họp báo dựng vở “Đời cô Lựu” trong khi chưa xin phép gia đình tác giả kịch bản.

Câu chuyện “tùy tiện” hay là “mềm nắn rắn buông”

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng có nhiều tác phẩm được đưa lên sân khấu kịch nói như: “Sang sông”, “Không có vua”, “Bến ô sin” v.v… cho biết: “Nhìn chung câu chuyện bản quyền nào của Việt Nam cũng rất tùy tiện. Người ta đối xử với các tác giả gốc theo kiểu nhìn mặt hiền dữ và so độ nổi tiếng. Khi tên tuổi anh có thể góp thêm vào sự quảng bá tác phẩm, vậy họ sẽ trân trọng giới thiệu, khi anh vô danh, họ quên và quỵt tiền. Việc trả tiền tác quyền cũng vậy, nó căn cứ vào độ nổi tiếng và chỗ đứng của tác giả trong giới. Không có một quy định cụ thể hoặc thể chế nào. Đấy là còn chưa kể, với những người cùng cạ hay cùng nhóm lợi ích thì xử kiểu khác, người lạ xử kiểu khác. Như trường hợp ông Nguyễn Quang Thiều bị quên tên, có thể họ nghĩ ông này giàu rồi, ông ấy cũng chả cần tiền”.

Biên kịch Đặng Huyền cho biết: “Giới sáng tác sân khấu trừ một số người nổi tiếng còn đa số đều bình bình như nhau. Tác phẩm viết ra cho vui là chính, được dựng là may mắn. Cho nên, khi một đạo diễn nào đó bảo: đưa kịch bản cho tôi xem dựng được không thì biên kịch nào cũng vui vẻ đưa ra mà ít khi nghĩ đến phải có ràng buộc pháp lý về vấn đề bản quyền. Thường xảy ra nhất là đạo diễn can thiệp ít nhiều vào kịch bản rồi cũng nhận là đồng sáng tác hoặc tệ hơn là lờ tên tác giả gốc đi. Có trường hợp tác giả chuyển thể cố tình bỏ tên tác giả gốc. Người chuyển thể thứ hai không biết, chỉ ghi tác giả chuyển thể thứ nhất. Lâu dần, tác phẩm gốc bị nuốt gọn mà tác giả gốc không biết kêu ai”.

NSND Kim Cương cũng công nhận: “Đối với giới sáng tác sân khấu, gần như không chú ý nguyên tắc xin phép và cho phép bằng văn bản. Lâu nay, cứ đơn vị hoặc cá nhân nào quen biết đến gặp tác giả sân khấu xin phép là họ đồng ý ngay, rất hiếm trường hợp bị từ chối”.

Đa phần các tác giả khi phát hiện tác phẩm bị dùng chùa hoặc lấy cắp thường chỉ phản ứng nhẹ nhàng. Mọi chuyện sẽ lại đâu vào đấy khi người vi phạm đồng ý trả một số nhuận bút hoặc xin lỗi.

Chính nhà văn Nguyễn Quang Thiều mặc dù phàn nàn về việc tên mình tự dưng biến mất nhưng ông vẫn kết luận: “Dù sao cũng là một chút vui trong những ngày đầu năm mới”. Đây là tâm lý chung của những người làm kịch bản sân khấu: vở được dựng là mừng rồi!

'Mùa hoa cải bên sông' bị vi phạm bản quyền lần thứ N ảnh 3 Poster kịch “Nhà có 5 anh em” ghi rõ tên tác giả văn học là Nguyễn Huy Thiệp ở bìa 4.

Nhập nhèm bản quyền là phạm pháp

Luật sư Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: “Những người tham gia sáng tạo tác phẩm điện ảnh, sân khấu được hưởng các quyền nhân thân đối với phần sáng tạo của mình theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ như: Đặt tên cho tác phẩm; Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Như vậy, việc ông Nguyễn Quang Thiều yêu cầu phải có tên mình trong khi công bố tác phẩm là hợp pháp và được pháp luật bảo hộ”.

Ngoài ra, luật sư Tuấn Anh cũng khẳng định: “Việc công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả hoặc đồng tác giả; làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả; không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật… đều là những hành vi xâm phạm quyền tác giả (Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ)”.

Đối với các hình thức xử phạt các vụ vi phạm bản quyền, luật sư Tuấn Anh cho biết: “Hiện nay, biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bao gồm: người thực hiện hành vi bị buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm và phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính: cảnh cáo, phạt tiền, mà theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250.000.000 đồng, đối với tổ chức là 500.000.000 đồng”.

Từ thực trạng tranh chấp, vi phạm bản quyền trong lĩnh vực sân khấu, đã có nhiều ý kiến đề nghị phải thành lập những trung tâm đại diện pháp lý cho các tác giả nhằm bảo vệ bản quyền tác phẩm. 

Trước mắt, chính các tác giả hướng dẫn nhau: khi trao kịch bản cho đạo diễn hoặc nhà hát, nhất thiết phải làm giấy ủy quyền hoặc văn bản cho phép để khẳng định quyền sở hữu tác phẩm. Đại diện một nhà hát kịch cũng cho biết: “Việc đăng ký sở hữu tác phẩm hoặc xác nhận tác giả gốc vừa bảo vệ quyền lợi của tác giả, vừa giúp nhà hát tránh nhiều rắc rối. Bởi nhiều khi chúng tôi chỉ được tiếp cận kịch bản chuyển thể lần thứ hai, thứ ba, tên tác giả gốc không còn. Vở được dựng, không thành công thì không nói, nhưng chỉ cần có giải hoặc bán vé được, mới nảy ra tranh chấp. Khi đó, chính nhà hát cũng bị ảnh hưởng đến uy tín”.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.