Murakami và 'Kafka bên bờ biển'

Murakami và 'Kafka bên bờ biển'
TP - Những chương lẻ kể về Kafka Tamura,  cậu bé 15 tuổi luôn văng vẳng lời thúc giục của một bản ngã tên Quạ. Kafka sống cùng cha sau khi mẹ và chị gái bỏ đi.
Murakami và 'Kafka bên bờ biển' ảnh 1

Giữa hai cha con chẳng có liên hệ nào ngoài AND và lời nguyền độc địa của người cha: Mày sẽ ngủ với mẹ và chị gái sau khi giết cha. 

Vừa chạy trốn lời nguyền và cuộc sống bên người cha, vừa đi tìm chị gái và mẹ, cậu chất đầy đồ dùng cá nhân vào một ba lô, cầm trong tay một thẻ ATM và rời khỏi ngôi nhà lạnh lẽo.

Sau hành trình dài, Kafka dừng chân ở Takamatsu, buộc phải nhờ tới sự trợ giúp của cô gái trẻ Sakura – người cậu băn khoăn liệu có phải là chị gái.

Nhờ sự giúp đỡ của Oshima, một nhân viên thư viện, cậu được vào làm và gặp gỡ người phụ nữ hơn 50 tuổi Miss Saeki.

Một mặt, Kafka luôn trăn trở Miss Saeki có phải là mẹ mình, mặt khác cậu đem lòng yêu thương linh - hồn - sống thuở 15 của Miss Saeki đêm đêm tìm về phòng cậu.

Đang chới với giữa hiện thực và huyền ảo, quá khứ và thực tại, Kafka nhận tin cha cậu đã bị giết chết. Câu hỏi đầy ám ảnh dấy lên: có phải lời nguyền đã ứng nghiệm?

Những chương chẵn là câu chuyện về người đàn ông lục tuần Nakata. Sau tai nạn thuở nhỏ, Nakata đánh mất trí nhớ cũng như khả năng đọc, viết, bù lại, cậu có khả năng nói chuyện với mèo. Từ đó, bên cạnh số tiền trợ cấp ít ỏi, Nakata trang trải cho cuộc sống đơn độc của mình bằng nghề tìm mèo lạc. Và chính nghề nghiệp kỳ lạ này đã mở ra cuộc hành trình định mệnh của Nakata...

Không khó khăn để nhận ra tác phẩm mang dáng dấp của bi kịch Hy Lạp, mặc cảm Eudipe.

Kafka là cậu bé 15, nhưng mang trong mình thế giới những nỗi đau khổ và dằn vặt của nhiều kiếp người. Murakami nói ông không hề nghĩ tới câu chuyện thần thoại kia khi bắt đầu cuốn sách, ông chỉ muốn nói về một cậu bé bỏ ngôi nhà chỉ có người cha lạnh lùng để đi tìm mẹ.

Nhưng rồi ông chợt nhận ra sự tương đồng với chuyện của Eudipe. Và khẳng định rằng mọi sáng tác của các nhà văn đều có liên hệ nhất định với những thần thoại cổ đại.

Cách kể chuyện song đôi của Murakami là một trong những nét đặc biệt khi so sánh tác phẩm này với những tác phẩm khác của ông đã được xuất bản tại Việt Nam: Rừng Nauy, Biên niên ký chim vặn dây cót... Khả năng tư duy sáng tạo cho thấy Murakami không bao giờ cũ. Dịch giả: Dương Tường. NXB Hội Nhà Văn và Cty Nhã Nam ấn hành. Sách có bán tại hệ thống Nhà sách Tiền phong Hà Nội, Hải Phòng...

MỚI - NÓNG