Nạn đạo thơ: Không dung túng cho việc vừa ăn cắp vừa la làng

Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu phản đối việc đạo thơ sau nhiều lần “xuê xoa” và bị kiện ngược
Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu phản đối việc đạo thơ sau nhiều lần “xuê xoa” và bị kiện ngược
TP - Sau ngày Thơ Rằm tháng Giêng, các buổi cà phê văn chương nhiều lần xôn xao vì chùm thơ ba bài của tác giả Phạm Phương Thảo đăng trên báo Văn Nghệ có tới hai bài dính nghi án “đạo”. Vậy người trong cuộc nói gì?

“Phải lên tiếng để tránh sự ăn cắp trơ trẽn”

Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, “bị hại” trong nghi án kể trên cho biết, ông được nhiều anh em bạn nghề rỉ tai mới hay thơ của mình được “lấy lại”. Cụ thể, nhà thơ cho rằng, những hình ảnh như “hoa linh thảo”, “phồn sinh”, “sột soạt ngô dậy thì thẹn thùng thay xiêm áo” v.v... trích từ hai bài thơ nổi tiếng và ưng ý nhất của ông là “Hoa linh thảo” và “Phù sa sông Hồng” (đều viết năm 1995, được giải C cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ) đã bị nhà thơ Phạm Phương Thảo lấy lại nguyên văn trong bài “Linh thảo gọi mùa” đăng trên báo Văn Nghệ số ra ngày 29/12/2018. Một fan của Linh Khiếu nhận xét: “Linh thảo gọi mùa” chính “đứa con lai” được pha trộn, cắt ghép từ “Hoa linh thảo” và “Phù sa sông Hồng” bởi từ cấu tứ, hình ảnh, ngôn ngữ đều giống nhau một cách lạ kỳ.

Nạn đạo thơ: Không dung túng cho việc vừa ăn cắp vừa la làng ảnh 1 Tác phẩm “Hát cho một người” và “Tiền kiếp” được cho là giống nhau đến 70%

Linh Khiếu cho biết thêm, bản thân ông ban đầu không định làm to chuyện này, nhưng nhà thơ Trần Đăng Khoa hơn một lần nói với ông: “anh phải làm rõ, nếu không hiện tượng này sẽ thành cái lệ, trở thành trào lưu đáng buồn cho văn chương”.

Nạn đạo thơ: Không dung túng cho việc vừa ăn cắp vừa la làng ảnh 2 Nhà thơ Nguyễn Thành Tâm chỉ muốn giải quyết mọi chuyện nhẹ nhàng

Một điều chỉ những bạn thân thiết của Linh Khiếu mới biết: hoa Linh thảo vốn không có trong từ điển thực vật. Đó là cái tên ông bịa ra từ tên người yêu cũ. Đây cũng là thói quen sáng tác của Linh Khiếu. Trong thơ ông, không thiếu những cái tên kiểu này, ví dụ như hoa Lam Hạnh (trong bài thơ “Mưa rơi dọc Cam Ranh” được giải Nhất cuộc thi thơ của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, cùng với “Những thiếu nữ ngoại quốc đứng khóc ở Sơn Mỹ’ và “Hoa Mộc Miên biên giới” đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường). Ngoài ra còn có hoa Khởi Trinh ông dùng để đặt cho loài hoa mọc hoang không tên ở quê mà sau này mới phát hiện ra có nơi gọi là cây vằng (chè vằng).

Nguyễn Linh Khiếu chia sẻ, ông từng bị đạo thơ nhiều lần. Cách đây hai năm, một tờ báo in cả 5 bài của ông nhưng dưới tên người khác. Thắc mắc thì được biết, người “đạo” hóa ra lại là một bạn chơi chung, ông bỏ qua.

“Nhưng lần này tôi không bỏ qua được nữa vì ngay năm ngoái vừa phải nếm một “quả đắng” cho thói xuê xoa này”, nhà thơ nói. Sự việc cũng liên quan đến bài thơ “Phù sa sông Hồng” ông viết năm 1995, khi đó tìm ra từ “phồn sinh” Linh Khiếu rất thích: “khanh khách nước cười màu mỡ phồn sinh”. Đây cũng là một từ không có trong từ điển. Linh Khiếu cho biết: “Khi đó tôi đã gặp Viện trưởng Viện Ngôn ngữ, và cả nhà thơ Hữu Thỉnh để hỏi thì hai người đều khẳng định “phồn sinh” không có trong từ điển. Sau tôi tìm gặp cả nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu hỏi trong văn học phía Nam có ai dùng từ này chưa? Họ trả lời là chưa”.

Sau này, lấy cảm hứng “phồn sinh” Linh Khiếu viết thành trường ca cùng tên vào năm 2002 và được chia sẻ rộng rãi trên mạng internet. Tập “Phồn Sinh” mãi chưa xin được giấy phép cho đến năm 2018. Nhưng trong khoảng thời gian ở dạng bản mềm đó, đã có hai luận án tiến sĩ nghiên cứu về nó, 28 bài báo nhắc đến và phân tích “Phồn sinh” như một tác phẩm “đáng kể” của trường ca Việt Nam hiện đại.

Thì vào năm 2018 vừa rồi, tác giả Đinh Sỹ Minh lấy tên “Phồn sinh” đặt cho một tập thơ của mình. Ngược đời hơn, ông Sỹ Minh còn bắn tin với bạn sẽ kiện Linh Khiếu vì tội “đạo chữ”.

“Tôi là người cẩn thận, tất cả các sáng tác của tôi đều đã đăng ký bản quyền, nhưng để tránh những vụ việc tương tự, có lẽ chúng ta phải nghiêm khắc nhìn nhận lại vấn đề này, không thể chuyện lớn hóa nhỏ mãi được, bởi bây giờ người ta đạo văn không chỉ tinh vi mà còn trơ trẽn”, tác giả Linh Khiếu khẳng định.

“Đạo” hay “ảnh hưởng vô thức”?

Trong số ba bài thơ của tác giả Phạm Phương Thảo, bài “Hát cho một người” cũng bị dò ra là giống đến 70% so với bài “Tiền kiếp” của nhà thơ trẻ Nguyễn Thành Tâm, bút danh Đại Ngàn.

Chị Tâm cho biết: “Đến ba người bạn gọi điện báo cho tôi, khuyên tôi lên tiếng đi. Tôi đã đọc bài thơ của chị Thảo, cảm giác đầu tiên là không thích. Bài này với bài của tôi giống nhau quá, gần như trùng lặp hầu hết các từ chính, chỉ là đảo vị trí, nhào trộn một chút. Giống như hai bức tranh, bố cục giống hệt nhau, mảng màu, cảm xúc cũng giống nhau. Bên này có suối bên kia có suối, bên này có sông bên kia có sông, bên này có vòng ôm bên kia có vòng ôm, bên này có nụ hôn, bên kia có nụ hôn, bên này cựa mình thức bên kia cựa mình đòi thức, bên này có tiền kiếp bên kia kiếp trước... Có bạn đọc của tôi nhận xét là như bản sao, có người bảo như bản dịch”.

Lật lại thời gian xuất bản, “Tiền kiếp” của Thành Tâm đăng lần đầu trên facebook ngày 16/10/2018, sau đó đăng trên báo Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh số ra ngày 20/12/2018. “Hát cho một người” của Phạm Phương Thảo đăng lần đầu trên báo Văn Nghệ số ra ngày 29/12/2018.

Người lên tiếng mạnh mẽ về câu chuyện này chính là nhà văn Y Ban. Chị có một status ngắn trên trang cá nhân khẳng định đây là vụ đạo văn nghiêm trọng và đáng xấu hổ.

Nhà thơ Thành Tâm nói thêm, về chủ đề tình yêu tiền kiếp, chị đã có hẳn một tập thơ gồm hơn 40 bài. Có nhiều bài đã phổ nhạc, có những bài được share rộng rãi như “Thương đủ mấy nghìn năm”. Nói thêm là tác giả Thành Tâm có thể coi như một “của lạ” trên văn đàn khi mà các sáng tác của chị đều rất dễ thuộc và có một lượng fan theo dõi đông đảo. Trung bình một bài thơ có thể lên tới 2.000 lượt like và hàng trăm lượt chia sẻ. “Trong tình trạng văn hóa đọc ơ hờ như hiện nay, đây có thể coi là một tác giả ăn khách”, một nhà thơ đàn anh đánh giá.

Cùng ý kiến về vụ “đạo văn” này, một số tác giả cho rằng, hai bên nên xử lý nội bộ với nhau, đừng ầm ĩ làm gì vì “cùng ở Hội Nhà văn, ngẩng đầu không gặp cúi đầu sẽ gặp”.

Một số người nêu ý kiến, có thể nhà thơ Phạm Phương Thảo không cố tình đạo văn, chỉ là vì bị ảnh hưởng trong vô thức.

Về lý do này, nhà thơ Linh Khiếu cho rằng: “Đã là người cầm bút phải đọc rất nhiều, một là để học hỏi, hai là để tránh. Cũng có trường hợp không phải do đọc nhưng trùng ý tưởng. Song tôi khẳng định, nếu ảnh hưởng vô thức thì chỉ là một ý, một từ, một hình ảnh chứ không phải cả một biểu tượng của người ta. Ví dụ “hoa linh thảo nở dọc con đê”, viết nguyên ra thế, rồi “sột soạt thẹn thùng từng vạt ngô thay áo”... lặp lại cả một dãy biểu tượng của tác giả”.

Nhà thơ Linh Khiếu kể thêm: “Tôi với Thảo biết nhau, từ sau khi trên mạng rộ vụ này còn gặp nhau ba lần, nhưng Thảo coi như không có gì, cũng không giải thích, xin lỗi”.

Tác giả Thành Tâm thì đắn đo với việc “sẽ lên tiếng như thế nào để không làm tổn thương người khác vì các nhà thơ đa phần đều có tâm hồn nhạy cảm, mỏng manh”. Sau khi bị nhiều đàn anh, đàn chị “dọa” nếu không làm rõ ràng, năm mười năm sau có thể bị kiện ngược, nữ nhà thơ sinh năm 1974 mới đưa ra ý tưởng: nếu chị Thảo nói rằng vì thích tác phẩm của tôi mà cảm tác, họa theo... thì mọi chuyện đã khác”!

Nhà thơ Phạm Phương Thảo không muốn nói chuyện này

Khi phóng viên gọi điện cho nhà thơ Phạm Phương Thảo để xác minh về nghi án đạo thơ, chị Thảo trả lời: “đấy là một câu chuyện khác, không liên quan. Tôi đang rất bận không theo dõi chuyện này đâu”.

Khi được hỏi thêm về “câu chuyện khác” chị Thảo cho rằng đây là việc cá nhân và khẳng định “không muốn nói về câu chuyện này”.

“Báo Văn Nghệ không có chức năng xử lý vụ này”

Nhà thơ Lương Ngọc An là thư ký toà soạn của báo Văn Nghệ trả lời câu hỏi của phóng viên về phương án xử lý nghi án đạo thơ: “Thứ nhất tất cả ý kiến của các tác giả “bị đạo” đều mới chỉ là nói với nhau và nói với tôi chứ không phải là yêu cầu xử lý. Thứ hai, quan điểm báo Văn nghệ là không đối thoại tất cả ý kiến trên mạng xã hội. Thứ ba, báo không có chức năng phân định ai đạo của ai. Tôi cũng nói với anh Linh Khiếu, nếu cơ quan nào xử lý việc này, báo sẽ đăng thông tin.

Về phía cá nhân, tôi đã đọc cả mấy tác phẩm này, về mặt định tính thì có một số từ ngữ, ý tứ trùng. Nhưng để nói có đạo hay không thì không thể lượng hóa được”.

Nhà văn Y Ban: Không dung túng cho việc vừa ăn cắp vừa la làng

Nhà văn Y Ban là người chính thức lên tiếng về nghi án đạo thơ của tác giả Phạm Phương Thảo trên trang cá nhân. Chị bày tỏ quan điểm:

Xuất phát từ góc nhìn của một nhà văn, tôi cho rằng văn chương phải xuất phát từ tài năng, lao động nghệ thuật của mỗi người, và nếu có người cố tình ăn cắp thì phải xử lý nghiêm.

Nếu dung túng cho việc này, nó còn tạo ra những tiền lệ rất xấu vừa ăn cắp vừa la làng. Status của tôi được chia sẻ rộng rãi, người ta còn nhắn: sao đương sự không nói gì mà Y Ban cứ nhảy lên? Còn dọa sẽ kiện tôi lên an ninh mạng.

MỚI - NÓNG