Nghe được trên tivi

Nghe được trên tivi
TP - Bản tin Dự báo thời tiết là chương trình bổ ích và cần thiết cho xã hội. Tuy nhiên, có một chuyện nhỏ, mỗi lần nghe phát thanh viên đọc lên cứ thấy ngờ ngợ thế nào ấy! Đó là các từ “Đạt”, “Được”…

“Đạt” cái… không muốn đạt!

Những từ này theo nghĩa trong từ điển thì là đến được đích, kết quả như mong muốn, may mắn… Nghĩa là hoàn toàn với ý tốt lành, tích cực. Cái xảy ra có tác động xấu, ngoài sự mong ước của mọi người, không ai nói “đạt”, “được” cả. Thế mà ở chương trình này rất thường nghe (ví dụ): “Nước sông… tiếp tục dâng cao, đạt mức báo động cấp…”! “Bão số… mỗi giờ đi được… km”! “Nắng nóng đạt… độ C”! “Mưa đạt… milimét”!...

Nhiệt độ cao cỡ đó, bão đi nhanh cỡ đó, nước lũ dâng cỡ đó… là điều xấu, nguy hiểm, không ai mong muốn. Nói “đạt”, “được” ở đây có phù hợp không?

Nếu đó là thuật ngữ riêng, là quy chuẩn bắt buộc của ngành Khí tượng - Thủy văn thì không bàn luận. Nếu không phải thế thì có thể nói “Nước sông dâng đến mức báo động cấp…”, “Nắng nóng lên đến (đỉnh điểm là)… độ C”, “Mỗi giờ bão di chuyển (với tốc độ)… km”, “Mưa lên đến… milimét”…

Nếu nói như lâu nay thì có thể hiểu vui rằng “đạt” cái không ai muốn… đạt cả!

Lổn nhổn tiếng Tây!

Cũng vậy, ở các chương trình Thể thao, thường xuyên gặp phải những “Vi-lích cấp”, “Con-phi-đơ-ray-xơn cấp”, “Pixơ cấp”, “Ây-ép-ép cấp”… Rồi thì là “Hát-trích”, “Phe-play”, “Plây óp” v.v… và v.v…

Quả thật, với người “nghễnh ngãng” tiếng Tây không thể nào nắm bắt kịp để hiểu tin đang đưa về giải nào, nói về cái gì! Bà con ta dễ chừng có đến bảy, tám mươi phần trăm (lại là những khán thính giả trung thành của Bản tin) đều như thế cả! Nghe tin mà không kịp hiểu, kịp nhớ, thì… tin đưa cho ai? Kiểu ấy chỉ dành cho các chuyên gia thể thao mà thôi!

Đôi khi cách phát âm từng người lại khác (người kiểu Anh người kiểu Pháp) làm cho thính giả vừa nghe vừa… đoán! Mà có khi lại còn làm khó cho họ vì phải pha trộn ngữ điệu các ngôn ngữ khác nhau trong khi nói!

Hà cớ gì phải là “Vi-lích cấp”, “Ây-ép-ép cấp”,”Pixơ cấp”… Thính giả khó phân biệt được cúp nào là vô địch Quốc gia với giải Hạng nhất, cúp nào là Đông Nam Á với châu Á, không phân biệt được cúp Liên đoàn các châu lục với cúp giao hữu Hòa bình!…

Ta cũng có những cụm từ rất hay, rất chuẩn như “Chơi đẹp, chơi công bằng”, “Ghi 3 bàn trong 1 trận”, “Đấu loại trực tiếp”… đâu cần phải “hát-tơ-rích”, “phe-pơ-lay”  với “pờ-lay-óp”… gì gì cả! Nên dùng những từ tương đương trong tiếng ta để mang tính phổ cập hơn, trong sáng hơn.

Cái… “tôi” của MC (!)

MC hiểu cách thoáng là người đại diện nhà Đài, đại diện chương trình để dẫn dắt tiết mục. Thời kỳ “hội nhập hóa”, “toàn cầu hóa” nên có khuynh hướng nói tắt cho tiện, thành thử từ “em-xi” (MC) ngắn gọn được dùng để thay thế cho cụm từ “Người dẫn chương trình” nghe… dài dòng! (Mà chưa hẳn MC hiểu theo cách này đã chuẩn)!

Như vậy, MC chỉ là người đại diện cho một cơ quan để thực hiện chương trình và đại diện chương trình để thực hiện tiết mục. Cụ thể hơn, MC là người trực tiếp nhất trong một ê-kíp, một nhóm người để thực hiện chương trình.

Đằng sau, xung quanh MC còn có những người khác cùng chung ý tưởng và cùng chịu trách nhiệm công việc đang làm. Như thế MC phải xưng là “Chúng tôi” để đại diện cho cả chương trình.

Thế nhưng, khán thính giả vẫn thường nghe một số MC vô tư dùng một tiếng “Tôi” choỏng loỏng, nghe bất ổn thế nào ấy! Có gì gần như trịch thượng, không phải phép, phải đạo!

Ví dụ phỏng vấn, sau khi nhân vật nói, MC liền bảo “Tôi hoàn toàn chia sẻ với ý kiến của bạn”! Hoặc MC nói “Xem qua phóng sự vừa rồi, tôi khuyên các bạn không nên làm theo”. Hoặc “Tôi xin mời đồng chí… lên phát biểu”…

Sao thế nhỉ? Cá nhân anh (chị) là gì, ở cương vị nào mà khuyên đồng bào cả nước như thế, mà sẻ chia, cộng cảm với ý tưởng này ý tưởng nọ như thế? Những trường hợp này nhất thiết phải nói “Chúng tôi”, vì đó là tiếng nói chung của chương trình, của Nhà đài, của cả một tập thể thực hiện chứ không hẳn của riêng MC.

Nếu anh (chị) thực hiện chương trình ấy với tư cách một nhà báo tác nghiệp mang tính độc lập thì việc dùng đại từ nhân xưng “Tôi” là được, vì ngoài anh (chị) ra không có ai cùng chung ý tưởng thực hiện và chịu trách nhiệm với anh (chị) cả. Còn ở những trường hợp nói trên có lẽ nên dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số nhiều là “Chúng tôi”. Nó vừa chuẩn, vừa tế nhị, khiêm tốn hơn.

Nhân tiện xin nói thêm: Ngoài chuyện “tôi” ra, một số MC quen nói “Kính thưa các quý vị”! “Quý vị” là từ phiếm chỉ, hàm nghĩa số nhiều rồi, không cần “các” nữa.

Chỉ là những ý kiến nhỏ về một vấn đề lớn, mong được học hỏi.   

MỚI - NÓNG
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.