Nghệ sĩ thị giác Việt lọt top '30 under 30' Forbes

Nghệ sĩ Lê Giang hướng dẫn thực hành nghệ thuật cho công chúng tại Six Space.
Nghệ sĩ Lê Giang hướng dẫn thực hành nghệ thuật cho công chúng tại Six Space.
TP - Lê Giang (ảnh) là cái tên đáng chú ý trong danh sách “30 Under 30” 2018 do Forbes Việt Nam bình chọn. Cô là nhân vật đầu tiên thuộc một lĩnh vực khá “lặng lẽ” là mỹ thuật được vinh danh mà hình như lại không phải vì tác phẩm.

Nghệ sĩ thị giác Việt lọt top '30 under 30' Forbes ảnh 1

Cảm giác của Giang khi được tôn vinh bên cạnh những tên tuổi showbiz như Sơn Tùng M-TP, Vũ Cát Tường…?

Trước đó tôi biết mình được đề cử vào danh sách bầu chọn của Forbes Việt Nam nhưng tôi vẫn rất ngạc nhiên khi nhận thư thông báo mình lọt vào danh sách 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất của Việt Nam năm 2018. Tôi vẫn nghĩ công việc của tôi nhỏ nhặt và lặng lẽ, rất khác với những ồn ào, phổ biến của các tên tuổi trong ngành giải trí hay các bạn trẻ khởi nghiệp. Có lẽ họ lựa chọn tôi bởi quá trình xây dựng và vận hành một không gian nghệ thuật Six Space bằng nguồn lực cá nhân. Còn triển lãm Tàn chỉ thì có sau khi tôi đã được giới thiệu đề cử.

Do đâu bạn mở Six Space?

Năm 2012 du học Anh về, tôi đã làm một số dự án nghệ thuật cộng đồng. Nhưng tôi muốn làm một cái gì đó với tiêu chí hướng tới giới trẻ Hà Nội. Six Space ra đời với mong muốn tạo ra một không gian giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa nghệ sĩ với nhau và với công chúng. Hà Nội mới chỉ có một vài không gian văn hóa đếm trên đầu ngón tay như Viện Goethe, L’Espace, Trung tâm văn hóa Nhật Bản, Trung tâm văn hóa Hàn Quốc, Nhà sàn Collective, Heritage Space… Và những trung tâm này không dễ dàng để tiếp cận với các nghệ sĩ mới. Chúng tôi muốn mang đến một không gian nghệ thuật cho sự khuyết thiếu đó: Cởi mở cho cả những nghệ sĩ vô danh và những công chúng có thể hoàn toàn chưa biết gì về nghệ thuật, họ đến và bắt đầu tìm hiểu về nghệ thuật, yêu nghệ thuật. Sau hơn 2 năm thành lập, Six Space đã có được một lượng công chúng nhất định.

Bạn mở một không gian nghệ thuật gần gũi cho cả những công chúng chưa từng tới xem một cuộc triển lãm nào?

Đúng. Chúng tôi mang đến cho công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ một không gian mà không đòi hỏi công chúng cần phải có hiểu biết nhất định về nghệ thuật rồi mới có thể tới mà là một nơi mà công chúng được cảm thấy mình luôn luôn được chào đón. Tôi muốn công chúng sẽ nghĩ về không gian nghệ thuật của tôi giống như là nghĩ đến một rạp chiếu phim thôi. Đó là cách mà tôi kéo công chúng đến gần hơn với nghệ sĩ, với nghệ thuật.

Ở Việt Nam, mỗi khi nghệ sĩ triển lãm, những người đi xem thường là bạn bè, người thân của nghệ sĩ, hoặc một số nghệ sĩ khác. Nghĩa là công chúng của mỹ thuật hiện nay rất nhỏ. Và nhiều nghệ sĩ đổ lỗi cho công chúng không hiểu nghệ thuật. Tôi nghĩ mình không nên coi thường khán giả với suy nghĩ rằng họ không hiểu nghệ thuật mà phải biết rằng vốn dĩ họ đã chưa được đào tạo đầy đủ về nghệ thuật để hiểu và yêu nó. Muốn thu hút công chúng đến với nghệ thuật thì phải xuất phát từ việc giáo dục trước tiên. Tôi muốn Six Space với các buổi thực hành nghệ thuật cho công chúng, trò chuyện nghệ thuật, triển lãm, chiếu phim… sẽ dần dần mang nghệ thuật thấm vào công chúng. Đó là một không gian nghệ thuật mà cả nghệ sĩ lẫn công chúng đều được cởi mở với nhau.

Triển lãm Tàn chỉ của bạn mới đây cũng được đánh giá rất tốt khi một người trẻ như bạn lại lăn lộn tìm về với di sản đình làng.

Tàn chỉ là kết quả của những hứng thú với văn hóa làng xã, văn hóa làng nghề mà trước đó tôi đã có dịp làm việc trong dự án làng nghề cùng với các nghệ sĩ khác.

Dự án này đã đưa tôi đi vài chục làng nghề ở đồng bằng Bắc bộ năm 2016. Khi đó tôi mới “phát hoảng”, nhận ra rằng mình đã biết rất ít về văn hóa nghệ thuật truyền thống của ông cha. Tôi nhận ra rằng, trước khi mình nhìn ra thế giới thì mình nên nhìn rõ vùng đất của mình, mình cần hiểu rõ bản thân hơn. Tìm hiểu về văn hóa truyền thống thì không bao giờ thừa cả. Nó làm tôi cảm thấy tự tin hơn.

Trước đây, khi nhìn về các nước phương Tây, tôi vẫn luôn có sự tự ti nhất định về sự bé nhỏ của văn hóa truyền thống Việt Nam. Tôi từng nghĩ rằng nếu nói đến di sản kiến trúc nhân loại thì phải kể đến những công trình kiến trúc hoành tráng của Hi Lạp, La Mã hay Trung Hoa. Nhưng khi tìm hiểu về đình làng Việt, gặp những ngôi đình có trạm trổ quá đẹp, tôi thấy hoàn toàn bị choáng ngợp. Những nghệ sĩ dân gian Việt Nam rất mộc mạc nhưng vô cùng tinh tế, đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều.

“Các nghệ nhân vốn quen làm việc với những cơ quan văn hóa của nhà nước như Bộ VHTT&DL, các sở, hoặc các trung tâm văn hóa lớn của nước ngoài. Một không gian nghệ thuật nhỏ bé của tư nhân giống như Six Space rất xa lạ với họ nên thuyết phục họ làm việc cùng mình cũng không dễ dàng”.   

 Nghệ sĩ Lê Giang

MỚI - NÓNG