Người chuyển 'Chiều Mátxcơva' về Việt Nam

Dịch giả Ngô Vĩnh Viễn. Ảnh tư liệu
Dịch giả Ngô Vĩnh Viễn. Ảnh tư liệu
TP - Dịp Tiền Phong 65 năm, trong số nhà văn nguyên là cây bút từng là PV Báo mà tôi đã viết, nhiều người nhắc tôi quên Ngô Vĩnh Viễn?

Ngô Vĩnh Viễn là ai?

Ðậm trong tâm trí nhiều người, ca khúc Nga Chiều Mátxcơva được xếp vào dạng của hiếm trong những bài ca đi cùng năm tháng. Ca khúc ấy xuất hiện ở Việt Nam sau thời điểm Liên hoan Thanh niên và sinh viên thế giới Festival ở Mátxcơva năm 1957. Chiều Mátxcơva đã đến với công chúng Việt Nam và  mau chóng chinh phục trái tim người yêu nhạc, với các tên gọi khác nhau: Chiều Mátxcơva, Chiều ngoại ô Mátxcơva, Chiều ngoại thành Mátxcơva...

Có nhiều bản dịch tiếng Việt của ca khúc. Nhưng phổ biến và được coi là hoàn hảo là  thế này.

Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào/ Rừng cây chim muông lắng xuống canh thâu/ Hỡi em thấu chăng tình, trong lòng bao trìu mến/ bên chiều vắng thanh bình...

Chiều Mátxcơva đã gắn bó và nói không ngoa, góp phần đắc lực bầu nên các tên tuổi ca sĩ như: Trung Kiên, Quang Thọ, Quang Huy...

Người dịch phần từ ca khúc nổi tiếng ấy là Ngô Vĩnh Viễn.

Cũng có  tài liệu cho rằng bản dịch là của ông Vương Thịnh (nguyên phóng viên Ban Tiếng Việt Ðài phát thanh Mátxcơva). Nhưng theo nhà thơ kiêm dịch giả tài danh Dương Tường biết rõ Ngô Vĩnh Viễn mùa hè năm 1957 đã tham gia trong đoàn đại biểu Thanh niên Việt Nam dự Festival Sinh viên Thế giới ở Mátxcơva.

Câu chuyện với cụ tiên chỉ Tôn Ðức Lượng  (người duy nhất còn sống trong số 6 người buổi đầu ra tờ Tiền Phong đầu tiên) cứ dài mãi ra về những người Tiền Phong của một thời. Về nhà báo từng ở Ban quốc tế Báo Tiền Phong Ngô Vĩnh Viễn. Nguyên chuyên viên ban quốc tế T.Ư Ðoàn Ngô Vĩnh Viễn cuối những năm 50 chuyển sang làm ở Tiền Phong.

Viết bài có khi ký là Nguyễn Vĩnh. Mà những bài viết của Nguyễn Vĩnh, như cụ Lượng gật gù là những bình luận quốc tế của ông phóng viên họ Ngô này đều đưa thẳng đi đánh máy không ai dám có ý kiến ý cò hoặc sửa chữa gì. Ông này trẻ thế mà kiến văn rộng cùng cung cách dịch duyệt lắm. Tiếng Anh tiếng Pháp và cả tiếng Nga đều thạo.

Mùa nực năm 1987, ông Nguyên Ngọc, Tổng biên tập báo Văn Nghệ tổ chức cuộc họp cộng tác viên. Ngồi gần tôi, một ông vị đứng tuổi người manh mảnh, dáng vẻ sang trọng. Trời nực mà ông cài khuy tay. Tôi ghé nhỏ sang nhà văn Trần Huy Quang… Rồi biết được biết ông là người của Ban Văn học dịch báo Văn Nghệ.

Tan họp mà đám đông còn nán lại chuyện râm ran, xa gần. Tôi xin phép mồi điếu thuốc với cái người cài khuy tay kia. Ông thân mật cười anh ở Tiền Phong hả. Trước mình cũng ở đó…Người đàn ông đứng tuổi dong dỏng có nước da sáng, cử chỉ lịch thiệp ấy là Ngô Vĩnh Viễn. Cái phom người này rõ là dính dáng đến… quốc tế? Trước là Trưởng Ban quốc tế Tiền Phong rồi chuyển sang tờ Văn Nghệ phụ trách mảng văn học dịch của tờ báo Văn thì cũng liên quan đến lãnh vực quốc tế chứ còn gì! Cũng tình cờ hay là sắp đặt chọn lựa? Hoặc ở lâu với nghề với mảng miếng mà mình coi sóc nó ám vào mình lúc nào chả hay?

Câu chuyện buổi xa ấy với người cũ của Báo Tiền Phong Ngô Vĩnh Viễn rồi chắp nối lại với hồi ức của cụ Tôn Ðức Lượng, tôi cũng bị lòa nhòa chưa rành rẽ khi nào thì nhà báo Ngô Vĩnh Viễn cố định hẳn bút danh Nguyễn Vĩnh và Ngô Vĩnh Viễn? Thời gian ở Tiền Phong, Văn Nghệ, hay mảng sách dịch? Nhưng nhà văn Hoàng Minh Tường lâu năm ở Báo Văn Nghệ thì chắc khừ rằng, ở Báo Văn Nghệ mọi người gọi là Ngô Vĩnh Viễn.

May mắn dịch giả Ðăng Bẩy đã làm cái việc bổ sung. Dịch giả Ðăng Bẩy cũng là cộng tác viên lâu năm của Tiền Phong với nhiều dịch phẩm văn chương nổi tiếng.

Năm 1981, Ðăng Bảy được mời về Báo Văn Nghệ. Ban văn học dịch thèo đảnh trên tầng 2 nhà 17 Trần Quốc Toản trong cái buồng con con. Ngô Vĩnh Viễn là người kín tiếng nho nhã. Cứ mỗi sáng đúng giờ làm việc khác với nhiều anh chị của tờ báo Văn, hay đi muộn về sớm hoặc tầm trưa trật mới tới, tổ trưởng Ban văn học dịch Ngô Vĩnh Viễn đến 17 Trần Quốc Toản rất đúng giờ. Áo quần cũ thôi, dưng luôn tươm tất. Không theo phong trào la cà ghé quán xá, ông thư thả lấy phích nước pha trà. Trong lúc đợi trà ngấm, thong thả rút cái hộp dẹt sắt tây ra. Trong đó đựng những điếu thuốc cuộn sợi vàng xứ Lạng. Ông khẽ gọi chị Mai Nhi và dịch giả Ðăng Bẩy cùng ban dịch lại chỗ ông thưởng trà, thuốc. Nếu hai người bận thì ông im phắc một mình uống trà, hút thuốc. Cũng chỉ mươi phút rồi lại căm cúi vào việc dịch, tra cứu như xung quanh mình chả có ai.

Cái bản tin của Thông tấn xã Novoxti Liên Xô khi ấy thường in một mặt. Sau khi đọc là nguồn giấy dùng để viết dạng bản thảo mặt sau còn trắng. Ngô Vĩnh Viễn là người làm việc nghiêm túc, hiệu suất. Ðăng Bảy nhớ lại có buổi sáng Ngô Vĩnh Viễn chép bằng bút bi kín 7 trang sau của bản tin bản dịch nào đó bằng thứ chữ nhỏ li ti.

Vẫn chuyện Ðăng Bẩy Kể. Tài hoa cộng với lao động nghiêm cẩn, Ngô Vĩnh Viễn không chỉ dừng ở việc chuyển ngữ bình thường qua những bài báo, tài liệu. Ngoài thành công chuyển ngữ Chiều Mátxcơva (Ðăng Bẩy có nhờ tôi thẩm lại thời gian dịch Chiều Mátxcơva, Ngô Vĩnh Viễn đang công tác ở Ban quốc tế T.Ư Ðoàn hay Báo Tiền Phong? Việc này tôi vẫn chưa có dịp để hỏi ai cả). Không biết ông âm thầm vào lúc nào nhưng Ngô Vĩnh Viễn còn là dịch giả của kiệt tác Chuông nguyện hồn ai của Ernest Miller Hemingway và đặc biệt là Chiếc lá cuối cùng của O. Henry. Những kiệt tác nhân loại thường có nhiều bản dịch. Nhưng cho đến thời điểm này, chưa có dịch giả nào dám thử sức hay qua mặt được dịch giả Ngô Vĩnh Viễn. Còn khi dịch Tướng quân Gogun (NXB Lao Ðộng in) thì Ðăng Bảy thấy Nguyễn Vĩnh vài lần vương lại bản thảo chỗ bàn làm việc.

Như vậy việc dẫu tay trái hay tay phải khi ở Tiền Phong, Văn Nghệ và những tấm món cỡ như dịch các kiệt tác, Ngô Vĩnh Viễn vẫn dùng bút danh là Nguyễn Vĩnh và cả tên thường dùng là Ngô Vĩnh Viễn.

Lại một lần, hình như Nguyễn Vĩnh và Ðăng Bảy được sứ quán nào đó mời dự buổi chiêu đãi. Tất nhiên khoản tiếng Anh, tiếng Pháp ông khá rành việc nói cũng như dịch nên Ðăng Bảy không lấy làm lạ khi thấy ông giao tiếp. Nhưng điều bất ngờ đến ngạc nhiên với Ðăng Bẩy là đến phần khiêu vũ, Nguyễn Vĩnh đi những bản van, tăng gô… với các bạn nhẩy là những mệnh phụ phu nhân và nhân viên ngoại giao nước ngoài rất chi là thuần thục. Mãi về sau mới biết, lâu lâu có những tối, Nguyễn Vĩnh tìm đến vài sàn nhẩy khi đó còn hiếm hoi ở đất Hà Thành.

Ðăng Bẩy còn nhớ, Nguyễn Vĩnh mất sau khi về hưu thọ chẵn 70 tuổi.

Người chuyển 'Chiều Mátxcơva' về Việt Nam ảnh 1 Hai vợ chồng dịch giả Ngô Vĩnh Viễn. Ảnh gia đình cung cấp

MỚI - NÓNG