Người đầu tiên làm giáp trụ cho điện ảnh Việt

Phạm Việt Cường trong bộ giáp trụ anh thiết kế cho một bộ phim sắp được thực hiện. Ảnh: Trần Nguyễn Anh
Phạm Việt Cường trong bộ giáp trụ anh thiết kế cho một bộ phim sắp được thực hiện. Ảnh: Trần Nguyễn Anh
TP - Trước đây, phim cổ trang Việt Nam thường sử dụng trang phục tướng lĩnh theo theo trang phục cải lương, hát tuồng nhưng chục năm trở lại đây đã xuất hiện những bộ áo giáp lấp lánh màu sắc của kim loại, tre, gỗ… Người nghệ nhân tạo tạo ra các bộ áo giáp này là anh Phạm Việt Cường.

Anh Cường sinh ra, lớn lên trong gia đình có 11 người con ở Hải Phòng, vốn có truyền thống làm giày, guốc. Anh học tại Trường múa Việt Nam, khóa 11 hệ 7 năm bắt đầu từ năm 1975. Năm 1985, từ Hải Phòng, anh tham gia đoàn Nghệ thuật Hải Đăng - đoàn giành giải đặc biệt Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc. Năm 1990, anh Cường đoạt huy chương vàng Hội diễn Làng Sen trong tư cách nghệ sĩ múa của Đoàn nghệ thuật Bộ Nội vụ. Anh cũng biểu diễn cho Đoàn Ca múa Hải Phòng. Năm 1995, anh vào TPHCM cộng tác với Nhà hát Bông Sen. 

Gầm cầu

Anh kể: “Trước đó tôi có một tiệm may lớn ở Hải Phòng, chính tôi may toàn bộ trang phục cho Casino Hải Phòng. Vì muốn tìm một môi trường nghệ thuật sôi động hơn, tôi đã vào TPHCM. Không ngờ vào Nam chẳng bao lâu, vợ chồng chia tay, tôi ở lại TPHCM với đứa con trai, trong bối cảnh nghệ thuật thị trường khác biệt, không biết phải đi đâu, làm gì”. 

Không đủ tiền thuê nhà, anh sinh sống ở gầm cầu Kiệu ba tháng trời. Ngày đi làm, tối về ngủ ở dưới mố cầu. “Không tiền, không nhà cửa, gia đình đổ vỡ, con trai 14 tuổi. Nhiều ngày liền tôi chỉ ăn mì tôm, dành dụm cho con có tiền ăn cơm hai bữa mỗi ngày”, anh Cường kể. “Tôi nằm gầm cầu Kiệu 3 tháng không phải tôi không có việc làm.

Nhiều nơi mời tôi đi múa nhà hàng, đám cưới, nhiều bạn bè tôi vẫn làm như thế và thu nhập rất tốt. Nhưng, tôi được đào tạo chính quy từ trường múa, chuyên về múa ba lê, từ trong trái tim tôi, tôi quan niệm nghề múa ba lê chỉ diễn ở sân khấu để thưởng thức, nó là nghệ thuật đem đến cho con người thẩm mỹ, múa ba lê không phải để kiếm sống theo kiểu mua vui, trang trí”, anh nói. 

Cơ duyên 

Thấy Cường rơi vào cảnh khốn cùng, một người bạn bảo anh đến một ngôi chùa xin lời khuyên. Thấy chiếc mũ tỳ lư sư thầy đội đã cũ và sờn, anh bảo: “Con có thể làm chiếc mũ như thế này mà mới và đẹp hơn, vì nhà con có nghề may da giầy và con cũng từng làm diễn viên múa”. Sư phụ cảm động, bảo: “Vậy con cứ làm đi, thầy cũng đang cần”. Anh Cường về dốc hết vốn liếng còn có trong người, nhịn cả ăn, gom được ít tiền, đủ để mua nguyên vật liệu làm chiếc mũ tỳ lư đem đến cho thầy.

Vị sư phụ cảm kích đưa cho anh 300.000 đồng. Anh Cường kể: “Tôi cầm được số tiền mà không thể tin nổi. Vì khi đó tiền thuê một căn phòng ở khu trung tâm là 400.000 đồng. Tôi nghĩ bụng, thế này thì mình sống được rồi. Thế là tôi đi khắp các chùa, hỏi các thầy ai cần mũ tỳ lư thì tôi may hết cho các thầy. Nhờ tiền đó, tôi thuê được nhà và cũng từ đó, tôi bước vào nghề may đạo cụ”.

Năm đó, anh may những cái mũ sặc sỡ để cho các cửa hàng bán cho người đi lễ dâng lên chùa Bà ở Châu Đốc, An Giang. Tiền nguyên vật liệu tốn 50.000 đồng mà chiếc mũ bán được 500.000 đồng. Cứ 3 ngày thì may xong một chiếc mũ. Anh cũng may hài nhung cho các thầy đi trong dịp lễ. Sau đó, anh được mời chế tác đạo cụ cho Festival Đà Lạt, Festival Huế, Festival Vũng Tàu…

Nghệ nhân 

Năm 2007, anh họ anh Cường nhờ anh thiết kế một bộ áo giáp La Mã để quay clip cưới. Sau khi làm xong bộ giáp giống như những bộ phim tấn đang chiếu trên thị trường, anh Cường nghĩ bụng: “Tại sao lại không làm giáp trụ cho phim Việt nhỉ? Chẳng lẽ tướng lĩnh của Việt Nam trong phim lại toàn mặc áo vải?”.

Anh tự liên hệ với bên ngành điện ảnh đề xuất làm giáp trụ, nhưng phim Việt cổ trang rất ít. Nhờ diễn viên đóng thế Quốc Thịnh giới thiệu, một đạo diễn Việt kiều Mỹ mời anh Cường thiết kế bộ giáp trụ làm quảng cáo cho mỳ tôm Hảo Hảo, nội dung là mô tả một trận đánh chiếm thùng mì Hảo Hảo. Bộ áo giáp rất nhiều khớp, công phu, ấn tượng đã chính thức xuất hiện trên sóng truyền hình.

Người đầu tiên làm giáp trụ cho điện ảnh Việt ảnh 1 Một cảnh trong phim "Thiên Mệnh Anh Hùng"

“Thiên Mệnh Anh Hùng” của Victor Vũ là bộ phim sử dụng nhiều giáp trụ đầu tiên được thực hiện vào năm 2012. Nghệ nhân Cường đã may 28 bộ giáp trụ cho ngự lâm và 3 bộ giáp trụ cho diễn viên chính. Anh kể: “Thật ra, ê-kíp làm phim thuê người khác làm phục trang nhưng thất bại. Họ nghe nói tôi có làm giáp trụ, nên vội vã đi tìm. Tôi tới nơi, mang theo một bộ áo giáp, đạo diễn Victor Vũ nhìn thấy bảo: “Đúng là thứ mình cần”. 13 bộ áo giáp đầu tiên được giao tại phim trường ở Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội. 

Câu chuyện về lần làm áo giáp điện ảnh đầu tiên ấy còn gắn với một kỷ niệm. “Họa sĩ thiết kế không lường được vấn đề cử động, nên khi tôi may theo bản vẽ của họ thì khi mặc vào diễn viên không cử động được. Tôi phải ra Cổ Loa, đưa 13 bộ giáp về Hải Phòng, tự mình sửa lại 3 ngày thì xong, đưa lại phim trường, diễn viên cử động tốt”, anh Cường kể. 

Nỗi lòng 

Anh Cường đã làm nhiều bộ giáp trụ cho các bộ phim giả trang, phim huyền thoại như “Sài Gòn Tây Du Ký”, “Lục Vân Tiên”… Dự án phim “Phật Hoàng Trần Nhân Tông” đang triển khai, anh đã giao 100 bộ giáp của binh lính đời Trần cho đoàn làm phim. Anh nói: “Tôi thường nghiên cứu thêm về mỹ thuật, để xem áo giáp và vũ khí của các triều đại như thế nào, so sánh giáp giữa Việt Nam và các nước, từng thời kỳ. Tài liệu không nhiều và ngôn ngữ điện ảnh cũng có nhiều nét tương đồng, song tôi muốn làm sao cho hình ảnh tướng lĩnh và quân sĩ Việt Nam chúng ta phải oai hùng, lẫm liệt”. 

Áo giáp của nghệ nhân Cường chỉ nặng 3kg, rất dễ mặc diễn trong điều kiện nắng nóng, trong khi áo giáp Trung Quốc làm cho phim trường nhẹ nhất cũng cỡ 8kg. Anh kể: “Điều tôi thấy thích nhất là các bạn làm phim trẻ đang tìm đến với tôi. Cách đây vài tuần, tôi đã giao cho các bạn áo giáp và phim để một nhóm làm phim trẻ thực hiện bộ phim 16 phút để dự liên hoan phim tại Singapore dành cho các đạo diễn trẻ của châu Á”. 

Anh cũng trăn trở: “Chẳng ai vui khi thấy mở màn hình toàn phim lịch sử cổ trang Hàn Quốc, Trung Quốc. Nhưng làm phim cổ trang rất công phu, tốt kém… Tôi vẫn hy vọng rằng, lịch sử hào hùng của dân tộc sẽ tiếp tục được tái hiện bằng hình ảnh gần gũi mà ấn tượng trong điện ảnh Việt Nam những năm tới”.

Ít ai biết được các bộ áo giáp đã xuất hiện trên các bộ phim đều do một mình nghệ nhân Phạm Việt Cường trực tiếp vẽ, đo, cắt may mà không thuê nhân công nào. Anh bảo: “Nghề này vất vả, chẳng ai theo. Tôi hoàn toàn không sử dụng đến máy móc, chỉ dùng cưa tay để làm ra các chi tiết nhỏ”. 

MỚI - NÓNG