Nguyễn Duy: 'Không có chuyện tôi đạo thơ Xuân Quỳnh'

Nhà thơ Nguyễn Duy (phải) và nhà phê bình Chu Văn Sơn tại buổi nói chuyện thơ Nguyễn Duy sáng 14/7 - Ảnh: DPV
Nhà thơ Nguyễn Duy (phải) và nhà phê bình Chu Văn Sơn tại buổi nói chuyện thơ Nguyễn Duy sáng 14/7 - Ảnh: DPV
TPO - Nhà thơ Trần Mạnh Hảo nhận định Nguyễn Duy đạo thơ Xuân Quỳnh và ca dao. Nguyễn Duy phản bác điều này.

Một bài thơ "có vấn đề" trong sách giáo khoa THPT ?

Cuối tháng 6/2018 trên facebook (FB) cá nhân, nhà thơ Trần Mạnh Hảo có bài nêu: Câu thơ "Ta đi trọn kiếp con người/Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru" của Nguyễn Duy đã đạo câu thơ Xuân Quỳnh: "Dẫu con đi đến suốt đời/Vẫn không đi hết những lời mẹ ru". Câu thơ Xuân Quỳnh ở bài Lời ru, còn câu thơ Nguyễn Duy trong bài Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa.

Trần Mạnh Hảo nhận định hai câu thơ trên “giống nhau như lột” và phân tích: “Lời ru ra đời trước Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa 18 năm, thiết tưởng Nguyễn Duy đã thuộc làu bài thơ Xuân Quỳnh, rồi trong tiềm thức viết ra một câu thơ y chang, thành ra vô tình mắc tội đạo văn”.

Hai câu cuối bài Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa cũng bị Trần Mạnh Hảo phê là lấy của ca dao mà không chú thích: Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm búm lưỡi lừa cá xương. Và khẳng định: “Một bài thơ đạo 4 câu vẫn được dạy trong SGK Ngữ văn lớp 10”.

Theo Trần Mạnh Hảo, Lời ru in trong tập Hoa dọc chiến hào, còn Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa in trong tập Mẹ và em, NXB Thanh Hóa 1987. (Tuy nhiên trên trang web thi vien.net và ocuaso.com mà Trần Mạnh Hảo dẫn, thì câu thơ Xuân Quỳnh lại được ghi là Dẫn con đi đến suốt đời chứ không phải Dẫu con đi đến suốt đời. Ngoài ra còn có bản khác ghi: Dẫu con đi hết cuộc đời/Cũng không đi hết những lời mẹ ru).

"Không có chuyện đạo, và luôn chú thích đủ"

Sáng 14/7/2018, tại khoa Viết văn - Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Nguyễn Duy có buổi nói chuyện 3 tiếng về thơ ông, trong chương trình tập huấn “Gặp gỡ nhà văn có tác phẩm trong chương trình ngữ văn”. Dẫn chương trình là nhà phê bình Chu Văn Sơn, đã nêu nhiều câu hỏi gợi mở để Nguyễn Duy giải đáp quan tâm của các sinh viên.

Về ý kiến của Trần Mạnh Hảo qui kết mình “đạo thơ và ca dao”, Nguyễn Duy cho biết:

“Lấy ca dao vào thơ mình thì tôi lấy nhiều, hay dùng ca dao để kết bài.Ví dụ bài Được yêu như thể ca dao, câu kết Không trầu mà cũng chẳng cau/Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm, là ca dao.

Bài Áo trắng má hồng tôi cũng lấy câu ca dao này làm câu kết: Rừng xanh ai nhuộm mà xanh/ Má hồng ai nhuộm mà quanh năm hồng. Hoặc Nhìn từ xa, Tổ quốc là bài thơ thể tự do nhưng tôi kết bằng: Còn da lông mọc còn chồi nảy cây,chính là câu trong bài ca dao Mười quả trứng: Đừng than phận khó ai ơi/Còn da lông mọc còn chồi nảy cây.

Câu kết bài Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa cũng vậy, tôi đều ghi chú đầy đủ là ca dao. Bài thơ này quá phổ biến, được in nhiều bản khác nhau ở nhiều NXB khác nhau trong những tập sách khác nhau. Ngay tôi cũng không biết những ai đã in của mình. Tư nhân người ta làm hoặc lưu truyền trên mạng thì tôi làm sao kiểm soát được. Bây giờ ông Hảo tố tôi đạo ca dao thì không biết ông căn cứ vào bản nào. Những bản gốc do tôi trực tiếp theo dõi, thì đều in nghiêng và chú thích là ca dao.

Nguyễn Duy: 'Không có chuyện tôi đạo thơ Xuân Quỳnh' ảnh 1 Nhà thơ Nguyễn Duy

Còn câu thơ Xuân Quỳnh, thú thật tôi hoàn toàn không biết. Bài thơ của Xuân Quỳnh theo Trần Mạnh Hảo in năm 1968, khi ấy tôi đang ở chiến trường Khe Sanh, Tà Cơn và sau này tôi cũng không đọc tập thơ đó.

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa tôi làm cúng mẹ năm 1986. Người ta không thể lấy của người khác để cúng mẹ mình. Chuyện trùng hợp cũng là thông thường trong cuộc đời này. Và trùng hợp không phải là đạo! Người ta lấy câu thơ hay hơn để được in, để lấy danh, còn tôi không có chuyện lấy của người hay hơn. Khi mình thành danh rồi thì không thể trốn đi đâu được. Bây giờ ông Hảo tố thì tôi biết nó giống nhau, còn đạo thì không có! Câu kia là của Xuân Quỳnh, câu này của tôi. Nó in cách nhau rất nhiều năm thì vẫn là hai câu của hai tác giả khác nhau.

“Đó là sự tương đồng”

Sau giải thích của Nguyễn Duy, nhà phê bình Chu Văn Sơn cho biết ông đã nhận thấy sự gần gũi của hai câu thơ Xuân Quỳnh- Nguyễn Duy từ hai chục năm trước, nhưng có cách cắt nghĩa khác hẳn Trần Mạnh Hảo.

Chu Văn Sơn cho rằng “sự gặp gỡ tương đồng trong văn chương rất nhiều”. Và nói thêm:

“Thời văn học trung đại thì phổ biến là người sau lấy người xưa làm khuôn mẫu. Đến thời hiện đại, việc lặp lại sẽ bị quy đạo văn nhưng không phải mọi trường hợp giống nhau đều là đạo văn. Vì trong sáng tạo, có sự tương đồng về tư duy.  

Nguyễn Duy: 'Không có chuyện tôi đạo thơ Xuân Quỳnh' ảnh 2 Nguyễn Duy cho xem câu kết bài “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” đều in nghiêng và ghi chú là “ca dao” trong ba cuốn sách: Tuyển thơ Nguyễn Duy- NXB Hội Nhà văn 2010; Quê nhà ở phía ngôi sao- NXB Thanh Hoá 2012;
Tuyển tập thơ Lục bát - NXB Văn Nghệ 2017.

Chẳng hạn ai cũng biết Trần Đăng Khoa là thần đồng thơ, nhưng thế nào mà câu biển một bên và em một bên trong bài Thơ tình người lính biển của anh lại giống hệt câu trong bài Sóng của Tế Hanh (chỉ khác chữ “và”). Nếu nói Trần Đăng Khoa đạo Tế Hanh thì không ổn dù xét logic thời gian, bài thơ Trần Đăng Khoa ra đời sau, dễ bị quy đạo văn.

Câu thơ Xuân Quỳnh gắn với cái cá nhân, từ trải nghiệm riêng mà viết, như một sự chia sẻ. Câu của Nguyễn Duy tầm vóc cao hơn, triết lý về một vấn đề mang tính chất qui luật của đời sống nhân sinh chứ không phải chỉ là trải nghiệm cá nhân. Ta đi trọn kiếp con người thì mức độ khái quát lớn hơn rất nhiều, là chuyện của nhân sinh, của mọi con người, mọi kiếp người. Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru- tình huống thơ ca ở đây khác hẳn Xuân Quỳnh. Đi trọn kiếp con người là một cái gì rất lớn rất rộng rất vô cùng, rất sâu xa, đối lập với “không đi hết mấy lời mẹ ru” rất hữu hạn...

Câu thơ Xuân Quỳnh chỉ là chia sẻ về tình con yêu mẹ, còn Nguyễn Duy là một triết lý nhân sinh nói về sự tương quan giữa đời sống con người với những điều ký thác của các thế hệ trước vào ca dao. Ca dao là nguồn sữa tinh thần của giống nòi, cho nên câu thơ Nguyễn Duy ý nghĩa khác. Có sự gặp gỡ tương đồng ở đây, giữa hai nhà thơ...

“Khi viết “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” năm 1986, tôi đã là một tác giả quen thuộc, nổi tiếng rồi.Tôi là người rất kỹ tính, đặc biệt kỹ trong nghĩ ngợi, đắn đo câu chữ. Nếu biết Xuân Quỳnh từng viết như thế thì tôi đã tránh xa”.

Nhà thơ NGUYỄN DUY

“Không phải lúc nào các nhà văn cũng đọc của nhau. Họ có thể gặp nhau tình cờ trong tư duy, trong các tình huống văn chương. Nguyễn Duy gia tài thơ quá lớn, việc gì phải lấy câu thơ vặt vãnh của người khác”.

Nhà phê bình CHU VĂN SƠN

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".