Nguyễn Thị Thu Huệ: Vẫn bắt đầu cuốn nhật ký đón năm mới để một ngày nào đó...

Minh họa: Trương Phương Hoa
Minh họa: Trương Phương Hoa
TP - Nhiều năm sau, tôi cứ tiếc tại sao mình không tìm thấy những cuốn sổ ghi chép từ hai ba chục năm trước của những người trong một gia đình mà ai cũng có thói quen viết nhật ký. 

Chỉ đến khi chuyển nhà mới thấy hơn chục cuốn đủ loại giấy vàng, bìa là hình cô gái mặc áo tắm hay những đứa trẻ mặc quần áo đẹp tay giơ cành đào được buộc chặt vào nhau bằng sợi dây gai, là loại dây đặc trưng nhà tôi từ thời bà ngoại đến mẹ hay dùng. Hồi nhỏ, tôi thấy mẹ hay có những cuộn dây gai màu nâu nhạt pha vàng, lâu lâu buộc một thứ gì đó, thắc mắc sao có nhiều loại dây buộc tốt, mẹ chỉ dùng dây gai? Mẹ bảo, dùng dây gai vì nhớ bà. Bà ngoại ngày xưa chuyên xe đay, làm dây gai mà. Bảo sao trong nhà, lúc nào cũng có những rổ đựng những cuộn dây gai.

Nhật ký của bố mẹ ghi toàn kỷ niệm đẹp, nếu có chuyện tồi tệ thì luôn ở mục ghi chú cuối ngày. Kiểu: “...Ngày... Hôm nay con biết nói câu đầu tiên, pà pà... Sáng đi làm gặp lại thầy giáo cũ, giờ mắt mờ, nhưng nhớ hết học sinh qua giọng nói, hiếm khi nào thầy trò luôn nhớ nhau... Xếp hàng mua được cân cá giếc tươi ngon, chiều mua giềng kho... Tái bút: Bà K chửi ông N, mày lừa tình tao tao chịu chứ lừa tiền của chồng tao thì khốn nạn quá… và K tát bốp N một phát nhanh đến nỗi N bị tát xong không kịp ngượng với xung quanh thì K đã đi ra đến ngã tư. N ngồi lại, lẩm bẩm với tôi: “Một ngày nào đó, tao sẽ tính sổ với mày, con ác nhân”.

Tôi thẫn người. Rõ ràng cô K bỏ chồng, chú N bỏ vợ và hai người lấy nhau từ thủa nào chứ nhỉ? Hai người sống rất hạnh phúc. Có lần mình thay mẹ đi thăm chú N cấp cứu rồi liệt vì bị xe tông do chú điếc sang đường không nghe tiếng còi ô tô. Cô K hầu chú, thay bỉm lau rửa như cho em bé đầy yêu thương, vậy tát nhau vào thời điểm nào? Trông họ như không hề có quá khứ tát bốp và gọi nhau là ác nhân. Và, một ngày nào đó, chú N tính sổ với cô K, là chú sẽ bán thân bất toại vệ sinh tại chỗ và cô K hầu cũng là một cách tính sổ với nhau?

“Ngày... Anh nói với mình: Một ngày nào đó, khi con chúng ta lớn, chúng sẽ du học. Trước khi chúng đi, anh sẽ chở cả nhà xuyên Việt. Nước mình đẹp lắm. Mỗi nơi mình ở vài ngày cho con biết phong tục tập quán các vùng miền, cho chúng không quên Tổ quốc... Anh ôm mình. Mình gọn trong tay anh. Yêu anh, mình sẵn sàng chết...”

Đấy là ba mươi ba năm trước. Còn nhớ, sau mấy tháng yêu người thanh niên này đến mức sẵn sàng chết (đọc mà tự ngượng, nhớ ra có lúc mình đã coi thường bản thân, ngu đến thế), mình bắt gặp chàng ôm cô bạn mình thân nhất, thì thầm câu gì không nghe rõ nhưng sau bạn kể lại, cũng “Một ngày nào đó, anh đưa em và các con đi xuyên Việt. Em đẹp thế này phải sinh cho anh dăm đứa để chúng đẹp như em...”

Một ngày nào đó. Mình lật nhanh tất cả những cuốn nhật ký, thấy chi chít “Một ngày nào đó...»  trong mọi hoàn cảnh, trôi qua bao năm tháng và biến cố.  Không ai đánh thuế hay ăn cắp được những giấc mơ của người khác. Ai trong đời cũng đã từng mơ và lẩm bẩm “Một ngày nào đó...” hay quặn ruột vì những ân hận hối tiếc. Có những trang, mọi người viết về mùa xuân và Tết “... Một ngày nào đó, bố mẹ có tiền, sẽ mua cho hai con những bộ quần áo mới để đón Tết. Sang năm sẽ tiết kiệm tiền mua cái tủ lạnh để cất giò và bánh chưng không bị thiu. Trời nồm, cả năm gói được nồi bánh chưng, mấy ngày Tết cứ phải ăn nhanh không hỏng, tiếc quá. Đổi tiền xong, tiền mua cái tủ lạnh còn mua được vài chục trứng. Tình hình chung là thế, cũng không thấy buồn...”.

Quyển khác. Chữ bớt mờ hơn. «Hôm nay con lớn hứa với mẹ: Một ngày nào đấy, con đi làm có tiền, sẽ mua tặng mẹ xe đạp điện. Mẹ không cần đạp mà xe vẫn chạy bon bon. Nếu mẹ thích tập thể dục, chỉ việc tắt cái công tắc, là đạp như xe thường. Còn con, con sẽ mua xe máy cho con”.

Lẩn thẩn nhớ. Năm 1995, xe máy chạy ngoài đường nhiều. Mẹ vẫn đi bộ còn chị đi xe đạp. Lương công nhân không đủ mua vài bộ quần áo rét loại đẹp, tiền đâu mua xe máy mà đi. Còn mẹ, cho đến lúc mất, vẫn viết nhật ký, chữ nguệch ngoạc như người đang tập”. Một ngày nào đấy, mình sẽ thay hết những bóng đèn trong nhà. Hôm qua đi thể dục, qua nhà ông Toàn tổ trưởng, ấm áp quá. Dừng lại nhìn, nhà cũng như nhà mình, nhưng ông ấy lắp đèn vàng hết, ấm hẳn, không lạnh như đèn trắng.

Hình như, trong những “Một ngày nào đấy mình sẽ...” thì mẹ có làm được một việc là thay những bóng đèn trắng sang vàng. Và từ đấy, nhà luôn vàng ánh điện, mùa đông cảm giác ấm, mùa hè nóng, khiến có bao nhiêu quạt phải bật hết lên.

Đọc lại nhật ký, giống như mở những cánh cửa dưới đáy biển. Vừa quen, lại lạ. Mỗi cánh cửa mở ra, là một khoảnh ký ức đã qua, vừa đẹp, lại buồn. Thấy hiện ra những chân dung. Người đã chết, người còn sống, gần như không ai thay đổi tính cách hay số phận. Chỉ có thời gian là trôi đi.

“Tất cả như nổ tung hôm nay. Miền Nam giải phóng rồi. Một ngày nào đó, bố mẹ sẽ đưa con đi dọc đất nước đã thống nhất. Ngày hôm nay, đi từ chỗ làm về, bố bị lạc vì vui quá, rẽ nhầm phố khác. Ai cũng mang khuôn mặt chiến thắng. Có thời gian, bố viết lại thật kỹ, sau lớn lên con sẽ hiểu thêm về đất nước mình...”. Nhưng rồi, mẹ bệnh quá lâu, bố chăm mẹ và chúng tôi cùng chia tay bà. Chúng tôi chưa một lần cùng nhau đi dọc dài đất nước như bố đã ước. Sau này, đi làm, tự tôi đi dọc đất nước. Đến nơi nào, tôi cũng nhớ bố, và nghĩ ông đang ở ngay bên cạnh.

Tất cả chúng ta, có vẻ ai rồi cũng hối hận về mọi thứ và nghĩ tại hoàn cảnh. “Viết ra tất cả sẽ làm mọi chuyện tốt hơn”. Dòng đầu tiên của những cuốn nhật ký những năm 2000, tôi đã viết thế, trước câu: “Một ngày nào đó, mình già  rồi quên dần mọi chuyện. Chỉ có những dòng chữ là ở lại cùng thời gian”. Nhật ký, danh bạ điện thoại, những đồ lưu niệm, hay đơn thuần là môt sợi dây gai cũng đều có đời sống riêng chứa những bi kịch hay tràn ngập yêu thương đầy bí mật, không hề giống như việc bạn gõ chữ google để mò ra những riêng tư bị phơi bày và hằn in mãi mãi trước thiên hạ. 

“... Một ngày nào đó, tôi sẽ thấy mình có nhiều quá khứ hơn tương lai, bằng cách đắp đầy mỗi ngày, vì ngay lúc mình cảm nhận mọi chuyện thì tất cả đã qua...”

Tôi nghĩ, mình vẫn bắt đầu cuốn nhật ký đón năm mới bằng những dòng đó, và tự nhủ, sẽ cố để một ngày nào đó không chỉ dừng lại là những ước mơ.

MỚI - NÓNG