Nhà thiết kế một tay

Nhà thiết kế một tay
TP - Xuất hiện ở  đâu, Minh Thái cũng lôi kéo những cặp mắt quan tâm, bởi anh sở hữu gương mặt xinh trai thời thượng, kiểu… Sơn Tùng- MTP. Nếu mải ngắm nhà thiết kế trẻ có dáng vẻ hotboy này, sẽ khó biết Thái chỉ có một tay.

Cánh tay bị khuyết được anh khéo léo che đậy bằng một miếng vải tương đối đồng màu với trang phục đang mặc. Thoạt trông, Minh Thái như một 9x sành điệu mà người ta dễ dàng bắt gặp ở những trung tâm mua sắm lớn hay những quán cà phê “hot” ở đô thành…

Thái không mặc cảm khuyết tật song anh không muốn vì khuyết tật mà được để ý. Ngay cả khi xuất hiện trên những chương trình truyền hình như Xưởng thời trang VTV6, Gameshow Người bí ẩn HTV7, Cà phê sáng VTV3, Giờ gia đình VTV2… anh cũng chỉ muốn khán giả tập trung đánh giá mình ở vai trò nhà thiết kế.

Nguyễn Minh Thái, sinh năm 1994, trong một gia đình công chức bình thường ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Nhắc đến Sơn Tây, nhiều người nhớ đến “Đôi mắt người Sơn Tây/U uẩn chiều lưu lạc” của thi sĩ Quang Dũng. Song đừng nói chuyện văn chương với Minh Thái, anh chàng thú nhận: Ít đọc sách,  xem đó là “tật xấu nhất” của mình. “Tôi tư duy kém về mặt chữ và số nhưng tư duy tốt về hình ảnh nên tôi thường chọn những gì giúp mình tiếp thu được nhanh nhất, như xem phim, xem tranh, xem ảnh…” Thái giải thích. Không che đậy điểm yếu, chấp nhận sự không hoàn hảo của bản thân, là một cách để Minh Thái vượt qua khiếm khuyết bẩm sinh của cơ thể.  Anh kể: “Nhà tôi có hai chị em, chị gái tôi hoàn toàn bình thường. Khi mang thai tôi, mẹ bị cúm, virus cúm ăn mất một tay của tôi, tay trái. Tôi chào đời trong sự ngỡ ngàng của gia đình. Người sốc nhất chính là bố tôi. Khi thấy mọi người không vui vẻ, mẹ tôi linh cảm điều gì đó không lành. Bà đề nghị mang tôi vào phòng, lúc ấy bà mới nhìn ra tôi chỉ có một tay. Nuốt nước mắt vào trong, mẹ tôi mạnh mẽ nói, không sao. Bà sẽ cố gắng nuôi dạy tôi thành một người thành công”. Nhưng dù mạnh mẽ đến đâu, người mẹ ấy cũng không khỏi đau xót khi thấy cậu con trai bé nhỏ tập tễnh học bò. Song càng đau lòng bà càng dặn mình cần bứt phá. Bản lĩnh, nghị lực của người mẹ đã ngấm vào Thái. Trái với vẻ ngoài có phần yếu đuối, Thái nói về mình: “Tôi mạnh mẽ trong nội tâm, quyết đoán trong cuộc sống”.

Từng bị bắt nạt…

Trong quá khứ, Nguyễn Minh Thái từng là người bị bắt nạt. Nhớ lại thuở cắp sách đến trường Thái vẫn còn ám ảnh: “Tôi bị bắt nạt từ bé vì ngoại hình không giống bạn bè, lại yếu hơn họ. Không chỉ trẻ con mà người lớn cũng kỳ thị tôi. Từ mẫu giáo tôi đã nhận ra mình khác biệt, tôi không vui chơi bình thường như các bạn khác, tôi chơi theo cách của riêng tôi và thường chơi một mình”. Áp lực ở trường học, lúc bị bạn đánh, khi bị bạn lấy đồ, khiến cậu bé Thái ngày đó sợ đến trường, chỉ mong lớn thật nhanh để được làm những gì mình thích, để độc lập trong cuộc sống, để thoát ra khỏi môi trường bị kỳ thị.

Rồi Minh Thái cũng lớn lên, xa vòng tay gia đình. Anh đỗ vào trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Khoa Thiết kế Thời trang. 5 năm học đại học là thử thách khắc nghiệt với Thái: “Tôi thuê nhà trong một khu ổ chuột ở thủ đô. Ngay từ thời học đại học, tôi đã phải cố gắng kiếm tiền bằng năng lực để trang trải sinh hoạt vì gia đình tôi không khá giả, mà học về thời trang lại tốn kém”. Thái từng được biết đến như một nam sinh đa tài, có thể làm đồ hanmade cực yêu hay tài vẽ chibi trên áo khiến cư dân mạng trầm trồ.

Chúng tôi thắc mắc: “Một người bình thường theo đuổi khoa thiết kế thời trang đã khó, huống chi một chàng trai chỉ có một tay?”. Thái thú nhận: “Hồi đầu chính tôi cũng bối rối, một tay thì may kiểu gì?”. Anh mua một chiếc máy may, bắt đầu luyện tập, quyết tâm phải may được như người bình thường. Song chinh phục chiếc kéo và miếng vải còn khó khăn hơn học may gấp bội, bởi: “Chẳng miếng vải nào giống miếng vải nào, có miếng vải cứng, có miếng vải mềm, tôi không có tay để giữ như người khác, phải dùng vật nọ, vật kia hỗ trợ giữ vải. Học thời trang như đánh vật. Tôi phải bỏ đi rất nhiều vải. Có lúc chán muốn dừng lại nhưng trong lúc dừng lại, tôi lại nghĩ đến những người khó khăn hơn mình và tự hỏi: Người ta làm được, tại sao ta không làm được? Có những người chỉ có một chân vẫn may vá thêu thùa được kia mà”, Thái tâm sự.

 Vừa lo học, vừa mưu sinh, Thái còn lo đối phó với cảnh nhà thuê ngập nước mỗi khi trời đổ mưa: “Sáng ngủ dậy nằm trên giường ngó xuống dưới thấy mênh mang nước, tủi thân vô cùng. Chỉ một tay, tôi phải tát nước trong ngôi nhà giờ đã biến thành bể bơi”. Nhưng Minh Thái âm thầm vượt qua khó khăn, anh không muốn gia đình phải bận lòng, cũng không muốn nhờ vả những người xung quanh. Thái đưa ra nguyên tắc sống cho mình: “Nếu người bình thường cố gắng một, thì mình phải cố gắng gấp mười. Phải vươn lên để chứng minh, mình là một người có ích trong xã hội”. Mỗi khi ra đường, thấy cảnh người khuyết tật phải đi ăn xin trong lòng Thái gợi niềm xót xa. Thái không thích sự bố thí, không thích những ánh nhìn thương hại. Thế nên, anh thường giấu cánh tay bị mất. Có giảng viên dạy Thái suốt nửa năm vẫn không biết học trò của mình khuyết tật. Thái không cần bất cứ sự ưu tiên nào, anh cần được đối xử như một người bình thường. Và các thầy cô giáo cũng đã đối xử với anh như tất cả sinh viên khác, vì họ hiểu, ngành thời trang vốn cạnh tranh và đào thải quyết liệt, Thái muốn tồn tại, Thái buộc phải vươn lên.

Không đặt giới hạn cho mình

Thái rất thích những chuyến xuất ngoại. Ngoài việc trau dồi nghề nghiệp, anh còn muốn biết ở những nước khác người khuyết tật đang sống ra sao. Năm 2015, một bác sỹ chuyên ngành phẫu thuật chỉnh hình của Mỹ đã nhìn thấy Thái trên mạng xã hội. Nhận ra sự đặc biệt trong con người Thái, ông chủ động trò chuyện với anh, mời anh sang Mỹ để ông tặng cánh tay giả và trải nghiệm cuộc sống trên đất Mỹ. Vị bác sỹ này cũng là một người khuyết tật, ông bị mất một chân vì tai nạn trượt tuyết. Ông muốn Thái tham gia vào trại hè của người khuyết tật để thấy ở nước Mỹ người khuyết tật được đối xử ra sao. Ông bảo, ở nơi đây, Thái không cần che giấu cánh tay bị mất, Thái được thoải mái, được tự do, không bị kỳ thị. Việc cung cấp một cánh tay giả thực ra là chuyện nhỏ, thông điệp mà vị bác sỹ phẫu thuật chỉnh hình người Mỹ muốn truyền đến với Thái: Trên thế giới này, có biết bao bao nhiêu người khuyết tật, trong số đó có rất nhiều người đang tự tin, đang sống tốt trong cuộc sống, nên đừng ngại ngần với khiếm khuyết của mình.

Cũng một năm sau, Thái lại có cơ hội đặt chân đến nước Mỹ để tham gia một chương trình biểu diễn nghệ thuật của người khuyết tật, từ lời mời của nghệ sỹ Thành Lễ, người sáng lập nhóm thiện nguyện mang tên “Ngọc trong tim”. Tại đây, Thái được thỏa niềm mơ ước ấp ủ bấy lâu: Làm diễn viên. Thái được lên sân khấu diễn hài và được trả cát-xê cho sự xuất hiện của mình. Anh cũng giới thiệu với khán giả Mỹ bộ sưu tập của anh dành riêng cho những người kém may mắn. Nhờ bộ sưu tập đặc biệt này anh nhận được bằng khen của thị trưởng thành phố Westminister, California bởi những hoạt động tích cực vì người khuyết tật. Sắp tới, Minh Thái tiếp tục tham gia một chương trình nghệ thuật của người khuyết tật trên đất Mỹ. Sau những chuyến công tác và du lịch ở nước ngoài, Thái được mở mang tầm mắt, càng thêm tự tin: Người khuyết tật có thể trở thành ca sỹ, diễn viên, nhạc sỹ, bác sỹ hay người bảo vệ ở sân bay… Không có một giới hạn ngành nghề nào cho họ, trừ khi họ tự giới hạn bản thân.

Hiện nay, Nguyễn Minh Thái đang giữ vai trò phụ trách trưng bày (Visual Merchandiser) cho một công ty thời trang nổi tiếng trong nước. Đây là một công việc thịnh hành trên thế giới nhưng chưa phát triển ở Việt Nam. Chính vì vậy, Thái muốn thử sức.  Hotboy một tay không tiết lộ con số cụ thể về thu nhập của mình, song khẳng định: Thu nhập từ công việc đủ để anh sống được ở Hà Nội, một thành phố trong mắt Thái “khá khắc nghiệt và đắt đỏ”. Nhưng Thái yêu Hà Nội, muốn gắn bó dài lâu với mảnh đất đã chứng kiến không ít thăng trầm giúp anh lớn lên.

Nhà thiết kế một tay ảnh 1 Photo: ..
Nhà thiết kế một tay ảnh 2 Minh Thái tự tin trong mọi tình huống

Minh Thái giới thiệu với khán giả Mỹ bộ sưu tập của anh dành riêng cho những người kém may mắn. Nhờ bộ sưu tập đặc biệt này anh nhận được bằng khen của thị trưởng thành phố Westminister, California bởi những hoạt động tích cực vì người khuyết tật. Sắp tới, Minh Thái tiếp tục tham gia một chương trình nghệ thuật của người khuyết tật trên đất Mỹ.

Biết làm nem, biết đi xe máy

Minh Thái không thích chơi game, chỉ thích chụp ảnh, thích lưu giữ những khoảnh khắc ở nơi anh đến, ở người anh gặp… ngay cả những con côn trùng cũng lọt vào ống kính của anh.

Thái có thể tự nấu ăn, biết cuốn nem, biết làm chả… Thái cũng có thể đi xe máy như những người bình thường. Công việc bắt buộc anh phải sử dụng được phương tiện này, bởi một ngày có khi anh phải di chuyển khoảng 20 cửa hàng thời trang trong hệ thống.

MỚI - NÓNG