Nhớ thuở mưa xuân phơi phới bay

Hát xoan Phú Thọ. Ảnh: Nguyễn Á.
Hát xoan Phú Thọ. Ảnh: Nguyễn Á.
TP - Sự kiện Hát Xoan được đưa vào danh sách “Di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại” năm 2011 rồi được gỡ bỏ mấy chữ đau lòng “cần bảo vệ khẩn cấp” để trở thành “Di sản phi vật thể của nhân loại” một cách đàng hoàng vào tháng 12/2017 đều gợi trong tôi những cảm khoái và kỷ niệm.

Số là mùa xuân một năm đã xa, 1995, tức 23 năm trước, tôi đã về đất Tổ đến những làng hát Xoan truyền thống. Tôi nhớ đó là năm mưa xuân dai và dài lạ. Dai nhưng chủ yếu là kiểu “mưa bụi làm em không ướt áo” nên tôi vẫn vè vè đôi ngày trên chiếc  xe máy không lấy gì làm mới quanh hai xã dọc đê sông Lô gần sát Việt Trì là Kim Ðức và Phương Lâu để rồi vào được một nhà ở làng An Thái – Phương Lâu. Giở những ghi chép hơn hai mươi năm trước giờ đã úa vàng ấy, tôi hình dung lại cảnh mình còn khá trẻ, ngồi giữa đám trẻ con, hai bà già, một phụ nữ trẻ tên là Hà trổ tài thuyết khách để nài chị hát cho nghe vài câu Xoan. Mãi rồi chị cũng cất giọng: Ðường đi trên suối dưới khe / Sao anh chẳng bắc cây tre làm cầu / Ðường đi trên suối dưới đầm / Sao anh chẳng bắc cây trâm làm cầu.

Tôi nghiệm ra rằng, cũng như Quan họ hay ca dao, hát Xoan có những câu tình tứ không để đâu cho hết. Ðó là những câu thuộc mảng hát giao duyên ở lễ hội trong hát Xoan vốn là loại dân ca xuất phát từ tục thờ cúng Vua Hùng, kế đến là thành hoàng các làng nên có ba hình thức là hát nghi lễ;hát cầu mùa màng tốt tươi, sức khỏe dồi dào; hát giao duyên đối đáp nam nữ.

Một nhà nghiên cứu văn hoá Ðất Tổ bảo tôi rằng lối hát này có từ thời các vua Hùng và có tên là hát Xuân vì thường diễn ra vào mùa xuân. Ðến đời vua Lý Thần Tông (1116-1138), vì kỵ huý bà Hoàng hậu Lê Thị Lan Xuân nên mới bị cải chệch thành hát Xoan và mang tên ấy cho đến tận ngày nay (vậy ra cách nói người con gái “đang xoan” thay vì “đang xuân”  cũng từ cái tên Xuân của bà hoàng hậu mà ra? Và cả tên hoa xoan cũng vậy?).

Người hát Xoan cũng từng có tục kết nghĩa, không lấy nhau như quan họ, do coi nhau là anh em. Hát Xoan là nghệ thuật đa yếu tố kết hợp nhạc, hát, múa. Hát Xoan có tổ chức gọi là phường thường gồm những người có quan hệ họ hàng, đứng đầu là một ông trùm - người dạy các đào hát Xoan và cũng là người tổ chức biểu diễn.

Tôi đã kiểm chứng lại chi tiết này và tìm thấy trong sách “Phụ nữ Việt Nam trong lịch sử” của NXB Phụ Nữ có viết rằng bà Lê Thị Lan Xuân là hậu duệ vua Lê Ðại Hành, được tuyển vào cung vua Lý Thần Tông, do công dung ngôn hạnh chả thiếu thứ gì nên được phong làm Phụng Thánh Phu nhân. Năm 1138, khi vua Lý Thần Tông mất, để giữ dòng đích và tránh rối loạn trong triều, bà đã cùng một bà phi khác là Cảm Thánh Phu nhân khéo léo thu xếp để Anh Tông lên ngôi. Do công đó, bà được vua Anh  Tông đặc ban cho đến dự các phiên chầu và các ngày sóc, vọng (rằm, mồng một) và vua thường ân cần hỏi ý kiến bà. Sau bà xin vua cho về dựng chùa Diên Linh Phúc Thánh trên núi Ngọc Phác (thuộc xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, Vĩnh Phúc, giáp với Phú Thọ).

 Tương truyền khi tu ở đây, bà Lan Xuân bỏ tiền khuyến khích phát triển các phường hát Xoan trong vùng. Khi bà mất, mặc dù địa vị chỉ là phu nhân nhưng tang lễ bà được triều đình cử hành với nghi thức dành cho hoàng hậu (có lẽ thế nên nhà nghiên cứu kia mới gọi bà là hoàng hậu). Hiện tại chùa Diên Linh Phúc Thánh vẫn còn tượng của bà và dân quanh vùng tôn bà là Thánh Mẫu.

Thôi thì hát Xoan vừa hay, có lịch sử dài lâu và nhiều tư liệu, sự tích, huyền tích thú vị đến thế, nhưng có một thực tế đau buồn như lời bà cụ Nguyễn Thị Chuộng đã 77 tuổi khi tiếp chuyện tôi 23 năm trước là làng cụ mất tục hát Xoan từ thời kháng chiến chống Pháp. Tôi đã tìm được bài báo tôi viết hồi ấy ghi lời cụ Chuộng như sau: “Trước đó, mỗi năm, từ mồng ba Tết, các đào kép phường Xoan của làng lại theo cụ trùm đi hát khắp vùng cho đến hết giêng hai, qua tháng ba kỳ Giỗ Tổ. Ðâu đâu cũng náo nức, cũng mâm cao cỗ đầy. Ngày ấy, tôi đứng hát mà chú là thanh niên ngồi nghe, tôi ném cái đúm (khăn tay có gói trầu) vào chú, nếu chú không hát đối lại được thì phải gói tiền vào đó ném trả lại tôi”. Cụ Chuộng khi đó còn kể nhiều chuyện thú vị, tỉ như có năm, phường Xoan của cụ đi hát cho một làng đất bãi ven sông Lô, khi về được làng ấy trả công bằng ngô. Hai mươi đào kép của làng chuyến ấy trở về mỗi người kĩu kịt một gánh ngô đi dài cả một quãng đê làm cả làng cười vỡ bụng.

Không phải đến khi làm hồ sơ xin danh hiệu di sản thế giới và bị đưa vào danh sách cần bảo vệ khẩn cấp, chính quyền và người dân Phú Thọ mới cố công khôi phục thứ dân ca quý này. Hồi ấy các đào, kép cũ như cụ Chuộng đã bắt đầu truyền nghề cho nhóm “trung nữ” 6 người của chị Hà. Tỉnh cũng hỗ trợ để khôi phục một số phường Xoan, tiêu biểu nhất là phường Xoan xã Kim Ðức, huyện Phong Châu đã đủ mạnh để đến hát trong Hội Ðền Hùng năm ấy. Thế nhưng, mãi đến khi Xoan bị đưa vào danh sách cảnh báo đỏ năm 2011, việc cứu nguy cho nó mới thực sự vào guồng. Tỉnh tìm những nghệ nhân Xoan có khả năng truyền dạy, có nguồn nêu khoảng 10 người,  mở nhiều lớp đào tạo tại hai xã Kim Ðức và Phương Lâu với hàng trăm người tham gia. Và hát Xoan được đưa vào dạy trong trường học. Mùa xuân, các lễ hội, nhất là hội Ðền Hùng nhiều cuộc biểu diễn, thi hát Xoan được tổ chức.

Có làm có thu, có đi có đến, sau 6 năm, ngày 8/12/2017, hát Xoan được ủy ban chuyên môn của UNESCO họp tài Jeju Hàn Quốc công nhận đã thoát khỏi tình trạng cần cứu nguy khẩn cấp, chính thức trở thành Di sản phi vật thể của nhân loại.

Khi nghe chuyện vui mừng ấy, tôi lại nhớ chuyến đi xưa. Nhớ tiếng thở dài và câu “Cái hồi chúng tôi thế mà vui hơn đấy. Chúng nó bây giờ có nhiều mối lo toan quá” của cụ Chuộng. Nhớ cái miệng nhỏn nhoẻn nhai trầu và ánh mắt thẫn thờ mờ đục nhìn ra khoảnh sân lất phất những tia mưa. Cụ Chuộng nghĩ gì khi ấy? Phải chăng cụ hồi nhớ “cái thuở mưa xuân phơi phới bay”, thuở các chàng trai hồi hộp đón cái đúm từ tay đào Chuộng ném ra, cái thuở mà thiếu nữ Chuộng cất lên tiếng hát ở hội đình: “Em đố anh biết huê gì nó nở trên rừng bội bạc / Em đố anh biết huê gì nó nở nội đồng không / Em đố anh biết huê gì nở bảy tám lần trông…

Cụ Chuộng ơi, chẳng biết giờ cụ có còn để hưởng phúc bách niên hay đã quy tiên theo cụ trùm và các bạn đào kép khi xưa? Dù thế nào thì cụ cũng hãy mỉm  cười: Mùa xuân mưa phơi phới bay đầy ắp tiếng hát lời ca thuở xưa của cụ đã trở về.

MỚI - NÓNG