Nhóm nhạc Rắn cạp đuôi: Tác phẩm sinh ra từ lửa

Các nghệ sĩ Rắn cạp đuôi biểu diễn âm nhạc không sắp đặt tại TPHCM. Ảnh: Trần Nguyễn Anh.
Các nghệ sĩ Rắn cạp đuôi biểu diễn âm nhạc không sắp đặt tại TPHCM. Ảnh: Trần Nguyễn Anh.
TP - Tối 29/1/2018 tại Yoko Bar (TPHCM) nhóm nhạc Rắn cạp đuôi Colletive đã khuấy động không gian bằng lối chơi nhạc ngẫu hứng từ ý tưởng các đám cháy diễn ra ở Mỹ. Người nghe ấn tượng với thứ âm thanh khốc liệt được tạo ra từ những nhạc công đeo mặt nạ đến từ Việt Nam và Mỹ.

Âm nhạc “tự nhiên”, “tự sinh”

Buổi biểu diễn như một buổi chiếu phim, bởi nó cũng được tổ chức trong đêm chiếu phim định kỳ ở quán nhạc rock lâu năm của TPHCM. Song khác với một đêm xem phim bình thường, phần âm nhạc được chơi trực tiếp (live) trên nền hình ảnh được chiếu.

Khán giả đắm mình trong bầu không khí rực nóng từ những bức ảnh nạn cháy rừng và âm nhạc ngẫu nhiên không sắp đặt. Nhóm Rắn cạp đuôi cho biết: “Ý tưởng cho buổi diễn lấy trực tiếp từ các đám cháy rừng tàn khốc tại California diễn ra trong nhiều tháng qua (…), thậm chí đôi mắt của những loài động vật hoang dã không thể nào lên tiếng. Những gì xảy ra là một thảm họa khủng khiếp mà chẳng một ai trong chúng ta muốn trở thành một phần trong đó, dù chỉ một giây. Và nó còn tước đi cả sinh mạng con người”.

Nhóm nhạc dùng 3 cây ghi ta điện cùng với âm nhạc máy tính và các bộ phá tiếng để tạo ra một thứ âm thanh giàu sức biểu cảm. Chúng pha trộn giữa những tiếng động, tiếng la hét, tiếng gió và đâu đó là những giai điệu bị đứt gãy không thể phát triển.

Du Lê một người viết báo về âm nhạc đồng thời cũng đưa ra ý tưởng cho đêm nhạc nói: “Đây là đêm nhạc rất đặc biệt. Vì ngay cả những hình được chiếu hôm nay, các thành viên ban nhạc cũng không hề biết. Họ cũng lần đầu tiên nhìn thấy, như mọi khán giả vậy, và từ các hình ảnh đám cháy, họ sẽ biểu đạt những cảm nhận và suy tưởng của mình thông qua nhạc cụ”.

Cái khó nhưng cũng hấp dẫn và đầy bất ngờ của một buổi diễn trực tiếp đó là nhóm Rắn cạp đuôi “đồng thời đóng luôn vai trò khán giả và để nhạc tính xúc tác trực tiếp với những cảm xúc họ có khi chứng kiến những gì chiếu trên màn hình”.

Đa phần những gì được gọi là âm nhạc mà chúng ta đã và đang nghe, được sáng tác, phối khí, tập luyện từ trước, một số khác thì được thu âm chỉnh sửa vô cùng kỹ càng trong các phòng thu, trước khi đưa đến cho khán giả. Âm nhạc vốn là một sản phẩm làm sẵn. Nhưng ở đây, trong buổi biểu diễn của Rắn cạp đuôi, âm nhạc không có sự chuẩn bị nào trước, chúng được sản sinh ngay trên sân khấu và cùng đồng thời với sự cảm nhận của người xem.

Thành viên ban nhạc, nghệ sĩ trẻ Đỗ Tấn Sĩ nói: “Đây là thứ âm nhạc hoàn toàn thô, không được chỉnh sửa cắt xén gì cả. Thông thường khi chơi nhạc trong phòng thu, những gì hay nhất sẽ được giữ lại, những gì không hay sẽ được bỏ đi. Còn ở đây, chúng tôi không có ý định làm như thế. Những ý tưởng sinh ra sẽ được biến thành tác phẩm ngay lập tức và không thể nào cắt bỏ hay chỉnh sửa”.

Tác phẩm sinh ra từ lửa

Cái khó trong lối chơi của Rắn cạp đuôi là 3 thành viên (trong đó có 2 nghệ sĩ Việt Nam là Vũ và Sĩ, một nghệ sĩ đến từ Mỹ - Zach) phải chơi như thế nào để họ không phải là phiên bản của nhau, không phải lệ thuộc vào nhau, nhưng cũng không phải là ba người xa lạ trong âm nhạc. Họ được kết nối với nhau bởi một từ: LỬA.

Các thành viên ban nhạc cho biết, cảm xúc của những đám cháy rừng ở Mỹ là “Khi ta cố gắng cứu chữa, vô vọng, các ký ức gắn liền với chúng, và đồng thời, ta vẫn phải bỏ đi những cái ta trân quý nâng niu, cái cảm giác ấy thực sự ra sao? Làm thế nào âm nhạc có thể nắm bắt được sự thô ráp này, nếu suy tới cùng? Trong chớp mắt, lửa có ở khắp mọi nơi, và từ những đốm lửa dũng mãnh lao ra một con gấu bị lửa thiêu. Đó là thứ đẹp đẽ và kinh khiếp nhất mà tôi từng chứng kiến”.

Rắn cạp đuôi đã diễn 4 đêm ở Hà Nội với các chủ đề khác nhau và việc ngẫu hứng trong không gian suy tưởng về những thảm họa thiên nhiên tại TPHCM đã khiến khá nhiều khán giả thích thú. Tuy vậy, gần cuối buổi một số khán giả (chủ yếu là người nước ngoài) đã bỏ về. Nghệ sĩ Phạm Thế Vũ nói: “Phần cuối, chúng em cố đẩy lên cao trào nhưng không thành công”, anh tiết lộ: “Chúng em thiếu mất tay trống, thật tiếc là nghệ sĩ trống của bọn em đã chán thứ âm nhạc này và chuyển sang chơi nhạc khác rồi”.

Phạm Thế Vũ cho phóng viên biết anh không muốn gọi tên âm nhạc của mình, nhưng nếu buộc phải gọi tên chúng thì anh sẽ “gọi nó là  post - rock bởi vì ban nhạc sử dụng các nhạc cụ của nhạc rock để chơi”.

Các nghệ sĩ cũng bày bán các món quà nhỏ do họ tự làm cùng với đĩa nhạc được thu. Khá nhiều sản phẩm của họ được bán trên mạng, nhưng không gì thú vị hơn được biểu diễn trực tiếp với khán giả thứ âm nhạc tươi sống, như sự sống, như con gấu trong đám cháy quẫy đạp đi tìm sự sinh tồn dù phải bỏ lại sau lưng tất cả ký ức của khu rừng đang bị thiêu trụi.

Nghệ sĩ Phạm Thế Vũ nói: “Buổi biểu diễn như thế này giống với một buổi làm việc hay buổi tập ở trong phòng thu, nhưng tất cả những gì, dù là thô nhất cũng được phô bày ra mà không thể nào chỉnh sửa lại được! Hôm nay, có lúc chúng em bị cuốn theo tiếng ồn mà không thoát ra được!”. Vũ nói thêm: “Việc đeo mặt nạ khi chơi nhạc giúp chúng em tự tin hơn, nhưng đôi khi nó cũng vướng víu gây ra cảm giác khó chịu!”.

Âm nhạc Post – Rock (hậu rock) phát triển từ thập niên 1990, sử dụng nhạc cụ rock nhưng không sáng tác dựa vào giai điệu hay hòa thanh mà chủ yếu nhấn mạnh vào âm sắc, sự cường điệu về âm thanh và kết hợp với thanh điện tử để thể hiện và biểu đạt các ý tưởng mang tính xã hội.

MỚI - NÓNG