Những giai điệu bất tử

Trần Chung (phải)- tác giả những ca khúc hay về biên giới. Bên cạnh là nhạc sĩ Văn Dung
Trần Chung (phải)- tác giả những ca khúc hay về biên giới. Bên cạnh là nhạc sĩ Văn Dung
TP - Từ 1978, nguy cơ một cuộc chiến tranh chống xâm lược mới đã ở trạng thái rình rập. Rất cần những giai điệu chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới ở biên cương. 

Ngay lúc ấy xuất hiện hành khúc Bài ca biên giới của Xuân Giao: “Cây lá xanh xanh in hình bóng quen- chiến sĩ nhân dân biên phòng áo xanh- Nơi biên giới rừng già bát ngát, có chúng tôi canh giữ đêm ngày…”.
Quả nhiên, sáng 17/2/1979, Trung Quốc đem quân đánh 6 tỉnh biên giới. Căm uất kẻ phản bội, Phạm Tuyên viết hành khúc rực lửa: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới - Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới - Quân xâm lược bành trướng dã man - Đã giày xéo mảnh đất tiền phương- Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương…” .
Ngay chiều 17/2/1979, hành khúc đã được dàn đồng ca Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh tại 58 Quán Sứ. Trên phòng thu thanh nhỏ, Phạm Tuyên ngồi lặng lẽ theo dõi. Dàn đồng ca vang lên giai điệu đanh thép dưới đũa chỉ huy của Cao Việt Bách. Trong bản tin 6 giờ chiều, hành khúc đã loang trên làn sóng đi khắp nước. Cùng lúc là hành khúc Chiều dài biên giới  của Trần Chung: “Chiều dài biên giới - Dài theo đất nước chúng tôi - Những đỉnh núi mờ sương - Tiếng sóng vỗ trùng dương - Nghe đất quê hương hát cùng bước chân chúng tôi…” .
Hành khúc này Trần Chung viết từ trước Tết Kỷ Mùi 1979. Khi nghe anh hát tại căn gác nhà tôi dịp Tết, tôi đã chia vui với anh rằng nó đã kế tục được Khi chúng tôi vào lò anh viết từ thời chống Mỹ. 
Giống như những đợt đại bác, lại có thêm hành khúc Lời tạm biệt lúc lên đường của Vũ Trọng Hối: “Ngày ra đi - hướng biên cương - Gió bấc tràn về  lòng anh lạnh buốt - Nòng súng thép - dán câu thơ - ý thơ tuyệt hay là thơ Lý Thường Kiệt…” .
Trước khi thu thanh, gặp tôi ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 4 Lý Nam Đế, anh kéo tôi sang quán cà phê bên đường hát luôn. Giọng anh trầm trầm suy tư, không giấu nổi niềm xúc động.  
Mỗi nhạc sĩ mỗi giai điệu, những giai điệu ấy làm thành những khẩu đại bác của lòng người đối kháng với đại bác thật của kẻ thù pháo kích vào cao nguyên đá Vị Xuyên. Đấy chẳng hạn là Chiều biên giới của Trần Chung (phổ thơ Lò Ngân Sủn): “Chiều biên giới em ơi! Có nơi nào xanh hơn - Như chồi non cỏ biếc - Như rừng cây của lá- Như tình yêu đôi ta…” .
Phạm Tuyên thì trở lại với Tiếng đàn bên bờ sông biên giới: “Đàn theo ta ra tận chốt đây ngày đêm cùng ta gắn bó - Với khúc hát thanh xuân tỏa ấm khắp bến bờ…”. Chưa bao giờ, đất nước phải căng mình ra cả hai miền biên giới như thế - biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam chống lại vừa bành trướng vừa diệt chủng, bởi thế mới có Tình ca tuổi trẻ của Tôn Thất Lập: Bài tình ca đầu tiên ra đời trên biên giới viết cho thanh niên xung phong phục vụ mặt trận Tây Nam, mới có Đêm nay anh ở đâu của Phan Huỳnh Điểu: “Nhìn ngôi sao lấp lánh suốt canh thâu- Như mắt ai nhấp nháy đang tìm nhau…”. Bài tình ca được ca sĩ Vũ Dậu “đặt hàng” khi nhạc sĩ ra Hà Nội. Và có Ngày mai anh lên đường của Thanh Trúc. Bản nhạc trẻ này khi đưa ra cũng gặp nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng nó vẫn được hát rộng rãi ở cả hai miền, hát cho tới bây giờ. 
Cuộc chiến chống xâm lăng còn được khái quát bởi Hát về tổ quốc tôi của Hữu Xuân: “Chập trùng đỉnh cao mây bay biên giới - Tôi đang đứng đây gìn giữ đất trời bao la…”. Hữu Xuân sáng tác nhiều nhưng chưa nổi tiếng. Chính từ bài hát này, cái tên Hữu Xuân bắt đầu gây ấn tượng với công chúng.
Bước sang năm 1980, xuất hiện Đất nước bên bờ sóng của Thái Văn Hóa: “Khi còn trong nôi, nghe mẹ ru - cha đánh giặc cuối trời - Khi ta cầm súng ra đi - Người thân ta thức cùng sao trời…”. Rồi Gửi em ở cuối sông Hồng của Thuận Yến (phỏng thơ Dương Soái): “Anh ở biên cương - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”. 
Khi phổ nhạc, tác giả ca khúc và tác giả thơ chưa hề gặp nhau. Nhạc phẩm đã gắn kết Thuận Yến và Dương Soái. Nó hồn nhiên trong trẻo như tâm hồn lính trẻ- bài hát của Hồng Đăng: Kỷ niệm thành phố tuổi thơ: “Trưa nay qua đường phố quen - Gặp những tiếng ve đầu tiên - chợt nghe tâm hồn xao xuyến - Điệp khúc tiếng ve triền miên”. Bài hát này khi vang trên làn sóng, do một tốp nữ thiếu nhi thu thanh. Vậy mà lính biên giới nghe, nhất là lính Hà Nội đều thấy gai người. Trong ký ức lính của mình, họa sĩ Đinh Công Đạt luôn nhắc đến giai điệu thúc giục anh chính là Kỷ niệm thành phố tuổi thơ. Nó vẫn hồn nhiên thăng hoa sau khi phải qua một “Tình ca bên bờ sông quan họ” của Phan Lạc Hoa (thơ Đỗ Trung Quân). “Anh đi giữ miền biên giới - Làng quê em đợi em chờ - Con sông của người quan họ - Suốt đời nước chảy lơ thơ…”. Bản tình ca có lẽ là bản boléro đầu tiên do một nhạc sĩ Hà Nội sáng tác. Phan Lạc Hoa bảo viết tình ca này là để đi cặp với Làng quan họ quê tôi của Nguyễn Trọng Tạo. Nhưng rồi bị các biên tập viên âm nhạc chê “sến”. “Sến” thì “sến”, Thanh Hoa mang đi hát khắp mọi nơi. Ai nghe cũng thích, 
cũng thuộc.  

 Rồi Hát về anh của Thế Hiển viết ở miền biên giới Đông Bắc: “Cho tôi ca bài ca - Người chiến sĩ nơi tuyến đầu…”. Khi viết ca khúc đầu tay này, Thế Hiển đang cùng đoàn Bông Sen biểu diễn ở biên giới Quảng Ninh. Riêng tác giả bài viết này cũng có bài thơ Lên núi để nhạc sĩ Nguyễn Thịnh phổ nhạc, ca sĩ Mạnh Hưng hát dọc biên cương: “Lên núi - Lên núi - Đồng đội ơi bay vào giấc mơ - Sương lạnh và mờ- Chúng mình với rừng cây hư ảo - Đài quan sát như cô đảo - Giữa biển sương mênh mông…”.  Cứ thế, những giai điệu bất tử vang lên suốt một thập kỷ để đến một ngày cuộc tranh chấp chấm dứt, sau sự kiện Gạc Ma (1988). 

Càng cay cú, bọn xâm lược càng hèn đớn, tạo ra cuộc tranh chấp biên giới suốt 10 năm ròng (1979-1989). Đấy cũng là 10 năm sinh ra những giai điệu bất tử, sánh với những giai điệu đẹp chống Pháp, chống Mỹ. 

Đọc thơ Lò Ngân Sủn in báo, Trần Chung lập tức phổ nhạc. Nhưng khi duyệt băng, có ý kiến cho rằng hơi “trữ tình quá, sẽ làm mềm lòng chiến sĩ”. Trong khi chờ lên sóng, Trần Chung đưa bài hát cho các ca sĩ đi biểu diễn khắp nơi trên biên cương. Có ngày ở rạp Hồng Hà, Quang Thọ hát Chiều biên giới mấy show liền, từ sáng đến tối. Mãi sau, Chiều biên giới  mới được chính thức lên sóng. 

Những giai điệu bất tử ảnh 1 Nhạc sĩ Xuân Giao - tác giả “Bài ca biên giới” bất hủ
MỚI - NÓNG