Những người thích “tám”

Khán giả đang chia sẻ câu chuyện cùng người điều phối. Ảnh: Phan Mi.
Khán giả đang chia sẻ câu chuyện cùng người điều phối. Ảnh: Phan Mi.
TP - Đến với sân khấu đặc biệt ấy, bạn sẽ tìm thấy những câu chuyện, nhưng không phải chuyện của một ai đó, của nhà biên kịch hay đạo diễn, mà là chuyện của chính bạn. Bạn được sống lại những khoảnh khắc, cảm xúc và câu chuyện đã qua của mình- dưới sự trình diễn của một nhóm nghệ sĩ thuộc thể loại Sân khấu thể hiện.

Gặp nhau để “cởi” và “mở”

Cứ đều đặn sáng thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, nhóm kịch Viplayback lại hẹn nhau luyện tập tại căn gác trên tầng 2, tòa nhà 16b Nguyễn Biểu (Hà Nội). Không cần sân khấu cầu kỳ, chỉ cần một tấm phông đen căng lên là đủ. Không cần đạo cụ rối rắm, chỉ là tấm khăn hay cái ghế là xong… Diễn viên ăn mặc giản dị, không son phấn. Họ, cùng với người kể chuyện, người điều phối, người chơi nhạc và khán giả đều ngồi bệt dưới sàn nhà.

Người điều phối (người dẫn dắt buổi diễn) bắt đầu chương trình. Một khán giả được mời lên, rồi cô chia sẻ những kỷ niệm ngọt ngào của mối tình đầu. Hồi nhạc vang lên. Người điều phối tuyên bố: “Mời các bạn hãy xem câu chuyện của cô ấy”. Hai diễn viên đi ra sân khấu, câu chuyện được tái hiện lại bằng hình ảnh sống động. Người kể chuyện chăm chú dõi theo, lúc bật cười, lúc lại trầm tư nhìn lại những mảnh ký ức của mình đang trôi qua trên sân khấu.

Đây là một buổi tập của loại hình sân khấu tái hiện. Nếu đi diễn, mọi thứ cũng không khác nhiều, ngoại trừ khán phòng sẽ rộng hơn một chút, sân khấu sẽ có thêm ánh đèn dịu nhẹ và nhóm Viplayback sẽ mặc đồng phục tuyền màu đen.

Sân khấu tái hiện (Playback theater) là một trong những thể loại kịch ứng tác còn khá mới mẻ tại Việt Nam nhưng đã được công bố từ năm 1975 tại Mỹ và đến nay đã được thực hành, nghiên cứu tại hơn 60 quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, Sân khấu tái hiện bắt đầu ra đời từ năm 2012 bằng một nhóm nhỏ hoạt động định kỳ tại CLB Sân khấu Hộp đen. Tuy nhiên, phải đến năm 2016 đến nay, dưới sự dẫn dắt của Đặng Minh Thư - giám đốc trung tâm nghệ thuật Lifeart, Viplayback mới ra đời với những hoạt động sôi nổi. Đây cũng gần như là nhóm duy nhất ở Hà Nội đi theo thể loại Sân khấu tái hiện.

“Điểm đặc biệt nhất của sân khấu tái hiện so với kịch thông thường là không cần kịch bản. Mỗi buổi diễn được tạo nên bởi 4 nhân tố: người kể chuyện- khán giả, người điều phối, diễn viên, người chơi nhạc. Mỗi khán giả tại buổi diễn đều có khả năng trở thành người kể chuyện và chỉ khi người kể chuyện thực sự mở lòng chia sẻ câu chuyện của mình thì buổi diễn mới có thể bắt đầu”- Hoạ Mi, thành viên của Viplayback cho biết.

Là khán giả được mời lên sân khấu và chủ động chia sẻ câu chuyện của mình, chị Minh Hà (Đống Đa, Hà Nội) thích thú: “Đây là lần đầu tiên tôi đi xem sân khấu tái hiện, nó khá lạ nhưng rất thú vị, nó cho tôi cơ hội nhìn lại tình huống của mình với góc độ của người ngoài cuộc. Tôi nhận ra rằng giá ngày đó tôi dũng cảm hơn, chủ động hơn thì có lẽ chuyện tình cảm của tôi đã khác”.

Biết lịch tập của nhóm Viplayback qua facebook, Quang Đức (sinh viên ĐH Ngoại thương) đã đến với mục đích “xem cho biết” nhưng rồi cũng bị “dẫn dụ” lên sân khấu. “Tôi ít khi chia sẻ chuyện riêng tư nhưng nghe câu chuyện của mọi người, bỗng dưng tôi cũng được mở lòng, tôi muốn nhớ lại và kể cho ai đó về kỷ niệm khá buồn đã trải qua”- Đức thú nhận.

Những người thích “tám” ảnh 1 Viplayback trong một buổi diễn.

Mỗi cảm xúc đó đều được hình ảnh hóa trên sân khấu và cuối cùng câu chuyện không còn của riêng ai, mà của tất cả mọi người có mặt trong đêm diễn. Buổi diễn trở thành một “hội tám chuyện” xuyên quốc gia (vì nhiều hôm có cả người nước ngoài).

Nghệ sĩ “3 trong 1”

Minh Thư đến với loại hình Kịch ứng tác từ năm 2002 - 2003 trong một chương trình đào tạo diễn viên của nhà hát kịch David Glass (Anh). Cô từng có 4 năm hoạt động biểu diễn liên tục cùng với Đội kịch ứng tác Hà Nội, 3 năm hoạt động với Sân khấu Nháp và 6 năm hoạt động tại không gian nghệ thuật Sân khấu hộp đen. Họa Mi từng tốt nghiệp chuyên ngành văn học nghệ thuật tại Pháp và hiện đang hoạt động tại Không gian thực hành nghệ thuật ATH của 2 nghệ sĩ kịch người Pháp Quentin Delorme và Marianne Seguin. Thu Thủy và Kim Ngọc đều hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ quyền phụ nữ. 4 thành viên của nhóm Viplayback đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng cùng chung niềm yêu thích với sân khấu tái hiện. Hoạ Mi vẫn nhớ mãi buổi diễn về chủ đề đồng tính và những thách thức khi phải thể hiện cảm xúc, tình yêu với một người đồng giới… Còn Thu Thuỷ cũng khó quên được buổi diễn đầu tiên, khi một người vốn dĩ nhút nhát, rụt rè như cô đã tự tin bước ra sân khấu để hoà vào câu chuyện của người khác. Thu Thủy chia sẻ “Chúng tôi phải lắng nghe câu chuyện của người kể, tìm ngôn ngữ thể hiện, và tìm cách hợp tác với bạn diễn. Diễn viên phải lập tức hoá thân vào bất kỳ nhân vật nào và tái hiện đủ cung bậc cảm xúc trong câu chuyện”.

Kim Ngọc hiện giữ vai trò điều phối trong nhóm Viplayback. Chị thú nhận đây là một vị trí có khá nhiều áp lực, “ngoài việc giữ mạch của buổi diễn, người điều phối chính là người tạo ra không khí cởi mở, thân mật, riêng tư để tất cả những người tham gia có thể sẵn lòng chia sẻ câu chuyện, cảm xúc của mình. Qua việc dẫn dắt bằng những câu hỏi hiệu quả, người điều phối cũng gợi mở cho diễn viên những chi tiết đắt giá hay thông điệp, ý nghĩa câu chuyện cần được truyền tải”.

Những người thích “tám” ảnh 2 Hoạ Mi trong vai trò người tạo âm thanh và chơi nhạc cho một buổi diễn.

Nếu như người kể chuyện (khán giả) mang đến nội dung, người điều phối bao quát buổi diễn, diễn viên kể bằng giọng nói, ngôn ngữ hình thể thì người chơi nhạc kể chuyện bằng âm thanh. Họ dùng âm thanh từ bộ gõ, bộ dây, bộ hơi để chuyển cảnh, chuyển mùa, chuyển những cung bậc cảm xúc… Dù ở vai trò nào đi nữa, khi bước vào không gian của sân khấu tái hiện, tất cả các nhân tố đều phải phối hợp cùng nhau ăn ý, đồng thời luôn giữ đúng màu sắc, thông điệp của câu chuyện mà người kể chuyện muốn truyền tải. Đây cũng là cái khó nhất trong sân khấu tái hiện.

Ngoài những buổi diễn định kỳ hàng tuần tại Nguyễn Biểu, nhóm Viplayback cũng hay được mời diễn tại các sự kiện mang tính xã hội như bình đẳng giới, quyền con người hoặc các chương trình thiện nguyện. Sắp tới, nhóm sẽ có 2 buổi diễn về chủ đề Quyền phụ nữ tại Lào Cai và Sóc Trăng, thuộc khuôn khổ dự án của Viện nghiên cứu Kinh tế, Xã hội và Môi trường Isee.

“Sân khấu tái hiện dù không phải là một kỹ thuật trị liệu, nhưng đã được một số nhà trị liệu trên thế giới điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu làm việc của họ. Bệnh nhân khi được kể câu chuyện của mình và tham gia vào việc tái hiện câu chuyện của những người khác có thể giải phóng cảm xúc, kết nối với chính mình và tăng khả năng biểu đạt của bản thân”, Hoạ Mi cho biết thêm.

Viplayback cũng sẽ tham dự Lễ hội sân khấu Mùa xuân từ 18 đến 20/5 tại Nhà hát Kịch Việt Nam cùng 23 nhóm thực hành nghệ thuật sân khấu với đông đảo nghệ sĩ trong và ngoài nước. Bắt đầu từ tháng 5 này, nhóm sẽ có những buổi diễn bằng tiếng Anh và Pháp. “Nhóm lấy tên là Viplayback, nghĩa là Sân khấu tái hiện của Việt Nam, với mong muốn giúp khán giả trong nước hiểu hơn về thể loại kịch này, đồng thời để bạn bè, khán giả quốc tế có thể thấy một Sân khấu tái hiện với những câu chuyện của chính con người Việt Nam”, thành viên của Viplayback chia sẻ đầy hào hứng.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.