NSƯT Trung Anh: Đóng Về nhà đi con xong sẽ không bao giờ đánh con nữa

TPO - Lần đầu tiên NSƯT Trung Anh có vai lạ và khác chất trong Người phán xử. Tưởng chừng anh sẽ dần rời xa hình tượng người đàn ông khắc khổ trên truyền hình, ai dè anh lại tái “khổ” với vai ông Sơn trong Về nhà đi con. Nhưng thật bất ngờ vai diễn lại đưa Trung Anh nhanh chóng trở thành ông bố quốc dân được yêu mến nhất màn ảnh nhỏ hiện nay.
NSƯT Trung Anh: Đóng Về nhà đi con xong sẽ không bao giờ đánh con nữa ảnh 1

Nhiều người cho rằng vấn đề trong “Về nhà đi con” toàn con cá lá rau, ấy thế mà phim vẫn tạo nên cơn sốt. Anh có thể nói gì về điều này?

Phim không đưa ra vấn đề gì to tát cả, cái hay chính là sự gần gũi. Ai xem cũng thấy chút hoàn cảnh, bóng dáng gia đình, cách ứng xử của mình trong đó và hơn hết là sự so sánh để mỗi cá nhân có sự thay đổi sau khi xem.

Xem phản hồi của khán gỉa trẻ viết cho ông Sơn càng thấy rõ điều đó. Chẳng hạn, “bố ơi xem phim làm con nhớ đến bố con”, hoặc “con mới thấy từ trước đến nay con chưa hiểu gì bố con, con cố gắng thay đổi để bố con đỡ buồn”. Đọc những lời ấy tôi mới hiểu sản phẩm của cả ê kíp sản xuất bắt đầu có hiệu quả ở chỗ giá trị gia đình luôn tồn tại.

Trong gia đình, điều quan trọng nhất là sự thấu hiểu, chia sẻ. Nếu anh ích kỷ luôn giữ trong mình nỗi buồn, nhưng cứ đòi người khác phải thông cảm với mình, thấu hiểu mình là điều rất khó.

Ông Sơn luôn nói với các con rằng, chuyện của các con nhưng không chia sẻ với bố, chỉ khi câu chuyện vỡ lở ra thì bố mới biết. Nhưng kỳ thực, ứng xử của ông ấy chưa phải mẫu mực. Ông Sơn là người nóng tính luôn mong muốn cái tốt nhưng lại phạm nhiều sai lầm trong nuôi dạy con cái, cách chỉ đạo con cái.

Lúc đầu trong chuyện của Huệ ông Sơn nhất định không cho Huệ li hôn đấy là sai lầm. Ông ấy rút kinh nghiệm sai lầm đó để sang chuyện của Anh Thư, giục Anh Thư ly hôn là sai lầm lớn hơn. Tất cả câu chuyện đó đều xoay quanh cuộc sống gia đình, các mối quan hệ trong xã hội nên khán giả soi lại bản thân từ những nhân vật trong phim.

NSƯT Trung Anh: Đóng Về nhà đi con xong sẽ không bao giờ đánh con nữa ảnh 2

Với khán giả là vậy, còn với diễn viên như anh, có giá trị nào đó của phim tác động trở lại nhân sinh quan cũng như cuộc sống của anh?

Sau khi đọc kịch bản và suốt quá trình thể hiện rồi khi xem lại, tôi thấy mình cũng cần nhìn lại bản thân trong cách sống, ứng xử nhất là cách nuôi dạy con cái. Có nét tính cách ông Sơn tôi thấy mình khá giống là sự nóng nảy. Trong phim ông Sơn tát người khác khá nhiều, tát Ánh Dương, Anh Thư, Khải thể hiện phần nào sự bất lực của ông ấy trong cách nuôi dạy con, sự chưa thấu hiểu chưa đồng cảm. Chỉ khi người ta bất lực mới dùng tới cái tát. Chính điều đó làm cho tôi nghĩ tới bản thân ngoài đời, nhiều khi nóng với con cái quá. Từ giờ trở đi chắc chắn tôi không bao giờ đánh con nữa.

Khi xem phim đến đoạn tôi tát con, hai đứa quay sang liếc bố tủm tỉm. Chúng không nói gì nhưng nhìn ánh mắt biết liền chúng định nói “đấy, ngày xưa bố cũng đánh con như thế” (cười).

NSƯT Trung Anh: Đóng Về nhà đi con xong sẽ không bao giờ đánh con nữa ảnh 3

Cảm giác Trung Anh chỉ cần bước từ ngoài đời vào phim sẽ a ông Sơn như thế?

Thật ra thì vai ông Sơn có thuận lợi gần gũi con người cá nhân của tôi ở nhiều mặt từ tuổi tác, làm bố, hiểu đôi chút tâm lý con cái. Kinh nghiệm sống và dạy dỗ con rất quan trọng trong khi đưa vào trong phim.

Kịch bản là một chuyện, tôi thay đổi nó và đưa kinh nghiệm ngoài đời vào. Dù đọc kịch bản gấp gáp, tôi vẫn gặp đạo diễn và trao đổi khá kỹ. Tôi nói với Danh Dũng rằng có vấn đề khá lớn về nhân vật. May mắn Dũng lắng nghe, bàn bạc để hai bên đi đến thống nhất.

Trong kịch bản ông Sơn tính cách ủy mị quá. Một ông bố như thế rất khó đứng mũi chịu sào bao năm, có khi ông lấy 4-5 bà vợ rồi cũng nên (cười).

Trong quá trình phim, tôi cũng tiết chế rất nhiều những cảnh như ông ấy ngồi viết nhật ký, đứng ngắm ảnh vợ, rồi khóc, ra thắp hương bàn thờ... Phim vẫn khóc nhiều chỉ giữ lại những chỗ thấy hợp lí và thật sự cần thiết. Tuy thế có những chỗ trước khi vào diễn tôi không muốn khóc đâu vì khóc nhiều quá phim thành ra sến. Nhưng có lẽ bản đưa nhân vật đưa vào tình huống khá tốt, nhiều chỗ tôi cũng cố kìm nhưng khóe mắt vẫn có nước mắt.

Tôi đưa ông Sơn vào trạng thái khác với kịch bản. Những lúc bình thường ông ấy là con người bình thường, hầu như không diễn. Những lúc không có vấn đề gì tại sao phải diễn làm gì để cho cuộc sống nó gần gũi, thật hơn. Bốn bố con đều làm phim kiểu như thế, khi không có vấn đề như đùa với nhau. Để bộ phim càng gần gũi, giản dị càng tốt. Đừng đao to búa lơn.

Có nhiều đoạn bốn bố con vui vẻ, đùa với nhau không cần diễn và … bịa lời khá nhiều. Tất nhiên sự bịa ấy có căn cứ và hợp lí nên mới được giữ lại.

NSƯT Trung Anh: Đóng Về nhà đi con xong sẽ không bao giờ đánh con nữa ảnh 4

Vai Lương Bổng trong Người phán xử, vai ông Sơn trong Về nhà đi con thực sự đã là những vai anh mong muốn trong suốt sự nghiệp của mình?

Thật ra hai vai diễn gần đây trong Người phán xử và Về nhà đi con, vai ông Sơn là vai diễn không xa lạ với chính bản thân tôi, trước đây tôi từng đóng những dạng vai gần như thế. Nhưng vai Lương Bổng có lẽ lần đầu tiên tham gia vai phản diện nó xa với dạng vai tôi thường đóng.

Vai Lương Bổng kích thích tôi rất nhiều trong việc sáng tạo một nhân vật thế nào cho hấp dẫn. Tôi đầu tư nhiều thời gian ở nhà làm việc với kịch bản nhiều hơn thời gian ra trường quay. Bởi vì nó đòi hỏi mình phải thay đổi rất nhiều từ đi đứng đến ánh mắt. Đấy là hai vai diễn rất may trái ngược với tính cách, con người, số phận tôi ở ngoài.

Dẫu vậy, tôi vẫn có những  mong muốn riêng về dạng nhân vật khác, tuy nhiên dạng này ít xuất hiện trên phim truyền hình. Đó là dạng nhân vật quái đản, dạng thái nhân cách, tâm lý rơi vào trạng thái bất bình thường. Như thế mới thử thách sức sáng tạo của tôi.

Nếu có vai nào như thế viết thật tốt, dị đặc về tâm hồn, suy nghĩ thì tôi rất muốn thử. Không phải mấy năm gần đây đâu mà từ lâu rồi, có thể xuất phát từ việc tôi làm sân khấu cũng nhiều, nên những gì chưa trải qua tôi mong được thử nghiệm. Tôi nghĩ đó là vai khó đòi hỏi chất xám của diễn viên lớn và không bình thường. Bởi vì con người bất thường không suy nghĩ bịìn thường như người thường.

Tuy thế phim truyền hình khó có dạng vai này, phim điện ảnh của mình cũng không dễ dàng có được.

NSƯT Trung Anh: Đóng Về nhà đi con xong sẽ không bao giờ đánh con nữa ảnh 5

Được biết bà xã và con gái anh tối nào cũng chờ tới giờ Về nhà đi con lên sóng. Vậy bà xã xem xong có nhận xét gì không?

Thật ra vợ mình không nói gì nhiều. Có lẽ quen với sự xuất hiện trên truyền hình rồi. Chắc không muốn nhận xét về chồng hay sao ấy (cười).

Ở phim Người phán xử và các vai diễn khác của anh thì sao?

Thực ra có tật nào đó của tôi trên phim bà xã phát hiện rất nhanh. Ví dụ khi nói tôi hay bị tật, bà xã nhắc từ nhiều phim rồi, tôi cũng cố gắng sửa nhưng những phần lỗi ở khẩu hình đó lúc diễn lại quên đi. Đúng là “bà” ấy soi ra từ lâu rồi nhưng tôi mới sửa được phần nào.

Trong suốt nhiều năm anh theo nghề, có khi nào bà xã đòi đi làm phim cùng không?

Không. Hồi đang yêu nhau tôi đang làm phim một tập, có đưa đến chỗ quay phim xem một vài bữa. Hồi ấy làm phim với Minh Hằng và rất thân Minh Hằng, bà xã đến chơi rồi hỏi Minh Hằng nhiều thứ từ phim ảnh rồi cách làm. Xem đâu hai, ba bữa rồi chẳng bao giờ muốn đi nữa.

Còn những đợt anh đi phim dài dài thì sao, có ý kiến gì không?

Chẳng ai muốn chồng đi làm xa lâu. Chẳng phải cứ đi làm phim đâu, ngày xưa tôi đi diễn với anh em Nhà hát Kịch Việt Nam có khi đi cả tháng trời dọc miền Trung, Tây nguyên, TPHCM. Hồi ấy con còn bé nữa, bà xã tôi cực kỳ vất vả vì vừa đi làm vừa trông con, may cũng có bà ngoại giúp đỡ.

Nghĩ lại hồi ấy mình cũng đi biền biệt. Mỗi năm 1-2 đợt dài hàng tháng, bà xã cực kỳ vất vả những không bao giờ kêu ca về chuyện đó. Có lẽ xác định lấy chồng làm nghệ thuật rồi.

NSƯT Trung Anh: Đóng Về nhà đi con xong sẽ không bao giờ đánh con nữa ảnh 6

Gia đình nghệ sỹ Trung Anh

Ít khi thấy bà xã anh xuất hiện ở các sự kiện, là do anh hay người bạn đời của anh muốn vậy?

Bà xã không bao giờ xuất hiện trước đám đông, trừ những sự kiện mang tính chất anh em bạn bè thân thiết, hoặc một vài sự kiện ở cơ quan. Do bà xã tôi không thích thôi.

Anh nghĩ đó là sự may mắn của nghệ sĩ không, bởi người bạn đời luôn giúp anh giữ được khoảng riêng tư nhất định?

Thật ra đó là tùy thuộc vào người trong nghề và người bên ngoài. Mỗi gia đình có cách nghĩ, cách sống và tôn trọng khác nhau. Vợ mình và mình đều đồng nhất quan điểm không muốn xuất hiện trước chỗ đông người. Đến tôi cũng ngại, trừ phi bắt buộc. Chúng tôi thích ở trong nhà với nhau hơn hơn.

Anh tốt nghiệp khóa đạo diễn rồi, nhưng lại “án binh bất động”?

Năm thi vào trường không mở lớp sân khấu mà chỉ có lớp đạo diễn phim. Tôi muốn học xong khóa đạo diễn phim sẽ vào Nam. Nhưng cuối cùng vì con cái giai đoạn ấy bắt đầu vào guồng thi cử, nếu đi thì quả xáo trộn lớn rất khó khăn. Cho nên tính đi tính lại rồi thôi.

Như thế có thể xem là sự hi sinh nghề nghiệp vì gia đình không?

Không hẳn thế, tôi nghĩ sự thay đổi lúc ấy khó quá nhất là chuyện học hành của con cái. Tôi và bà xã đồng nhất việc học của con cái là quan trọng nhất, luôn cố gắng đầu tư việc học cho con.

Hai đứa con anh, một cậu con trai lớn du học ngành IT ở Phần Lan, cô út đang theo học phổ thông dường như không có ý định theo nghề bố?

(Cười) Không hiểu sao cả hai đứa từ bé đều không thích nghề của bố. Vợ chồng tôi không bao giờ ép uổng con cái, chỉ khuyên bảo thôi. Cô út chuẩn bị vào học lớp 11 chuyên Hóa, tôi thực tình cũng không thích con gái học chuyên hóa nhưng nó cứ đòi học giống anh.

Cảm ơn anh!

Tin liên quan