Palao - cảm nghiệm văn hóa Chăm đương đại tại Hội An

Một số cảnh trong Palao
Một số cảnh trong Palao
TP - Bỏ ra một giờ đồng hồ trong vài ngày ở Hội An dành cho Palao với tôi là một lựa chọn sáng suốt. Những ấn tượng đẹp về chuyến đi Hội An này đã bao gồm cả Palao. Hiện vở múa đương đại lấy cảm hứng từ văn hóa Chăm đang diễn một tuần khoảng ba tối tại Trung tâm Biểu diễn Lune, đường Nguyễn Phúc Chu, Hội An.

Với khán giả trong nước quen được miễn phí xem nghệ thuật đương đại, thì mức giá rẻ nhất 700.000 đồng của Palao có vẻ vẫn còn đắt. Với tôi, tất nhiên cũng không rẻ nhưng là mức có thể “cắn răng” được. Và nếu mua sớm, chọn được chỗ đẹp thì sự thụ hưởng cũng không kém mức 1.500.000 đồng là mấy. Buồn cười khi đèn vừa tắt, hai du khách nước ngoài “rắp tâm” chuyển từ khán đài rẻ sang đắt, lập tức bị nhân viên phát hiện, mời về chỗ cũ.

Palao - cảm nghiệm văn hóa Chăm đương đại tại Hội An ảnh 1 Một số cảnh trong Palao

Những sản phẩm đóng mác Lune Production từ xiếc Làng tôi, À ố show, Sương sớm… đến Palao đều sử dụng phương pháp đương đại để chắt lọc những gì đẹp nhất từ một vùng văn hóa đã và đang tồn tại trên dải đất Việt. Chúng được đón nhận ở nhiều nơi trên thế giới và vẫn đang diễn trong các nhà hát tại Hà Nội, TPHCM.

Phải nói, điểm diễn cũng là tác nhân quan trọng góp phần vào tổng thể trải nghiệm của du khách/khán giả. Nếu xem (các) vở diễn tại Hội An, khán giả sẽ có một tâm trạng hết sức thơ thới trước khi bước vào thưởng thức tác phẩm. Vì nhà biểu diễn gần 300 chỗ với mái vòm được thắp sáng như hình nửa vầng trăng nằm ngay bên sông Hoài. Giáp giờ diễn cũng là lúc phố cổ cùng những con thuyền lên đèn, hắt bóng lộng lẫy xuống dòng sông…

Trước khi bước vào phía bên trong mái vòm hình bán nguyệt của rạp Lune, một nhân viên đã cho tôi xem đoạn phim ngắn giới thiệu về Palao, trong đó có cảnh tất cả các nhân vật nằm la liệt như chết. Tôi tưởng đó là cảnh cuối nhưng hóa ra lại là mở đầu. Sau đó họ “hồi sinh” để kể câu chuyện của mình. Phần đầu của vở diễn có nhịp điệu nhanh và căng thẳng. Các nhân vật như thể đang chống lại những thế lực vô hình. Sự chống đỡ là vô vọng vì kẻ địch dường như quá mạnh. Và các nhân vật rõ ràng không phải sinh ra để làm chiến binh…

Mỗi vở diễn của Lune Production có thể được nhận dạng bởi một đạo cụ xuyên suốt, là những cây tre, hay thúng mủng, đơm đó… Đạo cụ nhận dạng của Palao không đụng với vở nào trước đó: vải trắng và chum đất nung (chất liệu thực tế là composit).

Vải thô trắng gắn liền với trang phục phổ biến của người Chăm. Đồ gốm cũng là một di sản văn hóa gắn chặt với vòng đời của người Chăm. Sân khấu đôi khi la liệt những chiếc chum nhỏ vừa vặn làm nồi, chậu- để các diễn viên tha hồ mang vác, tung hứng. Cũng có khi duy nhất một chiếc chum chiếm lĩnh sân khấu, bên trong chứa cả chục người. Ai cũng biết người Chăm quá cố được táng trong chum. Nhưng trong Palao, chiếc chum còn là tử cung, là nguồn cội phát xuất cả một tộc người và một nền văn hóa.

Cũng như thế, những tấm vải trắng không chỉ để che thân mà còn là mối dây neo tựa nối những phận người giữa đất và trời. Palao kết thúc khi lần lượt các diễn viên bước vào sau màn phông trắng, chỉ còn lại những chữ cái Chăm sáng lên trên những tấm màn trắng như hồi quang của một nền văn hóa. Không chỉ giúp khán giả hình dung bằng trực cảm về nền văn hóa Chăm, Palao một lần nữa nhắc lại câu hỏi với bất cứ tộc người nào: Chúng ta là ai, đang ở đâu, đi về đâu và để lại gì…

Với những vở diễn đương đại như Palao, âm nhạc và múa cùng chung không gian nghệ thuật. Người múa và người làm nhạc cùng chung sức sáng tạo tác phẩm trên cơ sở ngẫu hứng có sự thống nhất qua thời gian 8 tháng luyện tập.

Bên cạnh những nhạc công chơi nhạc cụ Chăm truyền thống, một giọng nam và một giọng nữ chịu trách nhiệm làm nhạc cho cả vở diễn. Giọng nam chủ yếu đóng vai trò không gian âm nhạc, trong khi giọng nữ đóng vai “linh hồn”- thể hiện tính cách nhân vật. Cũng có khi họ bước ra sân khấu trình diễn cùng các vũ công khác. Giọng ca nam thực hiện nhiều màn bê đỡ khó không kém bất cứ vũ công nào. Anh xuất thân là một nghệ sĩ trình diễn thơ, sở hữu một cổ họng qua tôi luyện có những khi phát ra âm thanh không khác gì của giọng nữ cao kịch tính trong opera, thậm chí còn chát chúa hơn.

Trong khi giọng ca nữ có những quãng trung tuyệt đẹp lý tưởng cho bất cứ ca khúc trữ tình nào. Nhưng chị đã chọn con đường đương đại và đã khiến công chúng một phen choáng váng với dự án Đại Lâm Linh. Vâng, đó chính là Thanh Lâm. Trong suốt vở diễn, ngoài từ “à ơi” ra, Thanh Lâm hát chủ yếu dân ca Chăm bằng tiếng Chăm.  

Palao chủ ý dùng một nửa số diễn viên là người Chăm, nửa còn lại là người Kinh, đa số đều là những người trẻ và không chuyên. Họ dù muốn hay không cũng buộc phải thừa kế mối quan hệ qua lại trong suốt chiều dài lịch sử của hai dân tộc. Và vở diễn chính là một cách để họ ứng xử với quá khứ, phát đi thông điệp của thế hệ tương lai được đúc kết trong cái tên Palao - nghĩa là “buông bỏ”. “Letting go (nghĩa tiếng Anh của “palao”- PV) không phải với tư cách cộng đồng mà mỗi cá nhân ý thức, tự quyết định và nhận ra rút cuộc chỉ có tình yêu còn tồn tại”- đại diện phát ngôn của Palao nói với khán giả chủ yếu là du khách nước ngoài. “Với Palao, chúng tôi rút ra những bài học từ quá khứ và xây dựng một tương lai chung”. Sau khi vở diễn kết thúc, hầu như khán giả đều ngồi lại để nghe các diễn viên chia sẻ…

Palao - cảm nghiệm văn hóa Chăm đương đại tại Hội An ảnh 2 Vị thế đắc địa của rạp Lune đối diện phố cổ Hội An. Ảnh: L.P

Âm nhạc của vở diễn cũng là sự kết hợp từ hai phía: tuồng và nhạc Chăm. Các diễn viên đều trải qua thời gian học hỏi về nghệ thuật truyền thống Chăm, đi thực địa tại các vùng đất của người Chăm để ngấm triết học, văn hóa, nghệ thuật… Chăm. Được biết, trong quá trình tập và diễn, định kỳ các nghệ nhân Chăm vẫn tiếp tục xuống Hội An làm việc với các diễn viên.

Palao là một thực thể sống động - mỗi lần tái diễn chắc chắn không giống 100% lần trước đó. Vì qua mỗi lần kể câu chuyện của chính mình, các diễn viên lại phát triển thêm về kỹ năng, khả năng ngẫu hứng cũng như phối hợp cùng nhau. “Một tháng sau, các bạn quay lại sẽ thấy một Palao khác, chỉ có chủ đề và đường dây kịch bản là giữ nguyên”- đó là cam đoan của những người làm nên vở diễn ý nghĩa này.  

Palao là một thực thể sống động- mỗi lần tái diễn chắc chắn không giống 100% lần trước đó. Vì qua mỗi lần kể câu chuyện của chính mình, các diễn viên lại phát triển thêm về kỹ năng, khả năng ngẫu hứng cũng như phối hợp cùng nhau. “Một tháng sau, các bạn quay lại sẽ thấy một Palao khác, chỉ có chủ đề và đường dây kịch bản là giữ nguyên” - đó là cam đoan của những người làm nên vở diễn ý nghĩa này.  

MỚI - NÓNG