Philip Roth, người khổng lồ của văn chương Mỹ ra đi

Nhà văn nổi tiếng người Mỹ Philip Roth qua đời ở tuổi 85.
Nhà văn nổi tiếng người Mỹ Philip Roth qua đời ở tuổi 85.
TP - Nhà văn từng đoạt giải Pulitzer, nhiều lần lỡ hẹn với Nobel Văn chương từ giã cõi đời ở tuổi 85.

SỰ NGHIỆP ĐỒ SỘ

Người viết hồi ký chính thức của Philip Roth Blake Bailey viết trên Twitter tối 22/5: “Philip Roth qua đời tối nay bên cạnh những người bạn lâu năm, những người ông yêu quý lâu nay. Ông là người đàn ông đáng mến, nhà văn vĩ đại của chúng ta”. Người khổng lồ của văn chương Mỹ trút hơi thở cuối cùng vào 22h30 tối 22/5 tại một bệnh viện ở New York do suy tim, theo thông báo của người quản lý Andrew Wylie.

Philip Roth sinh 19/3/1933 tại New Jersey, là nhà văn Mỹ gốc Do Thái, tác giả của 32 cuốn tiểu thuyết, công trình phê bình và tiểu luận. Ông bắt đầu sáng tác từ những năm 1950, từng làm việc ở nhiều trường đại học như Princeton, New York, Pennsylvania. Tác phẩm đầu tiên gây chú ý Goodbye Columbus về chân dung hài hước và khiếm nhã của những người Mỹ Do Thái, nhận được Giải thưởng Sách quốc gia của Mỹ năm 1960. Ông nhận giải thưởng này lần thứ hai năm 1995 với tác phẩm Nhà hát của Sabbath. Philip Roth được đánh giá là nhà quan sát minh mẫn của xã hội Mỹ, sự nghiệp có bề dày, xứng đáng được xướng danh Nobel Văn chương, tuy nhiên chưa bao giờ có vinh dự đó.

Philip Roth được ca ngợi là nhà văn Mỹ còn sống vĩ đại nhất thế kỷ 20 bởi những sáng tác mang phong cách riêng. Những cuốn như American Pastoral (Đồng quê nước Mỹ), The Human stain (Vết nhơ trần thế), The Plot against America (Âm mưu chống lại nước Mỹ) khẳng định độ chín và tầm vóc của ông. Cuốn The Plot against America đưa ông đến với giải Pulitzer năm 1998. Nemesis (Báo ứng) là cuốn tiểu thuyết cuối cùng, sau cuốn này ông tuyên bố giã từ văn chương. Năm 2012 ông tuyên bố ngừng viết và nói: “Kể những câu chuyện, thứ quý giá nhất với tôi suốt những năm tồn tại nay không còn là trọng tâm trong cuộc sống của tôi nữa”. Năm 2014 ông kể với nhật báo Thuỵ Điển Svenska Dagbladet rằng ông đọc lại 31 cuốn sách của mình để “biết liệu mình có lãng phí thời gian không, vì chẳng ai có thể dám chắc điều đó”.

GÂY HẤN

Từ những năm 1960, Philip Roth trở thành nhân vật gây tranh cãi và ngày càng nổi tiếng. Lời khiếu nại của Portnoy ra đời năm 1969 lập tức gây sóng gió bởi những phần miêu tả tình dục trần trụi, cũng như góc nhìn về đạo Do Thái. Độc giả gốc Do Thái có phần không ưa giọng mỉa mai của ông về đời sống người Do Thái, nhất là việc ông không có chút mộ đạo hay tôn kính với tôn giáo ấy. Năm 2006, ông thẳng thắn nói mình không cần sự an ủi về tinh thần. Cộng đồng Do Thái đánh giá ông sắc bén, khôn ngoan tuy nhiên lại quay lưng với tôn giáo của cha ông. Năm 1959 ông cũng từng bị chỉ trích khi in truyện ngắn Hậu vệ của đức tin.

“Nhà văn thực thụ không phải là người kể chuyện, mà là kể về chính mình trong những câu chuyện ấy. Câu chuyện của chính anh ta và rộng hơn là của thế giới anh ta sống”, Philip Roth nói. Trong các tác phẩm mang dáng dấp con người ông, không phải ngẫu nhiên mà ông thường lấy quê hương làm bối cảnh cho tác phẩm. Cuốn Lời khiếu nại của Portnoy được xem chính là những xung đột bên trong một người Do Thái ở độ tuổi 30 vô minh, phân biệt chủng tộc, đầy định kiến, không khoan dung trước bất cứ thứ gì-con người Philip Roth. “Tôi có được danh tiếng về văn chương, tình dục và thậm chí nổi tiếng vì điên rồ. Tôi nhận được hàng trăm bức thư mỗi tuần, trong số này không hiếm kèm theo những bức ảnh các cô gái mặc bikini. Tôi có nhiều cơ hội huỷ hoại cuộc đời mình”, ông phát biểu ở thời điểm bắt đầu trở nên nổi tiếng và được săn đón.

Philip Roth một mặt mang tầm nhìn minh mẫn và tinh tế về nước Mỹ hiện đại, mặt khác mô tả nội dung khiêu dâm, ngoại tình, sự cố chấp và tư tưởng khác lạ về người Do Thái ở Mỹ. Ông luôn kiên nhẫn giải mã giấc mơ Mỹ thông qua tác phẩm. “Văn học không phải cuộc thi về vẻ đẹp của đạo đức”, ông tuyên bố. Philip Roth thường xuyên bị dán nhãn kẻ căm ghét phụ nữ khi xây dựng các nhân vật nữ thiếu thiện cảm, thậm chí được giới phê bình dùng từ “cơn thịnh nộ không kiểm soát được” trút xuống đầu phụ nữ. Những tác phẩm cuối đời của ông đều thể hiện rõ ý định giã từ văn chương bằng những chiêm nghiệm, tổng kết về cuộc đời.

Nhiều lần lỡ hẹn với Nobel Văn chương dù luôn nhận được tỉ lệ đặt cược cao, Philip Roth được ghi nhận với nhiều giải thưởng khác như hai Giải thưởng sách quốc gia, Pulitzer, hai lần giải thưởng Hiệp hội phê bình sách quốc gia Mỹ, ba giải Faulkner. Năm 2011 ông nhận giải thưởng Man Booker quốc tế. Ông từng được Tổng thống Barack Obama trao Huân chương Quốc gia vì con người năm 2011. Dẫu vậy ông có tên trong đề cử giải Bad sex- dành cho tác phẩm miêu tả tình dục tệ nhất. Tác phẩm của Philip Roth từng được dựng thành phim: Americain pastoral, Elegy, Goobye, Columbus, Human stain, Portnoy’s complaint, Indignation (Sự phẫn nộ), Humbling.

MỚI - NÓNG