Quần đảo gần Hà Nội nhất: Còn nhiều điều chưa khám phá

Kayak là cách không nên bỏ qua để thưởng thức kỳ quan Lan Hạ. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà.
Kayak là cách không nên bỏ qua để thưởng thức kỳ quan Lan Hạ. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà.
TP - Cát Bà - quần đảo gần Hà Nội nhất có nhiều thứ không thể khám phá hết trong đôi ba ngày. Ngoài những cách vui chơi truyền thống như tắm biển, thăm vịnh, chèo kayak… treo mình trên những vách đá hứa hẹn là trải nghiệm dễ gây nghiện với những du khách ưa thể thao.

Bõ công vượt khó

Việc thăm thú Cát Bà càng thêm thuận tiện kể từ khi có cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á nối Hải Phòng với Cát Hải. Vào dịp nghỉ lễ như 30/4 vừa qua thì khó khăn hơn với du khách một chút, đặc biệt là những ai đi ô tô. Bởi từ Cát Hải vẫn còn một chặng phà mới tới Cát Bà. Một gia đình đi xe riêng từ Hà Nội cho hay đã phải chờ tại bến 4 tiếng mới lên được phà, tức là hơn gấp đôi thời gian đi từ Hà Nội đến Hải Phòng.

Khi rời hòn đảo trưa 1/5, tôi lại thấy một hàng dài xe lớn xe nhỏ xếp trước bến phà cả cây số, lực lượng chức năng tíu tít phân luồng. Còn tôi chỉ việc nhẹ nhàng vượt lên bằng xe máy. Đúng là hai bánh tuy đi chậm nhưng cũng có lúc mát mặt, không phải dãi nắng chờ phà.

Tiếp theo, bạn phải vượt qua nỗi tiếc tiền khi giá phòng đồng loạt tăng hơn gấp ba. Tức là loại phòng bình dân ngày thường chưa đến 300 nghìn đồng thì dịp này là 1 triệu đồng/đêm. Tuy nhiên một nữ du khách ở Hà Nội cho hay chị thuê hẳn bungalow gần Cát Cò 3 mà giá phòng vẫn chỉ 500.000đồng, chênh không đáng kể so với ngày thường. Bí quyết là đặt trước nửa tháng. Cát Bà quanh năm không lo vắng khách. Vì ngoài bãi tắm, quần đảo còn nhiều nơi thú vị khác: vườn Quốc gia, vịnh Lan Hạ, đảo Long Châu…

Mà nói thẳng bãi tắm không còn là thế mạnh của đảo, kể từ khi Cát Cò 1 và 2 đã và đang bị xâm lấn. Đến Cát Bà vào đầu những năm 2000, tôi đã tâm đắc với sự xinh xắn của hai bãi biển liền nhau, ngăn cách bởi một rạn đá đẹp như non bộ. Nhưng rạn đá đó nay hoàn toàn biến mất, thay bằng các bờ kè vô hồn. Một khu công viên nước (lúc tôi đến chả thấy ai chơi) nuốt già nửa diện tích của Cát Cò 2. Người ta cũng đào thêm vào núi để chuẩn bị xây nhà cao tầng nhòm xuống Cát Cò 1.

Cát Cò 3 là bãi biển chính của Cát Bà cũng trở nên nhỏ bé khi phải nhường chỗ cho một resort và một khách sạn cao tầng sắp đưa vào sử dụng. Thuở trước, từ Cát Cò 3, du khách chỉ có thể đi bộ theo hành lang ven núi để đến với Cát Cò 1 và 2. Nhưng con đường nhựa xẻ núi từ khi mở ra đã biến hai bãi tắm thành điểm nóng bất động sản, đồng nghĩa với vẻ đẹp tự nhiên “nguội” đi trông thấy. Cát Bà còn ít nhất hai bãi tắm nữa kém sắc hơn, trong đó có một bãi rộng bắt đầu thu hút du khách, chủ yếu là Tây bụi.

Một điểm tham quan không nên bỏ qua khi đến đảo là Pháo Đài Thần Công. Ngoài hiện vật là hai khẩu pháo tầm bắn 40km từng khai hỏa trong hai cuộc kháng chiến, nơi này còn một hệ thống giao thông hào, hầm trú ẩn… được xây dựng từ 1942. Nhưng mấu chốt chính là điểm ngắm bình minh. Khi tôi đến dù là buổi chiều nhưng cảnh rừng cây và vịnh Lan Hạ từ độ cao 170m vẫn đủ sức níu chân nhiều du khách hàng tiếng đồng hồ.

 Rẻ vẫn xắt ra miếng

Khi được chào mời tour trọn ngày thăm vịnh Lan Hạ kèm bữa trưa mà chỉ có 350.000đồng/người, tôi gật đầu ngay. Giá rẻ thì không thể đòi hỏi cao, nhưng nếu bạn có đồ ăn thêm đem theo chắc vẫn tốt hơn.

Du khách được tham quan Cát Dứa (đảo Khỉ), hang Tối hang Sáng, bãi tắm Ba Trái Đào... Mỗi chỗ một tiếng. Như thế là hơi ít. Thời gian đó với Cát Dứa chỉ đủ để chọn một trong hai: hoặc tắm biển hoặc leo núi. Chèo kayak mà không có đèn pin và HDV thì cũng chẳng thể vào hang Tối. Một số hộ dân sống trên thuyền sẵn sàng cung cấp dịch vụ đưa đò thăm hang cho những ai lười kayak. Dù sao hai hang Sáng cũng khiến tôi hài lòng. Một trong hai hang có nhiều nhũ đá lủng lẳng có vẻ khá nguy hiểm với du khách không đội mũ bảo hiểm, nhưng rồi cũng không có gì xảy ra.

Quần đảo gần Hà Nội nhất: Còn nhiều điều chưa khám phá ảnh 1 Leo núi - trải nghiệm du lịch mạo hiểm mới ở Cát Bà. Ảnh: Mr.Zoom.

Nói chung kayak giúp ta cho ta một trải nghiệm mới về vịnh Lan Hạ mà không thể có được nếu chỉ ngồi ngắm từ trên tàu. Điều đáng tiếc là khi chui qua hang vào một vùng nước vây quanh bởi núi (hang là cửa vào duy nhất) thấy không ít rác trôi nổi dật dờ. Nước sát chân núi nổi váng. Khi tàu dẫn khách đến Ba Trái Đào, mọi người đều lần lữa chẳng muốn xuống vì bãi cát hóa ra bé tí, phần nổi lên chắc được 3m2. Nhưng xuống rồi, thích quá lại không muốn lên. Phần gần doi cát, nước rất nông, lộ rõ đáy biển trắng phau toàn cát và vụn san hô. Mọi người trầm trồ về độ sạch của bãi tắm, mà không biết đang vui chơi trên nghĩa địa san hô. Tức là cách đây chỉ hơn chục năm nơi đây còn có thể lặn ngắm san hô. Tôi biết được điều này qua Dũng (Mr. Zoom)- một cựu lái tàu du lịch trên vịnh Lan Hạ. Cách đây 3 năm, anh mở ra thêm một trải nghiệm mới cho du khách khi đến với Cát Bà: leo núi. Cụ thể là leo vách núi.

Tôi tình cờ biết tới dịch vụ của anh khi lạc vào một con ngõ nhỏ dẫn đến một thung lũng giữa vòng cung núi đá có biển đề “Hidden valley”. Đây chính là điểm đầu của hành trình leo núi trên cạn do đội của Mr.Zoom cung cấp. Có 3 đường leo khác nhau được thiết kế từ dễ đến khó. Du khách đeo dây bảo hiểm, khi nào mệt có thể buông tay không sợ rơi. Còn leo núi trên vịnh Lan Hạ thì cứ việc buông mình thẳng xuống nước. Điểm rơi được khảo sát trước đảm bảo không đá ngầm.

Giá niêm yết từ 35-50USD/khách nửa ngày leo núi cùng HDV. Mr.Zoom cam kết bớt 10% cho người Việt và miễn phí hoàn toàn với người Cát Bà. Anh từng bán nhà hàng để khởi nghiệp leo núi và hiện vẫn lấy nguồn thu từ những việc khác để bù vào công ty. Lúc nào anh cũng sẵn trong tay vài HDV ngoại mà không phải trả lương. “Cộng đồng những người leo núi sống theo kiểu võ đạo, không màng tiền bạc, chỉ cần được leo núi và truyền đam mê đó cho mọi người,” anh khẳng định. Đội của anh định kỳ vẫn rủ nhau đi vớt rác trên vịnh Lan Hạ. Nếu có điều gì đó lôi cuốn tôi trở lại Cát Bà, đó chính là leo núi.

Tất cả các vé thắng cảnh ở Cát Bà đều có giá 40.000đồng/người. Tại động Trung Trang (dài 300m trong lòng núi) bạn có thể mua vé vừa vào động vừa thăm vườn quốc gia. Tuy nhiên muốn vào ao Ếch lại phải mua vé riêng. Ao Ếch (hồ chứa nước ngọt sâu và lớn nhất đảo) cách đường nhựa tầm 7km, lối leo dốc và lâu ngày không được phát quang, cần cân nhắc trước khi tham quan.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.