Quanh dư luận xây đền thờ Nguyễn Trãi: Không xây mới, chỉ mở rộng

Khu vực đền thờ Nguyễn Trãi tại xã Nhị Khê
Khu vực đền thờ Nguyễn Trãi tại xã Nhị Khê
TP - Trước thông tin về dự định xây thêm đền thờ Nguyễn Trãi mới cạnh đền thờ cũ được xếp hạng Di tích Quốc gia, Trưởng BQL Di tích và Danh thắng Hà Nội khẳng định không có chuyện xây đền thờ mới.

NÂNG CẤP

Ông Trương Minh Tiến, nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội - chủ trì hội thảo khoa học “Xây dựng khu lưu niệm anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi” hôm 25/10- khẳng định không có chuyện xây mới hay xây thêm đền thờ Nguyễn Trãi. Các nhà khoa học dự họp đóng góp ý kiến xung quanh đề án xây dựng khu lưu niệm Nguyễn Trãi. Ông Nguyễn Doãn Văn, Trưởng BQL Di tích Danh thắng Hà Nội khẳng định với Tiền Phong không có chuyện xây mới. Mà chỉ là địa phương đề xuất mở rộng nhà thờ và quần thể di tích này thành khu lưu niệm.

Di tích Nhà thờ Nguyễn Trãi được xếp hạng cấp quốc gia từ năm 1964 nằm trong khu đất dòng họ Nguyễn tại xã Nhị Khê, huyện Thường Tín. Đền thờ trải qua nhiều dịp tôn tạo: Năm 1980 nhân kỷ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi, địa phương xây thêm vào quần thể di tích này hồ bán nguyệt, và khu vườn đặt bức tượng của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo. Năm 2004, huyện lập dự án tu bổ đền thờ do xuống cấp, xây phương đình trong khuôn viên Ao Huê, Vườn Ổi - vốn là nơi cụ Nguyễn Phi Khanh xưa từng dạy học.

“Mặc dù được tu bổ tôn tạo nhưng nhà thờ Nguyễn Trãi có quy mô nhỏ, nằm trên khuôn viên đất tư do dòng họ quản lý. Khu Ao Huê, Trại Ổi lại nằm cách nhà thờ 500m, các hạng mục kiến trúc nhỏ hẹp. Vì vậy khu di tích chưa xứng với tầm vóc, vị thế một danh nhân văn hoá thế giới, anh hùng giải phóng dân tộc”, bà Lê Thị Liễu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho hay. Bà Liễu nói huyện mong mỏi có một khu di tích lịch sử văn hoá khang trang, xứng tầm. Hội thảo khoa học này trước hết là dịp đánh giá một lần nữa vị thế của Nguyễn Trãi, củng cố tư liệu và giải pháp phát huy Nhà thờ Nguyễn Trãi.

Huyện Thường Tín bước đầu trình phương án thiết kế xây dựng Khu lưu niệm danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi tại khu vực Ao Huê, Vườn Ổi với diện tích khoảng 3,5 ha. Khoảnh đất này nằm ở bìa làng, hiện có cổng và tường bao quanh, cùng phương đình trong khu vực Ao Huê. Một số hạng mục xuất hiện tại khu tưởng niệm trong tương lai: nhà lưu niệm trưng bày hiện vật, khu giáo dục truyền thống lịch sử, sự nghiệp, đóng góp của Nguyễn Trãi và không thể thiếu hệ thống công trình phụ trợ về dịch vụ và trải nghiệm di sản phục vụ du khách trong nước, quốc tế.

THẬN TRỌNG

Trước thuyết minh của lãnh đạo huyện Thường Tín về quy mô nhỏ của đền thờ Nguyễn Trãi hiện nay, KTS.TS Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích nêu quan điểm xây dựng công trình lưu niệm, tưởng niệm thể hiện thái độ và tấm lòng với danh nhân: “Những công trình đó không nhất thiết phải có quy mô lớn. Quy mô lớn, kích thước khủng không phải là thước đo sự vĩ đại của danh nhân hay tấm lòng của chúng ta với tiền nhân”.

Khẳng định chủ trương bảo tồn di tích nhà thờ và xây dựng khu lưu niệm Nguyễn Trãi là việc làm thiết thực, xứng tầm công lao của Nguyễn Trãi, ông Nguyễn Doãn Văn, Trưởng BQL Di tích Danh thắng Hà Nội băn khoăn về phương án thiết kế. Ông phân tích: Nguyễn Trãi được nhân dân phụng thờ ở nhiều nơi như Côn Sơn (Hải Dương), đền Khuyến Lương (Hoàng Mai, Hà Nội) vì vậy thiết kế xây dựng khu lưu niệm phải đảm bảo đồng bộ, hài hoà giữa chỉnh thể của toàn bộ khu vực. Phải đảm bảo đan cài, bổ sung thành phần tư liệu để dẫn dắt mọi người tìm hiểu thêm về Nguyễn Phi Khanh gắn với khu Vườn Ổi, Ao Huê. Không nên xây nhiều hạng mục trong khuôn viên, tránh dàn trải.

PGS.TS. Trần Lâm Biền góp ý: khu Vườn Ổi, Ao Huê nên được tổ chức lại nhưng phải giữ được vẻ gần gũi với thiên nhiên, không nên tạo những lối đi như công viên mới. “Không nên mở rộng vườn ổi, ao sen vì vườn này đã định hình, song vẫn có thể tạo ra một Công viên Ức Trai ở liền kề như mong muốn của địa phương. Như thế hai khu mới - cũ không thôn tính lẫn nhau”, ông nói.

Sau khi phân tích đề xuất dự án xây dựng khu tưởng niệm Nguyễn Trãi, PGS.TS Nguyễn Công Việt, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia ủng hộ ý tưởng này. Ông cho rằng dự án cần đảm bảo đầy đủ tiêu chí, cơ sở pháp lý, trong đó phải đặt khu lưu niệm này trong tương quan văn hóa chung của Thường Tín.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam cũng nghĩ tới việc cần xây dựng không gian văn hoá cộng đồng đa chức năng ở khu vực Trại Ổi. “Dự án này cần trở thành bộ phận của dự án tổng thể bảo tồn di sản văn hoá làng Nhị Khê. Không gian đó phải góp phần phỏng dựng lại phần nào khung cảnh cổ xưa, nhất là tính chất của làng hiếu học và làng nghề”, ông nói.

Theo KTS Lê Thành Vinh, xu hướng xây dựng các khu tưởng niệm, lưu niệm quy mô không những không tạo được hiệu ứng về lịch sử văn hoá, ngược lại tạo sự cách biệt giữa con người hiện tại với các nhân vật được thờ phụng.

Quanh dư luận xây đền thờ Nguyễn Trãi: Không xây mới, chỉ mở rộng ảnh 1 Bức tượng Nguyễn Trãi của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo đặt trong khuôn viên nhà thờ tại Thường Tín
MỚI - NÓNG