Sành sống

TP - Hè 2018 Anthony Bourdain ra đi, thế giới nhớ bài báo về nỗi đau ẩm thực; xuân 2019 Susan Sontag trở lại khi tùy bút đầu tay được MET chọn làm ý tưởng chủ đạo cho Gala Mùa xuân về Camp (Ngông) - trường phái thẩm mỹ phá cách táo bạo. Hai nhân vật gốc New York này không chỉ viết về Biết ăn và Biết mặc, cuộc đời họ là biểu tượng Biết sống, hay đúng hơn–Sành sống.
Tờ Time lập tức mô tả MET Gala sắp tới, bao gồm buổi trình diễn của nhà mốt tài trợ Gucci, là “quái dị và phô trương”, với đoàn đoàn lũ lũ váy áo kỳ quái quá quắt, tác phẩm của Alessandro Michele. Chẳng lẽ thẩm mỹ chủ đạo thời nay lại sa sút khốn cùng đến mức này chăng? Không rõ Time khen hay chê dự án của bảo tàng uy tín hàng đầu thế giới, song chắc chắn đây là dịp để nhân loại chiêm nghiệm về những động thái bột phát quá đà trong đời sống văn hóa, kinh tế và chính trị đương đại. Theo cách những tên tuổi, chưa chắc đã sành nghệ thuật, sẽ góp mặt vào chương trình Ngông - những dấu ấn thời trang: Anna Wintour, Andrew Bolton, Lady Gaga, Serena Williams và Harry Styles.
Sành sống ảnh 1 Joie de vie- niềm vui sống. (Tác giả chụp tại vùng rượu vang Bourrgogne
nước Pháp, mùa thu hoạch nho)
Một chủ bút kỳ cựu của tờ Vogue Mỹ, một chánh giám tuyển sắc sảo của Viện trang phục MET, rồi hai ca sĩ ăn khách, một nổi lâu một mới nổi, hay nữ danh thủ quần vợt thượng thặng tất đều giỏi, lành nghề hay sành nghề. Song gu thẩm mỹ của họ có tốt không? Họ có phải là những Người Sành thực thụ trong thưởng thức không? Riêng việc Ngông, 54 năm sau khi được Susan Sontag ưu ái trong Những ghi chép về Ngông, lần nữa được vinh danh trong một thánh đường nghệ thuật khiến giới quan tâm tự vấn đâu là giá trị thẩm mỹ đích thực trong đời sống, dựa trên đó có chuẩn mực nào cho Người Sành?
Nguyễn Tuân là người sành đi tới mức nghe một người nói có thể biết người ấy đi nhiều hay không (Chiếc va-ly mới). Ông lại là người sành ăn, biết tường tận văn hóa, giá trị thẩm mỹ và lai lịch nhiều món ăn; trong những tùy bút kinh điển như Cốm, Phở hay Giò lụa. Ông cũng là người sành rượu, hãy xem ông tả cách một ông lão nghèo mút chiếc đinh nhúng vào chén rượu được các cô hàng gánh qua các cửa ô Hà Nội thí cho. (Yêu Ngôn)
Nghe người sành rượu Nguyễn Tuân thưởng môt chung rượu nếp gia chủ mời, thấy trong đó sự biết của ông thấm sâu và nồng nàn như rượu: “Đây là thứ rượu nấu từ  nếp lức và có hồ rượu. Lớp váng của tinh dầu cám, và gạo nếp lức nổi mong trên mặt rượu nói lên điều đó. Thả sợi tóc có thể nổi trên mặt chén. Nên rượu có màu ngà đục. Thơm thuần. Hậu. Rượu này nên uống ít người. Phải là bạn tâm giao lâu ngày... Đông người uống loãng mất hương. Phí”. (Góp mặt hầu rượu Nguyễn Tuân – Nguyễn Tham Thiện Kế). Người Sành truyền cảm hứng và niềm vui sống trước khi truyền kiến thức cho người khác. Không phải nhà văn nào cũng sành chữ như Nguyễn Tuân; ông không ngắm hoa mà “đọc hoa” quỳnh nở, để thấy “cánh nó lẩy bẩy như những tiếng thơ còn ngập ngừng trên bản thảo” (Trang Hoa)
Sự biết của người sành là “tự mình biết riêng mình” (Trịnh Công Sơn). Nguyễn Tuân “không thích hoa quỳnh lắm” vì mùi hương “không thuần”, “phảng phất mùi chết”. Không giống các chuyên gia có kiến thức sách vở chính thống, hay phần không nhỏ các nhà văn nhà báo nghệ sĩ nghĩ thay người khác. Nguyễn Tuân hay Anthony Bourdain và Susan Sontag là những người viết cho số đông song vẫn giữ được cái tôi tuyệt đối khi thưởng thức hương vị cuộc sống riêng. Hơn thế họ may mắn có được và biết tận hưởng sự tự do thưởng thức. Họ là những người sành Tự do (Connoisseur of Liberty – chữ tiếng Anh của Susan Sontag). Tự do cho phép họ “mở rộng vô hạn định các cơ hội” (Susan Sontag).
Sành sống ảnh 2 Anthony Bourdain không chỉ sành ăn.
Anthony Bourdain tự do đi khắp thế giới, “trước hết vì tò mò và khát khao khám phá” những vùng đất mới và những món ăn mới; ông không ăn trên máy bay để đến nơi với cái bụng đói. Trong Đừng ăn trước khi đọc những điều này, ông chỉ rõ nhà bếp là nơi giữ những bí mật khủng khiếp cùng nguy cơ thức ăn ươn thiu độc hại. Nhưng ông vẫn mê ánh đèn nhà bếp. Sự hiểu biết kèm đam mê phân biệt người sành và chuyên gia. Người sành biết yêu và lựa chọn sự không toàn hảo. Họ có bí quyết riêng, như Anthony Bourdain ăn bất cứ đâu trừ nơi có nhà vệ sinh không sạch sẽ. Người sành ăn khác người ăn sang (Gourmet) ở chỗ họ biết lược bỏ nhiều tiêu chuẩn cầu kỳ rườm rà hay đắt đỏ. Người sành rượu vang không chọn rượu như một “sommelier”. Họ có thể chọn rượu trẻ ít tiền nhưng vài năm tới thành rượu ngon; hoặc những chai từ một hầm rượu nhỏ không tên tuổi nhưng ẩn chứa hương bưởi man mác pha mùi mật những loài hoa dại miền Nam nước Pháp; thi thoảng có cả mùi của những tấm khăn linen trắng phơi trong nắng thu.
Người Sành thường không học trường lớp bài bản, họ học từ trường đời. Sành không phụ thuộc vào hoàn cảnh xuất thân. Không phải ai đẻ bọc điều và có cơ hội tiếp xúc với cái hay cái đẹp từ tấm bé như Daphne Guinness hậu duệ nhà làm bia xứ Ireland cũng trở thành người sành thời trang và hội họa như nàng.Thiếu nữ Gabrielle nhỏ bé nghèo nàn học lỏm kiểu mũ của các cô gái đi ngang cửa mà tự  khâu mũ và ăn vận trước khi trở thành Coco Chanel sành mặc cho mình và cho muôn vàn đàn bà khác. Con cái nhà trung lưu và bình dân thường từ nhìn thấy mà thèm, rồi lần mò học hỏi mà trở nên sành. Có khi sự thèm muốn ấy bắt nguồn từ những hoài niệm quá khứ. Cô bạn dân phố cổ bảo từ nhỏ đã nghe bà cô kể chuyện ngâm củ cải phơi nấm theo từng mùa trong năm mà ham tìm hiểu để sành nấu nướng các món ăn lễ lạt.
Người Sành thường có khiếu thẩm mỹ và độ nhạy cảm độc đáo khác thường. Những phẩm chất ấy giúp Susan Sontag và Anthony Bourdain, tới Hà Nội trước sau non nửa thế kỷ, có cảm nhận mỗi người mỗi vẻ. Không vì Hà Nội đón một người trong thời bom đạnvà đón người kia trong thời làm ăn rộn rã. “Chuyến đi Hà Nội” không giúp Sontag gần gũi Việt Nam hơn, theo bà cuộc sống ở đây không đa chiều như ở Mỹ, ngôn ngữ và tư duy của những người tiếp xúc với một nhà văn Mỹ phản chiến như bà- tỏ ra đao to búa lớn hay đơn giản ấu trĩ. Không hẳn chính xác, nhưng đó là cái nhìn rất sành về Hà Nội thời ấy.
Đọc những người sành như họ dễ thấy xúc động trước cách thưởng thức cuộc sống không định kiến và rộng lượng. Sành và rộng lượng như Sontag mới viết được một tùy bút đáng giá về trường phái Ngông vốn xuất phát từ giới đồng tính và phổ biến trong giới trung lưu phương Tây. Sontag cho rằng Ngông đã giúp thế giới mỹ học “trải nghiệm sự thắng thế của hình thức trước nội dung, vỏ ngoài đẹp đẽ trước tư cách bên trong, và nghịch cảnh trước thảm họa”. Thế nên những nhân vật sẽ tham gia chương trình Ngông của MET Gala mùa xuân 2019 cũng có thể là những người sành; dù tôi không thích mái tóc cắt bốp và những bộ cánh chỉn chu an toàn của Anna Wintour, vẻ ẻo lả của Harry Styles hay vóc vâm váp của Serena Williams. Tôi thích Hồ thiên nga của Tchaikovsky, Lady Gaga trẻ trung hay Cher luống tuổi, những tác phẩm và nghệ sĩ phục sức và trình diễn rất Ngông.
Sành sống ảnh 3 Ai bảo cò hồng là giả.
Cả những món đồ mang vẻ “giả tạo, lòe loẹt, cường điệu” khác thuộc trường phái thẩm mỹ này cũng hấp dẫn tôi: Những chiếc chụp đèn Tiffany, những pho tượng chú lùn khổng lồ hay những con cò giả hồng tươi. Mà cò hồng thì tôi thấy thật rồi, ở đảo Bonaire mùa hè năm ngoái. Cả ngàn con đẹp rực rỡ như cò giả. Lúc ấy không còn thấy những con cò giả quê kệch nữa, mới biết càng đi đầu óc càng mở ra. Có lẽ, trước khi trở thành người sành có phẩm vị cao, nhiều khi kiêu kỳ và gồng kiểu Victoria Beckham, hãy cứ vui hưởng mọi thứ hấp dẫn bản thân một cách tự tin và cởi mở, có sành được hay không thì còn tùy duyên./.

Người Sành (Connaisseur-– thuật ngữ gốc Pháp) là người có phẩm vị cá nhântinh tế và sâu sắc. Sành là khả năng thụ hưởng và thấu hiểu một món hay một lĩnh vực nhất định với độ nhạy cảm đặc biệt. Người Sành là người biết sâu, biết rộng với tâm thế trân trọng, đam mê và tò mò; nhằm tự thỏa mãn bản thân trước hết.

Anthony Bourdain có cảm tình với các nước thuộc nền văn minh trồng lúa Đông Nam Á, riêng Hà Nội “làm thay đổi cuộc đời tôi” (không biết bao nhiêu nơi chốn đã làm đời ông thay đổi), vì lòng mến khách và vì thức ăn tuyệt ngon.

MỚI - NÓNG