Nghệ thuật nằm ngoài cửa

Nghệ thuật nằm ngoài cửa
TP - Tiếng trẻ con ríu rít chạy quanh nhà, đôi mắt của tay “tướng cướp Bạch Hải Đường” (trong phim “Truy lùng băng Thuỷ Gió” của đạo diễn Tự Huy) không ánh lên vằn vện, thay vào đó là một đôi mắt hạnh phúc, đang reo theo tiếng nô đùa của đám trẻ.
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng.

Võ Hoài Nam vẫn áo sơ-mi thùng, quần bò mài bụi bặm, phóng khoáng ngồi trò chuyện với tôi tại tư gia (quán nhậu “Bạn tôi”). Anh từng có những vai diễn xuất thần khiến những cô gái thế hệ 7X, 8X yêu mến. Nhưng ít người biết, Hoài Nam có một cuộc sống khác, mà nghệ thuật ở ngoài cửa.

Tôi không là sao

Là khuôn mặt mới triển vọng nhanh chóng nổi tiếng ở những năm 90, Võ Hoài Nam trở thành một hiện tượng màn ảnh ở miền Bắc. Lần đầu tiên anh xuất hiện với vai chính trong phim nhựa “Truyền thuyết tình yêu thần nước” của đạo diễn Hà Sơn.

Hà Sơn nhận xét: “Tiềm lực, khả năng diễn và cảm xúc của Võ Hoài Nam rất tốt. Cậu ấy là diễn viên có nội lực. Với phim ấy, Nam đóng quên mình để khẳng định với nghề. Tiếc rằng, tư duy thời ấy hơi khác nên bộ phim không được giải và Nam cũng không được công nhận. Tôi thấy, với nền điện ảnh như ở ta thì rất phí cho những người như Võ Hoài Nam”.

Sau này, Võ Hoài Nam tham gia trên dưới 10 phim nhựa của các đạo diễn khác như Tự Huy, Lưu Trọng Ninh, Trần Phương, Đặng Nhật Minh… Và gần đây nhất, Nam tham gia phim “Vua bãi rác” của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn (năm 2003). Anh vào vai nhân vật chính tên Trọng, đạo diễn lựa chọn anh vì “gương mặt rất điện ảnh, diễn rất tốt”. Bộ phim mang lại cho anh giải “Diễn viên trẻ xuất sắc” tại Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 47 tại Pusan.

Thế nhưng, Nam đột ngột ngừng diễn, về nhà cùng vợ mở quán nhậu, đi từ Bắc vào Nam rồi lại kéo nhau ra Bắc. Người trong nghề thì ái ngại cảnh vợ con lóc nhóc, nhưng anh “hài lòng bởi những thứ mình đang có, không khổ đau bởi những thứ mình còn thiếu”. Nhiều người không hiểu chuyện cho rằng: Võ Hoài Nam hét cát - sê cao ngất, không ai dám mời. Có người lại nói: Nam quá thông minh, nhạy cảm, biết được đạo diễn dốt ở chỗ nào, nên nhiều đạo diễn sợ không dám mời.

Hoài Nam vui cùng vợ con
Hoài Nam vui cùng vợ con.

Nam cho mình cái quyền “không muốn gặp” đạo diễn Đ.T.H, chỉ vì “H. lôi cả mấy chục công an ở Tam Đảo đi làm phim do mình đạo diễn. Quay đến 2-3 giờ sáng mà không có cho người ta một cốc nước, không mua cho người ta một cái kẹo lạc. Tôi mới gọi thư ký đi cùng tôi xuống dưới chân Tam Đảo. Tôi bỏ tiền mua hết tất cả các đồ, từ kẹo lạc cho đến rượu, gà. Khi mang đồ ăn về cả đoàn vui lắm, người đầu tiên bốc ăn lại là đạo diễn”.

Chuyện tưởng nhỏ nhưng Nam đưa thành triết lý: “Tôi thấy ở đời, cái quan trọng không phải anh làm được cái gì mà anh sống có được lòng người hay không. Anh đến đây đâu phải một lần, hoặc một lần thì còn các đoàn khác lên đây quay phim nữa, chứ đâu phải anh qua sông anh rút ván. Sau này, khi đi làm bất cứ phim nào, tôi đều quan tâm đến chuyện ăn, ở của anh em. Vài trăm ngàn tiền túi đáng gì”.

Nam dám mắng thẳng đạo diễn K.H, khi ông hẹn diễn viên 8h có mặt tại đoàn quay, mà mãi 9h ông ta mới có mặt. “Người ta sợ làm việc với tôi, vì tôi quá nghiêm túc trong nghề”. Với anh, việc mất vai không quan trọng, điều anh sợ nhất là làm việc không nghiêm túc.

Nam thẳng thắn: “Tôi đi làm phim, không để cả đoàn chờ mình đến một phút. Cách làm việc của người chuyên nghiệp nó khác, còn ngoài đời, buông máy quay lại là chuyện khác. Tôi là người quá trân trọng nghề nên tôi khinh những người không biết trân trọng nghề. Nếu không yêu nghề thì đừng làm nghề”.

Chính vì lẽ ấy, cho đến ngày hôm nay, dù được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, nhưng anh vẫn chỉ nhận mình là một diễn viên bình thường, một đạo diễn bình thường. “Tôi chẳng là ngôi sao nào cả”.

Nghệ thuật nằm ngoài cửa ảnh 3

Khát khao cuộc sống gia đình

Nhưng hình như cuộc sống gia đình mới là điều Nam coi trọng nhất. Với anh, niềm đam mê phim ảnh của mình, nỗi đau đáu nghề múa của vợ đều nằm ngoài cửa tổ ấm của họ. Yêu cô diễn viên múa Lan Anh từ hồi anh còn là hiện tượng điện ảnh, Lan Anh đang là sinh viên múa. Hai người sống với nhau như vợ chồng. Họ cùng chung những cơ cực như ăn nợ từng gói mì tôm, xe máy vứt một đống không đi vì... không có tiền đổ xăng.

Quý cuộc sống gia đình có lẽ vì Nam thiếu thốn chính điều đó. Bố mẹ anh đều là những trí thức Hà Nội nhưng hôn nhân của họ chấm dứt khi anh 2 tuổi. Cậu bé Nam 2 tuổi ở với cha. Người cha mà “chỉ ngồi 5 phút nói chuyện với nhau thôi, chúng tôi cũng không nói chuyện được”. Ba mẹ anh đều xây dựng gia đình riêng. Cho đến giờ Nam vẫn mặc cảm: “Hay tôi là sản phẩm hỏng, cha mẹ tôi vô ý sinh ra?”.

Cuộc sống hôn nhân của cha mẹ đã để lại một vết thương lớn, nên Võ Hoài Nam đã dọn dẹp cho mình một gia đình tròn trịa, tránh xa những nguy cơ tan vỡ dù là nhỏ nhất.

Nam cười buồn: “Võ Hoài Nam ngồi trước mặt chị đây 8 tuổi biết hút thuốc lá, 13 tuổi đi bụi đời, sống lang thang ở những bến xe, ga tàu lửa cùng với đám bạn bụi đời. Tôi từng bụng đói, ôm sách đi học, phải khóc vì thấy đứa bạn cùng lớp đang bị mẹ tát vì nó không chịu ăn sáng. Nhiều bữa cơm tối, vừa nghe tiếng họ hàng của mẹ kế sang chơi, tôi phải lập tức bê bát cơm chạy ra ngoài trời mưa đứng chỉ vì mẹ kế tôi không muốn họ hàng biết chồng có con riêng…”.

Anh rít điếu thuốc, cười nhạt: “Chợ đời đã dạy tôi rất nhiều. Chốn nào tôi cũng sa chân vào hết, nhưng chính vì thế mà tôi có những bài học đắt giá cho cuộc sống hiện tại. May mà tính tôi mềm lại được, chứ 20 năm trước chả ai muốn dây vào tôi vì tôi cũng chả ngại cái gì”.

Nhưng tất cả những điều đó trong con người Võ Hoài Nam đều được Lan Anh đồng cảm, chia sẻ. Chị tin và yêu anh. Bỏ nghề múa tại Đoàn kịch quân đội để về làm đầu bếp quán nhậu “Bạn tôi” (Ngõ 95 Chùa Bộc) cùng chồng, sinh cho chồng một cậu con trai và 2 cô con gái mắt tròn ve như mẹ.

Hoài Nam dịu lại khi nhắc đến những đồng nghiệp giàu có hơn anh, danh tiếng hơn anh nhưng hôn nhân rạn vỡ. “Nếu cô ấy vẫn đi múa xa nhà còn tôi đi đóng phim hàng tháng, gia đình sẽ tan đàn xẻ nghé, như vậy còn đau hơn. Cô ấy phải bỏ nghề, cùng tôi xây dựng gia đình này. Nhưng tôi biết Lan Anh cũng hiểu và hài lòng với cuộc sống đó, nếu không, cô ấy đã rời bỏ tôi rồi. Chúng tôi sống với nhau hơn chục năm, có 3 mặt con, hạnh phúc, vui vẻ. Tôi ngồi gặm nhấm điều ấy là thấy sướng rồi”.

Ít người là nghệ sĩ dám sống như Nam.

Định bán đất làm phim

Rời bỏ vai trò diễn viên 8 năm nay, Nam nói anh chán những vai diễn nhạt, những vai diễn không đủ hấp lực khiến anh thích thú hay đau khổ. Những vai diễn anh không tham gia, nhưng vẫn nhợt nhạt trên các phim truyền hình Việt mỗi tối.

Võ Hoài Nam học đạo diễn, tốt nghiệp làm phim đầu tay “Hoa mua đầu núi”, Nam cũng làm vài kịch bản như “Kẻ lộng quyền” (khai thác chuyện chống tham nhũng), một số kịch bản đã lên phim như “Rock-Rap” (đạo diễn Châu Huế), “Bức tường ngăn có 5 màu” (đạo diễn Đào Bá Sơn)... Nhưng anh “đóng máy tính cả năm nay rồi.

Mình không thể viết được vì cứ mở máy tính ra là đứa này gọi “Ba ơi! ị thối; Ba ơi! Sữa; Ba ơi! Con đói”. Vậy thì làm sao viết nổi.”Nam mong muốn làm được một bộ phim truyện nhựa với tư cách đạo diễn kiêm nhà sản xuất mà không cần nhà đầu tư. Anh dự định bán mảnh đất 2.000m2 tại Trúc Sơn (giá tương đương trên 40 tỷ đồng Việt Nam) để lấy tiền cho dự án làm phim của mình.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.